Chiều đông mưa lạnh, cuộc đời xô dạt dẫu phương trời nào, lòng cũng ao ước được về ngồi bên bếp lửa mà hơ tay sưởi ấm với tro than. Chái bếp nhà quê lỉnh kỉnh những nồi niêu xoong chảo, cái chạn bát sờn mồ hôi bàn tay mẹ, và cả cái chum sành màu da lươn ánh bóng thời gian.

Thuở quê còn trầm lặng sau lũy tre làng, dưới mái tranh nghèo, hình ảnh chiếc chum sành hiện hữu thân thuộc như một lẽ đương nhiên. Thế rồi cuộc sống dần phát triển, cái mới tiện nghi dần thay thế cho những vật dụng thô sơ. Rồi một khi thảng thốt giật mình tìm về ký ức, không còn thấy bóng dáng chiếc chum đựng lương thực nơi góc bếp, chứa nước mưa ở mái hiên sau mới tự trách mình sao quá vô tâm.

Thuở ấy, chiếc chum cùng với anh em họ hàng của mình như vại, lon, hũ, chóe… là vật dụng không thể thiếu của bất cứ gia đình nào dù khá giả hay nghèo khó ở thôn quê. Với đất sét và bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng nghề, chum sành không chỉ hữu dụng làm vật chứa đựng mà còn mang cả triết lý âm dương ngũ hành, của thuyết tam tài đất – lửa – nước; thủy hỏa hài hòa, thủy thổ cân bằng vừa là lẽ trời vừa là đạo lý cuộc đời.

Vì làm bằng sành nên sơ ý là chum nứt vỡ ngay. Để được lâu dài, người ta cất đặt chum cố định và nâng niu gìn giữ. Ta nhớ ngày xưa có lần, tranh thủ cả nhà đi vắng, đã bắc ghế trèo mở nắp chum bộc trộm mấy củ lạc giống mẹ cất. do vội vã mà vô ý làm mẻ miệng chum. Cha đi làm đồng về, chỉ dặn dò mấy câu chứ không lời trách mắng, rồi người tỉ mẩn ngồi chế ra thứ keo dán từ mật và tro, vôi để gắn lại. Đến giờ ta vẫn giữ chiếc chum ấy, dẫu trải bao biến thiên cuộc sống để mong luôn thấy được hình bóng của mẹ cha, của ngôi nhà xưa và cả tuổi thơ đã đi qua, lớn lên hồn nhiên trong nghèo khó.

Thuở ấy, khi công nghệ của đồ sắt, nhựa, inox chưa phổ biến thì mỗi gia đình có vài ba chiếc chum là bình thường. Chum lành thì dùng trữ nước mưa hứng từ mái tranh ở đầu hồi cùng chiếc gáo dừa thân thuộc. Chiếc nhỏ hơn thì để đựng mật mía cho ngày tết sau khi kéo che từ mấy luống mía sau vườn. Chiếc nào đã rịm, nứt thấm nước thì đựng lúa, ngô, lạc giống. Những hạt giống tốt nhất, sau khi phơi khô quạt sạch được cất vào chum để tránh ẩm mốc, chuột bọ cắn phá hay thậm chí là sự vơi hụt khi tháng ba ngày tám.

Dân quê có câu đùa tếu táo khi nói về hình dáng không được đẹp của ai đó “thon thon hình vại, thoai thoải hình chum”. Không hiểu vì sao chum lại có hình dáng phình to giữa thân và hai đầu chụm lại như thế. Nhưng hình dáng ấy cũng có nét thẩm mỹ riêng cũng như dễ vận chuyển và dễ nổi trên nước khi ngập lụt.

Cuộc sống nông thôn phát triển, nhiều đồ gia dụng bằng vật liệu mới đã thay thế cho chiếc chum cồng kềnh dễ vỡ. Có lúc, người ta đập phá chum để thoát khỏi sự vướng víu mà không hề tiếc thương, quyến luyến. Thế nhưng, ở những làng nghề làm tương, làm nước mắm truyền thống thì chum lại là dụng cụ giúp cho bí quyết làm ra những sản phẩm ngon hơn, có đặc trưng thương hiệu riêng. Cũng có những đại gia sành điệu, người ta sưu tầm những chiếc chum cổ (đặc biệt là chum có núm trên thành miệng – biểu tượng cho các gia đình giàu có) để trưng bày hoặc đựng rượu như mốt thời thượng. Rượu đựng vào chum sành, hạ thổ càng lâu thì hương vị càng nồng căm hơn, uống êm ngọt hơn mà lại khử được chất andehit độc hại.

Thỉnh thoảng trên đường làng, ta vẫn bắt gặp tiếng rao của người bán hàng rong với những chiếc chum vại đời mới đủ kiểu dáng, hoa văn cầu kỳ, nước men sáng bóng. Có ai đó mua một chiếc đặt ở góc vườn cùng chiếc gáo dừa để gợi nhớ gợi thương những khung trời kỷ niệm. Thế nhưng làm sao có thể thay thế được chiếc chum sành thô mộc thấm đẫm mồ hôi và dấu tay khắc khổ, khó nhọc mà càng để lâu càng bóng màu vun vén, tảo tần của mẹ ngày xưa ?