TRĂN TRỞ – Tôi biết tới Tamari Gò Công không phải từ con đường tơ lụa, cũng không phải từ những quyển sách dưỡng sinh của Tiên hiền Oshawa…mà từ câu chuyện đứa con hiếu thảo. Đứa con hiếu thảo ấy một thời tong teo do “hen thời Adam ” bỏ nghề dạy học về nhà nuôi mẹ bệnh trầm kha. Vào cái thời khốn khó, thóc cao gạo kém ấy, lấy gì nuôi mẹ?
Lấy gì tự trị bệnh cho thân gầy? Dì Bảy ( em của mẹ) là người theo hệ phái ” Đông du thực dưỡng” tự làm những món tương đậu và muối theo phương pháp cổ truyền của Nhật nhìn đứa cháu hiếu thảo, hiểu được nổi khổ của thời gạo châu củi quế nên truyền nghề làm tương tỏi, nước tương Tamari, đong chai bán ra chợ. Nước tương thần kỳ ở chỗ nó khơi dậy ý thức tạo nghiệp mà thời nay người ta gọi là start up. Start up từ nước tương, món của người nghèo, giới cần lao dưới đáy kim tự tháp nhìn lên đĩnh cao lương mỹ vị thì có xứng gì? Nhưng người con hiếu thảo ấy hiểu được cột mốc khởi đầu cho cuộc hành trình sản phẩm vừa sức, một cách tự duy ” liệu cơm gắp mắm”, một cách sống tự thân vươn lên như một hạt đậu, như hột lúa rơi xuống đất vượt qua mọi khắc nghiệt, thử thách để xanh hóa cuộc đời.
Nước tương thần kỳ ở chỗ tự mình ủ đậu nành với muối, lấy nắng trời nuôi dưỡng sinh khối để chào đời món tương, nước tương, tương tỏi…Đâu ai biết tiên hiền Oshawa đã từng giúp hàng triệu người Nhật vượt qua đau đớn do nhiễm phóng xạ, cũng bằng cách này và gạo lứt, muối mè…. tiếp tục giúp anh trị hết cơn hen và cô vợ trẻ, lại có tiền trị bệnh cho mẹ, kéo dài sự sống bình an, nuôi con theo học ngành y cho tới giờ phút này.
Mấy tháng trước, hình ảnh Tương Tamari Thuần Chay Gò Công xuất hiện ở ThaiFex, hội chợ chuyên về thực phẩm ở ASIA, do Thailand tổ chức. Người con hiếu thảo ngày xưa, giờ là chủ của cơ sở Thuần Chay, cái công nghệ mà anh theo đuổi có tính truyền thống Nguyên dương đang đứng trước một thách thức của thời vàng son inox. Những người có quyền ở xứ Inox nói rằng, nếu ủ theo kiểu truyền thống, tức là tiếp tục xài dụng cụ mây tre khi ủ đậu thì là trật với cái quy định thời Inox. Không thay dụng cụ Inox vào thì quy trình mây tre bị coi là sai.
Khốn nổi, quy định đó lại giết chết vi sinh – linh hồn- của Tương Tamari. Vậy phải làm thế nào? Một cách chứng minh khác, test sản phẩm cuối cùng? Cũng không được vì quy định là phải bỏ mây tre, phải vô bồn inox, xài Inox mới đúng. Tương tự, người làm tương đậu ở Vĩnh Long được chấp nhận kết quả cuối cùng từ phòng Lab.
Còn ở xứ “Tiền” thì không! Các doanh nghiệp FDI nhìn doanh nghiệp Việt nói ” FDI khỏe hơn DN Việt ở chỗ không được thì đi nước khác. Doanh nghiệp Việt thì đi đâu?”. Người Thái nói Tương Tamari, rất tuyệt, ngon lắm. Chúng tôi sẽ đặt hàng. Người con hiếu thảo này có thể nhận hợp đồng đặt hàng và giao hàng qua Thái, được quá đi chứ; Nhưng hàng Việt truyền thống không có được chỗ ở xứ mình chỉ vì không thay đồ dùng Inox, mai kia mốt nọ người Thái mua hết sản phẩm, biến thành hàng Thái, có phải Tamari không cánh mà bay không chứ? Vốn là thầy giáo đã ” tháo giày”, với cốt cách của một người hiếu thảo, kiêng khem, chay tịnh….phải chọn lựa sao đây. Có bác nào cao kiến xin chỉ giúp.
HOÀNG TUYÊN