Tôi hỏi, ban hợp ca gồm có những ai? Duy nói, toàn anh em trong gia đình cả, như Thái Hằng, Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương (tức Hoài Bắc) và Thái Thanh. Nghe hai chữ Thái Thanh, tôi chợt hồi tưởng đến cô bé kẹp tóc buổi nào bưng phở.
Tôi nhìn Duy như tỏ ý nghi ngờ, Duy hiểu ý nói ngay:
– Cậu đừng có nghĩ Thái Thanh là cô bé nữa nhé! Nàng đã lớn lắm rồi, có giọng ca tuyệt vời. Cậu đã được nghe Thái Thanh hát, chắc mê luôn! Tôi đang chuẩn bị ráo riết, tập hát bè và đồng thời lo làm thủ tục vô Nam. Cái số tôi phải sống ở miền Nam, cậu ạ, Vô trong đó sẽ tránh được nhiều thứ lắm, những phiền hà về chính trrị, về đời sống, v.v. Dù sao, trong Nam, họ cũng cởi mở hơn, nhất là họ yêu ca nhạc lắm. Chắc chắn gia đình tôi sẽ sống phong lưu, chứ ở lại Hà Nội là bà Cả Đọi ngay.
[…] Ban nhạc Thăng Long mỗi ngày một thăng hoa, lại có thêm một giọng hát nữa là Khánh Ngọc. Sự gặp gỡ tuy ít, nhưng không phải vì thế, mối giao hảo giữa tôi và Phạm Duy phai lạt. Tôi mừng cho Duy, cũng như ban Thăng Long gặt hái nhiều thành công qua các Đại nhạc hội. Đúng như lời Duy nói, Thái Thanh hát hay lắm. Có thể nói, các ca khúc của Duy được phổ biến trên làn sóng điện được dân chúng yêu mến đều đi qua tiếng hát Thái Thanh. Trời đã ban phát cho Thái Thanh có một làn hơi phong phú, mỗi lần tiếng hát thoát ra như cả một rừng chim véo von hòa nhịp. Tiếng hát vừa cao, vừa trầm ấm thiết tha nửa như ru, nửa như níu kéo người nghe đi vào dòng huyễn mộng! Tiếng hát nghe có lúc như ngất đi, như chết lịm giữa một vùng âm thanh bao la bát ngát, có lúc nó dạt dào như con sóng thủy triều vỗ vào chân đá, có lúc nó hồn nhiên, thanh thoát như mây trời phiêu lãng bềnh bồng! Ôi tiếng hát sao mà kỳ diệu! Ban hợp ca Thăng Long ngoài Phạm Duy, linh hồn của nhóm, còn có Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc, Hoài Trung và Hoài Bắc. Tuy chơi thân với Phạm Duy nhưng tôi yêu Hoài Bắc nhất. Hoài Bắc tính tình đôn hậu, ăn nói nhẹ nhàng, chơi với bè bạn rất lịch sự phong nhã. Ngoài tài hát, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) còn sáng tác ca khúc rất nổi tiếng như Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội phổ thơ Hoàng Anh Tuấn; Nửa hồn thương đau phổ thơ Thanh Tâm Tuyền trong phim Chân trời tím, Tiếng dân chài và bản trường ca Hội trùng dương. Thái Thanh trong thời gian đó đã trở thành một thiếu nữ, chứ không còn là cô bé kẹp tóc bưng phở cho khách ở Chợ Đại năm xưa. Rồi do duyên số, Khánh Ngọc kết bạn trăm năm với Hoài Bắc và sau nhiều năm tháng theo đuổi, bám víu, Thái Thanh cũng ngã vào đôi tay của Lê Quỳnh do Thần Ái Tình dẫn dắt, khi cuộc tình giữa Hoài Bắc và Khánh Ngọc đã tan vỡ do bàn tay của Định Mệnh.
[…] Trong một chuyến viễn du trình diễn tại Phi Luật Tân, do Quân đội hướng dẫn, ban Thăng Long chỉ đi có hai người: Phạm Duy và Thái Thanh. Ngoài ra còn có nhiều nghệ sĩ thuộc các bộ môn dân ca và dân nhạc, có cả Hồ Điệp ngâm thơ. Sau buổi trình diễn tại sân khấu của một đại học, các chuyên viên về âm nhạc Phi, họ nói với nhau:
– Trong tất cả các ca sĩ Việt Nam, chỉ có một mình Thái Thanh biết hát thôi!
Ai cũng biết Phi Luật Tân, xứ của âm nhạc. Cây đàn Hoki-Lili là một nhạc khí thông dụng cho cả trẻ con lẫn người lớn tại xứ này. Cũng may câu nói đó rất ít người được nghe, do vậy, không khí của Đoàn văn nghệ xuất ngoại vẫn vui vẻ. Ngay cả Thái Thanh cũng không biết về lời phát biểu này, nhưng tôi tin thế nào cũng có người nói lại. Đài Vô tuyến truyền hình Phi Luật Tân có mời Đoàn chơi một show cho toàn nước Phi được biết tài năng cũng như của đặc tính nền văn nghệ Việt Nam xuyên qua các bài hát, câu thơ và điệu múa!
[…] Gia đình Phạm Duy đã dời về Khu Chi Lăng, ít khi gặp nhau trừ lúc có hoàn cảnh. Tôi nghe tin hạnh phúc của gia đình Thái Thanh cũng tan vỡ sau khi có sự không hay xảy ra giữa Lê Quỳnh và Mai Thảo. Tôi không muốn tìm hiểu vì đó, câu chuyện riêng mỗi gia đình, mỗi cảnh ngộ! Riêng tôi chỉ biết nữ ca sĩ Thái Thanh, chẳng những Trời cho có giọng ca tốt, Trời còn phú cho sự thông minh bén nhạy với óc suy luận khá khúc chiết. nếu ai có sự tiếp xúc, tâm sự lâu dài mới nhận ra. Sự chung sống nào cũng vậy, con người phải có sự tương đồng tối thiểu về suy nghĩ, về cách sống giữa tình nghĩa và cung cách xử thế. Nếu không có được những nhân tố trên, khó ai có thể kéo dài một đời sống luôn luôn mâu thuẫn từ việc nhỏ đến việc lớn, rốt cuộc thể nào cũng phải chia tay, dù cho cõi lòng có tan nát! Thái Thanh và Lê Quỳnh ở trong tình trạng nói trên.
Cái số Thái Thanh cũng lận đận về đường chồng con. Trời cho cái giọng hát, lại bắt phải gánh chịu những gian truân khác, đó có phải là cái lẽ công bằng của Định Mệnh? Sau một thời gian thôi sống với Lê Quỳnh, Thái Thanh lại “sang sông” lần nữa với một người vừa có địa vị xã hội, vừa có tiền bạc. Tôi cũng không rõ cuộc tình thứ hai này có làm Thái Thanh vui không, chỉ biết đến hôm nay, trên mảnh đất lưu vong, Thái Thanh đang sống với đứa con tàn phế và những đứa khác ở kế bên.
[…] Khi chúng tôi đến, quán đã đông nghẹt khách yêu nhạc. Hoài Bắc tìm cho tôi và Thanh Nam chỗ ngồi riêng, muốn uống gì cũng được, khỏi trả tiền. Hoài Bắc, Hoài Trung và Thái Thanh, mỗi tối đều hát ở đây, ngoài các ca sĩ khác. Đêm đó, Thái Thanh hát bài Đừng nhìn em nữa, thơ của Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Duy phổ nhạc. Tiếng hát Thái Thanh bao giờ cũng như có ma lực thu hút người thưởng âm. Trong thời gian này, Thái Thanh sống một mình với vài đứa con nhỏ, nên có nhiều “tráng sĩ” múa gươm lắm! Nhưng theo tôi được biết, các “tráng sĩ” đó, đều bị Thái Thanh tước gươm, cho đo ván tại trận. Thế mới biết, yêu cũng khó lắm! Tình đã cho đi, có bao giờ nên đòi lại? Và câu thơ: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” không đúng! Phải đổi lại: “Yêu là chết không còn manh giáp!” ở trong trường hợp của Thái Thanh lúc đó. Nhưng tôi cũng không ngồi lâu, khoảng 10 giờ 30 giã từ Thanh Nam, Hoài Bắc đi về. Tôi ít đi chơi khuya vì sợ mất ngủ, ngày mai đến sở ngủ gật nguy lắm! Nhưng anh em thường nói đùa: Tôi, con người “nể” vợ, không dám về trễ! Sự thực không mấy đúng, vợ tôi, người đàn bà rất hiền và yêu thương tôi rất mực từ ngày cỏn đi học cơ mà!
[…] Bất ngờ một sáng, Thái Thanh và Tâm Vấn lại thăm. Tôi coi hai nàng ca sĩ này như hai cô em gái. Thái Thanh không son phấn, còn Tâm Vấn trang điểm như bó hoa. Thái Thanh nói dí dỏm, còn Tâm Vấn nói lanh chanh như sợ nếu ngưng, người khác sẽ nói mất. Tôi hỏi về cuộc tình với Thanh Nghị ra sao?
– Bỏ lâu rồi, anh chưa biết sao? Cái thứ theo voi hít bã mía coi như hỏng!
[…] Một bữa, nhận được tin Thanh Tâm Tuyền được tha qua Doãn Quốc Sỹ, chúng tôi rủ nhau tới thăm, có cả Thái Thanh. Sáng sớm, tôi và Sỹ đã có mặt ở nhà Thái Thanh ở gần chợ Thái Bình. Sau khi trèo chiếc cầu thang dốc ngược, tôi thấy Thái Thanh đang chải đầu. Xung quanh nhà toàn chậu hoa, tôi biết Thái Thanh mê cây cảnh. Sợ mất xe đạp, tôi và Sỹ xuống thang, chờ Thái Thanh ở dưới chân cầu thang. Chừng 15 phút sau, Thái Thanh khoan thai, tay xách cây dù nhỏ đi xuống. Tôi và Sỹ đều ghếch chân lên bàn đạp sẵn sàng. Doãn Quốc Sỹ mời Thái Thanh ngồi vào chiếc pọoc-baga để anh đèo, nhưng Thái Thanh nói:
– Em nặng quá, anh đèo gì nổi, từ đây lên Tuyền bên Gia Định xa lắm!
Nói xong, Thái Thanh đi ra phía lộ, kêu xích lô. Sau khi ngã giá, Thái Thanh bước lên xích lô ngồi, trông vẫn đúng điệu lắm. Tôi và Doãn Quốc Sỹ như hai vệ sĩ già, đạp xe lẽo đẽo theo sau. Khi xe leo khỏi con dốc cầu Kiệu, tôi mệt muốn đứt hơi, rồi qua lăng Tả Quân, gặp tòa tỉnh trưởng Gia Định cũ, chúng tôi quẹo trái, rồi quẹo mặt, qua trường trung học Hồ Ngọc Cẩn một đoạn khá dài, chúng tôi nhìn thấy Thanh Tâm Tuyền đứng chờ ở ven đường. Doãn Quốc sỹ đã hẹn trước với Tuyền rồi. Lúc ấy đã gần 9 giờ sáng. Thấy đói, tôi mời tất cả vào một quán cóc bên lề đường ăn sáng, uống cà phê. Ăn uống xong, Tuyền đưa chúng tôi vào nhà bằng lối đi ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp dẫn đến căn nhà trệt xinh xắn có hàng ba sơn màu xanh, có cả giàn hoa giấy màu tím hồng trông rất nên thơ. Vào đến trong nhà, ngoài chiếc bàn nhỏ, trên mặt để sẵn đĩa bánh bích-quy loại bình dân và ấm nước trà. Cách đấy một khoảng có mắc chiếc võng. Ở cuối nhà kê chiếc phản gỗ. Chị Tuyền, người miền Nam, trông hãy còn duyên dáng lắm ra chào, rồi xin phép phải đi có chút việc. Thế là chỉ có chúng tôi, nói chuyện tù mãi cũng chán. Thái Thanh lấy cây đàn guitare treo trên vách xuống, so lại dây, rồi hát những ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến. Thoạt đầu tiếng hát còn nhỏ, sau như không gian trấn áp nổi sự hào hứng, Thái Thanh hát thật mạnh, thật to. Tiếng hát âm vang rồi thoát đi qua khung cửa sổ, qua chiếc cửa ra vào không khép, nên chỉ một thoáng sau, một rừng người đứng lố nhố che kín cả khoảng rộng để nghe tiếng hát Thái Thanh. Chúng tôi vui chơi đến trưa mới ra về. Thanh Tâm Tuyền lại đưa tiễn ra tận lề đường. Chờ cho Thái Thanh kiếm được xích lô, lúc ấy tôi và Doãn Quốc Sỹ mới đạp xe theo. Lần về, khi đến Đa Kao, tôi quẹo ngả khác, đến thăm một người bạn, chỉ còn Doãn Quốc Sỹ đưa Thái Thanh về nhà. […]
Trích Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, Tạ Tỵ
saigonthapcam