Thái độ của người quân tử thời xưa

Người quân tử trong lòng bảo trì chính trực, thuần khiết, đây là cái gốc của làm người. Bên ngoài thì họ khiêm cung thận trọng, thủ hộ tâm chí của bản thân, miệt mài thực hành nhân nghĩa. Người quân tử có tài có đức, khiêm tốn cung kính, gặp tiểu nhân thì tự tránh xa. Đối với người có tài năng thì tuyệt đối không có tâm ghen ghét đố kỵ, mà nghiêm túc học tập hành vi và việc làm của họ.

Người quân tử nhân từ, luôn thủ vững chính nghĩa, làm việc gì cũng công chính vô tư, không thẹn với lương tâm, bằng lòng với mệnh trời, không so đo lợi hại được mất, vì thế mà không lo lắng. Người quân tử dũng cảm mà không sợ bởi họ có tấm lòng rộng rãi, sáng tỏ, ngửa mặt nhìn trời hay cúi xuống nhìn đất đều không thẹn, xét lại lòng mình mà không thấy cắn rứt.

Người quân tử lòng dạ quang minh chính đại, rộng rãi, khí an thần định, ung dung bình thản. Họ làm mà không tranh giành, không màng danh lợi nên không vì danh lợi mà mệt mỏi. Họ gặp chuyện mà không tranh hơn thua, biết chịu thiệt, không vì sự thỏa mãn nhất thời mà đánh mất cái vui vẻ dài lâu.

Người quân tử luôn khoan dung, không thù hận người khác, lạc quan tươi vui. Họ có thể chân thành tha thứ, dung nạp và cảm hóa người khác. Người khác đối tốt với họ, họ đối tốt lại, người khác không đối tốt với họ, họ cũng vẫn đối tốt lại, không mong muốn vạch trần, chỉ trích hay để trong tâm.

Điều mà người quân tử chú ý chính là “đức hạnh”, điều mà kẻ tiểu nhân đăm chiêu lo nghĩ chính là bổng lộc, lợi ích. Người quân tử luôn cân nhắc để không phạm pháp, vi phạm đạo đức, kẻ tiểu nhân làm mọi cách để giành được lợi ích cho bản thân.

Người quân tử nhất định sẽ thận trọng tìm người mà kết giao. Bởi kết giao với một người tốt cũng giống như gieo trồng hoa lan trong nhà kính vậy. Lâu dần sẽ không cảm nhận được hương thơm của hoa lan vì vô hình chung đã hòa cùng mùi hoa ấy rồi. Kết giao với người không tốt cũng giống như cá ở trong chợ. Lâu ngày cũng sẽ không cảm thấy mùi tanh hôi, là bởi vì bản thân đã “nhiễm” mùi tanh ấy rồi.

Người xưa quan niệm “Trên đầu ba thước có thần linh”, nên người quân tử luôn giữ mình trong sạch ngay từ ý nghĩ, tránh làm những điều khuất tất, hổ thẹn. Bởi lẽ dẫu không ai biết thì Trời biết, đất cũng biết, bản thân mình cũng biết.

Mỹ đức của các bậc quân tử từ xưa tới nay vẫn luôn được so sánh với ngọc, vì ngọc ấm áp, trơn bóng sâu lắng, được so sánh với chữ Nhân. Sự toàn vẹn, rắn chắc của ngọc, chỉ có thể so với Trí huệ. Ngọc có góc cạnh nhưng không làm tổn thương con người, được so sánh như lòng chính Nghĩa. Ngọc sau khi gia công thành món đồ trang sức nghiêng mình, được so sánh với sự Lễ phép. Gõ nhẹ vào ngọc ta sẽ nghe thấy thanh âm trong trẻo du dương, vang vọng đến cuối cùng lại cao vút và dừng lại, âm thanh này được so sánh với sự êm ái dịu dàng của Âm nhạc. Ngọc vừa không muốn phô trương những ưu điểm, cũng không che dấu khuyết điểm, không vì chỉ nhìn vào khuyết điểm mà che mất đi ưu điểm, điều này được sánh với lòng Trung thành. Vẻ rực rỡ lấp lánh trước sau như một của ngọc được ví với sự đáng tin cậy, chữ Tín cao quý của người quân tử. Ẩn sâu bên trong ngọc bội có khí sắc như trắng như hồng, được ví như sự tương thông với tinh hoa của Trời. Vị trí cây cỏ xanh tốt của rừng núi nơi sản sinh ra ngọc quý dường như đang chắt lọc, tương thông với tinh hoa của Đất.

Đây chính là những phẩm chất tao nhã, đẹp đẽ của người quân tử.

Thiên Cầm

TH/ST