Sau khi đọc chiếu thoái vị chiều 30/8/1945, cựu hoàng Bảo Đại đã xin giữ lại cung điện do vua cha Khải Định xây dựng để cùng gia đình dọn ra khỏi Hoàng thành về đây sinh sống.


Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu (TP Huế), được vua Khải Định cho xây dựng năm 1917. Sau lễ thoái vị chiều 30/8/1945, cựu hoàng đã đưa mẹ là bà Từ Cung, vợ Nam Phương cùng con cái và người hầu cận về cung An Định sinh sống.


Hiện tại, cung điện rộng khoảng 750 m2 này là nơi tham quan của du khách khi đến Huế. Sau cánh cổng được sơn son thếp vàng là tòa cung điện nguy nga.


Tòa cung điện 3 tầng với hơn 20 phòng được gọi với là Khải Tường Lâu. Trong căn phòng chính giữa ngay lối vào, vua Khải Định cho vẽ 6 bức tranh tường mô tả những khu lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn. Bức tượng vua trước đây từng đặt ở Đình Trung Lập (ngay phía cổng vào), nay được đưa vào trưng bày tại đây.


Trần của Khải Tường Lâu được trang trí hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Cung điện đã nhiều lần được bảo tồn, phục dựng với mong muốn đưa về lại nguyên bản.


Bên trái của căn phòng chính là phòng tiếp khách với bộ bàn ghế mang đậm nét cổ xưa, pha lẫn với phong cách phương Tây.


Đối diện với phòng khách là phòng ăn rộng, có một chiếc bàn dài và ghế dựa, xung quanh là những chiếc tủ cổ.


Tủ cổ đều được chạm khắc tinh xảo, phía dưới tủ chạm nổi họa tiết đầu rồng. Hiện nay, các tài liệu về việc bài trí nội thất Khải Tường Lâu hầu như không còn, nên không thể tái hiện chính xác.


Cầu thang dẫn từ tầng 1 lên tầng 2 của cung điện mang đậm phong cách phương Tây.


Sau khi cùng gia đình dọn về cung điện, vua Bảo Đại cũng sớm ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ cách mạng lâm thời, chủ yếu chỉ có Đức Từ Cung và hoàng hậu Nam Phương cùng con cái sống ở cung An Định. Trên tầng 2 hiện được kê một chiếc phản lớn, được xác định chính xác là phòng của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (Đức Từ Cung).


Một số hình ảnh của vua Bảo Đại và gia đình đang được trưng bày ở cung điện.


Một bức tranh chân dung Hoàng hậu Nam Phương được vẽ năm 1944. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cung An Định cũng không còn giữ được những nét đẹp ban đầu.


Phía sân sau cung điện hiện có một bãi cỏ, vốn là nhà hát Cửu Tư Đài – nơi gia đình vua nghe nhạc, nhảy đầm, nhưng đã bị phá hỏng năm 1947. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến tặng lại cung điện này cho Nhà nước.

Theo Vnexpress

TH/ST