Trong thống trị đất nước, hay xử lý sự tình, bậc cao nhân xưa đều tuần thủ nguyên tắc “tu nội mới có thể an ngoại”. Con người trong cuộc sống cũng nên như vậy, nếu tâm an thì mọi sự mới an, bản thân tốt thì hoàn cảnh bên ngoài cũng sẽ tự trở nên tốt.

Lão Tử
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Các bậc cao nhân, minh quân thời xưa đều có trí tuệ hơn người. Họ hiểu thấu đạo lý “tu nội ngoại tự an”. Một trong những vị cao nhân đó chính là Khương Tử Nha. Ông đã vận dụng đạo lý này trong hành sự, cai trị đất nước.

Khi vùng đất phong (thái ấp) của Khương Tử Nha bị đe dọa, uy hiếp, điều trước tiên ông làm không phải là tìm cách để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Điều ông suy nghĩ và làm trước tiên chính là làm sao để kinh tế của nước mình trở nên tốt hơn, làm sao để quy chính được lòng người, lòng dân.

Khương Tử Nha cho rằng, một khi “nước chảy thành sông”, mọi sự trong đất nước an thì hết thảy sẽ được giải quyết. Nói thẳng ra, điều mà ông muốn làm chính là vấn đề lòng dân.

Khi Chu Vũ Vương bình định Thương Trụ, trở thành vua của thiên hạ đã phong thưởng đất Doanh Khâu của nước Tề cho Khương Thái Công (Khương Tử Nha). Khương Thái Công lên đường đi đến địa phận của mình nhậm chức, vừa đi vừa nghỉ lại nên tốc độ đi rất chậm.

Trong nhà trọ nơi Khương Thái Công dừng chân, có người nói về ông rằng: “Ta nghe nói thời cơ khó được mà lại dễ mất. Vị khách nhân này ngủ an nhàn như vậy, chỉ sợ không phải là đi nhậm chức phong quốc.” Thái Công nghe thấy lời ấy, lên đường suốt đêm và đến sáng hôm sau thì tới đất Tề.

khương tử nha
(Hình minh họa: Qua chinaculturetour.com)

Khi ông đến Doanh Khâu, nước Tề thì gặp đúng lúc Lai hầu (vua nước Lai, nước chư hầu) dẫn binh tiến đánh, muốn tranh đoạt vùng đất Doanh Khâu với Khương Thái Công. Doanh Khâu là vùng đất tiếp giáp với nước Lai. Người nước Lai là người dân tộc Đông Di. Lai hầu thừa dịp nước Thương đang hỗn loạn, nước Chu vừa mới bình định, không có khả năng cai quản vùng biên cương xa xôi nên muốn tranh đoạt vùng đất này.

Sau khi Thái Công đến Tề quốc, tập trung tu sửa chính sự, thuận theo phong tục địa phương, khôi phục lễ nghi, khai mở công việc làm ăn kinh doanh, phát triển nghề đánh bắt cá và nghề làm muối là thế mạnh của nơi đây. Chỉ một thời gian ngắn sau, người dân đều quy phục nước Tề, nước Tề trở thành một nước lớn.

Sau khi Chu Thành Vương lên ngôi, Quản Thái và Hoài Di tạo phản, chống lại nhà Chu. Chu Thành Vương phái quan Triệu Khang Công chỉ thị cho Khương Thái Công: “Phía đông tới biển khơi, phía tây tới Hoàng Hà, phía nam tới Mục Lăng, phía bắc tới Vô Lệ, năm nước chư hầu ở nơi đây đều phạm tội, lệnh cho ngươi đi thảo phạt”. Nước Tề bởi vậy có thể chinh phạt các nước chư hầu khác, cuối cùng trở thành nước lớn, đóng đô ở Doanh Khâu.

Khương Tử Nha hơn 100 tuổi thì qua đời. Sau khi ông mất, Đinh Công Lữ Cấp kế vị. Sau khi Đinh Công mất, Ất Công kế vị. Sau khi Ất Công mất Quý Công kế vị. Khi Quý Công mất Ai Công lên kế vị.

Trong “Minh tâm bảo giám” có một đoạn viết rằng: “Một người tâm mà an thì ở nhà tranh cũng ổn. Tính mà định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm. Việc đời phải yên tĩnh mới thấy rõ. Tình người nhạt nhẽo mới được lâu dài.” Bởi vậy, đứng trước sự tình nào cũng cần phải giữ tâm cho chính, tu tâm cho an mới có thể sáng tỏ mà tìm ra được phương hướng giải quyết tốt nhất. Một người đứng trước khó khăn mà có thể giữ tâm không loạn mới có thể khiến hoàn cảnh được cải biến.

An Hòa (dịch và t/h)

trithucvn