Trong những phương tiện giải trí, tôi nhớ nhất là chiếc TV hiệu Sharp 14 inch trắng đen mà ba tôi mua hồi trước Tết Mậu Thân để anh em tôi không phải lén nhà đi coi cọp mấy nhà hàng xóm. Thuở đó, truyền hình đã bán rất nhiều ở chợ Huỳnh Thúc Kháng nhưng hầu hết là TV trắng đen.
Có truyền hình nhưng anh em chúng tôi không được xem liên tục mỗi đêm. Ba tôi nhờ bác Hai thợ mộc hàng xóm đóng giùm cái thùng gỗ ván ép to đùng “trùm mền” cái TV nhỏ bé, lại có cái khoá. Chỉ khi nào chúng tôi học bài xong thì bà chị lớn trong nhà mới mở TV. Thật ra, việc cái TV có khoá tôi chẳng quan tâm, mở ra thì coi không mở cũng chẳng sao. Nhiều khi tôi giả bộ sang thăm nhà ông Nội, ghé cửa sổ nhà ai đó xem say sưa quên luôn tới nhà ông Nội.
Hồi đó, phương tiện giải trí này thật hấp dẫn, hấp dẫn hơn nhiều cái radio. Cái radio của ba tôi không biết có từ lúc nào, hình như là lúc tôi vào mẫu giáo. Và cái radio đó dường như trong nhà không ai đụng tới ngoại trừ ba tôi. Còn những ngày ba tôi ở đơn vị quân đoàn III Biên Hoà, cái radio cũng “trùm mền” bằng tấm khăn đặt trên góc tủ thờ.
Có mấy chương trình tôi thích nhất là phim cao bồi Bonansa, Wild Wild West, Batman trên băng tần 11 và Chương trình lúc 0 giờ vừa xem vừa hồi hộp của La Thoại Tân, chương trình tạp lục Tùng Lâm hay chương trình Ðố Vui để học trên băng tần số 9. Cải lương, ca nhạc má và mấy bà chị thích xem. Mỗi lần xem cải lương là tôi buồn ngủ. Trong khi phim cao bồi bắn cái đùng là lăn ra chết và liên tục có những pha gay cấn. Phim truyền hình lần đầu tiên tôi thích là Chân Trời Tím do tài tử Hùng Cường và Kim Vui đóng.
Nhớ hồi ba tôi mới mua cái TV về, đám con bác Hai nhà đối diện xuýt xoa: “Nhà mày có TV bành ky! Nhớ cho tụi tao coi với nha, màn ảnh to xem đã hơn TV của nhà bà Năm trầu cuối xóm”. Ðến chừng ba tôi khui cái thùng lớn, bưng cái TV ra mới biết cái TV tôi mong đợi chỉ rộng hơn cái tấm bảng con trong cặp thằng em mà thôi. TV không có cái chân cao, không có cửa lùa giống như mấy cái TV tôi từng nhìn thấy trong xóm. Nhưng tôi biết để sắm cái TV này, ba má tôi phải bỏ ra số tiền tiết kiệm kha khá. Bởi có lần tôi nghe ba tôi về nhà nói với má tôi ở chỗ làm việc, cố vấn Mỹ trang bị cho cái TV màu, hình ảnh rõ ràng, đẹp hơn TV trắng đen nhiều. Nghe nói TV màu đắt tiền lắm, chỉ có các căn cứ của Mỹ mới có, còn hầu hết cơ quan quân sự hay dân sự người Việt thì TV trắng đen.
Chiều tối cơm nước xong, ba tôi khui thùng TV, cẩn thận đặt nó lên cái tủ con khuất bên hông tủ thờ, rồi kéo nhánh ang-ten bên hông lên cao chỉnh qua chỉnh lại để bắt sóng. Âm thanh TV rè rè, hình ảnh giật giật rồi rõ nét, chốc chốc hiện hình ca sĩ Thái Thanh lại bị méo mó. Thằng Nhân con bác Hai chạy qua xem, thầm thì bên tai tôi: “Ba mày để cái TV ở đó làm sao tao coi?”. Dường như ba tôi nghe thấy tiếng thằng Nhân. “Mấy đứa muốn xem thì sau khi học bài xong thì cứ qua nhà coi chung với mấy đứa con của chú”. Từ đó về sau không những đám anh em thằng Nhân mà mấy đứa bạn học của tôi ở xóm trên xóm dưới không còn bu cửa sổ nhà bà Năm trầu.
Mấy năm sau, chiến tranh lan rộng triền miên, ba tôi không về nhà mỗi tuần, có khi cả hai ba tháng mới về thăm gia đình được vài ngày, nhất là những lúc tháp tùng đoàn thanh tra chiến dịch Hạ Lào. Hình như ba tôi không còn có ý hạn chế việc xem TV của con cái trong nhà, chiến tranh đang hồi kết thúc, Mỹ bắt đầu rút quân, chương trình TV và các thiết bị phát sóng của quân đội Mỹ chuyển giao cho Ðài Truyền hình VN. Nhờ đó chương trình phát sóng của đài phong phú hơn, hình ảnh âm thanh tốt hơn nhưng phải sử dụng bộ ang-ten trời nhiều nhánh.
Và đây cũng là lần đầu tiên, tôi leo lên mái nhà để bắt cột ang-ten. Trên những mái nhà fibro xám mốc liền kề san sát xen kẽ những tấm tôn hoen rỉ ngút trong tầm mắt mọc thêm nhiều ang-ten nhấp nhô cao thấp, vài con diều giấy đứt dây vướng vào cột ang-ten lất phất vẫy đuôi trong gió. Ngồi trên mái nhà, tôi mới nhận ra, chỉ sau vài năm, nhiều nhà đã có TV, hèn chi không còn cái cảnh đến giờ phát hình truyền hình trẻ con không còn bu quanh các cửa sổ xem như vài năm trước đó. Cho đến lúc này, tôi mới thắc mắc, không hiểu sao các nhánh ang-ten vô hồn lại có thể chuyển sóng điện thành âm thanh và hình ảnh trên cái TV.
Sau này khi theo học khoa báo chí, tôi mới hiểu rõ vai trò của đài truyền hình cũng như lịch sử thành lập đài. Nhắc lại chuyện truyền hình ngày xưa, mấy người bạn tôi kể tên vanh vách các ca sĩ, các ban nhạc thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Thậm chí có người còn nhớ đến, khi mở đầu chương trình TV vào lúc 18 giờ là màn quốc ca, giới thiệu chương trình tối nay và cũng như danh tính của những phát ngôn viên đài truyền hình ở các mục cũng như kết thúc chương trình trong ngày.
“Thưa quý vị thưa các bạn xem đài, chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam tối nay, đến đây kết thúc. Với những cố gắng thường xuyên trong các tiết mục, thời sự, chính trị, thông tin, kinh tế và giải trí, chúng tôi ước mong quý vị khán giả và các bạn xem đài đã thưởng thức được phần nào chương trình của đài chúng tôi. Chúng ta sẽ chia tay nhau tại đây và chúc quý vị khán giả và các bạn xem đài một đêm yên nghỉ. Chắc chắn là chúng ta sẽ gặp nhau vào tối mai cũng trên băng tần số 9 này. Kính chào quý vị khán giả và các bạn xem đài”.
Tôi cũng như các bạn của tôi, thuở nhỏ đều thích chương trình Ðố Vui để học do thầy Cao Thanh Tùng điều khiển. Trong bài viết Chương trình đố vui để học, tác giả Phạm Công Luận ghi: “Giữa thập niên 1960, trên Ðài truyền hình Sài Gòn có chương trình Ðố vui để học được học sinh đô thị xem nhiều và rất say mê, đến giờ, nhiều người ở lứa tuổi trên dưới 60 vẫn hào hứng khi được nghe nhắc lại chương trình này.
Chương trình này bắt đầu phát năm 1966, do Trung tâm Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo dục (miền Nam) thực hiện. Những người tham gia điều hành chương trình là: các thầy cô dạy trung học như Thầy Ðinh Ngọc Mô (dạy Pháp văn, có biệt tài về kịch nghệ), ông Lê Thanh Hoàng Dân (Phó giám đốc Trường Quốc gia Sư phạm), Thầy Cao Thanh Tùng (dạy Việt văn), ông Huỳnh Kim Quế (đã qua một khóa huấn luyện về vô tuyến truyền hình tại Ðài Loan) và các ông bà Nguyễn Văn Ðồng, Huỳnh Ðộ, Nguyễn Tú Anh, Ðặng Ngọc Hương, Dương Thủy Ngân.
Chương trình được mô phỏng tiết mục truyền hình của Mỹ Quiz Show và tiết mục Quitte ou double của Pháp, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục, tạo tinh thần thi đua học tập của học sinh, tập cho các em bình tĩnh, phản ứng nhanh, ăn nói mạnh dạn và lưu loát trước công chúng, khuyến khích các em ưu tú, tạo tinh thần học hỏi cho học sinh nói chung”.
Theo baotreonline