Những công trình biểu tượng của Sài Gòn xưa được tái hiện trong bộ bưu ảnh tô màu bằng tay thời Pháp của nhà sưu tập Bùi Bằng Giang.

thuong-xa-Eden

Thương xá Eden nằm ở góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, là biểu tượng trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa. Ngoài những quầy bán mặt hàng tiêu dùng sang trọng ở đây còn có cả rạp chiếu phim hiện đại. Ngoài mặt tiền Eden là quán cà phê Givral sang trọng, nơi các nhà báo quốc tế thường ngồi vào trao đổi thông tin. Hiện, tại vị trí này là tòa nhà thương mại Union Square (Vincom B cũ).

dinh-doc-lap

Dinh Độc Lập thời còn mang tên Norodom, xây dựng ngày 23/2/1868 do kiến trúc sư người Pháp Hermite thiết kế. Ngày 27/2/1962, Dinh bị ném bom sập toàn bộ cánh trái và không thể phục hồi. Năm 1962, dinh được san bằng để xây dựng mới hoàn toàn theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành ngày 31/10/1966.

khach-san-Majestic

Khách sạn Majestic được xây dựng năm 1925. Người xây dựng là một thương gia người Hoa giàu bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Ông cũng là người xây dựng nhiều công trình nổi tiếng như Bảo tàng Mỹ thuật, Bệnh viện Từ Dũ, chợ Bình Tây… Majestic mang vẻ đẹp kiến trúc châu Âu thời phục hưng cùng nhiều hạng mục khác như quầy bar, phòng họp quốc tế. Khách sạn đã từng đón tiếp nhiều nhân vật quan trọng như Tổng thống Pháp Mitterrand, Thái tử Nhật Akishino, Thái tử Đan Mạch Henrick, Thái tử Anh Ed.Andrew ..

ben-tau

Năm 1860, Cảng Sài Gòn được thành lập với tên gọi là Thương cảng Sài Gòn gồm các khu vực Hàm Nghi, Nhà Rồng, Khánh Hội và chợ cá. Thương Cảng Sài Gòn được đổi tên thành Cảng Sài Gòn vào năm 1975.

cho-ben-thanh

Chợ Bến Thành xuất hiện từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Khi ấy, bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Thời kỳ đầu chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh nhưng theo năm tháng bị xuống cấp và đến năm 1912 người Pháp mới cho khởi công xây dựng lại, đến tháng 3/1914 hoàn thành.

hoi-truong-dien-hong

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Sài Gòn trước năm 1975 còn được gọi là Hội trường Diên Hồng.

nha-hat-thanh-pho

Nhà hát Thành phố được xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1900 tại vị trí công trường Đồng hồ (Place de I’Horloge) tức quảng trường trước nhà hát hiện nay. Năm 1954 nơi đây dùng làm điểm tạm trú cho thường dân Pháp di cư từ Bắc vào Nam theo Hiệp định Geneve 1954. Năm 1955 công trình được chuyển thành trụ sở quốc hội (Hạ nghị viện). Kể từ 1975 nhà hát trở lại chức năng ban đầu để biểu diễn nghệ thuật và được gọi là Nhà hát Thành phố.

duong-tu-do

Trước năm 1975, đường Đồng Khởi có tên là Tự Do với chiều dài 630 m, bắt đầu từ trước Nhà thờ Đức Bà và kết thúc tại Khách sạn Majestic Saigon trên đường Tôn Đức Thắng (hướng nhìn ra sông Sài Gòn). Các công trình nổi bật trên tuyến phố này là Nhà hát lớn TP HCM, khách sạn Continental, Grand Hotel Sài Gòn, khách sạn Caravelle và Vincom Center A.

rach-ben-nghe

Rạch Bến Nghé nằm chính ở khúc sông Sài Gòn từ cầu Khánh Hội đến hết cầu Chữ Y. Ngoài vai trò là thủy lộ quan trọng, sông bến Nghé còn là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt dưới thời phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Khi thực dân Pháp cai trị Nam Kỳ, nhà cầm quyền Pháp đã cho xây một cột cờ cao 30 mét gọi là Thủ Ngữ (cách vàm Bến Nghé vài trăm mét). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây cũng chứng kiến nhiều trận đánh khốc liệt.

nha-tho-duc-ba

Nhà thờ Đức Bà được đặt viên đá đầu tiên bởi giám mục Isidore Colombert vào ngày 7/10/1877, khánh thành 3 năm sau (11/4/1880). Ban đầu, công trình có tên gọi là Nhà thờ Nhà nước do Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý. Đến nay, Nhà thờ toạ lạc giữa quận 1, là điểm tham quan của rất nhiều du khách trong và ngoài nước và là một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của TP HCM.

trai-linh-hai-quan

Trại lính Hải quân thời Pháp. Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1954, nơi đây trở thành điểm trú đóng của Lữ đoàn bảo vệ Dinh Độc Lập. Sau này do cần thiết phải kéo dài đường Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng) nối liền qua phía Đa Kao, khu vực này bị chia làm hai bên, đường Đinh Tiên Hoàng nằm ở giữa tại vị trí cổng trên hình ảnh. Ngày nay, các tòa nhà nằm phía bên trái là trường Đại học Dược khoa, phía bên phải là Đại học Văn khoa và Đài truyền hình TP HCM.

_MG_0540

Năm 1864, đề đốc Pháp De La Grandière ký quyết định cho xây dựng vườn Bách thảo Sài Gòn. Vườn được nới rộng dần đến năm đến 33 hecta năm 1927. Sau hơn 130 năm tồn tại, nơi đây trở thành một vườn thú lớn mang tên Thảo Cầm Viên với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai… Bên trong Thảo Cầm Viên còn có hai công trình kiến trúc đặc sắc khác đó là Đền thờ vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

bao-tang

Năm 1927 người Pháp cho xây dựng Bảo tàng đầu tiên của Sài Gòn với tên gọi Blanchard de la Brosse. Năm 1945 Bảo tàng đổi tên thành Gia Định Bảo tàng viện, năm 1956 là Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam chính thức cho du khách tham quan. Sau này được gọi là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.

_MG_0551

Năm 1832, vua Minh Mạng cho lập huyện Ngãi An thuộc tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1866 nhập vào khu thanh tra Sài Gòn, trở thành huyện Thủ Đức tỉnh Gia Định năm 1899. Năm 1976, Sài Gòn chính thức đổi tên từ thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Thủ Đức trở thành trực thuộc.

Nguồn: Hải An

2saigon