Tại sao chúng ta không thể ngoảnh mặt với bộ phim này khi nó cứ mãi xuất hiện bên cạnh những bộ TV series mà bạn vẫn hay xem trên Netflix mỗi ngày? Đâu là lý do khiến “The Shawshank Redemption” tạo sự ảnh hưởng vượt thời đại như vậy? Một bộ phim khiến người xem không chỉ dừng ở lần đầu mà còn muốn xem tiếp lần hai, lần ba sau đó…
Một cốt truyện điển hình cho việc giải quyết vấn đề
Bộ phim đã thu hút toàn cầu mà không cần thêm thắt những yếu tố về tinh thần. Việc bỏ qua các vấn đề về đức tin hoặc các biểu tượng văn hóa thần thoại trong cốt chuyện giúp ta dễ dàng nhìn thấy vấn đề thực sự đằng sau câu chuyện tuyệt vời này.
“The Shawshank Redemption” – cả bộ phim và từng câu chuyện nhỏ bên trong – đã đưa ra một lập luận cực kỳ khéo léo, một ví dụ vô cùng vững chắc về cách giải quyết vấn đề trong phim ảnh. Để hiểu lý do tại sao bộ phim này lại được xem là kinh điển thì hãy cùng iDesign tìm hiểu một cách toàn diện hơn về bản chất câu chuyện, góc nhìn, quan điểm và ghép chúng lại với nhau thành một khuôn mẫu tâm lý con người liền mạch nhé.
Sự phóng chiếu theo cách ta nhìn thế giới
Với một số người, họ vẫn xem sự thúc đẩy về tinh thần hay các biểu tượng thần thoại trong phim ảnh là phương pháp giúp chúng ta hiểu mình là ai và thế giới hoạt động như thế nào thì ngược lại, có những cấu trúc phim mang ý nghĩa giúp chúng ta trân quý bản thân và trải nghiệm của chính mình nhiều hơn.
Dẫu vậy vẫn có một thực tế là: Câu chuyện dù sử dụng cấu trúc nào cũng đều dựa trên cách chúng ta nhìn và thấu hiểu thế giới này. Có thể hiểu rằng, câu chuyện diễn ra chính là sự phóng chiếu cách chúng ta giải quyết một vấn đề.
Khi người ta hỏi tại sao “The Shawshank Redemption” lại có một sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy, câu trả lời nằm ở việc câu chuyện đã phản ánh chính xác quá trình giải quyết vấn đề thường thấy ở ngoài đời. Bắt đầu với những phác họa rõ ràng về quan điểm của mỗi nhân vật và kết thúc với sự bất đồng quan điểm cả về chủ quan và khách quan, câu chuyện của Red và Andy hiệu quả vì nó theo một lối diễn giải quen thuộc với tất cả chúng ta.
Bốn điểm mấu chốt
1. Từ khóa xuyên suốt
Hẳn rằng để giải quyết vấn đề thì trước mắt phải tìm hiểu vấn đề đó là gì. Trong Shawshank, một từ nổi bật hơn hết và cũng là nguồn gốc của mọi sự cố, đó chính là: “hỗ trợ”. Nó được áp dụng ngầm cùng với nhịp phim thông qua nhiều câu thoại (“Yessir, tôi tin rằng tôi đã được cải tạo”) hoặc rõ ràng thông qua việc những tên tù nhân cũ chào mừng những tên tù mới. Đây chính là một hình thức thúc đẩy xung đột.
Shawshank đưa ra góc nhìn đặc biệt cho vấn đề từ việc mọi người đều tuân thủ theo các quy tắc. Đầu tiên là nhân vật Red, dù luôn tuân thủ nhưng lại là người duy nhất có tội ở Shawshank. Từ góc kể chuyện của Red, chúng ta đồng hành cùng ông trong các phiên điều trần tạm tha cũng như cùng Red kinh ngạc khám phá những gì xảy ra trong phòng giam của Andy. Thông qua đó, khán giả trải nghiệm câu chuyện bằng chính góc nhìn của Red.
Qua các phiên điều trần, chúng ta thật sự trải nghiệm được các vấn đề cốt lõi của “hệ thống hỗ trợ” trong nhà tù. Riêng với Red thì vấn đề đó lại nằm trong chính cách ông suy nghĩ: Ông cho rằng mình mới là người hỗ trợ ngược lại cho hệ thống nhà tù, Red cũng tin rằng nhà tù thật sự giúp ông trở nên tốt đẹp hơn quá khứ của mình, và để được tha bổng, ông biết cách nói những gì người khác muốn nghe. Tất nhiên, hội đồng liên tục từ chối Red cho đến khi ông bắt đầu đấu tranh cho chính mình, không còn phụ thuộc vào hệ thống nhà tù nữa. Ông không còn nói những điều quen thuộc như trước đây thường nói với hội đồng. Red không còn tin vào “hệ thống hỗ trợ”, không bị phụ thuộc vào đánh giá của nhà tù về sự tốt đẹp của chính mình.
Chính khi Red thay đổi suy nghĩ về bản thân, dù có tội lỗi trong quá khứ nhưng hiểu mình ở hiện tại và tin rằng bản thân có thể tốt đẹp hơn mà không cần phải theo khuôn khổ luật lệ của nhà tù nữa. Đấy mới là lúc Red thật sự tự do ở chốn Shawshank này.
2. Một nhà tù dành cho tất cả mọi người
Tách mình khỏi Red và nhìn theo góc độ thứ hai của câu chuyện, ta bắt đầu thấy những vấn đề của “hệ thống hỗ trợ” từ quan điểm khách quan. Red cho chúng ta cái nhìn chủ quan từ góc độ cá nhân, còn góc nhìn khách quan giúp ta bình thản quan sát mọi người và tạo cho ta một khoảng cách “mở” hơn cũng như thấu hiểu sâu sắc hơn.
Lời hứa làm bạn với gã “ma mới” béo phì dẫn đến kết cục là một trận đòn nhừ tử. Nỗ lực ủng hộ phát triển giáo dục cho tù nhân dẫn đến kết cục là xảy ra các hoạt động tham nhũng. Đồng ý có mặt làm chứng cho chàng giám đốc ngân hàng “giết vợ” vào ngày mở lại vụ án khiến một tù nhân trẻ bị bắn vì cố “chạy trốn”. Tất cả đều được bắt đầu với từ khóa “hỗ trợ” và hãy thử đối chiếu nó với câu chuyện của Red, bạn sẽ hiểu vì sao câu chuyện trong phim lại thu hút mình đến thế.
Red đứng lên bảo vệ bản thân bởi vì đó là điều cần thiết để ông vượt qua vấn đề cá nhân. Nhưng làm sao ta có thể chắc chắn rằng cách giải quyết này là hợp lý mà không xét xem nó có tác dụng như thế nào với những người khác? Từ quan điểm khách quan, ta thấy rất nhiều vấn đề được giải quyết bằng cùng một giải pháp. Lời tuyên chiến của Andy khi phát bài The Marriage of Figaro (Cuộc hôn nhân của Figaro) ban tặng tự do cho các phạm nhân nhà tù Shawshank; trong khoảnh khắc, dường như tất cả bọn họ đều được giải phóng. Hành động cuối cùng của anh chống lại nỗ lực truyền bá của Warden càng đẩy mạnh niềm tin về giải pháp ấy hơn, bằng cách cho mọi người thấy nó đã đánh sập những rào cản bên trong nhà tù như thế nào.
Nhưng hãy nhớ một điều quan trọng rằng: Vì ta là khán giả, chúng ta trải nghiệm được cả hai góc nhìn.
Nhưng điều đó không xảy ra trong đời thực.
3. Sự đối lập
Để đạt đến điểm có thể tự mình nổi loạn, Red cần bắt gặp một quan điểm khác. Một quan điểm tương đồng về mức độ với quan điểm của ông (nhỏ bé, gần gũi), nhưng được thể hiện theo cách thức tương tự.
Chính Andy là người đưa ra góc nhìn thứ ba cần thiết ấy. Tuy nhiên, điều thú vị là từ quan điểm này, sự “hỗ trợ” của nhà tù trong mắt Andy lại giống với “kiểm soát” hơn. Bất cứ khi nào có ai đó cố gắng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của Andy hoặc khi anh nỗ lực kiểm soát một tình huống, điều đó đều ảnh hưởng đến Red. Thậm chí cả cách cư xử của anh, lạnh lùng và xa cách, cũng tác động đến Red theo một cách khiến gã tù nhân kỳ cựu phải tự vấn lại cách bản thân phục tùng mệnh lệnh.
Sự khác biệt giữa cách mà vấn đề của Andy tác động đến Red thay vì ảnh hưởng đến bản thân Andy đã xác định quan điểm thứ ba quan trọng của toàn bộ câu chuyện – góc nhìn của các cá nhân đối lập nhau.
4. Tình bằng hữu
Tranh cãi muốn hiệu quả thì phải bản thân nó phải cân bằng đã. Việc cho bớt đi những gì mình có cũng là một cách để tránh được cái bẫy của tranh cãi một chiều. Tương tự như vậy, góc nhìn chủ quan của Red cần một góc nhìn khách quan của Andy để cân bằng, góc nhìn khách quan rộng hơn từ xung đột của tất cả mọi thứ đòi hỏi một góc nhìn chủ quan hẹp hơn về những mâu thuẫn nhỏ bên trong. Trong “The Shawshank Redemption”, quan điểm này có thể được tìm thấy trong tình bạn giữa Red và Andy.
Từ quan điểm của Red và quan điểm của toàn bộ những người bị nhốt trong nhà tù, vấn đề của Shawshank dường như chính là sự “hỗ trợ” thái quá từ nhà tù. Nhưng từ quan điểm của Andy, vấn đề lại trông như một sự đàn áp và kiểm soát mang danh “hỗ trợ”. Tuy nhiên, từ quan điểm tình bạn giữa Red và Andy, có vẻ như vấn đề lại chẳng liên quan gì đến hai điều trên, mà thay vào đó là thất bại trong việc cân nhắc vị trí của người kia trong lòng mình.
“Hy vọng là điều nguy hiểm,” Red nói với Andy, câu nói ngắn gọn này cũng là ý chính nhấn mạnh cho việc hai người không thể là bạn. Andy nhìn thế giới theo một cách khác, anh thích giấc mơ về Zihuatenejo hơn là suy nghĩ bất cần đời của Red. Trọng tâm của câu chuyện xoay quanh việc hai người không thể thay đổi lối tư duy của mình; lời thề bằng hữu của họ chỉ dựa trên một quyết định giản đơn:
“Anh bận rộn để sống, hoặc là anh bận rộn để chết.”
“Get busy livin’, or get busy dyin’.”
Mục đích của việc kể chuyện
Bốn góc nhìn riêng biệt và cân bằng này tồn tại vì một lý do duy nhất. Như đã đề cập đến ở trên, nhà tù trong chính tâm trí mình ngăn không cho chúng ta trải nghiệm cùng lúc cả hai quan điểm chủ quan và khách quan. Ta không thể cùng một lúc vừa ở trong, vừa ở ngoài bản thân mình. Câu chuyện mang đến cho ta một cơ hội hiếm hoi để nhìn thấy cách giải quyết vấn đề từ tất cả những góc nhìn khác nhau.
“The Shawshank Redemption” đưa ra lập luận rằng chỉ cần ta dám đứng lên và dám cất tiếng nói thì tất sẽ chiến thắng – cho mọi người lẫn cho mình. Xem xét cách giải quyết vấn đề từ quan điểm khách quan và chủ quan đã biến một “thông điệp” đơn giản thành một lập luận và dẫn chứng vô cùng cụ thể.
Như Stephen King viết trong cuốn hồi ký On Writing (Về chuyện viết) xuất sắc của mình:
Viết là một hoạt động thần giao cách cảm, dĩ nhiên rồi… Tôi không mở miệng nói một lời và bạn cũng chẳng mở miệng nói lời nào. Chúng ta thậm chí còn không ở cùng một thời đại, nói chi đến cùng một phòng… ngoại trừ việc chúng ta tồn tại cùng nhau. Chúng ta ở gần bên nhau. Tâm trí chúng ta gặp gỡ nhau.
Mối thần giao từ người viết truyền đến người đọc. Một cốt truyện được xây dựng hiệu quả và súc tích để sau nhiều năm, vẫn được tiếp nhận bởi một tâm trí rộng mở. Đó cũng chính là mục đích của việc kể chuyện. Ở mức độ nào đó, khi ta kể lại chính tâm lý của độc giả hoặc khán giả, câu chuyện đó sẽ càng mạnh mẽ và thuyết phục hơn nữa.
Đến cuối cùng, việc kể chuyện cũng chỉ là một hình thức giao tiếp đơn thuần nhất…
Đó là sự chia sẻ, từ tâm trí này đến tâm trí khác
Tác giả: narrativefirst
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: narrativefirst