Người Việt mình là những người không thể làm việc nhóm, chúng ta thường nhận xét về nhau như vậy, và cũng từng nghe người nước ngoài nói về người Việt như vậy. Mỗi cá nhân người Việt có thể giỏi nhưng khi làm việc nhóm thường khó kết hợp, hiệu quả công việc đạt được không cao. Nhiều nguyên nhân được nêu ra như: “cái tôi” lớn, không ai chịu ai, đố kỵ, ghen ghét,… trong đó nổi bật là tính vô tổ chức.

Tính vô tổ chức là gì?

Là một người không tôn trọng các quy định, quy tắc của nhóm, hội, công ty, tổ chức; không chấp hành các cơ chế vận hành thông thường của một bộ máy tổ chức; coi thường mọi chỉ dẫn, hướng dẫn, nguyên tắc làm việc cũng như các thành viên nhóm.

BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Người ta có tính vô tổ chức vì nhiều nguyên nhân. Một là không biết, chưa từng tham gia làm việc nhóm nên không hiểu sự quan trọng của việc phải tôn trọng và giữ gìn nguyên tắc, ý thức tổ chức. Hoặc do sự tự cao, cho rằng bản thân giỏi hơn người trong nhóm (hoặc dựa vào thế lực, quan hệ) nên có quyền phá vỡ nguyên tắc và không tuân theo các quy tắc thông thường mà vẫn được trọng dụng. Cũng không ít người mắc bệnh thể hiện, luôn tự huyễn hoặc mình là số một, là trung tâm nên không coi trọng các nguyên tắc tổ chức.

Trong một gia đình ta có trên dưới lớn nhỏ và những quy định riêng. Trong một nhóm học tập cũng đề ra các quy định về giờ giấc, cách thức học tập, trao đổi. Trong một lớp học, một trường học có quy định về trang phục, giờ học, sinh hoạt. Trong một nhóm làm việc bất kỳ đều có quy định riêng tùy theo tính chất công việc. Trong một hội nhóm, tổ chức xã hội, từ thiện hoặc chính trị cũng đều có những quy tắc mà mọi thành viên tham gia đều phải tuân thủ.

Việc tuân thủ các nguyên tắc của nhóm, tổ chức giúp cho hoạt động của nhóm, tổ chức được trơn tru, theo đúng kế hoạch, đạt kết quả cao và tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nếu trong một nhóm, tổ chức có một thành viên bất kỳ có tính vô tổ chức thì cơ chế vận hành lập tức bị rối loạn, thường đem đến những rắc rối, thiệt hại không đáng có, thậm chí rất lớn, gây ra những tổn thương khó có thể phục hồi.

Một lớp học ra quy định: Học sinh không nói chuyện trong lớp khi cô giáo giảng bài. Quy định này được đặt ra để giáo viên và học sinh tập trung vào bài học. Nếu một học sinh không tuân thủ quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến việc giảng bài của cô giáo và toàn bộ các học sinh còn lại.

Một nhóm từ thiện ra quy định: Các thành viên tham gia trên tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ người cô thế với tâm thế trong sáng, nhân bản và yêu thương. Nếu một thành viên của nhóm tham gia giúp người cô thế nhưng sau đó lại bỉ bôi chê bai chỉ trích người cô thế được nhận giúp đỡ thì sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của cả nhóm thiện nguyện này.

Một nhóm làm việc được lập ra có trưởng nhóm, thành viên và các quy định, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đi kèm. Nếu một hoặc nhiều thành viên trong nhóm không tôn trọng và không chấp hành sự phân công công việc của trưởng nhóm thì công việc không thể tiến hành. Hoặc khi thảo luận họ không đưa ra ý kiến, nhưng khi làm thì thực hiện trái lại những gì đã thảo luận, điều này cũng gây hại cho nhóm.

Một tổ chức hoạt động chính trị có những quy định nghiêm ngặt về cơ chế vận hành, bảo mật… Một hoặc vài thành viên của tổ chức không tuân thủ nguyên tắc bảo mật, không tôn trọng cơ chế vận hành thì nguy hiểm đến sự tồn tại của tổ chức, của thành viên và của nhiều người khác.

Ta thấy, từ việc nhỏ đến việc lớn, ý thức tổ chức của con người là điều vô cùng quan trọng. Con người là sinh vật sống quy tụ, sinh hoạt và làm việc theo nhóm, bằng sự liên kết, hợp tác. Và trong bất cứ một sự liên kết, hợp tác nào đều có những thỏa thuận, quy tắc, nguyên tắc mà mỗi người phải tôn trọng. Người có ý thức tổ chức là người văn minh, luôn được tôn trọng. Người có tính vô tổ chức thì ngược lại, bị coi thường cho dù có thực giỏi đến đâu.

Có thể nói ý thức tổ chức là đạo đức của một người. Bởi, người có ý thức tổ chức sẽ luôn biết bảo vệ nhóm của mình và các thành viên. Nếu một thành viên gặp vấn đề, sẽ được hướng dẫn, nâng đỡ, giúp đỡ, thậm chí khi sai sẽ được góp ý trên tinh thần xây dựng để thay đổi từ các thành viên khác trên tinh thần trách nhiệm và yêu thương. Người vô tổ chức sẽ không biết bảo vệ nhóm, chỉ biết bảo vệ bản thân.

Một nhóm làm việc hiệu quả, một tổ chức mạnh luôn là một nhóm, tổ chức có những thành viên có ý thức tổ chức cao. Ngược lại, sẽ nhanh chóng mâu thuẫn, chia rẽ, bị hủy hoại, tan rã, thậm chí gây hại.

Ý thức tổ chức của một người không bỗng dưng mà có, nó được gây dựng từ sự dạy bảo, học hỏi từ nhỏ đến lớn. Một người có được giáo dục nền tảng gia đình, nhà trường tốt ngay từ nhỏ sẽ có được ý thức tổ chức cao. Nếu không có nền tảng, vẫn có thể học khi đã lớn, chỉ cần chịu học là sẽ học được.

Để các thành viên trong nhóm, tổ chức có được ý thức tổ chức cao, người đứng đầu phải tổ chức các buổi học phổ biến về các quy định, nguyên tắc, diễn giải rõ ràng vì sao nó lại cần thiết và cần tôn trọng quy định cho mọi thành viên. Trong điều hành nhóm, luôn phải giữ sự công bằng và tôn trọng sự thật, đặt nguyên tắc, yêu thương lên hàng đầu để các thành viên học hỏi. Nếu thành viên vi phạm, cần hướng dẫn một cách chu đáo. Nếu vi phạm nhiều lần, cần xử lý theo quy định để không ảnh hưởng đến công việc và các thành viên khác. Nếu người đứng đầu nhóm không giữ nguyên tắc tổ chức thì sẽ không thể vận hành nhóm, các thành viên sẽ lần lượt phá bỏ ý thức tổ chức, tạo ra hỗn loạn.

Ta thấy, ở Việt Nam, từ gia đình cho đến trường lớp, nhóm làm việc, các hội nhóm từ thiện, xã hội dân sự cho đến các tổ chức chính trị luôn xảy ra cảnh hỗn loạn và rất khó học tập, làm việc bởi ý thức tổ chức không được đặt lên hàng đầu, không được dạy bảo cẩn thận.

Đoàn kết là điều không thể có nếu số đông không có ý thức tổ chức. Bạn có phải là người có ý thức tổ chức không? Nếu chưa, xin hãy học và sửa mình. Bởi nếu không chúng ta sẽ chẳng có bất cứ thành tựu gì, vẫn chỉ là “đám đông cô đơn” lạc lõng trong dòng chảy văn minh thời đại.