Trong thời đại vật chất ngày nay, những người giàu có thỏa sức mua sắm, coi an nhàn là chuyện hưởng thụ đương nhiên. Còn những người nghèo khổ thì cũng thường ngưỡng vọng tiền quyền, trong tâm khó tránh khỏi bi phẫn. Điều này quả thật là khác quá xa so với tư tưởng sống “an bần lạc đạo”, coi khó nhọc là phúc, an nhàn là họa của cổ nhân.

Trí tuệ cổ nhân: Khó nhọc là phúc, an nhàn là họa
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Vì sao con người không thể dung dưỡng tâm an nhàn? Trong “Đình Huấn Cách Ngôn”, Hoàng đế Khang Hy nói về sự an nhàn như sau:

“Con người sống trên đời đều thích an nhàn, không thích vất vả. Nhưng ta lại cho rằng chỉ khi con người vất vả mới hiểu thế nào là an nhàn. Nếu luôn ở trong cảnh nhàn tản, thì căn bản sẽ không biết an nhàn là thứ gì, khi gặp cảnh khốn khó cũng không thể nhẫn chịu. Cho nên trong Kinh Dịch nói: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Như vậy xem ra, thánh nhân coi khó nhọc là phúc, an nhàn là họa.”

“Truy cầu an nhàn, thoải mái là bản tính của con người. Trong thiên hạ có ai là người không thích an nhàn và vui vẻ. Nhưng an nhàn, vui vẻ quá độ lại không được phép. Cho nên người quân tử thành khẩn ước thúc ngôn hành của bản thân, không dám biếng nhác, ức chế dục vọng mà không dám phóng túng. Vui chơi có tiết chế mà không dám quá độ, trân quý phúc phận mà chẳng dám xa hoa, an phận thủ thường mà không dám làm càn. Như vậy bản thân mới được bình an, có được phúc trạch bền lâu. Trong Thượng thư nói: Người quân tử không truy cầu an nhàn. Thi Kinh cũng giảng: Ham vui nhưng không uổng phí, người nhân đức siêng năng cần cù. Câu này là hay nhất.”

“Khi mình cảm thấy có thể phóng túng thì cần nghĩ đến nỗi nhọc nhằn của người khác, khi mình cảm thấy có thể an ổn thì cần nghĩ đến nỗi khốn khổ của người khác.”

Đây là những lời mà Hoàng đế Khang Hy đã dạy các hoàng tử, hoàng tôn của mình từ hơn 300 năm trước. Bản thân Khang Hy cũng giáo dục con trẻ vô cùng nghiêm khắc, lấy sự cần lao làm trọng, dẫu chúng đều mang thân phận cao quý.

Thượng Thư Phòng là nơi mà Hoàng đế dạy học cho con cháu trong Hoàng tộc. Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Thượng thư phòng được đặt tại “Vô Dật Trai” ở Trường Xuân Viên, với hàm nghĩa là học hành thì không có sự an dật.

Tác phẩm “Khang Hy khởi cư chú” và một số tác phẩm khác đã mô tả chi tiết về phương pháp giáo dục con của Hoàng đế Khang Hy:

Một ngày bình thường của các hoàng tử, hoàng tôn học tập tại “Vô Dật Trai” bắt đầu từ 3 giờ sáng đến 7 giờ chiều, không ngừng nghỉ trong suốt cả mùa Hạ và mùa Đông.

Từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng, các hoàng tử phải ôn lại bài học ngày hôm trước. Từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng, Hoàng đế Khang Hy rời khỏi Hoàng cung để kiểm tra việc học tập của con trẻ. Ông nói: “Khi ta còn trẻ ta phải đọc to 120 lần, và sau đó còn phải đọc thuộc lòng 120 lần. Khi cả đoạn thuộc rồi mới học tới đoạn tiếp theo, cứ học như vậy từng đoạn một” . Một đại thần hỏi: “Liệu đọc thuộc 100 lần có được không ạ?” Hoàng đế trả lời rằng phải đúng 120 lần.

Từ 9 giờ sáng đến 11 giờ sáng, các hoàng tử luyện viết thư pháp, và được yêu cầu viết mỗi chữ 100 lần. Bữa trưa bắt đầu vào lúc 11 giờ trưa và kết thúc vào 1 giờ chiều. Sau bữa trưa, các hoàng tử tiếp tục việc học. Từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều, các hoàng tử ra ngoài sân luyện tập các kỹ năng như cưỡi ngựa và bắn cung.

Từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, hoàng đế Khang Hy lại tới Vô Dật Trai để kiểm tra việc học tập của con trẻ lần nữa. Ông lại nghe các hoàng tử đọc thuộc bài học. Các hoàng tử xếp thành một hàng và thay phiên nhau đọc thuộc cho Hoàng đế nghe.

Từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều, mọi người ra ngoài sân tập bắn cung, đây là bài học cuối cùng trong ngày.

Có thể thấy rằng Hoàng đế Khang Hy giáo dục các hoàng tử, hoàng tôn hết sức nghiêm khắc. Dưới sự quản thúc của ông, các hoàng tử, hoàng tôn đều trở thành những người tài đức về nhiều phương diện như chính trị, văn hóa, nghệ thuật. Cả Ung Chính và Càn Long, hoàng tử và hoàng tôn của ông, sau này đều trở thành những Hoàng đế kiệt xuất, mang lại cảnh ấm no, thái bình thịnh trị trong lịch sử Trung Hoa.

Bàn luận về sự chăm chỉ và thói an nhàn, có một câu chuyện thời Xuân Thu tên là “Kính Khương luận lao dật” cũng nói rất sâu sắc về vấn đề này:

Sau khi Công Phụ Văn Bá thoái triều, ông tới thăm mẫu thân. Mẫu thân Kính Khương của ông đang xe chỉ. Văn Bá nói: “Người nhà của Công Phụ Xúc như con đây lại để mẫu thân phải tự mình xe chỉ, e rằng sẽ khiến Quý Khang Tử phẫn nộ. Chẳng phải sẽ cảm thấy Công Phụ Xúc con không hiếu kính với mẫu thân hay sao?”

Mẫu thân của ông thở dài nói:

“Nước Lỗ sắp diệt vong rồi sao mà lại để kẻ ấu trĩ không hiểu đạo lý như con lên làm quan? Ngồi xuống đây, ta giảng cho mà nghe. Những bậc quân vương thánh hiền thời xưa đối đãi với bách tính như thế này. Họ thường chọn nơi nghèo nàn để bách tính an cư, khiến bách tính chăm chỉ làm việc, phát huy tài năng của họ. Nhờ vậy bậc quân vương mới có thể trị vì thiên hạ dài lâu.

Bách tính phải chăm chỉ làm việc thì mới biết tìm tòi, tìm tòi mới sinh ra thiện tâm. An nhàn thì sẽ phóng túng, phóng túng sẽ quên đi phẩm hạnh lương thiện, quên đi phẩm hạnh lương thiện sẽ nảy sinh tà niệm. Bách tính sinh sống trên mảnh đất phì nhiêu sở dĩ không thể thành tài, là vì quá an nhàn. Bách tính cư trú tại nơi đất bạc màu sở dĩ có chính nghĩa, là vì làm việc chăm chỉ.

Cho nên thân là Thiên tử mặc áo ngũ sắc bái lạy Mặt trời vào kỳ Xuân phân, phải học theo tam công cửu khanh, phân biệt thuộc tính của đất. Buổi trưa khảo sát tình hình trị an của quốc gia, và việc chính sự của bách quan, thực hiện những sự vụ của bách tính mà các quan đại phu, quan Châu mục và tướng quốc công bố.

Vào tiết Thu phân, Thiên tử thân mặc áo ba màu bái lạy Mặt trăng, cùng quan Thái Sử, quan thiên văn cung kính quan sát phép tắc của Trời. Sau khi mặt trời xuống núi thì giám sát đôn đốc các nữ quan trong cung, để họ chuẩn bị đồ ăn tế tự sạch sẽ, sau đó mới được an giấc.

Các chư hầu buổi sáng đã phụng sự sự nghiệp của Thiên tử, chấp hành mệnh lệnh. Ban ngày xem xét chức phận của nước mình, chiều tối đi khảo sát các châu quận, buổi tối xử lý việc nhà, sau đó mới được an giấc.

Kẻ sĩ buổi sớm học hành, ban ngày nghiên cứu bài vở, chiều tối ôn tập, buổi tối ngẫm xem liệu có phạm phải sai sót gì không, có làm việc gì đáng tiếc không, sau đó mới đi ngủ. Những người từ thứ hạng bình dân trở xuống thì trời sáng làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, không ngày nào biếng nhác.

Vương Hậu tự mình dệt đai ngọc đen rủ xuống trên mũ của thiên tử. Phu nhân của các công hầu cũng dệt, còn phải thêm hai món trang sức là tua quai mũ và vành mũ. Chính thất của các quan khanh chế tác đai lưng lớn, lệnh cho phụ nữ hoàn tất lễ phục. Thê tử của kẻ sĩ còn phải may thêm quần áo thiết triều. Thê tử của thường dân trở xuống đều may quần áo cho phu quân của mình.

Hàng năm từ kỳ tế tự Xuân phân đã bắt đầu phân chia công việc, tới kỳ tế tự mùa Đông thì dâng lên thành quả. Vô luận là nam hay nữ, đều phải khảo sát thành tích, nếu có tội thì phải bị trừng phạt. Đây chính là chế độ từ xưa tới nay. Bậc quân tử ở nơi cao thì hao tâm tổn trí, bách tính ở dưới thấp thì ra sức làm lụng, đây là giáo huấn của tiên vương. Từ trên xuống dưới, nào ai dám phóng túng tâm trí, không tận sức mà làm việc chăm chỉ đây?

Hiện giờ, ta là quả phụ, con lại là đại phu, dẫu sớm tối chuyên cần, còn e quên mất cơ nghiệp của tiên tổ. Huống hồ lại lười nhác thì sao có thể thoát khỏi bị trừng phạt? Ta hy vọng con sớm tối chuyên cần làm việc, tôi luyện bản thân, nên nói là: Nhất định không được vứt bỏ cơ nghiệp của tiên tổ. Nay con lại nói: Vì sao không phóng túng bản thân? Dùng thái độ này mà gánh vác chức quan mà quân vương giao phó, ta e rằng phụ thân của con sắp tuyệt tự rồi.”

Những lời đàm luận của Kính Khương đều là hy vọng con mình làm quan lớn tận trung với chức trách, làm tốt phận sự của bản thân, đồng thời phải ghi nhớ cần kiệm, không tham thú an nhàn. Bà cho rằng tham thú an nhàn sẽ khơi dậy tham dục trong nội tâm, tham dục cuối cùng sẽ trở thành đòn chí mạng giáng xuống tiền đồ của con trai mình. Người thời nay nghe được những lời này mà như sấm dậy bên tai, quả thật là không thể không suy ngẫm cách bản thân đối xử với tâm lý lười biếng an nhàn của bản thân và của con cái.

Thiên Cầm biên tập