Cổ nhân luôn luôn lấy tiêu chuẩn chọn người gồm nhiều mặt cả đức lẫn tài, và không bao giờ xếp đức với tài ngang nhau. Họ vô cùng coi trọng vị trí thống soái và tác dụng chủ đạo của đức đối với tài, đặt đức lên trên cùng nhất. Họ cũng cho rằng, người không có đức thì không thể làm nên việc gì.

(Hình minh họa: Qua sohu.com)

Trong “Thái căn đàm” viết: “Đức giả tài chi chủ, tài giả đức chi nô. Hữu tài vô đức, như gia vô chủ nhi nô dựng sự hĩ. Kỉ hà bất võng lượng xương cuồng”, ý nói đối với một người, phẩm đức là chủ nhân của tài năng, còn tài năng là nô bộc của phẩm đức. Nếu một người chỉ có tài năng mà thiếu đi phẩm đức thì giống như nhà không có chủ, mọi việc do nô bộc cai quản, như vậy sao lại không xảy ra những việc làm bậy, càn quấy?

Thời xưa, từ các vị Hoàng đế đến những trí thức hay dân thường đều coi trọng việc giáo dục đức hạnh hơn là tài năng. Cách giáo dục của vị Hoàng đế khai quốc triều Minh là Chu Nguyên Chương là một trường hợp điển hình. Tuy Hoàng đế Chu Nguyên Chương không biết chữ, người vợ cũng không phải xuất thân từ danh gia khuê các, nhưng các con của họ đều vô cùng xuất sắc. Đó là từ sự giáo dục của Hoàng đế Chu nguyên Chương đối với các con.

Bài học diệt vong của triều Nguyên đã khiến Hoàng đế Chu Nguyên Chương hiểu rõ đạo lý “Vi chính dĩ đức, thí như bắc thần, cư kì sở nhi chúng tinh củng chi.” (dùng đức để làm chính trị giống như sao bắc đẩu ở yên một chỗ, các sao khác đều hướng về). Giang sơn từ trong gian khổ mà có được há có thể trăm năm sau này như dòng nước tuôn chảy ra biển đông? Vì thế Hoàng đế Chu Nguyên Chương rất coi trọng việc giáo dục con cái, ông cho rằng: “Đức vừa có thể giúp cho thân thể, vừa có thể giúp cho trí tuệ. Ông coi trọng giáo dục con cái để có được tri thức, còn giúp chúng “chính tâm”, tức giáo dục phẩm đức.”

(Hình ảnh: Qua kknews.cc)

Một lần lúc trên điện, thái tử cùng các vương yên lặng đứng hầu một bên, Hoàng đế Chu Nguyên Chương nghiêm túc giáo huấn rằng: “Các con có biết đạo lý “tiến đức tu nghiệp” không? Quân tử thời cổ, đức ở bên trong mà biểu hiện ra bên ngoài, cho nên kiến thức cao minh, thiện đạo ngày càng tăng, ác hạnh đều rời xa. Bản thân mình tu đạo đã thành, tất ra phục vụ đại chúng, người hiền tập trung bên cạnh, kẻ xấu rời xa. Có thể tiến đức tu nghiệp thì quốc gia thiên hạ không đâu là không trị, nếu không thế thì không gì là không thất bại.”

Để đạt được mục đích làm cho các con “tiến đức tu nghiệp”, Hoàng đế Chu Nguyên Chương còn tự mình làm thầy đặt ra phương châm giáo dục. Ông bảo rằng: “Thầy giỏi nên làm gương, theo bản tính vốn có mà dạy, bồi dưỡng nhân tài. Với cách giáo dục, quan trọng nhất là phải chính tâm, chính được tâm rồi thì việc gì cũng có thể làm được; chính không được tâm, các loại tư dục sẽ nhân đó mà xâm nhập. Các con cần phải lấy thực học làm chính, không nên học theo những văn sĩ tầm thường, chỉ biết thuộc từ chương, không hề có ích gì cả.”

Theo phương châm đó, sau khi lập quốc, trừ việc xây đại bản đường trong cung ra, Hoàng đế Chu Nguyên Chương thu thập các sách vở cổ kim, mời danh Nho các nơi đến, ngoài lấy điển tích Nho gia để dạy, còn chọn lựa một số nhân sĩ có đức hạnh phong kiến, sung vào làm tân khách cho thái tử, đối với các con, tiến hành giáo dục “đức hạnh” một cách nghiêm túc và có hệ thống.

Trên cơ sở  tư tưởng “ngay cả việc bào khúc gỗ, cũng cần phải có thợ giỏi, bức vách vạn kim không thể phó thác cho người thợ vụng về”, Năm Hồng Vũ thứ nhất (năm 1368) sau khi lập hoàng thái tử, Hoàng đế Chu Nguyên Chương uỷ thác cho các vị trọng thần khai quốc như Lý Thiện Trường, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân lần lượt kiêm nhiệm chức Thái tử thiếu sư, Thái tử thiếu phó và Thái tử thiếu bảo. Để họ “dùng đạo đức phụ đạo thái tử”, “răn sửa lỗi lầm”, khiến thái tử tiến bộ. Đặc biệt với Tống Liêm được khen tặng là “khai quốc văn thần chi thủ” đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc tu dưỡng đức hạnh của  thái tử.

giáo dục
(Hình minh họa: Qua kknews)

Từ việc Hoàng đế Chu Nguyên Chương giáo dục con cái, có thể thấy chủ trương của ông là trăm việc học thì lấy đức làm đầu, giáo dục trước tiên phải đề cao giáo dục đạo đức. Một người nếu như muốn học vấn phong phú, tài cao tám đấu, thì đầu tiên cần phải tu dưỡng đức của mình.

Trong dùng người, cổ nhân coi đức và tài là sự thống nhất hữu cơ, cả hai không thể tách rời. Chính trị gia đời Tống – Tư Mã Quang khi tổng kết bài học kinh nghiệm dùng người trị quốc trong lịch sử đã chỉ ra rằng: “Tài là vốn liếng của đức, đức là thống soái của tài. Đức dựa vào tài để phát huy, tài dựa vào đức để thống soái, cả hai nương vào nhau mà thành. Chỉ có đức tài kiêm bị mới là người hiền”.

Nhưng sự phát triển của đức và tài có thể xuất hiện sự không ngang bằng nhau. Có người đức tương đối tốt, nhưng tài thì kém hơn một chút, có người tuy có tài, nhưng đức lại kém hơn. Tuy nhiên, dù ở thời nào thì giữa đức và tài, cần chú ý đến đức hơn. Bởi một người dù năng lực rất mạnh, trí tuệ cao hơn người, nhưng nếu phẩm chất xấu, dã tâm lớn thì mối nguy hại gây nên sẽ vô cùng to lớn, thậm chí đến mức hoạ quốc ương dân.

Cổ nhân cho rằng, phẩm đức là chủ nhân của tài năng, tài năng là nô bộc của phẩm đức, cách ví này rất độc đáo nhưng lại vô cùng thích đáng và đúng đắn. Một cá nhân nếu thiếu “đức”, bất luận là người ấy có tri thức uyên bác, năng lực mạnh mẽ hơn người, cũng không thể gọi là một con người hoàn thiện, thậm chí còn là người nguy hiểm.

An Hòa (dịch và t/h)

trithucvn