Trong mười hai bộ tiểu thuyết võ hiệp cúa Kim Dung, tôi yêu nhất “Thiên Long Bát Bộ”. Trong những nhân vật của Thiên Long bát bộ tôi yêu nhất nhân vật Tiêu Phong tức Kiều Phong, người anh hùng Khiết Đan, và cả chục nhân vật do Kim Dung dựng lên, tôi chọn Kiều Phong như một biểu tượng chủ nghĩa anh hùng.

Văn chương tiểu thuyết không phải là văn chương báo chí. Một tác phẩm tiểu thuyết ra đời nhằm gởi đến người đọc một thông điệp. Cái thông điệp đó có thể hiện ra trong ngôn ngữ văn chương. Cái thông điệp đôi khi ẩn tàng đâu đó trong tác phẩm đến nỗi một người đọc với thái độ lơ là của khách qua đường không nhận ra nó. “Ý tại ngôn ngoại” luôn luôn là một thực tế trong sáng tạo văn học. Tôi yêu tác phẩm Kim Dung vì yếu tố “Ý tại văn ngoại” phong phú. Tất cả tư duy của những nhân vật lớn trong tác phẩm Kim Dung đều tập trung ba định đề: cuộc sống, tình yêu và cái chết. Kiều Phong là một nhân vật lớn như vậy.

7 đại môn phái đi đâu cũng gặp trong kiếm hiệp Kim Dung
Kiều Phong. Ảnh: T. L.

Tác giả Kim Dung không vội vàng đẩy Kiều Phong ra đầu chuyện. Không. Trong năm cuốn đầu của Thiên Long, ta chỉ nhìn thấy hình ảnh của anh nho sinh trẻ Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý, một tay dại gái si tình bị bắt cóc đưa từ Đại Lý xuống Giang Nam. Phải đợi đến cuốn sáu, theo gót chân du tử của Đoàn Dự, ta mới bắt gặp một “Hán tử thô hào, mặt vuông tai lớn”, tuổi trạc ba mươi, đôi mắt sắc như dao, ngồi uống rượu chịu trên tửu lầu bên thành Vô Tích. Thoáng nhìn thấy nhân vật đó, Đoàn Dự đã nhận định “Hán tử này nhất định là tráng sĩ của đất Yên, Triệu. Miệt Giang Nam quyết không thể có được nhân vật như thế này”. Nhận định ban đầu của nho sinh trẻ thật chuẩn xác. Con người thô hào ấy chính Kiều Phong, bang chúa của Cái Bang.

Kiều Phong đang độ ba mươi tuổi, cái tuổi phát triển rực rỡ như của đời người; lại làm bang chúa Cái Bang, bang hội lớn nhất võ lâm Trung Quốc. Với cương vị đó, gã hán tử mặt vuông tai lớn phải hàng động rất cẩn trọng, rất chín chắn vì một quyết định, nhận định vội vàng cúa ông sẽ dẫn đến sai lầm, liên hệ đến mối nguy vong của hàng triệu hào khách võ lâm Trung Quốc. Ngay đến khi ra đòn đánh nhau với kẻ địch, Kiều Phong cũng tính toán sao cho chỉ đánh một đòn là khống chế được ngay đối thủ. Phía trong con người thô hào ấy ẩn tàng một bộ óc thông minh và những tính toán chuẩn xác.

Người anh hùng Kiều Phong luôn luôn tự hào mình thuộc dòng dõi Hán Tộc. Làm bang chúa cái bang, ông chỉ có một mơ ước: tiêu diệt quân xâm lăng Khất Đan mà ông thường gọi bằng cái tên khinh bỉ “bọn Liêu cẩu”, chống lại quân Tây Hạ, giữ gìn hoà bình cho người Hán, bảo vệ sự trọn vẹn của võ lâm Trung Hoa. Và chính niềm mơ ước đó đã trở thành bi kịch trong đời Kiều Phong.

Một nhóm đệ tử cái bang, dưới sự chỉ huy của Thập Phương tú tài Toàn Quang Thanh và Ôn thị, vợ phó bang chúa Mã Nguyên đã chết, nổi lên chống lại Kiều Phong. Toàn Quang Thanh chống Kiều Phong chỉ để leo lên cái ghế quyền lực. Ôn thị chống Kiều Phong chỉ để trả thù. Vốn mụ là phụ nữ lẳng lơ, lại chứng bạo dâm. Mụ đã có chồng nhưng vẫn quan hệ tình dục với Đoàn Chính Thuần, em ruột vua Đại Lý rồi quan hệ tình dục với Bạch Thế Kính, chấp pháp trưởng lão Cái Bang. Trong một lần đi dự Bách Hoa đại hội, ai cũng dòm ngó đến tấm nhan sắc tươi đẹp cúa Ôn thị. Duy chỉ có Kiều Phong nghĩ rằng Ôn thị là vợ của thuộc hạ mình, phải giữ lễ nghi. Ông chỉ ngó sơ Ôn thị một cái rồi thôi. Thái độ hững hờ đó làm cho Ôn thị nổi giận và quyết trả thù. Mụ quan hệ tình dục với Bạch Thế Kính và chính Bạch Thế Kính đã xuống tay giết phó bang chúa Mã Đại Nguyên vì Mã Đại Nguyên biết rõ Kiều Phong không thuộc dòng Hán tộc mà chính là người Khất Đan.

Sự thật, Kiều Phong đúng là người Khất Đan nhưng câu chuyện ấy đã trôi qua ba mươi năm, chẳng ai muốn nhắc đến nữa, bởi Kiều Phong đã được Hán – hoá từ thể chất cho đến tâm hồn. Ban đầu thì Kiều Phong cho rằng đó chỉ là lời vu cáo thiếu bằng chứng. Nhưng khi nhân chứng chính – nhà sư Trí Quan – xuất hiện và xác nhận, ông đành phải rời bỏ chức vụ bang chúa Cái bang ra đi và cảm thấy nhục nhã vì mình đang mang dòng máu Khất Đan.

Cuộc sống đưa đẩy khiến ông làm quen và kết bạn với A Châu, một cô gái Trung Quốc dịu dàng. A Châu trở thành tình yêu, lẽ sống, người bạn tri âm của Kiều Phong. Khi ra Nhạn Môn Quan xác định lai lịch của mình, Kiều Phong mới biết mình vốn họ Tiêu – Tiêu Phong, rằng mình đã từng chống lại tổ tiên, dân tộc mình. Tuy nhiên, cái mặc cảm dòng máu Khất Đan thấp hèn và gian ác chưa phai trong con người Tiêu Phong. A Châu khuyên giải ông: “Làm người Khất Đan thì có gì là xấu xa? Làm người Trung Quốc thì có gì là cao quý? Người Khất Đan hay người Trung Quốc thì vẫn có kẻ tốt, người xấu, đại gia buồn phiền làm chi”. Chính lời nói đó giúp Tiêu Phong nhận ra quan điểm hẹp hòi của mình bấy lâu nay. Và sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Tiêu Phong chính là sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Kim Dung

Như ta đã biết, Người Trung Quốc ngày xưa coi các dân tộc các nơi là bốn rợ (tứ di). Cái nhìn của họ đối với Mông, Tạng, Hồi, Khất Đan, Tây Hạ rất khinh bỉ. Trong Liên Thành Quyết, Kim Dung đã không giấu được cái khinh bỉ đó. Chỉ trong Thiên Long Bát Bộ, ông mới xác nhận rằng người Khất Đan, người Nữ Chân, người Tây Hạ là những giống loài bình đẳng như bao giống loài khác. Khát vọng tự do của Kiều Phong thể hiện rất rõ khi ông bàn với A Châu rằng làm xong vài việc ở Trung Quốc, ông sẽ đưa nàng về Nhạn Môn Quan săn chồn đuổi thỏ, sống đời ung dung khoái hoạt. Thế nhưng, một bi kịch khác xảy ra với đời ông làm tiêu tan khát vọng ấy: ông lỡ xuống tay đánh chết A Châu, đánh chết tình yêu và nguồn sống của chính mình.

A Châu có một cô em gái cực kỳ gian ngoan ác độc là A Tử, đệ tử Tinh Tú lão ma Đinh Xuân Thu. Khi A Châu chết, nàng nhờ ông chăm sóc, bảo hộ A Tử. Từ đó, ở bên cạnh một Tiêu Phong thẳng thắn anh hùng lại có thêm một A Tử lưu manh và giảo hoạt; cả hai kèm nhau như bóng với hình. Cuộc đời thật lắm nỗi hoạt kê!

Đúng là Tiêu Phong đã đưa A Tử về Nhạn Môn Quan, săn chồn đuổi thỏ và chữa bệnh cho cô. Ông kết bạn với Hoàn Nhan A Cốt Đả, thuộc bộ lạc Nữ Chân. Trong một chuyến dã ngoại, Kiều Phong cứu được nhân vật đặc biệt. Nhân vật ấy chính là Đại Liêu Hoàng Đế Gia Luật Hồng Cơ. Hoàng đế thật sự hạnh phúc khi khám phá được con người Khất Đan anh hùng lẫm liệt như TIêu Phong. Ông nhận Tiêu Phong làm em kết nghĩa và phong cho Tiêu Phong làm chức Nam viện đại vương, cai quản toàn bộ binh lực Đại Liêu. Thế từ một Hán tử thô hào, một tên Liêu cẩu man rợ, Tiêu Phong thoắt trở thành nguyên soái, nắm trong tay sức mạnh quân sự của một vương quốc khá dĩ đối địch với triều Tống.

Hơn ai hết, A Tử là người đầu tiên khuyên Tiêu Phong đưa quân qua Nhạn Môn Quan, làm cỏ hết bọn cái bang cùng bọn quần hào Trung Quốc. Tiêu Phong đã cảnh cáo A Tử về ý nghĩ tàn bạo đó. Ông vẫn nhớ ơn người Trung Quốc, nơi ông đã lớn lên, được học hành, trở thành con người. Và ông chủ trương không gây hấn người Trung Quốc, sống hoà bình cho trăm họ ăn cư lạc nghiệp. Ông nghiêm cấm thuộc hạ không được cướp bóc tài vật, bắt gái tơ từ đất Trung Quốc đưa về.

Nhưng Gia Luật Hồng Cơ thì không nghĩ thế. Gia Luật Hồng Cơ tin rằng binh lực nước Liêu đủ sức vượt qua Nhạn Môn Quan, đánh vào Lạc Dương để bắt sống tên hôn quân Triệu Hú (Tống Triết Tôn). Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh cho Tiêu Phong tiến đánh Trung Quốc.

Nhân lệnh hành quân, Tiêu Phong quyết đoán thật nhanh: không thể lấy nỗi đau của hai nước Tống-Liêu, không thể lấy sinh mạng của hàng triệu quân sĩ để làm nấc thang hạnh phúc cho mình và để thoả mãn khát vọng trả thù của Gia Luật Hồng Cơ. Và chăng, ông là người khát vọng tự do, không hề thiết tha tới quyền lực. Cách từ chối hay nhất của ông là treo ấn trả lại cho Đại Liêu hoàng đế và cùng A Tử trốn đi. Mưu kế ấy của Tiêu Phong bị Gia Luật Hồng Cơ khám phá được. Hồng Cơ ra lệnh bắt Tiêu Phong giam giữ.

Nguồn tin Tiêu Phong bị bắt giữ vì chống lệnh hành quân, mưu cầu hoà bình cho trăm họ đã khiến quần hùng Trung Quốc nhận ra được bản chất thật thà, trung hậu, tốt đẹp của Tiêu Phong. Họ huy động lực lượng cái bang, cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu và nước Đại Lý vượt qua Nhạn Môn Quan để giải thoát cho Tiêu Phong. Họ đưa ông về đến Nhạn Môn Quan thì cứa không mở vì truy binh Khất Đan đã áp sát chân thành. Hư Trức và Đoàn Dự bắt sống Gia Luật Hồng Cơ trước trận và buộc Hồng Cơ chuộc mạng bằng một lời hứa vĩnh viễn không bao giờ đưa quân Liêu sang xâm lăng Trung Quốc, Hồng Cơ đã long trọng hứa lời hứa đó. Nhận được lời hứa của nhà vua, Kiều Phong coi là một hạnh phúc. Ông đã sử dụng quyền tự do cuối cùng của mình: tự tử trước Nhạn Môn Quan để tạ tội với Gia Luật Hồng Cơ.

Bầu trời bao la, đất đai vạn dặm nhưng Tiêu Phong không tìm ra chỗ quay về. Về tới Trung Quốc ư? Ông chỉ là một tên chó Liêu mọi rợ. Về với Liêu Quốc ư? Ông chỉ là bề tôi thất trung, đã chống lệnh vua làm cho nhà vua mất mặt trước ba quân. Về mặt tinh thần, A Châu chết rồi, tâm hồn ông không còn nơi nương tựa nữa. Đoàn Dự có thể yêu một lúc năm sáu thiêu nữ nhưng Kiều Phong chỉ có một A Châu. Còn quyền lực, chức vụ, danh vọng không phải là nơi nương tựa. Kiều Phong đi tìm tự do. Ông chọn giải pháp cuối cùng – tự tử – để hoàn thành khát vọng tự do của chính mình. Ở chừng mực nào đó, cái chết của Kiều Phong là biểu hiện của chủ nghĩa vô cực đoan nhưng nếu ta cùng đi với ông trong suốt Thiên Long Bát bộ của Kim Dung thì ta mới thấy được giải pháp đó là con đường tất yếu.

A Tử đui mù đã giành bồng lấy Kiều Phong và cùng với ông nhảy xuống vực sâu muôn trượng. Mấy mươi năm trước, cha ông đã bồng mẹ ông nhảy xuống nơi ấy. Mấy mươi năm sau, một cô bé gọi ông là tỷ phu (anh rể) bồng ông nhảy xuống. Sự trùng hợp của lịch sử sao mà bi thương đến vậy!

Tiêu Phong tức Kiều Phong là một nhân vật sống nhất trong những nhân vật sống, là những nhân vật có vấn đề nhất trong nhừng nhân vật có vấn đề của Kim Dung. Có thể nói Kim Dung rất thành công khi xây dựng nhân vật Tiêu Phong – người anh hùng Khất Đan trong sáng, tiêu biểu cho những cái đẹp của con người. Và rõ ràng, Kim Dung nói với ta rằng cái đẹp nhất khó có thể tồn tại giữa đời bát nháo này. Cái đẹp nhất phải chết. Chỉ còn lại trên đời cái tầm thường vớ vẩn, những loài cỏ đuôi chó, những điều không đẹp mấy. Hoặc giả, giải quyết cho cái đẹp nhất chết đi cũng là một cách hướng con người luôn nuôi khát vọng đi tìm cái đẹp?

Marco Polo ghi lại tên Khất Đang bằng “Cathay”. Từ này được xứ Hongkong chọn đặt tên cho hãng máy bay quốc gia. Ở Việt Nam, Duyên Anh có viết chuyện du đãng với nhân vật chính là Đại Cathay trong “Điệu ru nước mắt” (Ngữ Yên).

Vũ Đức Sao Biển

Trích Kim Dung giữa đời tôi.