Tại sao con người lại nhiều chuyện? Nhiều chuyện có từ khi nào? Từ khi con người phát triển ngôn ngữ hơn mức cảnh báo, truyền thông tin cần thiết để sinh tồn lên đến mức để tán gẫu. Tán gẫu là một hình thức nắm bắt các thông tin cần thiết của những người khác để phục vụ cho nhu cầu kết hợp. Nhiều chuyện thì tệ hơn một mức, bởi nhiều chuyện chỉ để nhằm mục đích thao túng người khác, hoặc chỉ đơn thuần là để xả ẩn ức của bản thân bằng cách nói xấu người khác thông qua tán gẫu.

Nghiên cứu KH dành cho chị em 'nhiều chuyện': Nói xấu người khác sẽ giảm 5 năm tuổi thọ, hại thần kinh

Người các nước khác có nhiều chuyện không? Có. Họ cũng hóng tin, cũng chạy theo tin đồn, cũng thích tin nóng… nhưng họ được giáo dục để biết rằng nó có giới hạn và cố gắng dừng ở mức tán gẫu.

Người Việt mình, do mang quá nhiều ẩn ức với nhau, nên khi cứ có từ hai người trở lên là thành nhiều chuyện một cách rất vô tư, không hề cân nhắc đâu là tán gẫu đâu là nhiều chuyện.

Một câu chuyện tán gẫu sẽ như thế này:

– Ê mày, cái ông A giám đốc có bồ nhí.
– Vậy ha. Sao mày biết?
– Thằng lái xe của ổng xì ra.
– Hô. Chuyện này mà nhiều người biết thì chắc mất chức.
– Hết chuyện.

Một câu chuyện nhiều chuyện sẽ như thế này:

– Ê mày, cái ông A giám đốc có bồ nhí.
– Trời ơi, con nào vậy? Nhà ở đâu? Tao biết nó hông?
– Xời, cái con D xấu hoắc mà õng a õng ẹo đó chớ con nào vô đây nữa.
– Vợ ổng biết chưa?
– Chưa. Chuyến này cho thằng chó này chết, hết dám căng với nhân viên. Tao nói bả cho bả quậy banh chành coi chơi!
– Ờ ờ, cái thằng cha dễ ghét. Hôm bữa tao đem văn bản lên cho chả ký mà bắt tao chờ nửa tiếng đồng hồ.
– Ổng còn định dê tao đó mày.

Đến đây, câu chuyện hoàn toàn có thể chỉ là sự bịa đặt trong trí tưởng tượng của hai người nhiều chuyện và câu chuyện từ đó về sau không còn một chút tính trung thực nào nữa.

Tại sao người Việt chúng ta thường để bản thân rơi vào tình huống nhiều chuyện hơn đơn thuần là tán gẫu? Một thông tin đáng lẽ chỉ là một thông tin, nhưng luôn bị chúng ta làm quá lên và đưa nó lên thành một câu chuyện nhiều khi hoàn toàn sai lạc? Như trong ví dụ trên, ta thấy, sự ẩn ức đối với đối tượng hoặc với tình huống.

Ba người Việt ngồi với nhau cà phê, chắc chắn câu chuyện sẽ đi từ hết gia đình người này đến gia đình người khác và sau đó là đến những người bạn chung. Hầu hết là chuyện không vui, chuyện xấu, chuyện bịa đặt trong trí tưởng tượng của họ.

Vợ chồng, anh em, cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp… là các mối quan hệ luôn luôn có vấn đề, luôn nảy sinh bất hòa từ những mâu thuẫn nho nhỏ trong cách nghĩ, cách làm, cách sống.

Người phương Tây được dạy phương pháp tư duy từ nhỏ nên khi mâu thuẫn nhỏ nảy sinh, họ nhanh chóng giải quyết vấn đề, để nó không tồn đọng trong đầu mình và cả đối phương. Khi mâu thuẫn đã được giải quyết thì đâu có ẩn ức. Khi không có ẩn ức thì người ta mới thư thái đọc cuốn sách, ngắm hoa, cảm nhận cái đẹp cái hay của đối phương. Và khi tán gẫu, họ sẽ nói về một cuốn sách, một vườn hoa đẹp, hoặc về việc làm lời nói đẹp của ai đó. Nếu có nói đến mối mâu thuẫn thì họ luôn nói ra trong tâm thế coi đó là bài học kinh nghiệm chứ không phải ghét bỏ thù hằn.

Người Việt mình không được dạy phương pháp tư duy, không biết cách giải quyết mâu thuẫn nhỏ. Ngay cả vợ chồng là mối quan hệ thân cận nhất mà cũng ít khi ngồi lại nói chuyện phân tích thấu đáo cho nhau. Mỗi khi có mâu thuẫn thì đùng đùng chửi bới, đánh nhau hoặc bỏ đi hoặc làm lơ và sau đó cũng không nói chuyện, mà thường chọn cách giải tỏa thể xác để làm lành, không giải quyết được gì hết. Với người ngoài cũng một cách im im không giải quyết rốt ráo như thế. Do đó, mối mâu thuẫn vẫn tồn đọng, tích tụ theo ngày tháng, nó giết chết tình yêu thương giữa người với người, nó làm cho con người lúc nào cũng mang nhiều ẩn ức dồn nén. Khi gặp bạn, những kẻ cũng đầy ẩn ức, thì câu chuyện tất lẽ dĩ ngẫu là tuôn ra để xả. Xả để tiếp tục chịu đựng, chứ bản thân việc nhiều chuyện hoàn toàn không giải quyết được mâu thuẫn.

Nhiều chuyện có hại. Rất hại. Hại thế nào thì ai cũng biết rồi. Nhưng để sửa nó thì phải làm thế nào?

1. Cần phân định rõ ràng giữa nhiều chuyện và tán gẫu. Xem xét lại bản thân trong những câu chuyện mình với bạn bè thì mình thuộc dạng nào. Sau khi nhận rõ mình thì mới có thể sửa được.

2. Nếu chẳng may sau khi xét thấy mình đang ở trường hợp nhiều chuyện thì đừng hết hồn, bước tiếp theo là xét tiếp mình có ẩn ức gì, mâu thuẫn với ai chưa giải quyết. Hãy cố gắng giải quyết nó. Cứ thẳng thắn nói ra thì mọi sự sẽ tự động ổn theo cách của nó mà mình không ngờ. Rất đơn giản, chẳng qua trước đó ta không chịu thực hiện nên thấy khó mà thôi. Sau khi thực hiện được bước này, tự nhiên ẩn ức tan biến, nhiều chuyện mất đi một cách tự nhiên.

Không khó. Chịu sửa là được. Con người chúng ta mắc nhiều thói xấu, mình xấu thì mình sửa thôi, chẳng có gì nghiêm trọng cả, phải hông ạ?!

Nguyễn Thị Bích Ngà

Từ FB Nguyễn Thị Bích Ngà