Lễ Ký có nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý”. Có người dịch như vầy: “Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường…”. Nhưng thế nào là “người có học”?
Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra.
Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc… Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra , thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả.
Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi… Sự tình ấy không phải lỗi gì nơi những người ấy, họ là nạn nhân của chế độ nhà trường ngày nay, mà tôi sẽ bàn đến ở một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những bằng cấp nói trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lý thuyết, nhưng về phần thực tế… họ đâu có hơn gì một con “Vẹt”. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và Hành cần phải hiệp nhứt mới được gọi là người “có học thức”.
Người xưa có ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…”. Học mà không tiêu hoá, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu… Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói… Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc. Georges Duhamel có nói: “Đừng sợ máy móc của bên ngoài… hãy sợ máy móc của cõi lòng…”. Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hoá đã đến ngày cùng tận rồi… mà tinh thần loài người rồi cũng đến lúc diệt vong: có xác mà không hồn… Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội ngày nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc “học thức nửa mùa” ấy gây nên?
Thế thì, học và học thức không thể lầm lẫn với nhau được. Ta cần phải để ý phân biệt hai lẽ ấy.
Thật vậy, có những sự hiểu biết chỉ bám ngoài da mà không thể ăn sâu vào tâm khảm của ta. Nó chỉ là một nước sơn bóng nhoáng và chỉ là một lớp sơn thôi… Cái học của ta không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn ta cả. Trái lại, cũng có nhiều thứ hiểu biết liên lạc với ký ức ta, với tư tưởng ta, với tình cảm dục vọng ta, nó hoà hợp với cái người tinh thần của ta không khác nào khí huyết tinh tuỷ đối với thân thể của ta vậy. Giữa những sự hiểu biết ấy và ta, có một thức tác động và phản động, xung đột nhau, hoà hợp nhau để thay đổi nhau và thay đổi luôn cả cái người của ta nữa…
Tôi muốn nói: giữa ta và những điều ta học hỏi phải có một sự tiêu hoá, hay muốn nói theo Kinh Dịch, phải có một việc thần hoá (thần nhi hoá chi) mới được.
Vậy, ta phải dành chữ “học thức” cho những bộ óc thông minh biết đồng hoá với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.
Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo cấp bằng của họ, những cấp bằng ấy phần nhiều là những cấp bằng trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai hoạ cho loài người hiện thời.
Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.
“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” – Biết, thì biết là mình biết, không biết thì biết là mình không biết, ấy mới là thật biết. Học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ không phải thuộc “lượng”.
Cái học mà đã được đồng hoá rồi thì không còn nói là cái học bên ngoài nữa. Cỏ mà bị chiên ăn rồi, không còn là cỏ nữa. Dâu mà bị tằm ăn, không còn gọi là dâu nữa.
Học, cũng như ăn…
Thu Giang Nguyễn Duy Cần