Có lúc tôi tự hỏi vì sao chợ Ga ở Phú Nhuận lại có thể tồn tại lâu như vậy? Nó không là ngôi chợ có truyền thống như chợ Phú Nhuận (xưa là chợ Xã Tài), chợ Gò Vấp, hay chợ Tân Định. Cho đến giờ, nó vẫn là cái chợ ọp ẹp, xập xệ che chắn bằng những mái tôn cũ ngay góc đường. Cách mấy chục mét là đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ to đẹp, ngôi chợ vẫn cứ quê mùa, lao xao y hệt như ngày xưa. Ngày mà má tôi bắt đầu ra bán hàng ở giữa thập niên 1950.
Những người trên bảy mươi tuổi gọi chợ này là chợ Di Cư vì được lập nên năm 1954, nằm lọt thỏm trong một cộng đồng người miền Bắc vào Nam thời gian đó. Chợ rất gần cổng xe lửa số 9 cắt ngang đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Ngồi bán trong chợ vẫn có thể nghe tiếng còi xe lửa hú. Nơi đó, là thiên đường của tuổi nhỏ với chén chè khoai hay dĩa bánh cuốn má cho ăn, cũng là nỗi ngán ngẩm của tuổi mới lớn khi phải lui tới giúp mẹ dọn hàng sau giờ học.
Sạp của má tôi sang được chỉ ít năm sau khi chợ lập nên, lúc đầu ngó ra con đường Trương Tấn Bửu nối dài (nay là Đỗ Tấn Phong) dẫn tới đoạn đường rầy xe lửa cắt xéo qua. Đường này đi ngang qua mấy tiệm đúc tượng Chúa và Đức Mẹ của người Bắc. Chục năm sau, các sạp phải quay vào phía trong chợ. Đến giữa những năm 1980, Ban quản lý sợ hoả hoạn nên cho giở hết các sạp hàng đóng kín, người bán phải bày hàng trên cái sạp trống chung quanh, ngó mặt ra đường.
Chợ có hầm trữ chuối của người bán buôn đưa chuối từ miền Đông về bỏ sĩ. Tháng 4 năm 1975, có mấy người sợ pháo kích nên chui vô hầm. Một trái pháo rớt ngay trên đó, chết cả đám. Sau này, cô bán bánh cuốn nhân thịt đặt bàn và lò bếp tráng bánh lên trên nắp hầm xi măng. Khách ăn dĩa bánh cuốn thơm ngon không ai biết dưới ghế ngồi của mình đã xảy ra một cảnh tượng kinh hoàng.
Giống như tất cả các chợ, mùi phổ biến nhất ở đây là mùi mắm cá, dưa chua ngâm, thịt heo hay thịt bò sống. Cuối chợ, hàng tôm cá luôn có thứ mùi đặc trưng, sàn luôn ẩm ướt vì nước rửa. Người bán đa dạng, có người hiền, có người đanh đá. Má tôi khéo léo giao thiệp với tất cả mọi người, biết sợ mồm miệng của các bà, nhất là khi họ ế ẩm.
Có điều lạ, hầu như các bà bán thịt ở chợ này đều hiền lành, toàn người Bắc di cư. Bác Đối bán thịt bò, răng nhuộm đen, cười suốt ngày. Bác có con gái gả về tận Tây Ninh. Khi lính Pôn Pốt tràn qua biên giới, cô bé cháu ngoại của bác bị chúng bẻ gãy tay đến ngất xỉu, nhờ thế mà thoát chết, được đưa kịp vào nhà thương cứu chữa. Đến khi lành lặn về chợ thăm bà ngoại, cái tay nó đã lên sẹo, cong quẹo. Khi má tôi đóng cửa sạp, cô bé luôn giúp bà, chuyền từng mảnh ván cửa. Còn cô Điện bán thịt heo, có hàm răng phô nướu đỏ au rất dễ nhận ra, luôn càu nhàu đủ mọi chuyện nhưng không hề to tiếng với ai. Cô bán thịt lành nghề, tay dao chặt thịt côm cốp miếng nào ra miếng đó. Mấy chục năm sau, khi đi ngang chợ, tôi vẫn thấy cô bươn bả ngoài chợ, tóc bạc phơ, vẫn vóc dáng nhỏ thó nhưng chắc lẳn, lanh lợi.
Ngày Noel, chợ rất nhộn nhịp vì đa số người bán và người mua là dân có đạo. Ra chợ những ngày này vui lắm. Dọc dãy phố gần chợ, nhà nào cũng trang trí cây thông với đèn chớp tắt và quả cầu. Có một ngôi nhà sơn tường màu hồng tro, cây thông trang trí quá đẹp khiến tôi mê mẩn nhưng không dám nhìn thẳng vào, giả bộ đi ngang qua lại để ngó. Nhiều nhà có máy dĩa hay dàn AKAI xài băng magnetic, phát nhạc Giáng sinh nghe đầy náo nức. Chị Tư tôi khi ấy đang học trường Luật, tìm cách kiếm tiền mua cho được cái xe đạp mi ni và cái máy cassette nhỏ nghe nhạc Giáng Sinh. Lúc đó có phong trào làm mành sáo bằng ống hút nước ngọt. Từ Chợ Lớn, người Tàu nhập máy móc từ Hồng Kông sản xuất ống nhựa nhiều màu sắc có sọc dọc theo thân ống. Có người mua loại ống này về, thuê phụ nữ con nít rảnh rỗi cắt ra đan kết từng sợi dài xuống làm mành ngăn phòng. Ống hút đan hình trái tim, con cá, con ngựa… Nhà bình dân chuộng kiểu mành sáo ống hút này vì màu mè, lại rẻ tiền, tuy dùng một thời gian thì xuống màu, bám bụi. Có khi chị cùng chị Sáu làm hoa vải, thú nhồi bông. Hoa hay lá cắt bằng vải, dán trên khung xương bằng kẽm bọc giấy mỏng. Làm được, chị mang ra sạp má gửi bán. Noel thì làm hoa Trạng nguyên đỏ chói. Làm một thời gian, chị mua được một chiếc xe đạp mi ni của Nhật, loại xe bây giờ không thấy nữa. Còn máy cassette, chưa kịp mua thì đến sự kiện 1975.
Đến ngày Tết, con cái trong nhà đều thích ra phụ má dọn hàng. Chợ nghèo nhưng bán đủ thứ, phục vụ cho ngày Tết gia đình. Bình bông nhỏ chưng hoa vạn thọ, bông cúc cành. Bếp dầu hôi, bếp than làm mứt. Đến đầu thập niên 1980, một số gia đình bị lùa đi khu Kinh tế mới chịu khổ không nổi chạy về thành phố, sống lê la ngoài chợ. Má tôi lo số hàng để lại ngoài sạp nên mang về nhà gần hết. Mỗi ngày con cái ra chở về hai ba lượt, gần chục cái giỏ. Những người tạm cư, buổi sáng toả ra đi kiếm sống, đàn ông mướn xích lô đạp chở khách, con nít đi xin ăn, phụ nữ đi làm mướn lặt vặt, trưa tụ về nấu cơm ăn trên các sạp dọn sớm. Ngày Tết họ nấu một nồi thịt kho nước dừa to. Giáp Tết, trong khi chờ má dọn hàng, tôi ngồi quan sát họ. Rảnh họ đánh bài, vợ chồng chửi nhau, mấy đứa nhỏ toàn không bận quần. Mấy ông nhậu “bia lên cơn”, một thứ nước pha cồn và hương liệu, có gaz. Một cái bình sứt chưng cành mai nhỏ xíu nép trong góc sạp.
Bạn hàng quý má vì có đàn con mà họ coi là hiếu thảo. Mấy anh em, từ ông anh lớn là Hiệu trưởng một trường cấp hai, đến mấy đứa em đã ra trường trưa nào cũng thay nhau ra dọn hàng. Anh nào chưa vợ, các bà nửa đùa nửa thật đòi làm mai mối. Má chỉ bán tới buổi trưa. Sạp đóng lại bằng những ván gỗ có rãnh hai mép âm và dương, lắp ghép với nhau xong rồi xỏ một cây sắt xuyên ngang theo những khoen sắt gắn ở mỗi miếng ván, đầu thanh sắt có lỗ xỏ một ổ khoá to tướng. Sáng, các miếng ván được giở ra, nhét vào khoảng hở dưới sạp. Khi lôi ván ra thế nào cũng kéo theo nhện và gián dưới hầm. Mùa mưa, ván nở, khó gài vào nhau. Mùa khô, ván co lại, bị hở, trộm thò cây vào móc đồ. Từ đó, hàng họ mang về nhà hết.
Khoảng thập niên 80, xe đạp chế bằng ống nước yếu xìu. Mấy anh em tôi chở má về bị gãy sườn xe hoài vì ngày nào cũng có ít nhất là bốn cái giỏ nặng treo ghi đông, một cái to má ôm trên tay. Mấy lần mẹ và con ngã chổng kềnh giữa đường nhựa. Không ai dám mơ một cái cửa sắt cho sạp hàng vì tốn kém.
Sát vách, có cô Bảy bán mặt hàng y hệt sạp của má tôi: kim chỉ, giây thun quần, vải, nữ trang xi mạ, xà bông thơm. Hàng hoá giống nhau nhưng bên đó luôn đầy ắp hàng, vải chất cả chục cây sau lưng vì cô mạnh vốn. Khách thích vào mua bên đó là điều dễ hiểu. Má chỉ có thể giữ khách quen bằng giá cả rẻ vì ăn lời ít, với gương mặt phúc hậu, mái tóc trắng như cước và nụ cười đầm ấm. Khách lạ vẫn thích mua hàng cô Bảy. Má không mấy khi than với đám con, nhưng mấy chị của tôi biết má buồn vì thua thiệt.
Chợ Ga Phú Nhuận bình thường như bất cứ ngôi chợ nào khác trên đất Gia Định. Má tôi nghỉ bán khi quá sáu mươi, nghỉ ngơi với con cháu được hơn hai mươi năm rồi mất. Chợ chỉ cách nhà vài trăm mét, vậy mà bao lần, tôi có ước muốn nhỏ là đi bộ vào phía trong chợ, muốn ngó lại khoảng không gian nhỏ trước sạp của má khi xưa, lúc tôi còn là đứa học trò mỗi ngày chở má ra dọn hàng, mở đóng sạp. Chỉ vậy thôi mà chưa bao giờ làm được điều đó. Chạy xe qua chợ, tôi đi thẳng, không ngoái lại nhìn. Cái chợ Ga nhỏ giờ như một căn phòng cấm trong tim tôi chưa hề dám mở, từ khi má không còn…
Tranh màu nước: Phạm Công Tâm (trích tập tranh Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn” (công ty sách Phương Nam 2020)