Giáo sư Vĩnh Sính viết cảm xúc về trận hồng thủy vừa tàn phá đất Huế cách đây mươi năm (và bây giờ hầu như mỗi năm), thuật một đoạn e-mail của người cháu: “vào lúc cao điểm… mực nước đã lên đến chữ M ở khách sạn Morin”. Khách sạn Morin, người xứ Huế quen gọi là Hotel Morin, là một kỳ quan của đất Huế, người địa phương lúc hốt hoảng, dùng chiều cao của mặt tiền kiến trúc để ước lượng mực cao của con nước. Trong một trăm năm vừa qua, ngôi nhà này đối với người sống ở Huế như… tháp Eiffel tại Paris. Người sống ở thủ đô nước Pháp nhắc tới Eiffel như một kỳ quan của thời đại kỹ nghệ; người sống ở đất Huế không thể không biết tới Hotel Morin nằm trên khu đất cao ráo bên “phố tây”, vào địa điểm thuận lợi nhất trên trục giao thông, khách du lịch đến Huế thế nào cũng phải đi qua.

Lịch sử - saigonmorin.com.vn

Bài này viết dựa hoàn toàn trên tài liệu của ông Jean Cousso, và ông Nguyễn Đắc Xuân, sử gia thành phố Huế. Jean Cousso hiện là Chủ Tịch Hội Tân Đô thành Hiếu Cổ (Nouvelle Association des Amis du Vieux Huế, NAAVH) vừa được thành lập – hay tái sinh – năm 1996. Hội phát hành một bản tin rất khiêm tốn, nhưng trang nhã và đầy đủ, phổ biến hạn chế cho một số thành viên, tóm lược những công trình nghiên cứu về đất Huế hiện đang được thực hiện. Ở cuối bài này, người viết xin phổ biến các dữ kiện về hội NAAVH để bà con đất Huế và người Việt Nam hiện sống ở nước ngoài thích sưu tầm về quê hương có thể trực tiếp liên lạc với Hội. Trong lúc chúng ta nói nhớ Huế và thương Huế, hiện có những “người ngoài” như Jean Cousso và các bạn đồng tâm đồng chí đang tìm cách vượt qua nghìn trùng khó khăn (phải giao tiếp với các đồng chí dép râu bên nhà) để phục hưng và tái tạo di sản cố đô Huế. Jean Cousso là một bậc trung niên cháu ngoại của Bác sĩ Sallet và bà Amélie Morin, người em út trong dòng họ Morin. Riêng tài liệu Hotel Morin này đã được rút trong bài “Hôtel Morin, Hôtel Sàigon – Morin, Petite Histoire d’un Centenaire” (AAVH, No 3, Février 1999, Biscarrose, France).

Trở lại với khách sạn Morin, người viết xin được hiệu đính là Hotel Morin không phải là một công trình kiến trúc vĩ đại nhắc được hình ảnh của tháp Eiffel, mà chỉ là một cơ sở ba tầng lầu khiêm tốn so với các khách sạn lớn ở thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn hiện nay, lại càng không thể so sánh với các khách sạn tân tiến ở Bangkok, Hongkong, Singapore. Thế nhưng đôi lúc dân Paris có thể quên nhà thờ Notre Dame, các viện bảo tàng Tuileries và Le Louvre để nghĩ đến cái sườn sắt Eiffel thì người dân đất Huế cũng có thể quên hình ảnh của Đại nội và các lăng tẩm vua đời trước để nghĩ đến Hotel Morin, tòa nhà luôn luôn đập vào mắt, dấu vết khó quên của một trăm năm lịch sử vừa trôi qua, buồn vui lẫn lộn. Những dòng sau đây thử cố ý nhìn Hotel Morin qua lăng kính lịch sử.

Khách sạn Morin trước gia đình Morin

Người Pháp can thiệp bằng võ lực vào Việt Nam bắt đầu từ năm 1856 lúc chiến thuyền Catinat vào cửa biển Đà Nẵng giao chiến thư hỏi tội triều đình Việt Nam về việc cấm đạo Gia-tô và giết người giảng đạo. Từ năm đó về sau, chắc chắn phải có những phái bộ người Pháp lui tới Huế để thương thuyết. Các phái bộ này không thể ở trên tàu vì cửa biển Đà Nẵng khá xa kinh đô Huế. Trong tập san Đô thành Hiếu cổ xã (Bulletin des Amis du Vieux Huế, BAVH) qua một số bài có tiêu đề “Les Européens qui ont vu le Vieux Huế” (Những người Âu châu xưa đã tham quan cố đô Huế” trước thế kỷ hai mươi, như Giám Mục Alexandre de Rhodes, như người Anh Thomas Bowyear, người Ý Christophoro Berri, như các bạn đồng chí của Giám Mục d’Adran… không ít thì nhiều đều có để lại chút ký ức về Huế. Tuy vậy, chúng ta không được chút tài liệu nào dẫn cứu về một nơi có thể gọi là khách sạn trong cố đô. Ta phải kết luận là đám du khách trên đã trú ngụ tại các tư gia người quen biết, hay giáo dân.

Năm 1875, theo đề nghị của “Ủy ban Cô sanh xi na” (Commission de la Cochinchine) do vua Nã Phá Luân đệ tam lập ra để nghiên cứu tình hình chiến hay hòa với Việt Nam, chánh phủ Pháp cử đại diện đầu tiên bên cạnh triều đình Huế là Nam tước Reinhart. Cũng không thấy tài liệu nào nói rõ ông Reinhart ở đâu, chỉ biết là ít lâu sau ông được một nhà ngoại giao khôn khéo Philastre thay thế. Philastre được triều đình Huế nhượng miếng đất rộng đúng 200 mét vuông (!) ở phía hữu ngạn sông Hương để xây cất văn phòng “Đại lý Pháp quốc” (Bureau de la Légation de France), là nơi về sau trở thành tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Trong khoảng đất nhỏ hẹp đó, Philastre dựng lên một cơ sở chắc là nhỏ và tiều tụy lắm, gọi là “căn lều của các vị đại sứ” (la Case des Ambassadeurs), làm chỗ trú ngụ cho bất cứ nhân vật nào đến công tác thương lượng với triều đình Việt Nam.

Tài liệu này trích trong cuốn ký ức của Dutreuil de Rhin, một trong những tân khách của căn lều Đại sứ. Ông kể lại là vào năm 1876, một năm sau chiến thuyền Catinat cưỡng nhập cửa Đà Nẵng, triều đình Việt Nam cũng chỉ mới cho phép tất cả là bảy người công dân Pháp được cư trú trong tỉnh Thừa Thiên, ngoài một số Linh Mục người Pháp có thể được giáo dân Gia-tô theo Pháp che giấu. Đó là lý do rõ ràng nhất vì sao kinh đô Huế không cần khách sạn. Cũng nên nói thêm là kinh đô từ trước vẫn có nơi cư trú tiếp rước khách của triều đình, trên bến Thương Bạc, ở phía tả ngạn sông Hương, chứ không phải triều đình “quê mùa” tới nỗi không có nơi tiếp khách từ xa đến. Cho đến năm 1898, tài liệu của nhà văn M. Monier đến Huế, ở lại ba tháng trong “căn lều Đại sứ” mô tả các thắng cảnh và đời sống dân địa phương trong sách Le Tour d’Asie (Vòng quanh châu Á, Plon 1899), đầy đủ chi tiết ký sự, theo ý nghĩa nơi cư trú của người du khách, cũng không thấy nêu lên một nơi nào gọi là khách sạn trong kinh đô.

Phải chờ đến năm 1901, năm đầu của thế kỷ hai mươi, Huế mới có một nơi gọi là khách sạn với ý nghĩa ấn định của thời bây giờ. Một người sĩ quan trong đoàn viễn chinh, Bogaert, năm 1885 đã tham gia việc công phá kinh thành Huế, trở lại yêu Huế. Ngoài cái hình dáng “cô thôn nữ cười trong nón”, anh ta lại còn bị ám ảnh phải làm tiền trên giải đất thơ mộng không thiết tha với thương mại và kỹ nghệ là đất Huế. Anh ta mua lại xưởng đúc gạch và ngói ở làng Long Thọ. Cơ sở làm gạch ngói này đã hoạt động hơn hai trăm năm trước với trang bị và kỹ thuật thô sơ, cung cấp gạch và ngói để xây dựng ngoại thành và nội thành Huế, từ các đời chúa Tiền Nguyễn. Bogaert biến lò vôi thành một cơ sở sản xuất xi măng rất cần thiết cho việc tân tạo thành phố người Pháp vừa mới chiếm được, cần phải xây cất lại theo mẫu mực Tây phương. Xưởng xi măng Long Thọ phát đạt, chủ nhân ông dùng tiền lời đầu tư vào kỹ nghệ khách sạn.

Năm 1901, Bogaert dựng lên một kiến trúc lớn hai tầng, trang bị các phòng làm khách sạn, hoạt động từ năm 1902. Hai năm sau, một trận bão lớn (các cụ già còn nhớ tới bão năm Thìn) có lẽ đã làm hư hại một phần cơ sở khách sạn. Bogaert đem bán kiến trúc khách sạn cho một Pháp kiều khác tên là Guérin. Chủ mới sửa chữa cơ sở, đổi tên là A. Guérin, Grand Hôtel de Huế (Đại khách sạn Huế A. Guérin). Jean Cousso và Nguyễn Đắc Xuân dẫn tài liệu và hình ảnh khách sạn Guérin trông rất khả quan, trích ra từ một tạp chí của “Phòng Tư vấn hỗn hợp về Thương mại và Nông nghiệp Trung Kỳ” (Chambre consultative mixte de Commerce et d’Agriculture de l’Annam).

Khách sạn Guérin vào tay gia đình Morin

Tại miền Trung Đông nước Pháp, dãy núi Jura phân chia biên giới Pháp – Đức và Pháp – Thụy Sĩ, nuôi sống dân bằng nghề chăn nuôi và nghề trồng nho làm rượu. Tỉnh Artois thuộc Pháp nằm phía Tây Bắc Jura có một làng nhỏ Mesnay là sinh quán của một gia đình nông dân nghèo, họ Morin. Cuối thế kỷ Mười chín, nghề làm rượu nho ở Jura bị khủng hoảng vì tại miền Nam nước Pháp, kỹ nghệ làm rượu dùng phương pháp lên men mới của Pasteur chế ra, tránh được nho và rượu bốc men hư thối. Phương pháp mới cần trang bị đắt tiền, dân vùng Jura chưa theo kịp.

Lại nữa, nước Pháp thất trận trong cuộc chiến tranh với nước Đức năm 1871, phải bồi thường hai tỉnh Alsace và Lorraine cho Đức làm cho dân chúng trên miền Bắc nghèo hơn. Giữa tình huống đó, hai người anh lớn trong gia đình Morin là Arthur và Aimé lại xui xẻo bắt trúng thăm phải đi thi hành nghĩa vụ quân dịch. Hai anh em Morin phải sung vào đoàn quân viễn chinh trong bộ đội Thủy quân Lục chiến tham dự cuộc chiến tranh thôn tính Bắc Việt. Lính Pháp ngày đó đã sử dụng được súng có nòng thép để hiếp đáp quân Việt Nam còn dùng giáo mác và vài cây súng đồng, nên người lính Pháp được mặc cảm tự đại. Thử nghĩ chỉ một nửa trung đội gồm 15 cây súng mà hạ được thành Bắc Ninh trong một ngày! Tuy thế, họ rất sợ quân Cờ đen giết người da trắng không gớm tay do Việt Nam chiêu mộ.

Chiến tranh ở miền Bắc tạm chấm dứt, Pháp chuyển qua kế hoạch bình định. Hai anh em Arthur và Aimé không muốn trở lại nhà tiếp tục cuộc đời nông dân lầm than; họ chọn ở lại Bắc Việt là vùng đất mới có nhiều cơ hội khai thác. Họ là cựu quân nhân của đoàn quân chinh phục chiến thắng, dễ hiếp đáp người bản xứ để ăn trên ngồi trước. Cũng vào lúc đó, bà cụ mẹ gia đình Morin qua đời, khiến cho quyết định di cư dễ dàng hơn. Thế nhưng tình hình trên đất mới, trên thực tế vẫn chưa được hoàn toàn ổn định. Quân ái quốc được Đội Cờ Đen yểm trợ có thể tấn công vào các đô thị bất cứ lúc nào, cho nên trong số bốn anh chị em còn ở lại nhà, họ chỉ đưa hai người anh chị lớn là Emile và Laure sang Hải Phòng. Bốn anh chị em thuê được căn nhà gỗ, mỗi đêm trải nệm ngủ trên sàn, ba người anh trai nằm ngoài canh giữ cô em gái, sợ quân Cờ Đen bất ngờ tấn công hãm hiếp.

Đời sống của gia đình mới di cư vào đất thuộc địa diễn tiến thế nào? Jean Cousso – chắc hẳn là một nhà khoa học xã hội dựa trên hai tài liệu để mô tả cuộc sống của gia đình Morin và có lẽ chung cho đa số người Pháp lớp trung và hạ lưu đến lập nghiệp tại nước ta vào đầu thế kỷ XX. Tài liệu là một cuốn ký sự của Claude Bourrier “Choses et Gens en Indochine” (Sự kiện và nhân vật gặp tại Ấn Độ China, 1913 Paris), tài liệu hai là một tập hồi ký của một giáo sư quen thuộc lớp người ở tuổi bảy, tám mươi như chúng ta có biết lúc nhỏ, ông de Lafferranderie. Ông từng làm Hiệu trưởng trường Lycée Khải Định, và khoảng thập niên 40, làm Giám đốc Học chánh Trung Việt.

Lúc ban đầu đời sống của dân mới đến định cư, tuy là người da trắng, cũng rất khó khăn. Bốn anh em Morin đều làm công cho hãng Honoré Debaux ở Hải Phòng (theo Claude Bourrin) và ít lâu sau di cư lên Hà Nội, làm công cho nhà hàng Godart ở phố Trường Tiền (theo de Lafferanderie). Đi làm công không khấm khá, Emile là người có chút chữ nghĩa xin vào làm cảnh sát, và nhờ có một ít lương tiền dư dả, đưa hai em nhỏ là Wladimir và Amélie sang đoàn tụ.

Trong sáu anh chị em Morin, Wladimir là người có bản lãnh và đầu óc nhất. Anh ta đến Hải Phòng năm 1898, lúc vừa đúng 21 tuổi. Lập tức anh xin làm nghề chạy hàng cho một người lái buôn người Hoa để kiếm tiền và học việc. Anh nhận xét là gia đình Morin đến Việt Nam đã sáu năm mà vẫn giẫm chân tại chỗ, đi làm công cho người đồng hương, không chút tương lai. Wladimir đề nghị với anh chị em gom góp tất cả tiền dành dụm di cư xuống miền Trung Việt, chọn ngay một cửa biển mới là Đà Nẵng để mở khách sạn.

Wladimir nhìn xa thấy rộng, muốn tránh trước những điều bất hòa giữa anh em xuất thân là “nhà quê” bây giờ bắt đầu làm giàu, nên thành lập một công ty gia đình gọi là công ty kinh doanh Etablissements Morin Frères. Lý do khác phải lấy tên gia đình kinh doanh là vì Wladimir quan niệm phát triển đa hiệu, không riêng gì trong ngành khách sạn mà phải dùng cơ sở để phát triển mọi ngành thương mại khác trong cộng đồng người Pháp mới định cư, và trong các thành phố địa phương sẽ được kiến thiết. Đã có kế hoạch, gia đình Morin bắt tay vào việc. Sau hai năm cần cù làm ăn tại Đà Nẵng, họ đã kiến tạo được một khách sạn vững vàng gọi là Hotel Morin Đà Nẵng. Wladimir bèn giao cơ sở cho người anh Emile quản lý, và ra Huế điều đình mua cơ sở khách sạn Guérin cũng đang sống lây lất để làm thành một cơ sở thương mại, văn hóa và xã hội độc nhất ở miền Trung.

De Lafferranderie là một cụ giáo già, hay là một con cáo già, nói theo thời thượng, đã đóng góp nhiều trong công trình “khai hóa dân An Nam của Đại Pháp”, có nhiều duyên nợ với đất Huế. Các bậc cha chú của chúng ta, nếu không phải là môn đệ của ông tại trường Khải Định, thì cũng trọng nể ông, gọi là “cụ Láp”, viết về Wladimir Morin như sau: “Wladimir sinh ra trong con giáp cần lao… sáng dậy từ 5 giờ (làm việc cần cù) cho tới 10 giờ đêm… 64 năm không có một giờ ngơi nghỉ”. Cụ Láp viết về khách sạn Morin: “Cơ sở kiến trúc ngày trước (Hotel Guérin, NPBT) chỉ có vài gian nhà làm phòng ngủ cho mướn, một hiệu ăn tập tàng và một gian hàng tạp hóa. Ông chủ mới dầy công làm việc, có óc kinh doanh, giàu phương tính nhanh nhẩu chiều khách, biết thu xếp và không hoang phí, chỉ trong ít lâu đã biến cơ sở thành một khách sạn quan trọng không một nhà nào ở Đông Dương sánh kịp”. Claude Bourrin đã gặp và hiểu biết anh em Morin lúc hàn vi tại Hải Phòng và sau này giàu sang tại Huế, nhận xét về gia đình này như sau: “Họ là những người không từ nan công tác nặng nhọc, biết cách xử sự khéo léo theo hoàn cảnh, sẵn có sức kiên nhẫn chịu đựng của người dân cày (tuy khen nhưng có dịp vẫn đá giò lái! NPBT), và họ đã trở thành giàu có là lẽ tất nhiên”.

Bourrin viết tiếp: “Khách sạn của gia đình Morin thu hút rất nhiều người đến Huế vì họ biết tạo một không khí gia đình mà khách hàng (xa nhà) đang thiếu. Riêng phần tôi lúc nào cũng giữ cái cảm tình biết ơn với những người giàu thiện cảm trong gia đình đó đã tận tâm phục vụ cho tôi, tôi muốn nói đến cách phục vụ do thiện tâm tạo ra, cách phục vụ không thể trả bằng tiền”. Rõ ràng là cách đây gần một thế kỷ, đối với những người Pháp xa quê hương bằng khoảng cách nửa địa cầu, trong cái nắng cháy da và dưới cơn mưa dầm “mang mang vô tận kỳ” của đất Huế, gia đình Morin đã thành công tạo được một mái ấm cho khách hàng sống trong khách sạn của họ.

hotelmorin

Cơ sở khách sạn Morin nằm trên địa điểm tốt nhất của thành phố Huế, bên cánh phải của quốc lộ Số Một đi qua tỉnh Huế bằng cầu Trường Tiền (cũng là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hương Giang, do kỹ sư Eiffel, người đã xây ngôi tháp lừng danh ở Paris, xây cất) nằm sát cạnh Tòa Khâm sứ Pháp là trung tâm quyền lực của miền Trung, trên con lộ sắp hàng những cơ quan hành chánh như sở Kho bạc, sở Lục lộ, ngân hàng, câu lạc bộ… lại ở ngay đầu góc của khu dinh cư người Pháp cho nên thao túng được mọi sinh hoạt xã hội, văn hóa và kinh tế của cộng đồng người Âu châu. Trong khu khách sạn là gian hàng các dịch vụ cần thiết cho khách cư trú và dân chúng trong phố Tây, như hiệu tạp hóa, hiệu làm tóc cho các bà, hiệu cắt tóc cho các ông. Và tất nhiên là nhà hàng ăn, khang trang và sang trọng nhất của thành phố.

Vào mùa nắng, nhà hàng có khu bán đồ giải khát, bàn ghế để ngoài sân hiên cho khách du ngồi nhắm cà phê hay rượu xem xe cộ đi qua cầu Trường Tiền. Rờxíp của hiệu ăn (công thức món ăn ở thực đơn) có thể so sánh với ngự thiện hoàng cung hay nhà bếp Tòa Khâm sứ không thua kém, trong những dịp lễ lạc lớn. Góc phố nối tiếp với nhà hàng là rạp chớp bóng, rạp chớp bóng đầu tiên của đất Trung Kỳ, gồm hai hạng rành rẽ: hạng ghế da dành cho ông Tây và khách có tiền ngồi lô, ngồi phơ-tơi, hạng sau màn ảnh cho dân nghèo rách mồng tơi, nhưng hâm mộ Charlot và Marlène Dietrich, ngồi xem ngược! Trong khách sạn có khu bán tạp hóa, gọi tên Pháp là Comptoir d’Articles de Consommations, bán vải tơ lụa, rượu mạnh, rượu vang, mỹ phẩm cho phái nữ, cạnh tranh với nhà hàng Chaffanjon cách khoảng vài đường phố và các phố Tàu bên tả ngạn. Dân giàu trong tỉnh sính “ăn tây” đến Morin chờ mua thịt, bánh mì mỗi sáng ra lò, pho mát Gruyère, Camembert hoặc pâté mới nướng.

Kể như vậy để nói ra cái duyên của Morin với các biến cố chính trị và kinh tế xảy ra trên đất Huế giữa thế kỷ vừa qua. Vào những năm khó khăn bắt đầu Thế chiến thứ Hai, cơ sở Morin trở thành trung tâm sinh hoạt kinh tế của người da trắng. Lực lượng đồng minh phong tỏa đường biển, các loại thực phẩm cần thiết như lúa mì không đến được, nhà Morin sản xuất bánh mì bằng bột bắp, bột đậu nành tiếp tế cho thành phố. Cũng trong sinh hoạt chính trị và văn hóa, chính phủ Decoux trưng dụng một gian nhà của cơ sở Morin làm Phòng Thông Tin. Trên bức tường lớn vẽ địa hình châu Âu, kẽ rõ bằng dây len mức tiến quân của Đại tướng Eisenhover và Đại tướng Zhukov vào từng làng xã đất Đức. Chính phủ vừa ve vãn người Nhật để giữ đất thuộc địa, vừa không thể che giấu hy vọng toàn thắng của quân Đồng minh, làm cho đám người đi xem thông tin chưa “giác ngộ chính trị” như chúng tôi phân vân không biết muốn cho phe Mỹ Nga thắng hay phe Đức Nhật thắng. Chánh phủ Decoux muốn đánh lạc hướng phong trào ái quốc giành độc lập đang âm ỉ cháy trong lòng dân Nam, tổ chức các phong trào, các đại hội về thể thao như cúp bóng tròn giữa năm đơn vị địa phương (Cao Miên, Lào, Nam Trung Bắc Kỳ. Lào yếu quá không tham gia được), như cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương theo hình ảnh của Tour de France. Trong những cơ hội này, Hotel Morin là nơi cư ngụ của các cầu thủ và các cua-rơ xe đạp lúc ghé Huế, thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ hay hiếu kỳ đến xem.

Như vậy cơ sở Hotel Morin đã đạt được hầu hết các tiêu chuẩn người giám đốc Wladimir Morin đã đề ra: tiêu chuẩn kinh tế thương mại, tiêu chuẩn xã hội, tiêu chuẩn văn hóa và tiêu chuẩn chính trị. Wladimir lúc mới đến Việt Nam chỉ là một người làm công đi giao hàng, hai mươi năm sau đầu óc doanh nghiệp đã công nhiên đưa anh đi vào giai cấp thượng lưu của người da trắng chủ nhân ông thuộc địa. Năm 1914 ông kết hôn với người con gái của một kỹ nghệ gia tơ lụa ở Lyon, cô Jeanne Desrobert, và chắc cũng nhờ vào uy tín và sản nghiệp nhà vợ, Wladimir trở thành một nhân vật có tầm vóc lớn ở Đông Dương.

Hãng Morin lập thêm khách sạn ở Bà Ná, nơi nghỉ mát ở phía Tây thành phố Đà Nẵng, ở Qui Nhơn, và ở Bạch Mã, núi nghỉ mát ở Tây Nam thành phố Huế. Wladimir tham gia mọi sinh hoạt chính trị của người Pháp tại Trung Kỳ, được bầu vào Hội đồng thành phố Huế và Hội đồng tư vấn Trung Kỳ, ông là nhân viên đắc lực của Hội Đô thành Hiếu cổ xã (AAVH), giải quyết nhiều vấn đề tài chánh cho hội. Cô em gái út của gia đình Morin lại kết hôn với một nhân vật đóng góp vô cùng to lớn cho văn học Trung Việt là Bác sĩ Albert Sallet, Hải quân y sĩ Trung tá, cây viết đắc lực nhất của Bulletin des Amis du Vieux Huế, tác giả của nhiều công trình khảo sát y học và địa dư. Ông Giám Đốc Hotel Morin mất năm 1942, thọ 64 tuổi, ba năm trước khi quân đội Nhật tước khí giới người Pháp. Cơ sở thương mại giao lại cho ba người con trai lớn Henri, René và Edmond. Nhưng tình hình chính trị ở Đông Pháp đã biến chuyển rất mau một cách khác.

Năm 1945 chủ quyền Pháp tại bán đảo Đông Dương mất. Pháp đi rồi Pháp lại về, nhờ thương lượng ăn ý với quân đội Anh (được giải giáp quân Nhật theo quyết định Potsdam ở miền Nam, và với quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc. Hiệp định Mồng 6 tháng Ba giữa ông Hồ Chí Minh và chánh phủ Pháp đưa quân đội viễn chinh mới của Pháp trở về Huế. Cơ sở Morin một lần nữa lại đi vào lịch sử, vì quân đội viễn chinh được trang bị tối tân với khí giới Mỹ, thuộc đoàn quân tinh nhuệ của Tướng Leclerc dùng khách sạn Morin để đóng quân một phần, để giữ khu máy phát điện của xưởng thực phẩm trong khách sạn, máy phát điện dùng cho đài phát thanh của quân đội Pháp liên lạc với bên ngoài.

Đêm 19 tháng Mười Hai 1945, cả đô thành Huế bốc lửa. Quân kháng chiến đóng bản doanh dưới hầm nấp bom của Tòa Khâm sứ mở từng loạt tấn công vào mặt tiền khách sạn Morin. Đã được chuẩn bị từ nhiều tuần lễ trước, quân Pháp và kiều dân dùng khu Morin là tiền đồn của hàng rào cố thủ. Kiều dân Pháp đem tất cả bàn tủ giường nệm của khách sạn làm bức tường chướng ngại vật. Chỉ riêng một đêm 3 tháng Giêng 1947 mặt tiền của khách sạn tan nát chịu đựng 60 quả đạn trọng pháo 75 ly; ngày 14 tháng Hai khách sạn hoàn toàn sụp đổ, còn trơ vài bức tường (Jean Cousso dẫn chứng tài liệu chứng kiến của một kiều dân trong cuộc là bà Pháp kiều Husson).

Nhưng rồi kháng chiến quân không tiêu diệt nổi ổ cố thủ. Quân Pháp trong phố Tây bắt được viện trợ từ Đà Nẵng lên Huế và lực lượng kháng chiến phải tháo vào rừng. Hotel Morin được tu sửa chút đỉnh làm nơi trú ngụ cho một số Pháp kiều trở lại sinh hoạt. Chỉ tiếc là những đổi thay trọng đại xảy ra trên thế giới trong Thế chiến thứ Hai không làm tỉnh thức các ý kiến thuộc địa cướp nước quá lỗi thời của người Pháp, dẫn tới cuộc đau thương của nước Việt Nam và riêng của thành phố Huế, như ta thấy ngày nay. Tháng Bảy năm 1951 gia đình Morin bán đoạn mãi cơ sở thương mại của họ gầy dựng trong nửa thế kỷ. Từ năm 1951 đến nay, qua thế kỷ mới, có bao nhiêu biến cố tầm vóc lịch sử đã xảy ra trên cơ sở định mệnh “khách sạn Morin”, mà chắc chắn các thành viên của hội Tân Đô thành Hiếu cổ xã đang có những đồ án điều nghiên giảng dạy giúp chúng ta.

Tài liệu mới nhất của Tân Đô thành Hiếu cổ xã cho biết năm 1988 công tác đại tu bổ Hotel Morin đã hoàn mỹ. Ban giám đốc khách sạn mới, theo đề nghị của Jean Cousso giữ cái tên lịch sử, gọi cơ sở mới là Hotel Saigon Morin. Ngày khánh thành, ban Giám Đốc mời gia đình Morin hiện sinh sống tại miền Tây Nam nước Pháp đến dự lễ. Gia đình Morin đem tặng bức tượng bằng đồng thanh của Wladimir Morin đặt trong đại sảnh của khách sạn.

Theo dõi lịch sử Hotel Morin, người dân Huế hay suy tư có thể nhận xét đôi điều. Trước tiên, trên dãy đất cằn cỗi, nơi chôn nhau cắt rốn của người Chiêm Thành ngày xưa đã mất đi, cha ông chúng ta đến lập nghiệp thụ hưởng một mảnh đồng bằng bề ngang không đo được quá mười kilomet, lại còn mỗi năm bị cát biển lấn vào vài tấc (công trình nghiên cứu của Giáo sư Tôn Thất Trình), còn ra là người dân gầy miền Trung chắc một phần tiêm nhiễm cái di thể hoài cổ của dân Chăm, chỉ hướng về văn nghệ, thơ với thẩn, hát với ca, mà không mấy thích tính toán làm ăn. Vậy mà có một anh chàng người Pháp như Wladimir Morin, chỉ đôi ba mươi năm cần cù, từ một tên làm công chạy hàng đã trở thành một chủ nhân ông tư bản triệu phú. Khoa học gia nhân văn và xã hội sẽ giải thích là anh ta giàu có đức tính doanh thương (entrepreneurship spirit), cộng thêm đức tính cần lao và cần kiệm, lại biết chia sẻ với tha nhân, biết yêu chuộng văn học, đức tính gọi chung là Christian ethics (để dùng theo chữ Protestant ethics, trong gia đình Morin có một dì phước đạo Gia-tô) đã làm tư bản Âu Châu và Mỹ Châu hùng cường.

Từ đó ta đi tới kết luận là người Huế không lập nghiệp được trên đất Huế trong nghìn năm trước và cho đến bây giờ, chắc hẳn là lỗi ở khí chất (temperament) đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm xúc và ứng xử của con người, và lỗi ở tâm tính (mentality), tính chất riêng của cá nhân không thích bon chen. Ngần đó, người Huế và người miền Trung thời nay lại nghe mấy ông cán bộ xúi dại, theo Mác tranh đấu cho “tư bản rẫy chết”, rồi thịnh vượng sẽ đến với mọi nhà, của ăn không hết. Bảy mươi năm tự do theo Mác, xứ sở đã nghèo lại càng nghèo khổ tới mức cùng cực. Phải chi đừng đọc sách “Tư bản luận” của Mác mà bắt chước cái tinh thần tư bản làm ăn của Morin mà lại hay.

Nhận xét thứ hai cũng trên ý thức văn nghệ. Một trăm năm ta học tiếng Pháp, được nhắc mãi là văn chương của nòi giống gô-loa phong phú nhất. Bây giờ được sống đầu óc cởi mở hơn lại thấy khác. Ví thử ngày nay có một ông sinh viên Thạc Sĩ (Master’s Degree, danh từ giáo dục mới) hay Tiến Sĩ (Doctoral Degree) nào ở bên nhà hay ở ngoài còn vọng về xứ sở, đi tìm các tình tiết đời sống của một gia đình trung lưu Pháp kiều di cư sang đất thuộc địa Đông Pháp chẳng hạn, tài liệu để khai thác được thật là hiếm hoi. So sánh với văn học Anglo-Saxon như văn chương Anh và Hòa Lan chẳng hạn (hai quốc gia này cũng đã chiếm đất thuộc địa ở Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai…) có vô vàn thiên ký sự, ký ức, hồi ký, truyện ngắn, truyện dài bằng Anh ngữ hoặc Hòa Lan ngữ của Ruyard Kipling, của Somerset Maugham, của Edward Dekken…, văn chương thanh thoát, tình ý sâu đậm, cách xa những bản ký ức của Bourrin và De Lafferanderie đã nói ở trên.

Kết luận thế nào, người viết những dòng này cầu xin là vì mình học chưa thấu đáo nên nói sai, và trong tương lai có nhiều vị thức giả sẽ tìm khảo nhiều hơn, bổ túc cho những vấn đề tưởng là thiếu sót này.

Nguyễn Phúc Bửu Tập

tongphuochiep