Tôi là một người tích cực. Thật lòng mà nói có một cuộc sống xoay quanh những suy nghĩ tích cực thường trực rất tuyệt vời. Tôi không bao giờ tuyệt vọng ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, tôi thấy mình luôn may mắn và mọi khó khăn không bao giờ làm tôi phải bận lòng, tôi cũng thường xuyên nhận được ánh mắt ngưỡng mộ từ bạn bè vì cuộc sống lạc quan của mình.

Nhưng như một quy luật, buổi tiệc vui như thế nào cũng đến lúc tàn, bản hòa ca hay như thế nào cũng phải đến hồi kết thúc. Cuộc sống tươi sáng của tôi bắt đầu găp trục trặc ghi tôi nhận ra có những vấn đề xảy đến nhiều lần nhưng tôi vẫn không giải quyết triệt để, bản thân trở nên ù lì và thậm chí không còn động lực để tiến bộ hay thay đổi nữa. Trong khoảnh khắc đó tôi biết rằng mình đã sập chiếc bẫy “tác dụng phụ” của lối sống tích cực trong suốt những năm tháng vừa qua và hôm nay tôi ngồi đây, gõ ra những dòng này, để chia sẻ hành trình “sập bẫy” và “thoát bẫy” của mình với hy vọng các bạn sẽ tránh những sai lầm như tôi đã từng và xây dựng được lối sống tích cực đúng nghĩa cho bản thân.


Khi điều tích cực trở nên độc hại

ĐIỀU TÍCH CỰC ĐỘC HẠI (Toxic positivity) xuất hiện khi bạn quá tập trung theo đuổi suy nghĩ tích cực, hành động tích cực mà bỏ qua các sự việc đang tồn tại trong thực tế. Nói một cách dễ hiểu hơn, điều tích cực sẽ trở nên độc hại khi bạn luôn cố gắng tỏ ra lạc quan bất chấp con tim bên trong bạn đang bị tổn thương hay hoàn cảnh bên ngoài đang khiến bạn sợ hãi. Thiên hướng tích cực là lối sống đáng quý vì giúp chúng ta giữ được sự lạc quan và không gục ngã trước khó khăn, tuy nhiên, nếu lạm dụng suy nghĩ tích cực mọi lúc mọi nơi, thì có lẽ đã đến lúc phải điều chỉnh lại bởi vì những điều tích cực không phải lúc nào cũng tốt như bạn nghĩ.

Tôi tin rằng chắc hẳn các bạn cũng đã từng ít nhất một lần giả vờ vui vẻ khi trong lòng đang rất buồn bã, có phải không? Bạn trễ tiến độ dẫn đến bị cấp trên khiển trách nhưng sau đó vẫn vờ như không có gì xảy ra và tiếp tục làm việc, hay vợ/chồng bạn bỏ bê việc dọn dẹp nhà nhưng bạn không thể hiện sự bất mãn của mình ra vì bạn tin rằng đối phương chỉ vô ý. Với tôi, đây đều là những cơ sở giao tiếp xã hội của một người trưởng thành và tôi đánh giá cao điều đó. Tuy nhiên, phong thái lạc quan, lối nghĩ tích cực như thế chỉ có giá trị giải quyết những vấn nạn mang tính ngắn hạn, như giữ vững tinh thần để hoàn thành công việc hay vợ chồng bạn sẽ không cãi vã trong vài ngày. Còn nuôi dưỡng liên tục trong thời gian dài thì sẽ biến sự tích cực, vốn dĩ là điều tốt đẹp, trở thành liều thuốc độc hại không hơn không kém khi chúng bộc phát tác dụng phụ lên chính cuộc sống của bạn, triệt tiêu mọi động lực phấn đấu và kiềm hãm trải nghiệm đa cảm xúc của con người bạn.

Trong suốt quãng thời gian vùng vẫy với những tích cực độc hại của mình, tôi nhận ra một điều quan trọng rằng càng cố gắng lẩn tránh những cảm xúc đau buồn, thất vọng bằng cách tập trung tạo vẽ những ảo ảnh tươi đẹp thực sự chỉ càng đẩy bạn vào những khó khăn mà bạn muốn tránh ngay từ đầu. Tại sao ư? Bởi vì chúng đều là những sự tích cực giả tạo và hời hợt. Khi chỉ nghĩ về một tương lai tích cực, chúng ta vô tình đắm mình vào tương lai ấy và từ đó có rất ít động lực để hành động. Điều cần làm khi có khó khăn xảy ra là bạn cần dũng cảm đối diện với nó và phân tích vấn đề để đưa ra hướng giải quyết, như vậy sau mỗi vấp ngã bạn sẽ hiểu được bản thân mình hơn và trưởng thành hơn.

Suy nghĩ tích cực là cần thiết, nhưng suy nghĩ tích cực không nhất thiết lúc nào cũng phải dẫn đến hành động tích cực. Hãy cứ giữ suy nghĩ lạc quan đó và đồng thời chấp nhận mọi chuyện xảy đến với chúng ta, thì cho dù điều đó vui hay buồn, tự hào hay xấu hổ cũng đều là những trải nghiệm giúp chúng ta tròn trịa về mặt cảm xúc và tích lũy kinh nghiệm sống mỗi ngày.


Làm sao để tránh “bẫy tích cực độc hại”?

Chuyên trang chăm sóc sức khỏe tinh thần nổi tiếng The Mind Journal đã chỉ ra các cách nhận biết bạn có đang vướng bẫy điều tích cực độc hại hay không và cách để tránh hoặc thoát khỏi chúng. Chi tiết được thể hiện dưới đây, tuy nhiên tôi sẽ kết hợp với kinh nghiệm của mình để diễn giải thêm cho bạn dễ hình dung nhé.

Cột bên trái diễn tả các suy nghĩ tích cực độc hại mà các bạn thường gặp phải như lạc quan qua loa hay xem nhẹ tình trạng thực tế, trong khi đó cột bên phải thể hiện những điều bạn nên thực hiện để khắc phục những chiếc bẫy này, như là cải thiện thái độ chấp nhận thực tại và đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp.

Bắt đầu với câu “Tôi sẽ sớm vượt qua chuyện này thôi”, rõ ràng đây là lời tự động viên bản thân đơn thuần và phổ biến khi đứng trước một sự việc không như mong đợi nhưng bạn có nhận ra không, câu nói này không hướng đến một giải pháp nào cả. Chính vì vậy, hãy thay thế bằng lời nói khác vừa giúp bạn đối diện thực tại mà cũng phần nào gợi mở cảm xúc hơn như “Tôi biết mình đang trải qua những điều thật khó khăn nhưng tôi tin bản thân mình sẽ thay đổi được nó”. Tương tự như vậy, thay vì dùng câu nói vô thưởng vô phạt “Hãy lạc quan lên nào” để động viên một người đang buồn bã, thì hãy thay đổi thành “Tôi biết bây giờ rất khó khăn và mọi thứ trở nên rất tệ. Nhưng ‘trong nguy có cơ’ đấy, tìm xem cơ hội là gì nào.” Bạn thấy đấy, chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận một chút thôi là thoát được bẫy “tích cực độc hại” rồi. Để tôi gợi ý thêm cho bạn một vài câu an ủi một người đang gặp khó khăn và giúp họ có được suy nghĩ tích cực mà không độc hại nhé:

  • Không nên dùng “Dừng ngay cái cảm giác thứ tiêu cực này đi” mà hãy thay bằng “Cảm thấy tiêu cực là rất bình thường. Không ai có thể đánh giá bạn về việc bạn buồn cả.”
  • Không nên dùng “Không được từ bỏ. Không bao giờ từ bỏ. Phải theo đuổi đến cùng.” mà hãy thay bằng “Từ bỏ đôi khi lại trở nên cần thiết. Cánh cửa này phải đóng lại thì cánh cửa khác mới mở ra.”
  • Không nên dùng “Đừng buồn nữa. Vui lên đi.” mà hãy thay bằng “Tôi biết bạn đang buồn nhưng bạn có muốn thử làm gì đó mà thường ngày bạn thích không?”
  • Không nên dùng “Thất bại không bao giờ là một lựa chọn” mà hãy thay bằng “Không có thành công nào mà không trải qua thất bại. Thành công mang cho chúng ta niềm vui nhưng thất bại mới cho chúng ta bài học để trưởng thành.”

Phương thức hành động WOOP

Như bạn thấy đấy, tất cả những câu nói trên đều được xây dựng dựa trên công thức thừa nhận thực tế trước khi hướng đến tích cực. Và đó cũng chính là điều mà tôi muốn nói với các bạn ngay từ đầu. Bên cạnh đó, để giúp chúng ta tận dụng được lợi ích của việc suy nghĩ tích cực nhưng vẫn đủ tiêu cực để có thể nhận ra những khó khăn trước mắt, Đại học New York đã chỉ ra một phương thức hành động WOOP, là tên viết tắt của cụm từ Wish-Outcome-Obstacle-Plan (Nguyện vọng – Kết quả – Trở ngại – Kế hoạch). Cụ thể, giáo sư Grabriele Oettigen, người đứng đầu công trình nghiên cứu WOOP, đã đưa ra hướng dẫn chi tiết để ứng dụng thành công công thức WOOP lần lượt như các bước:

  • Wish: xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được
  • Outcome: xác định kết quả tốt nhất khi đạt được mục tiêu
  • Obstacle: cố gắng chỉ ra những trở ngại lớn nhất trong quá trình hành động
  • Plan: lập kế hoạch để khắc phục những trở ngại đó

Liên quan đến WOOP, tôi thừa nhận mình hoàn toàn bị thuyết phục khi áp dụng phương thức hay ho vào cuộc sống của mình. Gần đây, tôi đọc quyển The Positive Power Of Negative Thinking (tạm dịch: Năng lượng tích cực của suy nghĩ tiêu cực) của nhà văn Julie Norem, trong đó cũng đề cập những người có xu hướng tập trung khía cạnh tiêu cực thường ứng dụng rất tốt mô hình WOOP vào cuộc sống bởi vì họ dành nhiều thời gian để tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất (Obstacle) và nhờ sự tiên liệu đó, họ chuẩn bị nhiều phương án để vượt qua khó khăn dễ dàng hơn (Plan).


Kiểm soát và cân bằng giữa tích cực và tiêu cực

Đến đây thì các bạn đừng nghĩ tôi cổ súy cho suy nghĩ tiêu cực nhé. Tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ lối sống tích cực bởi hàng tá lợi ích nó mang lại như giúp bạn dễ dàng tìm thấy niềm vui từ cuộc sống hơn, cởi mở với các mối quan hệ xung quanh hơn và nâng cao sức khỏe tinh thần hơn rất nhiều lần.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, suy nghĩ tích cực cũng có nhưng mặt trái mà hoàn toàn có thể gây hại đến bạn nếu không được kiểm soát và cân bằng. Vậy nên thật lòng tôi mong bạn xem xét những dòng tôi viết ngày hôm nay để giữ vững sự tích cực và hướng tới điều tốt đẹp trong xã hội đầy áp lực mỗi ngày mà vẫn không đánh mất sự tiêu cực cần thiết để biết được những khó khăn trong thực tế và lập kế hoạch vượt qua.

Chúc bạn thành công trên hành trình thoát bẫy tiêu cực độc hại nhé!

Nguồn: Themindjournal, The Atlantic, Psychology Today

Thùy Vân

idesign