Được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp khoáng đạt, đầm Ô Loan gắn liền với truyền thuyết về nàng tiên tên Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Nằm dưới chân đèo Quán Cau, ven quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Tuy An, đầm Ô Loan là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

Đầm rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét, mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Là đầm nước lợ, đầm được cung cấp nước ngọt từ sông Cái và nối với biển qua một lạch nhỏ.

Đầm Ô Loan được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp khoáng đạt với không gian thoáng đãng và khí hậu trong lành, mát mẻ.

Từ đỉnh đèo Quán Cau (Quốc lộ 1) nhìn xuống có thể bao quát được toàn bộ khung cảnh thơ mộng của đầm.

Quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải với những vách đá nhô ra mặt nước, tạo nên những cảnh quan ấn tượng.

Ven bờ đầm có nhiều đồng ruộng và chòm xóm, mang đầy vẻ thanh bình của cuộc sống vùng đầm phá.

Từ xưa đến nay, vẻ đẹp kỳ vĩ của đầm Ô Loan đã trở thành thi hứng để các thi sĩ chắp bút viết nên bao vần thơ hay.

Có thể kể đến những câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu: Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan/ Nước trời cùng với mây liên hoàn/ Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở/ Khí mát lan bay sắc đẹp tràn…

Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng quen thuộc nhất là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Theo truyền thuyết, thuở xưa trên trời có nàng tiên rất xinh đẹp nhưng tính tình tinh nghịch và bướng bỉnh tên là Loan. Một ngày nọ, nàng mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát.

Khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay nên đã hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi – một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau. Sau này, người dân quanh vùng đã ghép chung tên chim Ô thước và nàng Loan, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm…

Vì là đầm nước lợ nên đầm Ô Loan có rất nhiều hải sản như hàu, sò huyết, tôm, mực, sứa, rau câu, điệp, cua… Trong đó, sò huyết đầm Ô Loan là đặc sản nổi tiếng, đã được xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực.

Với sự thuận lợi về điều kiện tự nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh ven bờ đầm, đem lại cuộc sống no ấm cho nhiều hộ dân.

Mỗi năm, đến mồng 7 tháng Giêng lễ hội cầu ngư lại được tổ chức ở đầm Ô Loan. Đây là một lễ hội lớn thu hút rất nhiều du khách tìm về.

Vào năm 1996, đầm Ô Loan đã được công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam.

Toàn cảnh đầm Ô Loan nhìn từ máy bay.

TH/ST