Tía má tôi muốn cho con biết chữ sớm nên khi tôi vừa lên năm thì đã được đến trường xóm học vỡ lòng A, B, C với ông thầy Tám rất nghèo ở gần nhà. Ông lấy tiền công bằng gạo hoặc bằng những loại thực phẩm khác do cha mẹ học trò đóng. Một người chú tôi cõng tôi đến trường hàng ngày. Như vậy mất một năm. Khi tôi lên 6 thì ông cụ tôi lập nhà thờ Thiên Chúa mở đạo và rước hai Dì Phước về dạy chữ không lấy tiền cho con cháu trong họ tộc và hàng xóm.

Nhà thờ ở ngay bên cạnh nhà tôi, nên má tôi chỉ dắt tôi đến, chớ không bắt chú tôi cõng nữa. Học chữ ở nhà thờ và đọc kinh hàng ngày ở đây mất một năm. Bẩy tuổi, tôi vào trường làng học lớp đồng ấu (enfantin), vào khoảng 1937. Tôi may mắn hơn những đứa bạn trường xóm, phần đông chúng không vô được trường làng mà phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ, hoặc đi ở mướn.

Nằm mơ thấy Trư Bát Giới đánh lô đề con gì trúng lớn?
Trư Bát Giới, nhân vật tấu hài trong Tây Du ký. Ảnh: T.L.

Một hôm tôi đến nhà thằng bạn chơi, bỗng thấy một quyển truyện rách nát, trang giấy vàng nẫu nằm trên bàn, tôi bèn cầm lên đọc. Mới biết đọc, nên ham, thấy chữ là muốn đọc. Thói thường, đọc chưa chạy thì phải lẩm nhẩm đánh vần, hoặc đọc to lên từng chữ một cách ngắc ngứ chứ không suông sẻ, còn đọc chạy thì chỉ lướt mắt qua hàng chữ chớ không phải lẩm nhẩm.

Tưởng chỉ đọc chơi vài hàng, nào ngờ đi hết dòng này đến dòng khác, hết đoạn này đến đoạn khác, rồi đọc luôn một hơi dài, luôn mấy trang liền mà không hay.

Đó là những trang truyện tôi đọc đầu tiên, khi vừa vào học trường làng, vừa đọc chạy chữ Quốc ngữ. Tôi đâm ra mê, nhưng không biết tìm đâu ra để xem tiếp. Mãi cả tháng sau tôi mới tìm ra người có bộ truyện này. Đấy là ông Sáu, em rể của ông Nội tôi. Ông Sáu làm ruộng nhà, ông không giao thiệp với ai, và nổi tiếng là khó tính. Dụng cụ nhà nông ông sắm đủ, ông không mượn của ai, và cũng không cho ai mượn bất cứ món gì. Nhà có một bầy trâu, sân trước mỗi khi mưa to chằng khác gì một miếng ruộng. ông có ba vật quí: Thứ nhất là cây vú sữa trắng, trái rất ít, nhưng trái nào trái nấy to bằng cái tô. Hàng năm ông đếm từng nụ và khi trái chín, ông hái một cặp trội nhất đem kiếng cho nhạc phụ, nhạc mẫu là hai cụ cố tôi. Những trái còn lại thì biếu những bực trên trước, người nhà cũng chỉ được nếm ư chút thôi. Nhất là không được thò tay mà hái trái nào, nếu không có lệnh của ông. Bảo vật thứ hai là hai chai rượu chát đỏ hiệu Con Dơi, ông giữ lại như kỷ niệm từ đám cưới của ông. Nay đã có cháu, nhưng ông vẫn chưa khui ra, vì “chưa đúng lúc”.

Bảo vật thứ ba là bộ truyện Tây Du Diễn Nghĩa, đâu thời 1911, do Phạm Văn Thìn xuất bản. Khổ dài (không như sách ta xuất bản bây giờ). Bìa vẽ hình Tam Tạng cỡi ngựa, Bát Giái vác đinh ba đi trước, mỏ ngước lên, có vẻ hớn hở. Sa Tăng gánh đồ hành lý, còn Hành Giả thì bay là đà nửa ngọn cây sau lưng Tam Tạng. Màu rất tươi, xem rất thú vị, vì rất “giống trong truyện”.

Tại sao tôi biết ông Sáu có bộ truyện quí giá này? Là vì một hôm trên đường từ trường về nhà, tôi cao hứng kể đoạn truyện mà tôi vừa đọc ở nhà bạn cho chú Vĩnh nghe. Chú là con trai út của ông Sáu. Tôi kêu bằng chú, nhưng chú học cùng lớp với tôi. Nghe tôi kể, Vĩnh nói liền:

– Tam Tạng vừa được Thái Bạch Kim Tinh cứu khỏi lại bị yêu bắt nữa!

– Tại sao chú biết?

– Tao đọc truyện chớ sao? – Rồi chú khoe luôn – Tao đọc cả chục cuốn, chớ phải bấy nhiêu thôi sao?

Thế là tôi tóm được chủ nhân của bộ Tây Du. 1

Nhưng làm sao mượn được? Chú Vĩnh bảo:

– Ba tao khó lắm, ổng để bộ truyện trong giường hộc, tao không có chìa khóa.

Tôi biết giường hộc là giường gì rồi. Nó là em của “rương xe”. Nhà giàu xưa mới có hai loại “tủ sắt” này. Của quí đều để trong đó cho bảo đảm khỏi bị cướp. Ăn cướp mà chẻ được “giường hộc” và “rương xe” thì hương quản đã tới còng đầu. Chú Vĩnh không giống ông Sáu, chú dễ tính, lúc nào chú cũng có tiền dư, ít nhất là hai, ba xu để trong vỏ hộp quẹt diêm “Hai sao Bến Thủy” hoặc “Blue Bird”. Mỗi lần cần tiền để mua đạn đá bắn cu-li, tôi không ngần ngại hỏi chú Vĩnh. Bao giờ chú cũng càu nhàu: “Mượn mượn? Mới trả à nghen!” Miệng nói vậy, nhưng tay vẫn mở hộp quẹt lấy tiền đưa ra ấn vào tay tôi hoặc một xu, hoặc nửa xu. Vì thế tôi mới mon men hỏi mượn truyện Tây Du. Ban đầu chú lắc lia:

– Không được, ba tao biết, bị đòn chết.

– Len lén, ông làm sao biết được!

Rồi ngày một ngày hai tôi cứ năn nỉ ồn ỷ riết, chú phải xiêu lòng. Chú đồng ý lấy cho mượn, nhưng còn nghiến răng dặn:

– Mà mày đừng có cho ai mượn lưu truyền rồi mất, nghe hôn?

– Tôi leo vào bồ lúa đọc một mình, không có cho ai mượn đâu mà!

Tuy tôi hứa vậy, nhưng cả tuần sau chú mới bảo:

– Chiều đi học về mày ghé lấy. Nhưng mày phải đứng ngoài cây vú sữa, tao lòn ra cửa (lá sách) cho. Đừng để ai trông thấy. Ba tao biết là chết!

Nhà chú đóng cửa im ỉm như chùa quanh năm, chỉ mở ra khi có đám giỗ. Khi về ngang nhà chú, tôi ghé lại, bụng phập phồng. Rủi ông Sáu bắt gặp méc tía tôi, thì bị rầy to. Thời đó, mấy ai đọc chữ, trẻ con biết gì mà bày đặt!

Tôi đứng co ro bên gốc vú sữa chờ. Tối nay về nhà phải học bài Sử ký dài, và nhiều bài toán phải làm tới khuya mới xong, còn đọc sao nổi. Bỗng cánh cửa hé mở, tôi chỉ nhìn thấy cái chót mũi ló ra thì biết là chú Vĩnh. Tôi vọt lại, chú lòn cuốn truyện ra, rồi khép cửa liền. Tôi nhanh nhẹn đút nó vào trong áo, và ôm chiếc cặp áng trước bụng tự nhiên đi ra; mắt cứ ngó bên này bên kia như có ai thấy.

Kể từ hôm đó, tôi mê Tây Du.

——————————–

1Năm 1992, nhân gửi thư về thăm bà con quê nhà, tôi hỏi thăm chú Vĩnh về bộ truyện Tây Du. Chú viết trả lời: “Mày quên rồi sao? Nhà tao với nhà mày bị Tây đốt năm 1946, khi nó đóng đồn chợ Cầu Mống. Một chiếc đũa con cũng không còn. Truyện nào còn được! “

Xuân Vũ

Trích Những bậc thầy của tôi