Ấn tượng thị giác thì nhanh chóng và tức thời. Cái nhìn đầu tiên về một con người, sự vật luôn mang lại nhiều cảm xúc nhất. Nên mới có câu “tiếng sét ái tình”, “yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên”. Nên người ta mới ngập tràn cảm xúc trước một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, một màn pháo bông ngoạn mục, hay lặng người khi nhìn một bức ảnh, một họa phẩm hay một kiệt tác kiến trúc…

Trí nhớ thị giác thì mạnh mẽ nhưng chóng tàn phai. Một khung cảnh làm ta xúc cảm trong cái nhìn đầu tiên, nhưng nếu ngày nào cũng đi qua, sự nhàm chám dửng dưng sẽ thay vào nhanh chóng. Và không chỉ một lần, ta lục lọi trong trí nhớ về một khuôn mặt đã từng rất đỗi thân quen nhưng hiện tại thì không tồn đọng chút nào trong ký ức. Hãy gọi đó là sự bội bạc của ký ức thị giác!

Một hình bóng cũ, dù thân yêu cách mấy, vẫn luôn tàn phai theo năm tháng, nên người xưa mới cảm thán: “đập cổ kính ra tìm thấy bóng”.

Khứu giác là một huyền nhiệm khác. Bắt nguồn từ những tận cùng thần kinh I ở mũi, các sợi thần kinh khứu giác chui qua một mảnh xương có nhiều lỗ nhỏ như cái sàng (xương sàng) ở nền sọ, dẫn truyền những xung động khứu giác đến vỏ não, nơi tiếp nhận và xử lý những xung động đó.

Khoa học di truyền về thần kinh xếp loại khứu giác là cảm giác cổ xưa, nguyên thủy nhất của con người. Trước khi mở mắt, con vật hay hài nhi đã biết ngửi mùi vú mẹ để tìm hơi ấm và nguồn sống. Nhiều động vật và con người tiền sử dùng khứu giác để tìm nguồn nước, thức ăn, đánh hơi sự nguy hiểm hay để tìm bạn tình trong mùa giao phối…

Nhưng không chỉ mục đích sinh tồn, một cách vô thức, khứu giác còn dẫn đến những cảm xúc cao cấp hơn. Nhiều động vật, côn trùng tiết ra những mùi hương gọi là pheromone để quyến rũ bạn tình. Con người hiện đại dùng mùi hương như một công cụ – vô tình hoặc cố ý – để tăng sự hấp dẫn với người khác giới. Hãy xem các quảng cáo nước hoa, kem đánh răng, kẹo cao su… thì thấy đều có chung một kịch bản về sự thu hút giới tính này: dùng mùi hương không phải chỉ đến mang lại sự sảng khoái cho mình, mà còn tăng vẻ gợi tình, quyến rũ trước mắt (hay mũi) người khác giới.

Một mùi hương cũ luôn gợi nhớ đến một hình bóng, kỷ niệm xa xưa nào đó. Tình nhân xa nhau lâu ngày nhiều khi quên cả bóng hình, nhưng thể hương -mùi hương, mùi tình nhân thì cứ lưu cữu trong trí não.

“Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”…

Hay “xếp tàn y lại để dành hơi”, câu cảm thán đầy thương nhớ của thi nhân xưa khóc người yêu dấu, đều có chung một xuất phát là sự liên hệ mật thiết trong vô thức của khứu giác với tình yêu, tình chăn gối, gợi nhớ niềm ân ái…

Ký ức khứu giác thì mơ hồ, không vẽ, không minh họa và không tả được như với xúc giác, thị giác, thính giác. Nhưng vì là một bản năng cổ xưa tận trong tiềm thức, ký ức khứu giác thì dai dẳng, sâu đậm và mãnh liệt hơn chúng ta nghĩ.

Đó là điều tôi cảm nhận được khi bất ngời ngửi thấy mùi bắp rang bơ thơm lừng trong một buổi sáng co ro rảo bước trên đường phố Paris. Chỉ thoáng đó thôi, cả một vùng trời tuổi thơ trên đường phố Lê Lợi Sài Gòn vào thập niên 70 quay về, mồn một rõ như in. Đó là mùi tóc khét rẹt trong những hôm chờ mẹ làm tóc, khi mà người ta còn chụp cả cái lồng kính vào đầu. Đó là mùi gỗ thông của hộp bút chì màu Castell Faber mà mẹ mua cho ở nhà sách ông Khai Trí, hay mùi giấy mới của tờ báo Thiếu Nhi đóng bộ mà cha tôi đem về mỗi khi vào Sài gòn chấm thi…

Ký ức tuổi thơ ngồn ngộn đó, không thể thiếu được mùi khói xe. Thời đó, xe chạy dầu, nên cái mùi khói xe thơm thơm đó là cái mùi bọn trẻ chúng tôi hít lấy hít để sau đuôi những chiếc xe lam hay xích lô máy. Nửa thế kỷ qua, mùi ấy không còn với các tiêu chuẩn khí thải EURO 3 hay 4. Vậy mà lâu lâu bất chợt ngửi lại cái mùi khói ấy là thấy cả đường phố Sài Gòn cũ hiện về trước mắt. Kể cả cuốn tập ố vàng có hình chiếc xích lô máy cũng hiện về, như hôm qua thôi.

Còn mùi gì gợi nhớ Sài Gòn trong những ngày qua? Với tôi, đó là mùi khẩu trang. Trong 2 năm qua, có lẽ không ai hình dung được bộ trang phục nơi công cộng của loài người lại phải có thêm mảnh vải này trên mặt. Chiếc khẩu trang làm cho con người trở nên phi nhân dạng, vì nó che khuất những biểu cảm của mấy trăm cơ mặt, ngoại trừ đôi mắt. Mùi của chiếc khẩu trang đó là mùi của âu lo, bất trắc, đề phòng…, thay cho cảm giác sạch sẽ tinh tươm khi mang chiếc khẩu trang mới bước vào phòng mổ. Nhưng hôm nay, cái mùi khẩu trang đó sẽ gắn liền với những ngày Sài Gòn lâm trọng bệnh, đường phố hoang vu không một bóng người và mỗi mặt người là một sinh mạng còn sống sót, thay vì là một nhân diện cụ thể…

Ký ức khứu giác của tôi về một Sài Gòn xưa và nay là vậy: một phức hợp gồm nhiều mùi khác nhau, nhưng mỗi mùi lại tách bạch gợi nhớ về một kỷ niệm vui có, buồn có. Và ghép lại thành một bức tranh sống động như thật, cứ tưởng như hôm qua…

Cứ tưởng như hôm qua thôi, khi tôi là một chú bé 5 tuổi, đứng trước chiếc Vespa màu trắng của cha tôi, trên con đường đến trường đi dạy mỗi ngày. Chiếc Vespa ấy, vào thập niên 60, là một dấu hiệu nhận dạng (social stigma) của tầng lớp trí thức trung lưu miền Nam: giáo sư, ký giả, sinh viên y khoa, bác sĩ…. Nên trong những tấm ảnh cũ về bãi xe trước thương xá Eden trước Nhà hát Thành phố bây giờ, người ta chỉ thấy toàn Vespa, mà chủ nhân của nó đang ngồi thong thả trong cafe Givral hay Caravelle gần đó. Vespa đã là một hình ảnh không thể tách rời của sự lịch lãm, trang nhã. Khi quí ông chạy Vespa đa phần là trí thức tinh hoa, khi quí bà say mê bộ phim Vacance Romaine với hình ảnh đôi tình nhân Audrey Hepburn và Gregory Peck rong ruổi trên đường phố Rome trên một chiếc Vespa. Và rất nhiều tiểu thư Sài Gòn đã chuyền tay nhau bản phóng tác “Tình Mộng” bằng Việt ngữ của Hoàng Hải Thủy.

Tôi cũng đã dấm dúi đọc Tình Mộng khi còn tiểu học – một điều cha tôi không cho phép vì là “truyện yêu đương người lớn”. Nhưng một chú nhỏ thì không quan tâm những chi tiết diễm tình của nó, mà lại nhớ như in mùi khói xe thơm thơm, pành pạch thoát ra thành nhiều vòng tròn từ ống bô chiếc Vespa của cha mình. Đó mới là ký ức mùi sâu đậm nhất của tôi về một tuổi thơ êm đềm, ngày ngày cùng với cha mình đi dạy học trên chiếc Vespa, dễ đã hơn 50 năm về trước.

Hình ảnh, thanh âm và mùi khói của chiếc Vespa đã đọng trong ký ức từ bao giờ, tôi cũng không biết! Chỉ giật mình khi ký ức về Sài Gòn, về tuổi thơ đã trôi qua của mình bỗng quay về trong phút chốc từ một chiếc Vespa cổ vụt qua, để lại một dây khói trắng mờ mờ sau nó.

Nửa thế kỷ sau, khi cúi xuống ngửi mùi tóc thơm thơm của con gái nhỏ đứng trước chiếc Vespa của mình, tôi cứ thầm hỏi: “Sau này khi khôn lớn, điều gì làm con gái ta nhớ lại hình ảnh “Cha, Con và Vespa” của ngày hôm nay?”

“Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” – Heraclite nói thế. Nhưng người ta có thể lái nhiều chiếc Vespa để thả mình trôi về ký ức của nhiều quãng đời, mà những “tưởng rằng đã quên”…

Sài Gòn, mùa Giáng Sinh 2021

Vũ Thanh Hoa