Hiện nay tại Sài Gòn còn rất nhiều tòa nhà cổ do người Pháp xây dựng, tuy nhiên ít ai biết rằng từng đã có một công trình do người VN tự thiết kế và thi công từ năm 1862, như niềm tự hào cho tài và trí của người Việt xưa.

Một công trình độc đáo
Năm 1858, Pháp nổ súng vào Đà Nẵng và chỉ một năm sau thì chiếm thành Gia Định. Lúc này, do chiến tranh loạn lạc nên trẻ em mồ côi đói rách, lang thang cơ nhỡ… bị bỏ rơi khá nhiều, lại thêm bệnh dịch tả hoành hành dữ dội tại Sài Gòn – Gia Định. Đức cha Dominique Lefebvre, lúc ấy là Giám quản tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong, thấy tình cảnh quá cấp thiết đã viết thư mời các nữ tu dòng Thánh Phaolô đang làm việc tại Hồng Kông sang tiếp sức và họ tới Sài Gòn ngày 20.5.1860.
Tòa nhà La Sainte Enfance hiện nay – Ảnh: Quỳnh Trân
Để có chỗ ở ổn định cho các sơ cùng trẻ mồ côi, được sự giúp đỡ kinh phí của giáo hội bên Pháp và nhiều người Việt thiện nguyện, mẹ Benjamin (vị sáng lập và bề trên tiên khởi dòng Thánh Phaolô tại Viễn Đông) và mọi người bắt đầu lên kế hoạch xây dựng Nhà Giám tỉnh ở số 4 Boulevard de la Citadelle (nay là Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM).
Nữ tu Anna – phụ trách Văn khố dòng Phaolô cho biết: “Việc xây dựng ngôi nhà nguyện có kiến trúc Gothic này được thực hiện là nhờ một chủng sinh gọi là thầy Học (hay thầy Lân), chính là Nguyễn Trường Tộ, được Đức giám mục Gauthier tin tưởng giao phó. Bản vẽ kiến trúc do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế các khu nhà theo hình chữ U, gồm 3 khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, không gian xung quanh là những bức họa, mái vòm uốn lượn và đặc biệt là một cây tháp vươn cao nhất Sài Gòn mà thuyền bè ngược xuôi trên sông đi ngang qua đều thấy…”.
Bên trong nhà nguyện khi trùng tu lối kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ vẫn được giữ nguyên vẹn – Ảnh: Quỳnh Trân

Tòa nhà có tên gọi La Sainte Enfance bắt đầu khởi công năm 1862 và khánh thành vào năm 1864. Theo nữ tu Anna, công trình có lối kiến trúc độc đáo gồm 3 tầng: trệt, giữa và tầng trên mà các nhà thờ lúc đó ở Sài Gòn không có. Phần xây dựng trên mặt đất sử dụng hoàn toàn bằng gỗ, có chạm trổ, điêu khắc hoa văn rất tinh xảo. Sử dụng được 20 năm thì xuống cấp, do mối mọt nên phải trùng tu lại nhưng giữ nguyên vẹn theo bản vẽ của Nguyễn Trường Tộ.

TH/ST