Bên cạnh kiến trúc độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn gắn với một cuộc tình của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras và thiếu gia người Hoa Huỳnh Thủy Lê…

Tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng với kiến trúc độc đáo cùng một câu chuyện tình không biên giới đầu thế kỷ 20.

Ngôi nhà cổ này do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa gốc Phúc Kiến nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc cho xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc.

Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258 m2, với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương.

Đến năm 1917, chủ nhân lại cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong.

Do đó, trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu phương Tây, mang lối kiến trúc La Mã – Phục hưng ở thế kỷ 17 thể hiện ở các cổng vòm, hệ thống cột với các hoa văn và phù điêu hoa lá.

Tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30-40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực.

Khi vào bên trong, ngôi nhà gây bất ngờ một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.

Nhà có ba gian, ngăn cách bằng các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc họa tiết về các chủ đề trong mỹ thuật truyền thống Trung Hoa.

Bàn thờ Quan Công được đặt ở giữa gian chính theo tín ngưỡng thờ Quan Công của người Hoa.

Một nét độc đáo trong các mô-típ trang trí của tòa nhà là theo yếu tố phong thủy, hình tượng tứ linh được thể hiện “long, lân, bức (con dơi), phụng”, mà không phải là “long, lân, quy, phụng”.

Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo.

Gạch men với hoa văn hoa lá kiểu Pháp được dùng để lát ngôi nhà đều được nhập từ Pháp.

Ở gian giữa nền nhà có vẻ như bị trũng. Đây là chi tiết xây dựng có chủ ý của chủ nhà, vì theo yếu tố phong thủy thì tiền tài chảy về chỗ trũng.

Tay nắm cửa hình tiêu đồ, linh vật giữ nhà theo quan niệm truyền thống Trung Hoa.

Bên cạnh các đồ nội thất truyền thống, ngôi nhà còn được trang bị nhiều vật dụng cao cấp phương Tây như Ti-vi, máy quay đĩa than…

Ở cửa chính của ngôi nhà có một khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa nhà không đóng cửa chính mà kéo khung cửa này lại. Ánh sáng và gió vẫn có thể lùa vào nhà, hàng xóm thấy khung cửa được kéo cũng sẽ không gọi làm phiền.

Sau khi ông Huỳnh Cẩm Thuận qua đời, người con trai út của ông là Huỳnh Thủy Lê nhận quyền thừa kế ngôi nhà.

Ngoài lối kiến trúc Đông – Tây độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn gắn với một cuộc tình lãng mạn của nữ nhà văn Marguerite Duras và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê, khi đó là con trai chủ nhân ngôi nhà.

Câu chuyện tình buồn ấy, về sau đã được bà kể lại trong tác phẩm của mình (L’Amant, tiếng Việt là Người tình). Năm 1984, cuốn tiểu thuyết được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp).

Năm 1986, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim cùng tên.

Phim Người tình được dàn dựng khá công phu với diễn viên chính là Jane March, Lương Gia Huy…. Trong phim có nhiều cảnh quay tại Việt Nam như: dòng sông Tiền thơ mộng, bến phà Mỹ Thuận náo nhiệt, thành phố Sài Gòn hoa lệ… và đặc biệt là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được lấy làm bối cảnh trong phim…

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn và trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Đồng Tháp.

Một số hình ảnh khác về nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Theo KIẾN THỨC