Người lịch sự phải tránh đi lời nói thô lỗ, tục tằn. Trái lại, trên môi họ luôn có những tiếng như cám ơn, xin lỗi…

Cám Ơn

Khi chúng ta đánh rơi chiếc bút, chiếc lược, chiếc khăn…người khác nhặt lên đưa cho chúng ta, chúng ta nói : cám ơn anh, cám ơn chị…Chúng ta cần tìm nhà một người quen, gặp được người chỉ cho, chúng ta nên nói : cám ơn ông, cám ơn bà. Chúng ta bán hàng, trao hàng cho khách và nhận tiền, nhận xong, chúng ta nên nói : cám ơn. Tóm lại, đối với bất cứ ai đã giúp chúng ta làm một việc gì dù nhỏ, chúng ta hãy nhớ nói tiếng cám ơn để biểu lộ tình cảm đối với người đó.

Chỉ có hai tiếng cám ơn đơn sơ, nhưng nó dễ dàng gây thiện cảm với bất cứ người nào chúng ta gặp.

Khi gặp một người nói cám ơn, chúng ta đừng toét miệng cười, không biết trả lời ra sao, chúng ta đang lên cầu thang, gặp một người già, chúng ta lịch sự nhường bước cho người đó lên trước. Người đó nói : cám ơn. Chúng ta khiêm tốn trả lời : thưa không có chi ạ. Đi đường gặp một em bé té ngã, chúng ta vội đỡ em dậy, ba má em cám ơn, chúng ta nên nói : thưa có gì đâu ạ, đó là bổn phận của tôi. Đưa quà biếu tới một người quen của ba má, người ta gửi lời cám ơn ba má, chúng ta nên nói : có đáng gì ạ, chỉ có một chút gọi là.

Xin Lỗi, Xin Phép, Phiền Ông

Chúng ta có việc gấp, cần lên cầu thang vội, khi vượt qua người đi trước, chúng ta hơi cúi đầu và nói : xin phép ông, xin phép bà…Những câu nói : xin lỗi, phiền ông, [phiền bà, xin phép…tuy là những câu nói vắn tắt, nhưng nó sẽ giúp chúng ta d6ẽ gây thiện cảm với mọi người, và tránh được rất nhiều những xích mích nhỏ nhen.

Tôi Lầm. Anh Có Lý. Anh Nói Đúng.

Tuy những câu nói : tôi lầm, anh có lý, anh nói đúng…là những câu nói mọi người ngại dùng, nhưng thật ra dùng những câu đó, chúng ta đã không tự hạ giá mà còn dễ chinh phục người khác. Mỗi khi sai lỗi, hoặc nói gì không đúng, chúng ta hãy cố can đảm dùng tiếng ‘tôi lầm’ để nhận lỗi với người khác.

Cần tránh những lời nói chạm tự ái người khác, cũng đừng biểu lộ cử chỉ bất mãn. Trái lại hãy thành thực cảm phục người khác nếu họ có những điểm tốt, điểm hay. Làm như thế, chúng ta sẽ có thêm những bạn bè mới. Hãy biết lắng nghe và đừng cắt lời khi người khác đang nói.

Những câu ca dao tục ngữ về lịch sự, tế nhị, tôn trọng người khác

Vào rạp hát, trong lúc qua mặt người khác, chúng ta sơ ý đụng mạnh vào họ : hãy nói : xin lỗi ông… Một người bạn đang chép bài, chúng ta sơ ý đụng vào tay họ, hãy nói : xin lỗi anh. Cũng nên nhắc lại trường hợp chúng ta bị người khác sơ ý làm phiền, người ta xin lỗi, chúng ta cũng nên lịch sự bỏ qua và vui vẻ trả lời : thưa không có chi. Đừng lườm nguýt cũng đừng tỏ ra bất mãn. Làm vậy, chẳng những không lợi gì cho chúng ta mà chỉ gây ác cảm với họ.

Đến công sở, chúng ta cần tìm một bàn giấy nào, gặp người hướng dẫn, chúng ta nói : nhờ ông chỉ giùm…

Chúng ta nhận lỗi về phần chúng ta thì người khác cũng dễ nhận ra lầm lỗi của họ. Nếu chúng ta lúc nào cũng cho mình là đúng, chúng ta sẽ trở thành đối tượng của sự ghen ghét, và thù oán của mọi người.

Khi nói chuyện với người khác, chúng ta cố gắng nhận ra cái lý của họ và thành thực cảm phục họ bằng cách dùng câu nói : anh có lý…chị nói đúng. Làm vậy chúng ta sẽ gây được cảm tình và có thêm bạn bè mới.

Khi không đồng ý với ai về một vấn đề, chúng ta muốn đưa ý kiến chúng ta ra , thì hãy mở đầu bằng câu nói : anh có nói đúng, nhưng có chi tiết náy, chúng ta cần nhận xét lại xem…Nói thế, chúng ta sẽ tránh được làm phiền và chạm tới tự ái người khác.

Tóm lược

Đối với bất kỳ ai đã giúp chúng ta làm một việc gì, dù nhỏ, chúng ta hãy nhớ nói tiếng ‘cám ơn’ để biểu lộ tình cảm đối với người đó. Trái lại, khi người khác cám ơn chúng ta, chúng ta hãy biết thưa lại bằng câu : thưa không có gì…Đó chỉ là bổn phận…

Khi lỡ làm phiền ai sự gì, chúng ta nên nói : xin lỗi…phiền ông…xin phép… Khi chúng ta sai, nên nhận lỗi bằng câu : tôi lầm, anh có lý…anh nói đúng…Những câu nói này tuy đơn sơ, nhưng sẽ gây được cảm tình nơi những người chung quanh, nhờ đó chúng ta sẽ có thêm được những người bạn mới.

* Để giờ học được sống động, sau khi cắt nghĩa, chúng ta nên thực tập cho các em ngay.

TH/ST