Cá là món ăn rất gần gũi với bà con, có nhiều người ăn cá từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày răng long tóc bạc mà vẫn không biết chán, biết chê.Cách chế biến lại hết sức đơn giản như nướng trui, luộc, kho, hấp, chiên, nhúng giấm… tùy theo từng loại cá.
Mọi người đợi đến ngày đón Tết là chụp đìa bắt cá. Một số bán ra lấy tiền mua sắm trong những ngày xuân về Tết đến , một số để dành ăn và biếu bà con không có đìa trong mấy ngày Xuân
Hồi xa xưa, ở Cần Thơ cá nhiều vô số kể. Nơi đây trú ẩn, sinh sôi nhiều loại cá đồng như trê, lóc, cá sặc rằn, sặc bướm, thác lác, rắn, rùa, lươn, cua đinh…Cứ đầu mùa mưa, cá từ những lung, bàu lũ lượt kéo nhau lên đồng tìm kiếm thức ăn và sinh đẻ bảo tồn nòi giống. Dù rong ruổi xa xôi trên khắp cánh đồng, ruộng lúa, nhưng đến mùa gió chướng từng đàn cá lũ lượt kéo nhau về lung, bàu. Vì mải mê tìm kiếm thức ăn, có nhiều loại cá phải vượt cạn, có khi phải chịu kẹt làm thành luồng sâu dưới lòng đất, sống tiềm sinh suốt mùa khô hạn. Biết được sinh lý, đời sống của loài cá đồng, bà con ta thường đào đìa, lên vuông để cá xuống ở trong mùa nước rút, đó là số cá dự trữ để bán ra tiêu xài, hoặc làm những món ăn trong dịp Tết.
Trước đây, bà con bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ như : tát đìa bằng thúng, bằng mo cau cột thành cái gàu, hoặc thùng thiếc rồi đến gàu sòng, gàu dai… một thời gian nhờ máy nổ. Nhưng bắt cá chụp đìa bằng cách “ken lưới” là tiện lợi, khẩu đìa ngắn hay dài đều bắt được, con cá không đuối sức và hầu như bắt trọn ổ.
Chụp đìa
Trong công đoạn chụp đìa, để khỏi lỗ lã vì mướn lưới và mướn nhân công tiếp chụp đìa, chủ nhà hoặc người mua thường xem đìa có nhiều cá hay không. Họ xem bằng nhiều cách: lắng nghe tiếng quẫy đuôi, tiếng ngớp, tiếng ục, tiếng chép, tiếng táp mồi. Chắc hơn nửa, lặn xuống huơ tay có đụng cá hay không? Xem cá xắn để dấu vào ở hai mé đìa nhiều hay ít, cá làm hang nhiều không?…
Khẩu đìa sắp chụp, trước tiên, dùng “phảng” phát cỏ dại, rau muống, lục bình, lấy “cù nèo” dọn sạch rau cỏ trong đìa kéo lên bờ, chờ nước lắng là ta bắt đầu ken lưới.
Ken lưới để bắt cá đìa phải ken hai lần. Nước ở một đìa sâu từ 2 mét trở lên, lưới ken lần nhất độ sâu cách đáy đìa chừng 1 mét và dùng cây ghim hở viền lưới khoảng cách từ 1,5 mét – 2 mét, để cá lên được dễ dàng. Thường thường, bà con dùng những sóng bẹ dừa chẻ ra để ken lưới, vừa tiện lợi vừa chắc chắn lại có sẵn xung quanh đìa. Sau khi ken xong, ngồi chờ khoảng hai đến ba tiếng đồng hồ để cá ở dưới đáy lưới trồi lên thở và ở trên lưới. Thời gian này, họ thường tổ chức nhậu, mồi là những con rắn, con cá… chiến lợi phẩm thu hoạch lúc dọn đìa.
Khi cá ở gọn trên lưới, họ bắt đầu ken lần thứ hai, lần này kéo lưới lên ken sát mặt nước và ghim sâu sát lại, khoảng cách chừng 3 tấc để con cá không trở xuống ao được. Thời gian chừng 30 phút thì kéo lưới.
Lưới bắt đầu kéo từ cuối đìa dồn lần đến miệng đìa, nếu nhiều cá, cá rộ lên phóng đủ hướng, phải có nhiều người đỡ tùng hai bên. Ai không biết, bợ tùng ở dưới cá xắn vào ngực gây tức ngực và sẽ là trận cười cho bà con.
Thu hoạch cá
Thường lệ chụp đìa, bà con trong xóm xúm lại tiếp tay cùng chủ nhà, mỗi người mỗi việc. Người thì vợt cá cho vào thùng, vào giỏ. Sau khi bắt cá xong tiếp đến khâu lựa cá. Các thanh niên xúm lại để lựa và phân loại cá, số cá nào lọt búng tay, còn mạnh được thả xuống nuôi làm giống mùa sau. Số nào bán thì cân tại đìa, số còn lại được khuân vác vào nhà. Nơi đây, chủ nhà sẽ gởi tặng bà con mỗi người một ít cá gọi là ăn “lấy thảo”. Riêng các cô, các bà đem dao, thớt đến làm mắm, làm khô cùng gia chủ.
Chụp đìa mới ràng ràng đây, câu chuyện thật như thế mà nghe như huyền thoại. May thay bà con ta vẫn tiếp tục nuôi cá đồng như trê, lóc, thác lác, cá sặc, rùa, rắn… vẫn tiếp tục sống chung với cá để vùng đồng bằng sông Cửu Long mãi là một thế giới cá đồng.