Chốn vắng thực tại

Tôi sống trong quận 15 hai thập niên, nơi công viên Georges-Brassens có một chợ lồng mà lúc xưa gọi Chợ Ðồ Tể vì là nơi mổ và cung cấp thịt cho Paris. Bên hông chợ còn bức tượng một người đàn ông vạm vỡ đang khuân nửa con bò trên vai như đang vác thập giá. Tuy nhiên trên các phản thịt đã không còn ba sườn với nạc lưng hay nạc dăm mà thay bằng những chồng sách đủ cỡ. Cơ man sách, từ sách bán cân ký đến sách quý của thế kỷ 16 mà mỗi trang giấy làm bằng gỗ khắc chữ với họa tiết màu. Tôi sống trong chợ sách này mỗi Thứ Bảy, từ 9 giờ sáng khi các hàng quán vừa mở cửa, quầy cà phê bên đường đang thơm phức bánh mì cho đến chiều tà khi những bóng điện vàng thả ánh sáng hiu hắt lên những bìa sách phủ vội vã tấm bạt trốn mưa.

chosachcu

Mua sách cũ là cả một nghệ thuật! Phải biết mình muốn gì, cần gì và am tường giá cả. Nếu là sách cân ký, phải lựa thật nhiều quyển mỏng, nếu là sách đồng hạng 3 đồng cho mỗi quyển, chọn những quyển thật dầy! Riêng với sách có niêm giá, trước khi vào chợ cần lên Amazon để xem quyển sách ấy giá thị trường bao nhiêu, có hiếm hay không, rồi khi tìm thấy, so sánh với giá Amazon, nhưng chưa nên mua vội, hãy tạm cất vào một góc, đánh vòng sang các quầy khác cho đến khi chắc mẩm không có phiên bản nào khác mới hơn, rẻ hơn, hay tuy cùng tựa nhưng là sách sưu tập bìa da…

Khi ấy, hẳn trở lại và trả giá quyển mình đã chấm. Công viên Georges-Brassens còn có một đặc điểm, đây là Chợ Sách Chiến Tranh lớn nhất, nhiều nhất, một kho tàng vô giá! Tôi đã mua ở đây hồi ký Ðông Dương của Toàn Quyền Paul Doumer in 1905, rồi hồi ký Ðông Dương Thuộc Pháp của Toàn Quyền Lanessan in 1889, tổng tập báo quân đội thời Nã Phá Luân… Một lần nhặt lên quyển hồi ký của Thống Chế Joffre, tôi đã tức cười vì chữ ký với lời đề tặng thắm thiết của vị tướng đã phá lũy Ba Ðình của Ðinh Công Tráng khi sang An Nam, nhưng thếp giấy còn nguyên chưa rọc, có nghĩa viên Đại Úy Tùy Viên của Joffre, được ưu ái ký tặng, đã không buồn đọc.

Lần khác, giữa các trang sách đầy tiếng súng đại bác của Moltke, là một cánh thư tình âu yếm viết thiết tha nắn nót của một ai đó gửi cho một ai đó, hay một vé xem hí viện của cách đây chín mươi năm… Một lần khác, tôi bắt gặp giòng chữ viết tay của một sĩ quan viễn chinh ghi vội ven lề giấy, than phiền: “Phụ nữ An Nam rất đảm đang, biết thu vén và chiều chồng nhưng một khi về sống với chúng ta, họ không chịu làm gì cả mà chỉ nằm ì trên phản phe phẩy quạt…” Nét mực đậm vì viết bằng ngòi bút lá tre tỳ mạnh… Mua sách cũ, đôi khi, đầy bất ngờ.

chosachcu1

Sách xưa làm nhớ Sàigòn vì mua về phải rọc giấy. Các tạp chí xưa cũng vậy. Phải cầm trên tay các tập san Tel Quel, Critique, Le Comptoir du Caire, Atelier du Roman mới biết cách trình bày bìa các tạp chí Văn, Văn Học của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác sao y cách trình bày của báo Pháp. Xếp hết tên tác giả lên trang bìa, bên trong đặc kín chữ và ít khi có hình, thỉnh thoảng một minh họa đen trắng…

Chợ sách cũ Georges-Brassens kiến trúc giông giống các chợ lồng Bà Chiểu, Tân Ðịnh, không có vách, mái vòm cong với cột chống, mùa đông tuyết rơi lộp bộp và gió lạnh lùa qua se sắt. Hơn một chợ sách, chốn ưa thích nhất Paris, chốn vắng thực tại đối với tôi. Tôi sống ở đây, trong chợ sách ấy hai mươi năm liền, vui đi mua sách, buồn trốn vào sách, không có gì rộng rãi bao la mênh mông bằng sách. Và lạ kỳ là thời gian không tàn phá. Một đôi lần cầm trên tay những quyển kỳ cục: Lịch sử Thuế khóa từ 1763 dầy ba ngàn trang hoặc Sưu khảo Tất cả Cầu đường tại Pháp từ Thế kỷ 19 dầy hai ngàn trang, tôi đều ngạc nhiên làm sao họ có đủ tài liệu để đúc kết những công trình như vậy? Trải qua bao cuộc chiến các thư khố ở Pháp vẫn nguyên vẹn. Sách cũ giống như quán Le Procope ở khu Odéon, kiêu hãnh trưng biển có từ 1868. Trên đất Việt có gì tồn tại lâu hơn nửa thế kỷ? Các triều đại thi nhau đốt sách.

Sang Cali tôi nhớ nhất chợ sách cũ Georges-Brassens và thất vọng vô cùng là nước Mỹ ít hiệu sách. Ở Paris mỗi con đường có ít nhất vài hiệu sách, các tiệm văn phòng phẩm cũng bán sách, chưa kể những sạp báo đầu đường và tuy chỉ là quầy báo ngã tư hay một hiệu sách nhỏ nhưng vẫn có đủ sách triết học, lịch sử, chiến tranh, văn học bên cạnh nhật trình, tuần san, nguyệt san, quý san… Trong siêu thị Carrefour cũng có quầy sách lớn, ngược lại siêu thị vĩ đại Wall Mart chỉ lưa thưa vài tạp chí thể thao, gia chánh, y tế.

Ngay cả phòng mạch bác sĩ ở Paris cũng để đầy sách khảo cổ, tạp chí chính trị, văn nghệ, lịch sử, trong khi phòng khám ở Hoa Kỳ chỉ thấy sách sức khỏe, thời trang, kiêng ăn, xe hơi… Tập đoàn lớn Barnes & Noble books cũng không nhiều sách, hầu hết là best sellers, khó so với tiệm FNAC trên phố Rue de Rennes quận 14 gần Montparnasse có đến 5 tầng lầu. Người Mỹ ít đọc sách? Không phải vậy, dân Mỹ có hệ thống thư viện tốt hơn Pháp và vì phải lái xe nên ít thấy họ cầm trên tay một quyển sách. Không như dân Pháp đi métro và mua sách trong siêu thị, dân Mỹ mua sắm tất cả trong Wall Mart nhưng họ lại mua sách qua mạng.

Còn di dân Việt có ít đọc sách?

Trong tạp bút Chúng Ta Ðọc Có Ít Chăng? Võ Phiến từng than vãn: “Dĩ nhiên Việt Nam là nước văn hiến, nhưng cái văn hiến ấy nó phát huy có phần éo le: kẻ viết càng ngày càng đông mà người đọc cứ thưa thớt mãi, thế có khổ không?” [Võ Phiến, Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, số 6 tháng 10-1985]

Cho đến ngày họa sĩ Khánh Trường tục bản Hợp Lưu dưới tên Mở Nguồn, di dân Việt không còn tạp chí văn chương giấy in. Cũng không còn mấy hiệu sách, ngoài Tự Lực và Văn Bút. Các nhà xuất bản Văn Nghệ, Văn Mới, Văn Khoa, Thanh Văn, Thời Văn, Tân Thư, Lá Bối, Xuân Thu, Ðại Nam, Hồng Lĩnh thi nhau đóng cửa. Rồi quý san Mở Nguồn số ra mắt, tuy đã hoàn tất, vẫn phải đình bản trước khi kịp khai sinh. Nguyên nhân: Sau 3 tháng quảng cáo, chỉ có 25 độc giả đặt mua mà 15 là nhà văn. Câu hỏi trở nên ám ảnh: Ai là đao phủ của sách Việt?

chosachcu2
Cổng vào Chợ Đồ Tể (Abattoirs de Vaugirard) năm 1910.

Đao phủ sách Việt

Internet không đủ sức tàn phá sách giấy in. Nếu tại Hoa Kỳ khuynh hướng mua sách điện tử giẫm chân tại chỗ ba năm liền và sách giấy in dần phục hồi, tại Pháp, tiểu thuyết giấy không suy giảm. Số tiểu thuyết in trong các mùa sách Rentrée littéraire 2018 và đầu năm 2019 trên quê hương của Molière chứng thực điều này.

Vụ sách tháng 9-2018 in 567 tiểu thuyết.

Vụ sách tháng 1-2019 in 493 tiểu thuyết.

Nếu so với trong cùng tháng 9, là vụ sách chính trong năm, các con số thống kê không chênh lệch nhiều, kể từ 2004 là kỷ nguyên của Kindle.

Rentrée littéraire tháng 9-2017 xuất bản 581 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2016 xuất bản 476 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2015 xuất bản 589 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2014 xuất bản 607 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2013 xuất bản 555 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2012 xuất bản 646 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2011 xuất bản 700 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2010 xuất bản 750 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2009 xuất bản 659 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2008 xuất bản 676 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2007 xuất bản 727 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2006 xuất bản 683 tiểu thuyết..

Rentrée littéraire tháng 9-2005 xuất bản 660 tiểu thuyết.

Rentrée littéraire tháng 9-2004 xuất bản 661 tiểu thuyết.

Nhìn chung, với 65 triệu dân và 2000 năm văn hiến, ngành xuất bản Pháp in trung bình trên dưới một ngàn quyển tiểu thuyết hàng năm (1/3 là tiểu thuyết dịch), không tính hồi ký, tiểu luận, biên khảo… Với số tiêu thụ vượt xa quốc gia Việt-Nam (97 triệu dân, 4000 năm văn hiến) cho các tác giả best-seller như bài đăng trên Vanity Flair hôm qua:

“…Năm thứ tám liên tiếp, Guillaume Musso một lần nữa đứng đầu doanh số bán sách tại Pháp. Thật vậy, theo một nghiên cứu do GFK thực hiện, đăng trên nhật trình Le Figaro vào thứ Tư, ngày 16 tháng 1-2019, tác giả của Rồi sau đó, Et après (2009) đã bán được 1,617,000 ấn bản tiểu thuyết của mình vào năm 2018. Cuốn mới nhất của Musso, Thiếu nữ và Ðêm, La jeune fille et la nuit do Nxb Calmann-Levy ấn hành vào ngày 24 tháng 4  năm vừa qua, đã tiêu thụ hết 782,000 bản. Một best-seller thực sự, sắp được dịch sang tiếng Anh và đã bày bán ở Ý và Nam Hàn.

Ðứng sau Musso là Michel Bussi, trung thiên truyện Em có nhớ không, Anas? Và những truyện ngắn khác, (T’en souviens-tu, mon Anaïs? Et autres nouvelles) với 975,800 sách bán, rồi Joel Dicker, Sự thật về trường hợp Harry Quebert (La Vérité sur l’affaire Harry Quebert), chuyển thể phim tập gần đây, với 894,400 bản. Aurélie Valogne đứng ở vị trí thứ tư, đã bán 834,500 quyển sách, trước tiểu thuyết gia Marc Levy (820,800 ấn bản). Ngoài ra còn có Virginie Grimaldi (674,500), Pierre Lemaitre (673,200),  Giordano (602,200),  Bourdin (592,400) và Franck Thilliez (546,100). Mười tác giả, chỉ riêng họ, đại diện cho gần một phần tư doanh thu của tiểu thuyết Pháp.”

[Loic Venance / AFP/ 17 Jan 2019]

chosachcu3

Còn sách điện tử?

Emmanuel Ghesquier, từng là thành viên của Hàn Lâm viện Mỹ thuật, cách đây hai năm ghi nhận:

“Vài năm trước, nhiều người dự đoán sách giấy in sẽ biến mất sau khi sách điện tử xuất hiện, nhưng độc giả dường như không nhầm lẫn và vẫn ưa thích cảm giác cầm trên tay một cuốn sách. Một nghiên cứu thương mãi vào năm 2016 cho thấy đã bắt đầu một xu hướng trong nhiều quý: doanh số bán sách điện tử đang giảm. Doanh số ấy tiếp tục giảm mạnh ở Anh và Hoa Kỳ. Ở Pháp, gia tăng nhẹ, mặc dù dân Pháp chưa bao giờ hâm mộ phong cách đọc này. Tại Pháp, chỉ có 11% người Pháp thường xuyên đọc sách kỹ thuật số và các định dạng điện tử chỉ chiếm 2.5% tổng doanh thu của ngành sách.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội các Nhà Xuất bản, doanh số sách điện tử bán ở Vương quốc Anh đã giảm 17% trong năm 2016, trong khi sách in tăng 7%. Cùng tiếng chuông ở Hoa Kỳ, nơi doanh số bán sách điện tử giảm 18.7%, trong khi sách giấy tăng 7.5%.

Những sách giấy in có lãi suất tốt nhất là sách thiếu nhi và sách nấu ăn. Vì thật sự rất khó tặng quà loại này dưới dạng điện tử. Người đọc cũng thích cảm giác của trang giấy, mùi mực in… Sách giấy cũng là một vật thể mà các thư viện thích lưu trữ, trong khi sách kỹ thuật số đối với một số đông, chưa phải là một sở hữu cá nhân, vì chúng vô hình, không linh hồn, không có tiếp xúc thể xác.

Ngoài ra, một số lớn người dùng Internet cho là việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình tại sở làm, ở nhà, rồi với điện thoại thông minh, là quá liều. Họ thấy cần phải cai nghiện với những thú vui giản dị mà việc đọc một cuốn sách in là một phần.”

[Emmanuel Ghesquier/ Presse-Citron/ 2 May 2017]

Có thể dẫn thêm nhiều kiểm định, sẽ có cùng đúc kết là sách Kindle kém thu hút và sách giấy in trên thế giới vẫn “hùng vĩ”. Nhưng như thế sẽ rất khó cho chúng ta tiếp tục đổ lỗi cho Internet và kỹ thuật số làm tê liệt ngành xuất bản hải ngoại. Nhưng như vậy, ai là đao phủ của sách Việt?

Là tất cả chúng ta, người đọc, người viết, những kẻ không bao giờ mua sách Việt ngữ. Nguyên nhân không nằm trong ước muốn mà chính vì phẩm chất đã quá sa sút khiến đầu tư trở nên bất trắc.

Ghi chú:

Vụ sách tháng 9-2018:http://enfinlivre.blog.lemonde.fr/2018/09/03/rentree-litteraire-de-septembre-2018-un-apercu/

Vụ sách tháng 1-2019:https://culturebox.francetvinfo.fr/livres/la-rentree-litteraire?page=4

Nguồn Presse-Citron:https://www.presse-citron.net/marche-livre-electronique-baisse-contrairement-a-celui-livre-papier/

Nguồn Vanity Flair: https://www.vanityfair.fr/actualites/articles/guillaume-musso-est-lauteur-qui-a-vendu-le-plus-de-livres-en-2018/72054

Trần Vũ

tongphuochiep