Ngày 19 tháng 12 năm 1955, đoàn hát Kim Thoa khai trương bảng hiệu mới với tuồng hát Lấp Sông Gianh của soạn giả Kinh Luân tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo Sài Gòn. Đêm đó vào khoản hơn 10 giờ tối, tới màn Lấp Sông Gianh, lợi dụng khi tắt đèn đổi cảnh, có kẻ liệng lên sân khấu một trái lựu đạn tấn công.

Lựu đạn nổ ngay góc mặt, sát dàn đèn và dàn âm pli, sát hại nghệ sĩ Ba Cương, nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai, soạn giả kiêm đạo diễn Duy Lân bị cụt chân trái và một tuần sau đó em vệ sĩ Phiên chết tại bệnh viện Sài Gòn vì những miểng lựu đạn ghim trong đầu và trên ngực rất nặng. Danh ca Sáu Thoàng bị một miểng lưu đạn ghim trên đầu gối, đến nay vẫn chưa mổ lấy miểng ra được. Nhiều nghệ sĩ khác bị thương nhẹ.

Rạp hát Nguyễn Văn Hảo Sài Gòn lúc bấy giờ.

Mang màu sắc chính trị

Một thời gian rất dài về sau, nhất là sau tháng 4 năm 1975, người ta kể chuyện lựu đạn nổ trên sân khấu Kim Thoa với một màu sắc chính trị để chỉ trích phe đối nghịch, không nói lên sự thật và nguyên nhân nào đã khiến cho thảm cảnh xảy ra.

Tôi nghĩ: trong cuộc chiến tranh thế giới, sau vài chục năm thì người ta giải mã những bí mật trong chiến tranh. Nay chuyện lựu đạn nổ trên sân khấu Kim Thoa đã qua quá 50 năm, nói ra sự thật, giải mã những gì gọi là bí mật, nghi vấn cũng là chuyện bình thường và nhất là cần thiết cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ để biết những gì đã xảy ra cho các nghệ sĩ tiền phong trong thời chiến tranh, để biết cách ứng xử với đời khi gặp những trường hợp tương tự.

Bầu gánh hát là ông Ngô Thiên Khai, bác sĩ quân y, thiếu tá nhảy dù, căn cứ đóng tại trại Hoàng Hoa Thám. Thiếu Tá Khai là chồng của nữ nghệ sĩ tiền phong Kim Thoa. Nữ nghệ sĩ Ngọc Lợi vợ của Nguyễn Huỳnh là em ruột của bà Kim Thoa. Trong gánh hát Kim Thoa còn có sự cộng tác của nữ nghệ sĩ Kim Hui và chồng là kép Tu Thạch, hai danh tài cải lương của gánh hát Kim Thoa – Tư Chơi trong đầu thập niên 40. Đoàn Kim Thoa có các soạn giả Nguyễn Huỳnh, Duy Lân, Nguyễn Phương, Kinh Luân.

Tháng 8 năm 1955, ông Nguyễn Huỳnh Phước, lúc đó là trung úy cảnh sát kiêm huấn luyện viên đá banh đội banh AJS (assiociation des jeunes sportifs) chồng của nữ nghệ sĩ Ngọc Lợi, ông Nguyễn Huỳnh Phước quy tụ nghệ sĩ cải lương thành lập gánh hát Kim Thoa, tập tuồng tại đình Tân An Dakao.

Nam nghệ sĩ có kép chánh Văn Lang, Văn Sa, Hữu Phước, Sáu Thoàng, Duy Lân, Duy Chức, Hoàng Mai, hề Vân Trình, Hề Minh, lão mùi Ba Cương, Ba Thâu, Hai Tiền, các em vệ sĩ Phiên, Dũng, Hoàng Bé (sau đổi tên là Hùng Minh) và con trai nhạc sĩ Ba Diệp được Nguyễn Huỳnh đặt tên là Diệp Lang.

Nữ nghệ sĩ có cô Năm Kim Thoa, Kim Hui, Ngọc Lợi, Tường Vi, Đoàn Thiên Kim, Lệ Thẩm, Sáu Huề (vợ của kép Ba Thâu). Tân nhạc: nhạc trưởng contre basse Hoàng Việt, piano Ngọc Bê, guitare Hoàng Bữu (chồng cô Đoàn Thiên Kim) trống Sáu Đen, Cổ nhạc: đờn kìm Ba Diệp, đờn cò Sáu Xíu, guitare Tư Còn.

Tuồng Lấp Sông Gianh

Tuy thiếu tá bác sĩ quân y binh chủng nhảy dù Ngô Thiên Khai làm bầu gánh hát nhưng chọn tuồng tích và phân vai cho diễn viên là trung úy Nguyễn Huỳnh Phước tức soạn giả Nguyễn Huỳnh chịu trách nhiệm, do đó chọn tuồng Lấp Sông Gianh để khai trương bảng hiệu đoàn hát Kim Thoa vì Nguyễn Huỳnh muốn “câu khán giả” chớ hoàn toàn không có hậu ý chính trị như kiểu Lấp sông Bến Hải mà sau này có ký giả kịch trường viết trong báo.

Nhờ danh ca Sáu Thoàng, tôi kiếm được tờ chương trình cũ của tuồng Lấp Sông Gianh, chuyện tuồng như sau:

“Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Từ Vũ theo chúa Trịnh, nàng Thơ Đào theo chúa Nguyễn. Từ Vũ và Thơ Đào yêu nhau nhưng họ khám phá ra rằng lương duyên khó thành vì thù hận giữa hai chúa Trịnh Nguyễn và cũng là thù hận giữa hai gia đình.

Cả hai đều bị thương trong một trận quyết đấu với nhau, Thơ Đào chạy đến ngôi miếu cổ thì ngất xỉu, nhờ ông Thủ Tự trong miếu cứu chữa. Ông Thủ Tự chính là cậu ruột của Thơ Đào, làm quan dưới trướng của chúa Trịnh, biết được âm mưu của chúa Trịnh vì tranh quyền thống trị mà muốn diệt chúa Nguyễn nên tạo ra những hận thù giữa các dòng họ.

Ông ẩn cư nơi miếu cổ, bất ngờ gặp được cháu gái, ông kể cho Thơ Đào biết mọi việc. Lúc đó Từ Vũ cũng chạy đến, kiệt sức. Ông Thủ Tự nhận ra Từ Vũ là con của vị ân nhân đã có lần cứu ông khỏi cuộc truy sát của chúa Trịnh. Thơ Đào và Từ Vũ hiểu nhau, xóa hận thù và kêu gọi dân làng Lấp Sông Gianh.

Đúng lúc đó, quân Trịnh ào tới bắn tên độc, Thơ Đào và Từ Vũ bị tử thương, cả hai người nắm tay nhau nhảy xuống sông Gianh tuẫn tiết. Hồn của Thơ Đào và Từ Vũ hiện lên giữa thinh không, giòng sông cũng nối liền đôi bờ, Thơ Đào và Từ Vũ biến thành đôi bướm quyện với nhau, bay về không gian vô tận”.

Ý của Nguyễn Huỳnh và đạo diễn Duy Lân là dùng cảnh cặp tình nhân Thơ Đào và Từ Vũ hóa thành đôi bướm để nói lên tình yêu bất diệt giống như phim Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Sơn Bá phá mộ bay lên, cùng với Anh Đài hóa thành đôi bướm trên bầu trời yêu đương thơ mộng.

Trả thù ân oán cá nhân

Xem chuyện tuồng như đã kể thì chúa Trịnh miền Bắc chống việc Lấp Sông Gianh chớ chẳng phải chúa Nguyễn miền Nam, hơn nữa ông bầu gánh hát Kim Thoa là thiếu tá binh chủng nhảy dù, phó bầu kiêm soạn giả là một trung úy cảnh sát đang tại chức, lúc đó tuồng hát nào cũng phải được Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa duyệt và cho phép thì mới được tập và hát, tuồng Lấp Sông Gianh không có nội dung chống chánh phủ miền Nam thì thấy rõ là không phải vì hát tuồng đó mà sân khấu Kim Thoa bị ăn lựu đạn. Đây là một sự trả thù trả oán cá nhân.

Đêm hát khai trương bảng hiệu đoàn Kim Thoa, vì khán giả chen lấn vô rạp đông quá nên tôi cùng với các anh ký giả kịch trường Hoài Ngọc, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền và hề Vân Trình, y tá Be ngồi uống bia bên nhà hàng Vạn Lộc, sát bên rạp Nguyễn Văn Hảo để chờ êm êm rồi chúng tôi mới vô.

Lúc đó có tiếng la hét om sòm trước cửa rạp, chúng tôi chạy ra xem. Một toán năm sáu anh lính nhảy dù không có mua vé nhưng chen lấn vô cửa. Các anh gác cửa cản lại, xô đẩy nhau, anh Nguyễn Huỳnh cũng đứng chận nơi cửa không cho vô.

Do xô đẩy mà sanh ra ấu đả, Nguyễn Huỳnh bị một thoi vô mặt, đổ máu mủi. Anh chạy vô phòng vé dùng điện thoại gọi quân cảnh. Các anh gác cửa và placeur chỉ ghế, thấy ông phó bầu Nguyễn Huỳnh bị đánh sặc máu mủi, bèn ào ra đánh lộn với các anh lính nhảy dù coi hát cọp.

Hai xe quân cảnh binh chủng dù tới. Họ xét giấy phép xuất trại, các anh lính vừa rồi không có giấy phép đi đêm, họ bị bắt đưa lên xe jeep, mỗi người bị đánh vài báng súng vô ngực, vô mặt trước một số đông khán giả còn đứng lố nhố trước cửa rạp hát.

Đến lúc đó ông thiếu tá Khai mới biết, ông chạy ra dàn xếp, xin Quân Cảnh đừng đánh mấy người lính phạm kỷ luật. Xe jeep nhà binh lui về, lính nhảy dù cũng được chở đi, khán giả từ từ vô xem hát. Vì đoàn hát mới khai trương và có tuồng mới nên bán hết vé, số khán giả đến sau đưa một số tiền cho người gác cửa để được lên trên lầu nhì, lầu ba đứng coi hát.

Binh chủng dù

Tôi nghĩ là hai bên đều có điểm tựa tinh thần nên mới dám đấu đá với nhau đến lỗ đầu chảy máu. Nhân viên đoàn hát thì ỷ có ông bầu gánh hát là thiếu tá nhảy dù và ông phó bầu là trung úy cảnh sát. Phía lính nhảy dù thì từ xưa tới nay không gánh hát nào dám cản trở khi các anh vô coi hát cọp, nay tới gánh Kim Thoa bị đánh thì với giá nào các anh lính nhảy dù đó cũng phải giữ sĩ diện màu áo lính của mình.

Tôi với hề Vân Trình và y tá Be ra sau rạp nhậu tiếp với hột vịt lộn và rượu nếp Gò Đen. Lúc đó khoảng hơn 10 giờ đêm, chúng tôi nghe một tiếng nổ thật lớn trong rạp hát, nhiều nghệ sĩ mặt mày còn son phấn và anh em dàn cảnh chạy túa ra sau rạp.

Có nhiều tiếng la hét, kêu khóc trong rạp, chúng tôi định vô rạp thì nhạc sĩ Hoàng Việt vừa chạy ra, ngăn chúng tôi lại, cho biết có kẻ nào đó quăng lựu đạn lên sân khấu, có người chết và bị thương nhiều lắm. Bà Kim Thoa ra xe về, ông Khai nhờ chúng tôi chận xe taxi và xích lô máy, chở những người bị thương về bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.

Các anh Nguyễn Ang Ca, Hoài Ngọc, Lê Hiền cho rằng việc báo quân cảnh đến bắt và đánh các anh lính dù trước cửa rạp hát tạo ra cái hậu quả tang tóc nầy. Có thể là những người lính lúc nảy hoặc bè bạn cùng đơn vị của họ trở lại, đưa tiền cửa để được vô rạp, họ thừa lúc tắt đèn đổi cảnh để mà tung lựu đạn trả thù.

Thiếu tá Khai, trung úy Nguyễn Huỳnh Phước và một số nghệ sĩ biết việc đụng chạm với lính nhảy dù là một việc rất nguy hiểm nhưng mọi việc đã lở xảy ra vì tánh háo thắng và nông nổi của nhiều người, không ai lường trước được hậu quả, sau khi chôn cất hai ông Nguyễn Mai và Ba Cương, ông Khai quyết định đổi tựa tuồng Lấp Sông Gianh thành tuồng Tình Nồng Duyên Thắm, hát ba ngày ở rạp Kinh Thành Tân Định rồi dời đi xuống Mỹ Tho, hát ở rạp Thầy Năm Tú.

Bà Kim Thoa thuộc làu tuồng Một Tối Tân Hôn của soạn giả Tư Chơi, bà đọc cho tôi chép lại, ra rôle cho các diễn viên để tập và hát thay cho cái tuồng Tình Nồng Duyên Thắm tức tuồng Lấp Sông Gianh xui xẻo.

10 ngày sau vụ nổ, đoàn Kim Thoa hát tuồng Tình Nồng Duyên Thắm tại rạp Kinh Thành, Tân Định, khi hát chưa hết màn một thì tôi thấy trước cửa rạp ồn ào, tôi chạy theo đường hẻm bên hông rạp để coi việc gì xảy ra, tôi thấy một tốp lính nhảy dù bố trí súng máy FM chĩa vô rạp hát, họ kêu Cò Phước tức soạn giả Nguyễn Huỳnh phải ra nói chuyện với họ. Tôi theo dòng khán giả chạy ra trước, chạy qua bên kia lộ, nhìn qua rạp hát.

Ông Nguyễn Huỳnh

Ông Nguyễn Huỳnh lặn trốn đâu mất. Thiếu Tá Khai trong quân phục binh chủng dù ra năn nỉ các anh bạn lính đang muốn trả thù cái vụ Nguyễn Huỳnh báo Quân Cảnh bắt đồng đội của họ hôm trước.

Đoàn hát Kim Thoa hát chưa hết tuồng, khán giả bỏ chạy về hết, đoàn phải kêu xe chở phông màn dời xuống tỉnh Mỹ Tho. Xuống Mỹ Tho hát không có khán giả vì họ sợ bị liệng lựu đạn, đoàn Kim Thoa dời qua Sa Déc một tuần rồi qua tỉnh Vĩnh Long, hát tại Miểu Quốc Công. Đêm thứ hai có ai đó liệng một trái lựu đạn khói trước cửa rạp miểu Quốc Công, khán giả túa ra chạy tán loạn. Đoàn dời về rạp hát tỉnh Trà Vinh và tuần sau thì đoàn hát Kim Thoa rã tại tỉnh Gò Công.

Nửa thế kỷ đã qua, có người hỏi tôi về chuyện đoàn Kim Thoa bị liệng lựu đạn ngày 19 tháng 12 năm 1955. Tôi là thành viên của đoàn hát Kim Thoa từ ngày thành lập tới ngày rã gánh tại Gò Công, tôi xin kể lại những gì tôi biết.

Sau tháng 4 năm 1975, soạn giả Nguyễn Huỳnh bị bắt tại rạp Biên Hùng, bị đi cải tạo và chết trong tù tại khám đường Biên Hòa. Nếu gán ép cho ông việc chọn tuồng Lấp Sông Gianh để tuyên truyền thống nhứt hai miền như các ông cán bộ đã viết sách, báo, thì ông Nguyễn Huỳnh phải là người có công, chớ tại sao ông lại bị bắt đi cải tạo và chết trong tù cải tạo?

Nguyễn Phương (soạn giả)

saigonthapcam