Duyên Lăng Quí Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.

Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra.

Duyên Lăng Qúi Tử vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.

Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho tự quân. Các người theo hầu ngăn lại, nói:

– Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô, không phải là thứ để tặng được.

Duyên Lăng Quí Tử nói:

– Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa dâng được. Tuy vậy đã định cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì là ta tự dối tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêm không chịu làm.

Nói xong, bèn tháo thanh kiếm đưa cho tự quân.

Tự quân nói: “Tiên quân tôi không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận kiếm.”

Quí Tử bèn treo kiếm vào cái cây ở mộ vua Từ, rồi đi.

Người nước Từ ai cũng khen Duyên Lăng Quí Tử rằng không quên người thân cố, đem thanh gươm báu treo vào cây trên mộ.

Tân Tự

Lời bàn:

Lúc vua Từ có ý lấy thanh kiếm thì Quí Tử không tự ý đưa được, vì công việc phải làm còn chưa xong. Đến lúc Quí Tử có thể tặng thanh kiếm được thì vua Từ không sao nhận được nữa, vì đã thác mất rồi. Giá phải người tầm thường, xử vào cái địa vị Quí Tử, thì tuy trong bụng có điều hối hận, nhưng cũng tiếc thanh kiếm mà đem về nước. Nhưng Quí Tử vốn là người trong tâm đã nghĩ làm sao thì phải làm cho kì được như thế mới nghe, cứ đem thanh kiếm treo tại mộ vua Từ. Người ta tuy khuất, nhưng tâm mình vẫn còn, mà mình không muốn dối tâm mình, thực là liêm lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ đã tự dối mình lại đi dối thiên hạ, nhất là đối với người đã khuất tuy có hẳn lời hứa đinh ninh mà rồi nuốt ngang lời đi được.

TH/ST