Ngày nào cũng thế, như đã thành thường lệ, nghe vợ dọa nạt hai đứa con nào là học rồi ép ăn trong vòng quay xô bồ của cuộc sống; lòng lại không khỏi vẩn vơ nghĩ thương tuổi thơ của con trong thời công nghệ rồi lại chợt nôn nao nhớ về quá khứ tuổi thơ cha.

Tuổi thơ của cha ngày xưa, thuở quê còn hàn vi, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, khoai lúa; thuở ánh đèn dầu leo lét ngồi học để vệt dầu loang khắp cùng trang vở; thuở trăng còn làm bạn với người; thuở lũy tre làng còn mát rượi gió nồm nam. Tuổi thơ của cha ngày xưa, tình làng nghĩa xóm vẫn còn tình nghĩa trong veo, chưa phân cách mặc cảm giàu nghèo. Con người dẫu có mặc áo quần rách vá chằng vá đụp mà tâm vẫn thiện lành, con cháu vẫn hiếu thảo với cha mẹ, kính bà thương ông và kính thầy yêu bạn. Tuổi thơ của cha ngày xưa, mọi đứa trẻ đều có thể vục đầu vào gáo nước lã trong chum mà không hề sợ đau bụng; lũ bạn có thể đến nhà nhau bất cứ khi nào mà chả cần có lời mời, đói thì gặp gì ăn nấy chẳng cần giữ kẽ. Tuổi thơ của cha ngày xưa, ít thấy đứa nào bị ốm dù suốt ngày chang nắng, tắm mưa hay mút chung cùng một que kem mát lịm đổ bằng lông vịt hay dép đứt quai.

Nếu có lần nào bị ốm, dẫu là đau bụng hay nhức đầu sổ mũi vẫn là nạm lá sau vườn cùng lọ cao sao vàng thần thánh, và cốc nước đường mẹ pha trở thành món qùa xa xỉ của tuổi thơ. Tuổi thơ của cha ngày xưa, ai cũng có những người bạn thực sự, cùng nhau chăn trâu cắt cỏ hay chia cùng trái ổi, trái na chứ không phải vời vợi trong thế giới ảo của fb, zalo. Tuổi thơ của cha ngày xưa, thuở con người chưa bị mê hoặc bởi thiết bị thông minh của thời công nghệ số, cả một đám bạn tồng ngồng cả trai lẫn gái bất chấp hơn thua nhau một vài tuổi vẫn xưng mày – tao trong những cuộc chơi chung. Những trò chơi náo nức cả một bầu trời kí ức tuổi thơ giờ cha vẫn còn mường tượng rõ luật chơi. Những trò chơi mà các con chỉ biết lắc đầu ngơ ngác trước tên gọi. Những trò chơi đã trở thành dĩ vãng trong lăng lắc miền di sản dân gian… Nào là những trò đánh khăng, đánh đáo, đánh trận giả, dàn nấp bắn… của lũ con trai; nào là những đánh thẻ, chơi ô ăn quan, nhảy dây, chơi đồ hàng của bọn con gái; cả đoàn tập trung chỗ đầu làng hay nơi có lũy tre râm mát chơi đến quên cả mẹ mang roi nhao nhác đi tìm…

Ngày xưa, mùa lúa đã gặt xong; chiều chiều bọn trẻ lại lùa trâu lên đồng thả rông, còn người thì mê mẩn với những trò chơi. Với nùi rơm trên tay, những con cá con cua bỗng chốc cũng trở thành đại tiệc. Ngày xưa, lúc lúa đương thì con gái, chiều chiều bọn trẻ lại lùa trâu lên động lên đồi thả rông còn người thì túa ra, đứa đi tìm trái cây, đứa đi nhặt củi, có mấy đứa lại dạy cho nhau tập bơi nơi góc đập Bàu Ganh. Ngày xưa, có phải bởi gia đình nào cũng nghèo khó nên cha mẹ nào cũng yêu thương con bằng sự nghiêm khắc chứ chẳng nuông chiều, dạy con biết quý trọng những giá trị tinh thần chứ không phải bằng phù du vật chất. Những đứa trẻ ngày ấy lớn lên hồn nhiên và tự nhiên dẫu không công thành danh toại thì cũng có được mái ấm để yêu thương; không thấy đứa nào hư hỏng nghiện ngập cả.

Quá khứ tuổi thơ hiện về trong náo nức những miền yêu. Ta nhớ những đêm trăng sáng rủ nhau đi bắt bọ vừng, đom đóm, ve sầu… Ta nhớ những trưa hè không ngủ, tiếng cười rộn rã bên thành giếng làng. Ta nhớ những ngày mùa thu thơm lựng một không gian hoài niệm của hương ổi, hương thị làm thức dậy nôn nao cả một thời thơ dại. Ta đặc biệt nhớ những niềm vui đơn sơ trong những ngày giáp tết. Là lúc cả lũ ngó nghiêng nhìn hoa tàu bay nở báo hiệu mùa tết đến. Là mùi thơm của nồi cá kho, của bung mật kéo che thơm khắp cả làng quê ngõ xóm. Đặc biệt là niềm vui khi đi hôi cá ao làng.

Ao làng (quê mình gọi là Bàu) nằm lặng lẽ một góc ở cuối làng. Ngày xưa, ao là mảnh hồn làng, tắm tưới cho mọi gia đình, và là nguồn nước tưới cho cánh đồng phía trước cổng làng. Có hai ao rộng chừng mươi mẫu, quanh năm nước ăm ắp. Trước là của Hợp tác xã, rồi sau giao cho Hội người cao tuổi và cuối cùng là cho hộ gia đình đấu thầu. Dẫu là ai đứng chủ đi chăng nữa thì bọn trẻ cũng chẳng bận tâm, vẫn háo hức chờ ngày tháo ao để được bắt hôi. Đó là dịp cuối tháng chạp, người ta chuẩn bị cho tết nguyên đán. Ao rộng, thức ăn nhiều nên cá rất nhanh lớn mà ăn cũng rất ngon bởi nguồn nước cung cấp vẫn chưa bị ô nhiễm hay vẫn chưa có thói quen nuôi bằng thức ăn hỗn hợp như bây giờ. Để kịp cho sáng hôm sau đưa ra chợ bán, họ tháo ao từ chiều hôm trước. Và đêm ấy là đêm không ngủ không chỉ của bọn trẻ mà với cả dân làng.

Đứa nào cũng háo hức, chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ. Tinh mơ sáng đã có mặt ở bờ ao, chờ cho người ta bắt xong cá to, nghe tiếng tha hồ là nhảy ào xuống, mặc cho quần áo, mặt mũi lấm lem bùn đất. Đứa thì nơm, giỏ; đưa thì rổ rá. Đứa lớn thì tìm bắt cá to còn sót hoặc cá tràu (lóc) còn ẩn nấp trong hang, trong các bụi dứa dại; đứa nhỏ thì bắt cá diếc, cá rô hay cá lia thia đang ngoi ngóp thở vì sặc bùn non. Mấy đứa con gái lại thích thú với những vũng nước đầy tôm tép. Mấy anh thanh niên thì kiên nhẫn chờ đến tận trưa, khi nước đã cạn rặc hết, moi dưới lớp bùn những chú lươn, chạch vàng hươm óng ánh. Đôi mắt trẻ thơ sáng long lanh khi đưa mớ cả về được cha gật gù tán thưởng, mẹ xoa đầu khen giỏi. Ngỡ như nơi đầu lưỡi vẫn còn vị giác của bát canh lá lằng nấu tép hay mớ cá rô, cá diếc nấu với khế chua…

Làng quê đang từng ngày thay da đổi thịt, khoác trên mình chiếc áo đẹp của thời kì nông thôn mới. Thời gian đã làm “Thương hải biến vi tang điền”. Nhiều nét đẹp đơn sơ ngày xưa của làng quê vĩnh viễn chỉ còn trong kí ức. Chính vì thế mà hương vị làng quê, hương vị tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn ngày nay cũng chẳng mấy sâu đậm. Thuở xưa, thi sĩ Tú Xương đã từng cảm khái: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” thì huống chi một mảnh ao làng. Tác động của con người, của thiên nhiên đã bồi lấp mất gần hết mảnh hồn làng; chút còn lại miên man buồn trong sự ô nhiễm.

Ao làng chỉ còn trong hoài niệm xót xa. Nó không còn là nơi rửa ráy, giặt giũ của dân làng trong những buổi chiều hè, tiếng cười nói xao động cả cầu ao; bởi đã có nước máy, nước giếng khoan thay thế. Nó không còn là nơi con trâu đằm ao dưới, bầy trẻ thơ thỏa thích ngụp lặn, tắm mát phía ao trên; bọn trẻ bây giờ chiều chiều rủ nhau tập bơi ở bể bơi nhân tạo. Nó không còn cả trong lời ca dao mẹ thường ru con bên chiếc chõng tre “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”; không còn là nơi gặp gỡ duyên cớ cho trai gái trong làng buông lời hò hẹn “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” hay “Ao làng: trăng tắm, mây bơi/ Nước trong như nước mắt người tôi yêu”…

Nó không còn là nơi ta có thể tìm thấy đám lục bình nở hoa tím ngắt đọng sương lấp lánh trong sáng mùa thu; không thể tìm thấy những chị cá cờ đỏm dáng xòe đuôi sặc sỡ, anh gọng vó hiền lành một đời không kéo nổi phận mình, bác cua tròn xoe đôi mắt đang nhìn chú nhái bén ngồi ngây trên lá bang bang một buổi chiều hè… Người xa quê nỗi nhớ làng thì ắt hẳn, thế mà người sống một đời quanh quẩn sau lũy tre làng cũng không khỏi xót xa cho những điều vĩnh viễn không còn tìm thấy ngay giữa làng quê. Trong thảng thốt giấc mơ xưa cũ, lại chợt nghe vang vọng đâu đây tiếng í ới của lũ bạn rủ nhau đi hôi cá ao làng.