Khi tôi nói đến chuyện tên chợ của mấy bà thì mấy ông bạn lớn tuổi tỏ ra không đồng ý. Chợ của các ông cũng có, cớ gì của riêng mấy bà. Chợ Ông Tạ, Chợ Cầu Ông Lãnh, Chợ Giồng Ông Tố… Cứ cho là vậy. Những ngôi chợ đó do người buôn bán ở khu vực lập nên không phải tên gọi chính thức. Người lớn tuổi ở Sài Gòn – Gia Định, ai lại không biết chút ít về Ông Tạ – một thầy thuốc Nam nổi tiếng nhất vùng Bảy Hiền hay Ông Tố – người đã bỏ tiền bắc cầu qua sông thông thương giữa Thủ Thiêm và Thủ Đức. Từ xưa người dân ở đây lập nên cái chợ Giồng (vùng đất cao ven sông) và quen miệng lấy tên ông Tố ghép vô để tỏ lòng tôn kính.
Chợ Cầu Ông Lãnh thời thập niên 1940 – Ảnh: Panoramio
“Chợ không đàn bà là Chợ Cầu Ông Lãnh” đó là câu vè của dân miền Nam hay nói. Chợ này đã có từ xa xưa đến năm 1928, người Pháp xây lại cây cầu bê tông bắc qua kênh Bến Nghé và ngôi chợ bằng xi măng dựa mé kênh làm nơi giao thương mua bán của các ghe hàng từ Lục Tỉnh và Gia Ðịnh ra vào. Trong bài viết “Nhớ về trận cháy Chợ Cầu Ông Lãnh”, tôi có nhắc sơ qua ngôi chợ mang tên Lãnh (Lãnh sự hay Lãnh binh). Nay tôi xin nhắc lại một chút cũng không thừa trước khi điểm qua chợ của mấy bà.
Trong bài báo của Phong Vũ Trần Văn Hai (tức Khuông Việt) đoạt giải nhất về cuộc thi lịch sử trên báo Tri Tân xuất bản tháng 6/1942 đã kể lại rằng: “Năm 1874, triều đình Huế ký Hiệp ước cắt đứt Nam kỳ giao cho Pháp; theo Hiệp ước nầy thì chính quyền Pháp được đặt Lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt Lãnh sự quán ở Sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Ðề Thám-Trần Hưng Ðạo ngày nay, vị Lãnh sự thời ấy là ông Nguyễn Thành Ý. Công việc chủ yếu của Lãnh sự quán lúc bấy giờ là làm thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Lãnh sự thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh”.
Tuy nhiên, năm 1885 học giả Trương Vĩnh Ký viết sưu khảo lịch sử rằng: chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác. Và trước đó, vào năm 1874 một ngôi chợ được xây cất tại khu vực này mang tên Chợ Cầu Ông Lãnh. Việc trùng thời điểm dựng Chợ Cầu Ông Lãnh và việc đặt Lãnh sự của nhà Nguyễn đã gây ra nhiều ý kiến về cái tên ngôi chợ này. Tuy vậy, cách nhìn nhận của ông Trương Vĩnh Ký được nhiều người biên khảo sau này tán thành hơn.
Chợ Bà Điểm năm 1910 – Ảnh: Bưu thiếp
Cũng như tên các chợ của mấy bà: Bà Chiểu (Bình Thạnh), Bà Hạt (Quận 10), Bà Hom (Bình Chánh), Bà Quẹo (Quận Tân Bình), và Bà Ðiểm (Hóc Môn), có vài quan điểm cho rằng, đó là 5 ngôi chợ của mấy bà vợ ông Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng. Ðây là chuyện tam sao thất bổn kể nhau nghe trong lúc trà dư tửu hậu khi nhắc đến ông tướng có năm bà vợ, ông đã có một cái chợ rồi, còn năm bà nhà thì cũng phải có tên đề huề trên các chợ để cho công bằng, không thiệt thòi người có người không mà nạnh hẹ nhau.
Chuyện này có nguồn gốc từ biên khảo của ông Trương Vĩnh Ký khi cho rằng cả 5 bà này đều là vợ của Lãnh Binh Thăng. Trong cuốn “Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ” của tác giả Hoàng Xuân Việt – Nguyễn Minh Tiến (hiệu đính) xuất bản năm 2006 viết: “Tương truyền rằng Bà Chiểu là gọi theo tên của một trong những người vợ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Người ta nói rằng ông này có nhiều vợ. Bà Hom, Bà Ðiểm, Bà Hạt, Bà Quẹo mỗi bà ở một nơi, nên đã tổ chức cho họ mỗi người một cái chợ để thu lợi tức… Tuy nhiên, truyền thuyết này vẫn chưa được xác định. Khổ nỗi, Ðức ông Lê Văn Duyệt lại là một người ái nam ái nữ. Mặc dầu vậy, do có nhiều công lao mở mang bờ cõi, khi vua Gia Long lên ngôi, đã gả một cung tần (Ðỗ Thị Phận) cho ông. Ông không có con phải xin đứa con nuôi đặt tên Lê Văn Khôi. Nên chuyện tương truyền Tả quân có năm thê bảy thiếp chỉ để nghe chơi cho vui.
Từ đó, sách báo sau này suy luận thêm: “Ðể tránh các bà vợ không đụng nhau thường xuyên, dễ bất hòa nên ông Lãnh Binh Thăng áp dụng phương pháp kinh tế tự túc từ thế hệ trước đó để xây cho mỗi bà một cái chợ để tự cai quản. Theo đó, vị lãnh binh đã lập 5 ngôi chợ nằm ở cách xa nhau và đặt tên theo tên các bà vợ” (Tri Thức Trẻ).
Chợ Bà Chiểu thập niên 1950 – Ảnh: Sanhhaiflick
Ông Lãnh Binh quy tiên (1798-1866) trước khi ngôi chợ Cầu Ông Lãnh hình thành thì không có cơ sở nào chứng minh 5 cái chợ kia là của mấy bà vợ ông Lãnh Binh cả. Trong bài viết “Những cái tên” của tác giả Ngọc Hiệp Phạm dẫn chứng từ Sài Gòn năm xưa xuất bản năm 1968 của học giả Vương Hồng Sển: “Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên “nhà thương Ðầm Ðất (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được xây cất trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: “Ông Lãnh”, “Bà Chiểu”, “Bà Ðiểm, “Bà Hom”, “Bà Rịa”, “Bà Ðen” rồi đề quyết năm bà là thê thiếp ông Lãnh Binh nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi?”.
Tác giả Ngọc Hiệp Phạm nhận định: “Có lẽ đúng như học giả Vương Hồng Sển đã viết trong sách Sài Gòn năm xưa tôi đã trích bên trên, và qua tiểu sử của ông Lãnh Binh Thăng, là một người yêu nước, cả đời ông cầm quân chống Pháp, lấy đâu ra thời gian cưới đến 5 bà vợ, và thời gian đâu mà dựng đến 5 cái chợ để theo “phương pháp kinh tế tự túc” giao cho mỗi bà cai quản một cái… Có lẽ đấy chỉ là những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, hoặc chuyện tầm phào bên bàn nhậu mà thôi…”.
Trở lại chuyện tên chợ các bà. Chợ Bà Chiểu chính thức xây dựng năm 1942 tức nhiên trước đó nơi đây đã từng là chỗ họp chợ mua bán quanh vùng. Người bạn của tôi ở khu vực Bình Thạnh gần trường Quốc gia Mỹ Thuật cho biết hồi cha anh còn sống kể rằng, ngày xưa nơi đây đất bằng phẳng, nhiều ao đầm vườn rẫy xanh tươi. Nhà văn Sơn Nam viết trong Ðất Gia Ðịnh xưa: Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Ðức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là “nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên”.
Chợ búa ngày xưa tụ họp mua bán không có tên mà chỉ gọi tên theo địa danh hoặc tên riêng của một người khởi thuỷ lập ra – Ảnh: sưu tầm
Còn Chợ Bà Ðiểm theo tư liệu lịch sử vào năm 1868 (sau hai năm ông Lãnh Binh Thăng mất) dòng người di cư từ Quảng Bình vào khai phá đất phương Nam, khi đến đây, họ gặp người đàn bà bán nước bên đường tên Ðiểm nên dùng cái tên này gọi vùng đất Bà Ðiểm. Vùng đất này, từ thế kỷ 17 đã gắn liền với cái tên Mười Tám thôn vườn trầu hình thành từ quá trình di dân trước đó nổi tiếng với nghề trồng trầu cau. Tấm ảnh bưu thiếp chụp năm 1910 cho thấy chợ đã được người Pháp xây dựng. Chợ nhỏ tụ họp trên con đường lộ trải đá có xây bờ vỉa xi măng, có gắn cột đèn, lèo tèo người buôn bán.
Chợ Bà Quẹo thì tôi khá rõ vì khoảng thời gian sau này khi chợ đổi tên thành chợ Võ Thành Trang gia đình tôi dọn về sống ngay ngã ba Bà Quẹo. Thuở nhỏ có đôi ba lần tôi đến ngôi chợ này. Không biết chợ hình thành từ lúc nào chỉ biết khoảng năm 1967 người ta xây một nhà lồng chợ có thể đi hai ngã từ cuối đường Phạm Hồng Thái (Cách mạng Tháng 8) và đường Hương lộ 2 (Âu Cơ ngày nay). Chợ này là chợ đầu mối rau xanh thường được xe ngựa, xe lam chở từ Ðức Hoà, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xuống giao cho mối lái bán cho những tiểu thương chợ nhỏ. Chợ rau nhộn nhịp từ khuya cho đến sáng, sau đó nhường chỗ cho cảnh sinh hoạt mua bán bình thường của chợ búa hằng ngày. Ngay như tên Bà Quẹo, theo Vương Hồng Sển là do đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì đoạn này có khúc quẹo rõ ràng.
Còn như chợ Bà Hom thì chẳng biết là bà vợ thứ mấy của ông Lãnh Binh. Nhưng theo lý giải của ông Sơn Nam thì đó là Bàu Hom (ao nước ngâm hom tre) nói chệch mà thành. Chợ Bà Hom trên đường Lộ Tẻ (xưa thuộc Bình Chánh nay là một phần của Quận Bình Tân) không có tư liệu nào xác định năm xây.
Anh bạn đồng nghiệp nhà ở đường Bà Hạt kể chuyện, trên đường Bà Hạt chẳng có ngôi chợ nào mang tên Bà Hạt. Anh không rõ cũng phải vì gia đình di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn khi anh còn chưa ra đời. Nghe ông bà già kể lại chuyện xưa, hồi năm 1954, vùng này còn thưa thớt nhà cửa, con đường Bà Hạt kéo dài từ Ngô Gia Tự đến Nguyễn Lâm. Gần đấy có ngôi chợ Da Bà Bầu nằm trên con đường cùng tên. Ðến năm 1959 đường này đổi tên thành Nhật Tảo. Khi cất chợ Nguyễn Tri Phương ở cuối đường Nguyễn Lâm, chợ Da Bà Bầu cũng biến mất. Còn chợ Bà Hạt thì nghe chuyện xưa tích cũ có từ thời Pháp chưa chiếm Gia Ðịnh, lúc ấy có một cái quán buôn bán của một bà mang tên Hạt mà thôi.
tongphuochiep