“Đám lau nhau xóm Mayer” là cách gọi của các bậc phụ huynh khu ngã tư Hiền Vương – Hai Bà Trưng xưa. Đó là lũ con trai gần hai mươi trự, đứa bé từ năm tuổi đến đứa lớn khoảng mười tuổi, tập hợp từ bảy gia đình, nhà nhiều năm đứa nhà ít một đứa.

Ký ức xưa dội về trong sâu thẳm,
Để con tim luôn thổn thức khôn nguôi.

Tuổi sàn sàn nhau nên một số cũng là bạn học cùng lớp của những trường quanh khu Tân Định: trường Lasan Đức Minh, trường Tân Định, trường Les Lauriers.

Tâm lý trẻ con là cần có trò chơi và bạn chơi, vì vậy lúc rỗi là kéo nhau tụ năm tụ bẩy bày trò chơi để xả năng lượng.

Sân chơi của lũ lau nhau lúc là sân của bưu cục Tân Định (nhà bà trưởng bưu cục nằm cạnh bưu cục nhìn ra sân đất), sân có cây trứng cá và cây mận, gặp lúc có trái thì tranh nhau nhặt ăn, nhưng phần nhiều là bày trò chơi trong hẻm từ đầu Hiền Vương ra đầu Hai Bà Trưng, hẻm trước là sân đất sau được chính phủ cho lót bằng xi măng, đó là thiên đường của bọn trẻ chúng tôi.

Ngày chủ nhật là lúc bọn lau nhau làm khó cho phụ huynh khi chơi quá giờ nghỉ trưa gây náo động cả xóm. Có lần bác Fatima (222 Hai Bà Trưng, ngay cạnh hẻm) xua đuổi không được đám giặc lì lợm, liền dùng biện pháp mạnh, đứng ở ban công  dội cả xô nước xuống, cả bọn ướt nhẹp phải giải tán.

Các trò chơi cũng được bày theo mùa như: bắn bi, chọi lính bật tường, tạc dép ăn hình, nhảy lò cò, chơi u, quất bông vụ, nhảy dây, đua xe đạp, đua patin, xếp giấy Origami, … Với các trò chơi mới đứa lớn hướng dẫn cho đứa bé để cùng chơi, vì không có bạn thì chơi với ai, nhiều lúc phải rủ rê cho đông người chơi.

Tiện thể, chúng tôi nhắc sơ lược về các trò chơi này vì hiện cũng không thấy còn thấy các cháu ngày nay chơi nữa.

Trò bắn bi: dùng phấn (hoặc gạch đỏ) vẽ hình tam giác cân có hai đường song song cạnh đáy và đường cao. Mấy người chơi góp bi đặt vào các giao điểm, oảnh tù tì để chọn thứ tự chơi. Ngồi xổm từ vạch mức (cách vài bước chân) ngón cái tay phải chống xuống đất, hòn bi được giữ chặt bởi ngón giữa tay phải và hai ngón tay trỏ, giữa của tay trái, nhắm thẳng đám bi rồi bắn. Bi mình bắn trúng cục nào thì thắng cục đó và được tiếp tục bắn tiếp, trường hợp bi kẹt trong vùng tam giác là mo (mort – chết) không được chơi nữa.

Chọi lính bật tường: dùng những hình nhân: lính chiến, dân da đỏ, lính Mỹ, … hoặc hình thú bằng nhựa: sử tử, hổ, báo, chó, … Vạch sẳn một đường mức đối diện tưởng nhà, chọn thứ tự chơi rồi từng người đập hình của mình vô tường sao cho khi nảy ra nằm sát mức nhất, người này được quyền cầm lính của mình nhắm chọi con lính gần nhất, trúng là ăn, hụt nhường quyền chơi cho người kế. Con lính bật ngoài đường mức sẽ thành người đi bét.

Tạc dép ăn hình: mỗi người chơi đụng vào vài hình in trên bìa cứng (cỡ lá bài), bìa in hình cỡ giấy A4 bán ở tiệm tạp hóa, mua về cắt ra. Vẽ ô vuông, đặt xấp hình vào rồi giằng lên trên bằng lon sữa bò hay cục gạch, từ mức xa 5-10 mét hoặc hơn tùy thỏa thuận, dùng dép nhựa ngắm xấp hình mà ném, hình bay ra khỏi ô là của mình, ném trúng được ném tiếp, không thì dừng đến người kế. Môn chơi này thu hút các anh lớn vì có sức mới ném dép xa được, có anh còn cầm gót dép chạy lấy đà rồi lia tới gọi là thác lác (giống cá thác lác), cách ném này vừa nhanh vừa mạnh mà trúng là bơ (ăn) hết xấp hình.

Chơi bông vụ: mua con vụ gỗ hoặc nhựa về tự gắn đinh hoặc đầu bù lông lỗ (bu lông bắt ty giữ vè xe đạp), quấn dây quanh con vụ rồi đánh ra, vụ của ai ngừng trước là thua. Có khi vụ người thua phải nằm yên và bị những vụ còn sống quất tơi tả vỡ sứt.

Trò kết dây thun: với một nắm dây thun kết thành cá hình đơn giản: ngôi sao năm cánh, con cá, … và phức tạp là kết thành hình tháp Eiffel nhỏ to tùy ý, trò này chúng tôi đã làm được, rất thú vị nhưng rất tiếc bộ nhớ đã bị xóa, dù là dân kỹ thuật chính tông cũng khó dựng lại.

Năm 1967 khi máy thu hình xuất hiện, chỉ những nhà khá giả của xóm mới tậu được, nhà đầu tiên có máy thu hình là trại hòm Tobia, khoảng 19 giờ là ông bà cho lũ lau nhau vô nhà ngồi dưới đất cùng xem tivi đặt tít ở phòng trong, thích lắm nhưng đến lúc vãn tuồng mới sợ, cả đám dắt díu nhau vửa đi vừa chạy trở ra qua dãy quan tài đến cửa, rồi mạnh đứa nào đứa nấy xỏ dép dọt về nhà cho lẹ, ác cái ông bà không tâm lý cứ để đèn mờ mờ ảo ảo. Nhưng tối hôm sau vẫn lại đến xem.

Khoảng một hai năm sau thì các hãng tivi mới mở đại lý như: Sharp 90A Hiền Vương; National ở góc Đinh Tiên Hoàng – Phan Thanh Giản bán đủ các loại tivi: tivi để bàn, tivi bốn chân có cửa lùa kèm ăng ten như hai cánh bướm. Lúc này một số nhà đã sắm được tivi nên không còn sang nhà ông bà Tobia xem nữa.

Vài năm sau, các anh lớn lên lớp đệ thất (lớp 6 học trường: Trần Lục, Võ Trường Toản, Les Lauriers, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An), nhiều môn học nên cũng thưa dần chơi với các em. Với môn học Việt văn, được học các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Con đường sáng, Đôi bạn, … trước khi học đoạn trích của tác phẩm được nghe về tiểu sử tác giả (chỉ đơn thuần năm sinh, năm mất cùng những tác phẩm, không hề nói đến tư tưởng chính trị của tác giả) cũng là một điều mới, rất thú vị. Các cô giáo cũng thường cho học sinh thuyết trình về tiểu sử và tác phẩm của tác giả để luyện cho học sinh cách tìm tòi nghiên cứu tài liệu và sự tự tin diễn thuyết trước đám đông.

Thế là mỗi nhà đều có những tủ sách, đọc xong có thể trao đổi, nào tác phẩm của Lê Văn Trương: Anh phải sống, Người anh cả, …; của Thạch Lam với Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, …, rồi gần hơn là tiểu thuyết của Duyên Anh, truyện tuổi hoa niên, báo thằng bờm của Nguyễn Vỹ. Các tập truyện ngắn: 15 truyện đường rừng; 15 truyện xứ tuyết, …

Tiểu thuyết Tàu như: Tam quốc diễn nghĩa (dịch giả Phan Kế Bính); Thủy Hử (ba quyển, dịch và lời bình của Á Nam Trần Tuấn Khải); Hồng Lâu Mộng cũng làm say mê các anh lớn, được đọc nhiều lần, lần đọc sau cho cảm nhận mới khác  lần trước.

Truyện tranh thì có: Tintin; Benoît – Tí hon thần lực; Lucky Luke; Phan Tân Sĩ Phú; Asterix và Obelix; Lữ Hân và Phi Lục (Johan et Pirlouit); bộ lạc Xì trum và lão phù thủy Gargamel.

Sách học làm người như: Tâm hồn cao thượng, Cổ học tinh hoa, Kim cổ kỳ quan, … Còn truyện tranh vớ vẩn là truyện chú Thoòng nhưng rất hấp dẫn.

Sách học sinh ngữ tiếng Pháp có: La Journée des Tout Petits; Le nouveau livre unique de lecture et de Français; Le calcul vivant; Le Français Élémentaire; Cours de Langue et de Civilisation Françaises.

Sách học tiếng Anh có bộ English for today 6 cuốn: Book One – At Home and at School; Book Two – The World We live in; Book Three – The Way We live; Book Four – Our Changing World; Book Five – Life in English – Speaking Countries; Book Six – Literature in English.

Một may mắn với lũ chúng tôi là đi không bao xa đến sạp mướn truyện đầu hẻm Mỹ Thái Hằng 311 Hai Bà Trưng là tha hồ mê mẫn chọn lựa nào truyện kiếm hiệp Kim Dung: Cô gái Đồ long, Lộc Đỉnh Ký, … cũng như của các tác giả khác: Càn Long du Giang Nam, Càn Long du Bắc, Tiết Đinh San chinh tây, … Đi xa thì đến tiệm Đức Hưng 145 Trần Quang Khải cũng là một địa chỉ cho mướn sách bề thế.

Mất các vị đại ca, lũ em nhỏ chán, kéo cả đám đi quanh các hẻm khác, thích nhất là những nhà có vườn cây ăn trái thì một là xin vô chơi, hai là lẻn leo vào nghịch. Đôi lúc chúng đi bộ tới Thảo cầm viên chơi hoặc dẫn nhau đi tắm (vì chẳng có đứa nào biết bơi) ở hồ bơi Yết Kiêu.

Giao thời 1975, các tủ sách của lứa tuổi chúng tôi ngày xưa đó từng được trân trọng, nâng như nâng trứng bị thu giữ sạch vì bị quy là “sách đồi trụy, phản động”, rồi không biết số sách đi đâu về đâu. Nhìn tủ, kệ sách trống trơn, buồn, ấm ức  nhưng làm gì được nhau. Sau đọc bài “Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn …” của anh Vũ Thế Thành mới biết sách bị tịch thu, chất đống lên xe ba gác chở đi, còn có đem đốt hay không thì không thấy.

Đám lau nhau xóm Mayer cũng tứ tán theo cảnh nhà, mỗi nhà một cảnh, tuyệt nhiên không có cảnh nào vui. Giờ lũ đó đứa bé cũng đã ngoài năm mươi tuổi, đứa lớn ngoài sáu mươi tuổi, người còn kẻ mất, trôi giạt về muôn phương, mấy khi gặp lại.

Không có cuộc vui nào không tàn. Không có tình bạn nào luôn gần mãi. Quy luật muôn đời là vậy, có hợp tất phải có tan, chẳng có gì là trường tồn, chẳng có gì là muôn năm và cũng chẳng có chi là bất diệt./.

Nguyễn Đắc Thịnh

saigonthapcam