Xu hướng của các nhà làm phim truyền hình Việt Nam thời nay mà nói theo từ chuyên môn là Việt hoá phim nước ngoài, hay gọi theo giọng thương mại là nhái lại các phim nước ngoài một cách thảm hại, lười biếng, thiếu cả tài năng lẫn trách nhiệm đối với khán giả.

Bật phim truyền hình lên là tôi thấy sợ. Tôi sợ những bà mẹ chồng cay nghiệt, chì chiết với con dâu… Tôi chán những cảnh đánh ghen ầm ĩ, những cuộc tình tay ba, ly dị, ngoại tình… nối tiếp nhau. Diễn viên thì đơ đơ…

Về sự nghèo nàn thảm hại của phim truyền hình Việt Nam thời nay

Bế tắc “ngoại tình, mẹ chồng cay nghiệt”

Cứ mỗi chiều, ở quê mẹ tôi và các bà hàng xóm lại rủ nhau xem phim, dĩ nhiên là lúc chưa có dịch. Hơn chục năm trước là làn sóng phim Đài Loan, bây giờ là phim Ấn Độ. Thật sự mà nói tôi rất ngán ngẩm với những bộ phim này.

Bộ nào bộ nấy dài lê thê, tivi chiếu hàng tháng trời, thậm chí cả năm cũng chưa thấy hết. Đó là những bộ phim truyền hình Đài Loan như Khi người ta yêu, Đời sống chợ đêm, Lưu Bá Ôn… phim Ấn thì có Cô dâu tám tuổi, Cuộc chiến của những vị thần…

Tôi ngán ngẩm vì độ dài của nó. Nhưng có dịp xem cùng mẹ, tôi thấy các bộ phim này ăn đứt các bộ phim Việt hiện tại. Dù nó dài lê thê, nhưng cứ sau 10-15 tập thì lại có xuất hiện nhân vật mới, câu chuyện mới, tình tiết mới khiến người xem cuốn vào khó buông ra. Tôi có đùa với bạn rằng làm diễn viên ở Đài, Ấn sướng quá, một năm diễn một bộ phim và đủ tiền tiêu xài. Nhưng diễn xuất của họ là hoàn toàn tự nhiên. Tôi có cảm giác như họ là nhân vật là một. Cứ đứng trước ống kính là diễn như đời sống bình thường đang xảy ra vậy.

Những bộ phim này dù dài nhưng vẫn níu kéo người xem. Bằng chứng là mẹ tôi và hàng xóm cứ luyện hết bộ này sang bộ khác. Dĩ nhiên là nhà đài thấy rating (số đo lượng người xem) ổn nên mới nhập phim về liên tục.

Tôi có hỏi sao mẹ không xem phim Việt? Mẹ trả lời: Phim Việt xem chán, xem xong chỉ rước bực bội vào trong người. Ờ thì phim Việt chán thật. Những bộ phim truyền hình mấy năm gần đây nếu nổi là do mua kịch bản từ nước ngoài về rồi thêm thắt cho có phong vị của người Việt vào.

Nhưng đó lại là một phiên bản vụng về hơn kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Khoảng mười tập đầu làm chỉn chu, đúng theo tinh thần remake, khán giả thích thú, tạo hiệu ứng tích cực. Nhưng sau đó các tình tiết lại lê thê, kéo dài quá mức để rồi những tình tiết vô lý, không hợp logic gây ức chế cho người xem.

Trong khuôn khổ phim truyền hình, tôi thấy các nhà làm phim đang bế tắc. Bế tắc ở khâu kịch bản và diễn viên.

Đầu tiên, chúng ta đang thiếu chất liệu để làm nên những bộ phim hay. Trong quá khứ, những bộ phim như Đất Phương Nam, Con nhà nghèo, Sóng ở đáy sông, Đất và người… đều rất hấp dẫn người xem. Những bộ phim này đều dựa trên những tác phẩm văn học nổi tiếng. Một thau bột chất lượng đã làm nên những cái bánh thật ngon. Những phim này không hề tạo dựng drama để câu kéo người xem, nhưng vẫn đi vào lòng người, được nhiều thế hệ yêu thích và nhắc đến.

Sau đó là sự góp mặt của những diễn viên thật xứng tầm. Tôi ấn tượng mãi với nhân vật người cha trong phim Sóng ở đáy sông. Một con người thủ cựu, một người cha vô cảm trước bầy con của người vợ bé. Cụ cả Hàm, Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người cũng làm tôi rất thích thú và ấn tượng về những con người với tính cách khác nhau trong cuộc sống.

Còn bây giờ, bật phim truyền hình lên là tôi thấy sợ. Tôi sợ những bà mẹ chồng cay nghiệt, chì chiết với con dâu, thậm chí xông vào phòng vợ chồng con trai ngay đêm tân hôn… Tôi chán những cảnh đánh ghen ầm ĩ, những cuộc tình tay ba, ly dị, ngoại tình… nối tiếp nhau. Diễn viên thì đơ đơ, mặt son mày phấn nhưng đóng vai cô lao công, người bán hàng ngoài đường. Những vai đàn ông không nhu nhược thì hám gái, sợ vợ. Biểu cảm của nhân vật cũng rất nghèo nàn. Phim nào cũng dựa vào biểu cảm trừng mắt, quát tháo ầm ĩ để biểu thị cho người xem rằng nhân vật đang rất tức giận…

Tôi đồng ý rằng đánh ghen, mẹ chồng- nàng dâu, ngoại tình, những bà mẹ cay nghiệt… có thể là những câu chuyện hấp dẫn. Nhưng người xem rất ngán ngẩm trước những câu chuyện giống từa tựa nhau, phim này qua phim khác. Hệt như ăn cơm trắng xong lại chuyển qua cơm rang, cơm chiên vậy.

Sáu thứ khiến phim truyền hình Việt ngán tận cổ

Thứ nhất, các diễn viên rất quen thuộc, diễn xuất đơn điệu nếu không muốn nói là “nhẵn mặt” từ phim này sang phim khác, xem phát nhàm. Trong khi diễn xuất ở phim nào cũng giống phim nào không nhập vai cho đúng với tình cảnh nhân vật.

Thứ hai, các phim đều có bối cảnh giống nhau – từ góc quay, quần áo, nhà lầu xe hơi, sống ở nhà phố sang chảnh… Phim nào cũng có cảnh cãi, chửi nhau, tát nhau; diễn viên toàn lên gân lên cốt, sường sượng.

Thứ ba, nếu bạn nhắm mắt lại để nghe phim sẽ thấy rất chối tai: lời thoại rời rạc, người già nói chậm rãi, trẻ con nói trống không, vợ chồng thì cãi nhau ồn ào. Những câu thoại thường xuất hiện là: “Này, tôi nói cho anh/chị… biết nhá”, “À mà này…”; “Sống trên đời phải…”, “Cô im cái mồm đi”…

Thứ tư, nhiều mô típ cũ kỹ, phim nào cũng có: Đó là hai người đang đi, nói chuyện với nhau, thì y như là dừng lại; đang cao trào thì có điện thoại; quá nhiều cảnh tự sự, chỉ việc lồng tiếng vào cảnh phim là lột tả được tâm trạng của nhân vật; nói xấu ai thì sẽ có người thập thò nghe lén (đứng sát nhau mà không thấy mới tài); vừa ngất xỉu xong là đã ở trong bệnh viện; một nhân vật lững thững ngoài đường phố sẽ bị tai nạn giao thông (ôtô đâm); một anh thất tình là sẽ uống rượu ở quán bar; cứ đến bữa ăn là các nhân vật cãi nhau…

Thứ năm, quá nhiều cảnh… đám ma và bàn thờ. Thực sự tôi dị ứng với cảnh đám ma trong phim, rồi bãi nghĩa địa, thờ cúng (rất nhiều diễn viên đã được “lên bàn thờ”) trông chẳng thấy xúc động chút nào.

Thứ sáu, nhạc trong các bộ phim na ná giống nhau. Nhạc từ đầu đến cuối, với giai điệu ù ê như nhau, rất khó phân biệt được giữa các phim.

Rồi có những bộ phim mà cả biên kịch lẫn đạo diễn không tham khảo ý kiến các nhà làm luật. Ai đời người vợ bụng bầu ra tòa, tòa lại xử cho phép ly hôn? (Luật quy định không được phép xử ly hôn khi người vợ đang mang thai).

Bào chữa cho sự nhái tệ hại này không ít nhà quản lý, làm phim lại đổ cho kịch bản phim trong nước nghèo nàn, thiếu tính hấp dẫn, thiếu hành động ly kỳ và tình tiết sinh động…

Những lý do đó đưa ra thật khó thuyết phục mà nó chỉ tiêu biểu cho sự thụ động, ăn xổi, lười sáng tạo của các nhà làm phim Việt, mặt khác nó cũng tiêu biểu cho thực trạng đáng buồn đang bao phủ. Đó là sự lười đọc, hay là sự xuống cấp đáng báo động của văn hóa đọc ở nước ta. Đáng buồn hơn sự lười này biểu hiện ngay cả hàng ngũ nghề nghiệp những người cần đọc như các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà làm phim, các nhà thẩm định những giải thưởng văn hoá nghệ thuật.

Không phải ngẫu nhiên giai đoạn các nhà làm phim còn chịu đọc, sự xâm thực phim nước ngoài chưa mạnh mẽ và nhất là nhu cầu phim truyền hình chưa thúc ép như hiện nay thì không ít tác phẩm văn học đã chuyển thận trọng, đầy tâm huyết thành những bộ phim truyền hình hấp dẫn như “Mùa lá rụng trong vườn”, “Sóng ở đáy sông”… Tiếc thay sự làm phim truyền hình chu đáo, cẩn thận đó giờ đây đã bị thay thế bằng một kiểu làm phim theo lối “ngắt ngọn” ăn xổi vô trách nhiệm và cẩu thả.

Phim truyền hình Việt Nam đang rơi vào tình trạng nghèo nàn về kịch bản cũng như thiếu đầu tư chu đáo từ nhỏ như vai diễn đến lớn như cả bộ phim. Hàng loạt bộ phim truyền hình đã và đang công chiếu một cách vội vàng. Phim trước vừa kết thúc rất vô duyên và phi lý trước sự ngỡ ngàng của người xem thì những phim sau tiếp tục được quảng cáo và lên sóng…

Tổng Hợp