Ca dao xưa có câu:

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

Ngay mở đẩu ta đã nghe tới Nga Sơn, vậy đây là địa danh ở đâu? Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã một lần nghe qua câu này nhưng chưa biết rõ.
Nga Sơn là 1 huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, đến với Nga Sơn là đến với sự tích dưa hấu đỏ Mai An Tiêm, với cuộc khởi nghĩa Ba Đình hùng tráng, với động Từ Thức trứ danh,… đằng sau mỗi địa danh là một câu chuyện đầy màu sắc truyền thuyết kỳ ảo. Sau đây là những địa danh mà bạn không thể không ghé thăm khi đặt chân đến mảnh đất Nga Sơn.

1. Động Từ Thức

Động Từ Thức, xưa kia vốn có tên là động Bích Đào, do động vốn gắn liền với câu chuyện Từ Thức gặp tiên nên sau mới đổi thành động Từ Thức. Động khá rộng rãi và cao ráo, với vô vàn phiến đá, thạch nhũ kỳ ảo mà dân gian với trí tưởng tượng của mình gán cho nó thành những kho vàng, kho bạc. Vào trong sâu hơn, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những không gian khác nhau của động, mỗi không gian đều gắn liền với một câu chuyện về cuộc sống thần tiên của chàng thư sinh Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương, đó là bàn cờ tiên, là thư phòng, là phiến đá hình bồn tắm xinh xắn.

Ngoài cửa động có một miếu Sơn Thần nhỏ và một khoảng nhỏ có tạc bài thơ của Quế Đường tiên sinh Lê Quý Đôn khi ông vãn cảnh nơi này, đại khái bài thơ là chữ Hán và được dịch thơ như sau:

“Thần tiên vẫn bảo chuyện mơ màng
Động Bích Đào kia cỏ mọc hoang
Trời bể tìm tòi, mê huyện Thức
Nước mây chờ đợi, mệt nàng Hương
Vang om thạch động trăng gần sáng
Nhạt nhẽo diêm điền muối đẵm sương
Giấc mộng Thiên Thai mong mỏi mãi
Ai hay cũng chỉ hí du trường”

Động Từ Thức có lẽ là thắng cảnh phổ biến nhất mỗi khi nhắc tới Nga Sơn

2. Đền thờ Mai An Tiêm

Về Nga Sơn “say” huyền thoại:

Chắc hẳn mỗi người chúng ta, ai cũng đã được nghe kể sự tích dưa hấu đỏ và chàng Mai An Tiêm ngoài đảo hoang. Đảo hoang nọ chính là Nga Sơn ngày nay, với sự tích mang ý nghĩa dân gian sâu sắc, vào năm Duy Tân thứ nhất, vua sắc phong cho thôn Ngoại, huyện Nga sơn thờ phụng Mai Yển hiệu An Tiêm Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần. Đến năm Khải Định thứ 9, vua gia phong Đoan túc tôn thần, sắc cho thôn Ngoại tiếp tục thờ phụng. Đặc biệt chuẩn phong cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh.

Kết cấu của đền theo mô hình đình đền truyền thống của Việt Nam, đền có hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền bái, 4 gian Hậu Cung, có cổng tứ trụ theo truyền thống. Hiện đền thờ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, và vào những ngày 12 đến 15/3 âm lịch nơi đây lại diễn ra lễ hội dưa hấu Mai An Tiêm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân đến người đã có công khai phá nên mảnh đất trù phú này.

3. Cửa Thần Phù

Cửa Thần Phù là một địa danh nằm trên tuyến sông Nhà Lê, hiện nay thuộc ranh giới hai xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Nơi đây gắn liền với câu chuyện đời vua Lý Thái Tông. Theo Nam Ông Mộng Lục, một lần Nam chinh phạt Chiêm Thành, quân nhà Lý đã gặp phải sóng to gió lớn khi đến cửa biển này. May có một đạo sĩ giúp đỡ nên sóng yên bể lặng mà tiến quân, sau khi trở về đạo sĩ nọ đã quy tiên, vua thương tiếc cho lập đền thờ nơi cửa biển hồi nọ. Truy phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân” có nghĩa là vị chân nhân áp chế được sóng dữ. Và nơi đây có tên Thần Phù từ đó.

Cửa Thần Phù quy tụ hàng loạt các di tích như đền Áp Lãng, chùa Thần Phù, đình Phù Sa…

Liên quan đến vùng cửa biển Thần Phù có nhiều truyền thuyết nổi tiếng như: Sơn Tinh qua cửa biển về núi Tản; Vị thần Khổng Lồ Nguyễn Minh Không đơm đó, bắt cá; Từ Thức gặp Giáng Hương (xem Động Từ Thức); truyền thuyết Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang, truyền thuyết về võ ngựa quân binh Tây Sơn Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long, v.v…

4. Đền thờ Lê Thị Hoa

Đền thờ Lê Thị Hoa thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đền thờ được nhân dân lập nên nhằm tưởng nhớ công lao cũng như tấm lòng trung dũng với đất nước của nữ tướng Lê Thị Hoa.
Nữ tướng Lê Thị Hoa, vốn là một tướng dưới trướng Trưng Nữ Vương, bà nổi dậy ở đất Nga Sơn hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau khi đuổi Tô Định khỏi bờ cõi, bà từ chối chức tước mà chỉ xin về đất Nga Sơn, tiếp tục khai khẩn nơi đây. Ít lâu sau, Phục Ba Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, Hai Bà Trưng thất thủ, nữ tướng Lê Thị Hoa cùng quân dân chống trả quyết liệt, song thế địch mạnh hơn gấp bội, bà đã hy sinh anh dũng ngay tại vùng đất Nga Sơn.

5. Chùa Tiên

Chùa Tiên nằm ở xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một ngôi chùa có từ thời nhà Nguyễn, do một nữ tăng lập nên vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931), chùa được xây dựng dựa trên nền xưa đất cũ của vườn đào tiên, theo truyền thuyết tại chính vườn đào này, Từ Thức và Giáng Tiên đã lần đầu tiên gặp nhau. Xưa, vùng đất quanh chùa khá nhiều đào, tuy nhiên trải qua nhiều biến cô thăng trầm, nhiều hạng mục trong chùa đã xuống cấp và hiện đang được trùng tu, còn vườn đào năm xưa cũng chẳng còn.

Chùa Tiên hiện tại thờ Phật và thờ Mẫu, một là tôn giáo phổ biến nhất của Việt Nam, một là tín ngưỡng đã ăn sâu bén rễ vào đời sống tâm linh của người dân Việt Nam hàng trăm năm nay. Hiện tại chùa Tiên có một lễ hội chính diễn ra từ ngày 14 – 16/03 âm lịch hàng năm. Mùa xuân, chùa khai hội chính vào ngày rằm tháng ba. Đây có lẽ là quần thể thắng cảng đẹp nhất của mảnh đất Nga Sơn.

6. Khu di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình

Năm 1886, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phạm Bành và Đinh Công Tráng đã nổi dậy và họ quyết định chọn Ba Đình làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa, với ba làng là Mỹ Khê, Mậu Thịnh và Thượng Thọ. Điểm đặc biệt của cái tên Ba Đình là ở ba làng có 3 cái đình, đình của làng này có thể trông rõ đình của làng kia, hơn nữa khi vào mùa mưa, cả khu căn cứ nổi lên như một hòn đảo giữa biển khơi. Ngoài ra quanh căn cứ, lũy tre dày đặc cũng là một ưu thế khi hai thủ lĩnh chọn nơi này làm cứ địa. Rõ ràng, ưu thế phòng ngự vững chắc đã khiến Ba Đình trở thành nơi chôn thây nhiều quân Pháp.

Năm 1887, sau nhiều nỗ lực tấn công căn cứ thất bại, cuối cùng quân Pháp đã quyết định mở một cuộc tấn công quy mô với nhiều vũ khí vượt trội. Sau nhiều lần chiến đấu anh dũng đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của quân Pháp, căn cứ Ba Đình đã thất thủ. Sau đó quân Pháp đã ra lệnh triệt hạ cả ba làng của căn cứ, hòng xóa tên ba làng khỏi bản đồ.

Ngày nay, dấu tích của chiến khu xưa vẫn còn lưu lại trên mảnh đất Ba Đình. Hiện chiến khu thuộc xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mảnh đất Nga Sơn địa linh nhân kiệt, giàu lòng mến khách luôn rộng mở chào đón du khách gần xa tới thăm quan. Nếu một lần ghé qua Nga Sơn, xin đừng bỏ lỡ những nhịp cầu văn hóa đặc sắc này. Vùng đất Nga Sơn bao đời hiền hòa, yên bình bên sông Hoạt, nghiêng mình theo dãy núi Tam Điệp- ranh giới hai miền Bắc, Trung sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.