Bài viết này sưu tập những ý kiến của chính các nhạc sĩ nổi tiếng lúc sinh thời, kể về chuyện sáng tác của họ khi soạn ra những bài hát để lại cho đời.

Nhạc sĩ Lam Phương

Khởi viết, vào lúc 12, 13 tuổi. lúc tôi học nhạc chưa có trường Quốc Gia âm Nhạc vì vậy, tôi mới tìm những ông thầy dạy riêng tư để mà học. Trong đó, ông dạy đầu tiên cho tôi hiện tỵ nạn tại Âu Châu; người thứ hai là một nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng, đang ở lại quê nhà. Tôi xin gởi tất cả lòng tri ân của tôi đến hai vị giáo sư đó.

Trong bốn thập niên vừa qua, nếu tổng kết, tôi sáng tác khoảng 200 bài. Nếu đem 200 bài đó chia đều cho 40 năm thì cũng không có bao nhiêu. Có bài ở Việt Nam không được phổ biến, nhưng qua đến hải ngoại các bài đó được hưởng ứng nồng nhiệt.

Trong thời gian những năm thanh bình của đất nước, bài “Nhạc Rừng Khuya” được tôi viết cho các anh hướng đạo sinh đốt lửa trại để khiêu vũ. Và bài thứ hai là bài ‘Ngày Tạm Biệt’ để hát trong dịp bãi trường. Nhạc tiêu biểu nhất trong thời gian này là bài ‘Khúc Ca Ngày Mùa’ và ‘Trăng Thanh Bình’.

Tôi nhớ rõ vào năm 1944, ngày quân đội Pháp trở lại chiếm miền Nam, lúc đó tôi được 7 tuổi, theo mẹ để tản cư về miền đồng quê, khoảng 10 cây số. Thời gian tản cư đó tôi mới nhìn được cánh đồng quê thực sự, như cảnh gặt lúa, cảnh cấy lúa, cảnh giả gạo. Những hình ảnh đó theo đuổi trong trí tôi đến 10 năm sau. Năm 17, tôi mới đem những hình ảnh đó ghi vào nét nhạc; và tôi mượn một điệu nhạc lúc đó được phổ biến rộng rãi là Rumba manbo gọi nôm là dân ca manbo. Bài ‘Khúc Ca Ngày Mùa’ là bài khởi đầu loại nhạc manbo đó.

Tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài ‘Kiếp Nghèo’ bằng những giòng nước mắt… Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài ‘Trăng Thanh Bình’ đầu năm 53, tôi để dành được một số tiền. Tôi mua một chiếc xe đạp để di chuyển trong lúc đi học.

Nhà tôi ở Dakao. Thường thường muốn về Dakao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản. Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào… Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm ‘thú đau thương’. Gần tới nhà phải qua một cầu ván gập ghềnh. Về tới nhà mưa to quá, nên cái bàn tôi ngồi học bài ướt hết, tạo cho tôi cảm xúc, từ đó ‘Kiếp Nghèo’ ra đời.

Vào những năm 1958, 1959 và 1960 miền Nam bắt đầu nhen nhúm chiến tranh trở lại, kéo dài cho đến Tết Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972 và đến ngày sụp đổ miền Nam, năm 1975. Tôi nghĩ rằng tất cả thanh niên chúng ta, trong mỗi gia đình, đều có một người trong quân đội. Tôi may mắn được ở hậu phương an toàn. Trái tim tôi luôn luôn gởi về chiến tuyến. Tôi theo dõi những bước chân oai hùng của các anh chiến sĩ. Tôi thương anh chiến sĩ, vì lẽ đó mà tôi đã viết khoảng 40 bài cho các anh chiến sĩ đó, như những bài ‘Tình Anh Lính Chiến’, Chiều Hành Quân’, là những bài tới giờ phút này vẫn còn thâu đi thâu lại trong các băng nhạc.

Về chủ đề bài hát, dù tôi viết nhiều loại, nhưng tôi nghĩ Tình là đề tài muôn thuở của những nhạc sĩ sáng tác. Tình càng đau đớn, người ta càng dễ nhớ. Tôi cũng không thoát khỏi định luật đó.

Thường thường tôi viết nhạc theo biến chuyển tình cảm riêng tư của đời mình. Bài nhạc tôi viết cho một người mà tôi chưa biết mặt, chưa bao giờ nghe hát. Tôi chỉ nhìn một chân dung nho nhỏ và một mẩu tin ở trên báo, đã gây một xúc động mạnh để viết bài nhạc đó. Ca sĩ đó thành công trọn vẹn trong bài đó. Chính là người gây nguồn cảm hứng là nữ ca sĩ Họa Mi (nhạc phẩm Em Đi Rồi).

Trước 1975, tôi đã từng viết loại nhạc như ‘Chờ Người’, ‘Trăm Nhớ Ngàn Thương’. Lúc đó vì nhu cầu hãng dĩa, băng và chính nhà xuất bản của tôi, buộc tôi phải viết loại nhạc đại chúng. Sau 75, thì tôi viết cho mình trong đó có ‘Cho Em Quên Tuổi Ngọc’, ‘Bão Nắng’, ‘Như Giấc Chiêm Bao’…

Nhạc Sĩ Lê Uyên Phương (1941-1999)

Trả lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập nghệ sĩ 1 xuất bản năm 1995)

Viết nhạc đối với tôi là một hình thức viết nhật ký. Tôi không viết ca khúc bằng sự tưởng tượng mà bằng những gì thực sự xảy ra trong cuộc sống của tôi.

Tôi không viết từng bài hát riêng rẽ, mà luôn viết thành từng tập ca khúc, là một đề tài nhất định mà tôi cố gắng để đào sâu tới mức nào tôi có thể.

Có những ca khúc viết nhạc trước lời sau, có những ca khúc viết lời trước , có những ca khúc nhạc và lời viết cùng một lúc. Khi sáng tác tôi luôn luôn cảnh giác để không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác giả nào.

Tôi đều ưng ý nhất mọi tác phẩm tôi còn giữ lại vì tác phẩm không ưng ý tôi đã loại khỏi những tập nhạc của tôi. Mỗi ca khúc đánh dấu một thời điểm nhất định và không thể nào thay thế hay có thể tìm lại được.

Không có thói quen khi sáng tác, cảm hứng có thể đến với tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nhạc Sĩ Văn Cao (1923-1995)

Kể chuyện liên quan đến một số tác phẩm của ông
(trích từ video Giấc Mơ Một đời Người
do đinh Anh Dũng đạo diễn. Yến Xuân Productions thực hiện,
hảng phim Trẻ sản xuất năm )

Tôi là người luôn luôn thất bại trong tình yêu. Cái thất bại này bởi tôi là người không giỏi về cách giao lưu với những người đàn bà. Mà lại đối với những người đẹp, tôi lại càng bối rối, không bao giờ nói được với người ta, đành nói trong thơ nhạc thôi.

Thiên Thai – Tại sao tôi nói đến Thiên Thai, là bởi vì một nơi, một cõi nào đó người ta coi là đất Hứa, mà đất Hứa thì không ai tìm được trên trần gian này. đi tìm mãi trong cái hoài niệm của mình, tuổi thanh niên, thì nhớ rằng có lần tìm ra được…

Trương Chi – Tôi viết bài này để nói cái tình cảm của tôi, là mình chỉ có một mình . Không sống lại với cái thú quá mơ mộng của cuộc đời không đạt được.

Bến Xuân – Tôi yêu một người con gái mà tôi không ngõ lời với người ta, nhưng họ hiểu và họ tới với tôi, thành ra nó mới có cái chuyện là Em đến tôi một lần… một mối tình câm, mà để lại đời mình một bài hát thế thôi, không có cái gì cả.

Buồn Tàn Thu – Có lẽ cuộc đời sinh ra tôi ở mùa Thu, đấy là những ngày sinh nhật của tôi vào mùa Thu. Không hiểu sao, thơ mà mình ảnh hưởng là những bài thơ về mùa Thu. Và bản thân tôi, thì mùa Thu, ngoài cái ấm của nó, cái se lạnh của nó về cuối mùa, thì cũng là cái ngày người ta gọi là nhiều tưởng tượng nhất.

Thu Cô Liêu – Tôi viết Thu Cô Liêu cũng là mùa thi của những người đang đi học, mùa thu của những nhà thơ. Mùa Thu mang nhiều thay đổi của con người. Và cái Thu Cô Liêu là cái Thu buồn bã của một cái ngày xa vắng và cái nhớ đi tìm người yêu trong cái Thu thôi.

Cung Đàn Xưa – Có nhiều buổi sáng có người khi hết giấc mơ lại tiếp tới thấy một giấc mơ khác ở trong đời. Những ước mơ thì không có thật, nhưng mà nó đem lại cho mình, thường nghĩ tới những ngày sống cũ. Nghĩ lại, vẳng lại những tiếng nói của kỹ niệm cứ đeo đẳng không thể quên được. Những cái đó , tôi tìm ra được những cái điều mà tôi đã mất đi trong tuổi thanh niên của tôi.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937-2000)

điện đàm cùng nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 3 xuất bản năm 1998)

Tôi bắt đầu viết nhạc từ thời còn đi họcm khoảng 1955, 1956, nhưng mãi đến 1965, 1966 ca khúc mới có cơ hội phổ biến rộng rãi.

Những bài hát của tôi viết ra phần nhiều là man mác có dính líu đến đời sống riêng của tôi, đời sống về tình cảm riêng của tôi… cùng bối cảnh của từng thời. Tình cảm của tôi thì có nhiều biến động. Tôi không cho một thứ tình cảm nào gọi là mất mát trong đời tôi cả. Tình yêu nó có cái thời của nó, thành thử khi nó đã có, rồi không có nữa thì cái có đó vẫn còn trong cách nghĩ ngợi nào đó.

Về sáng tác, Có 3 giai đoạn :

1. Giai đoạn từ 75 về trước, thời đất nước chiến tranh.

2. Giai đoạn từ 75 đến 85. lúc tôi còn kẹt trong nước, 10 năm.

3. Giai đoạn sau 1975. Giai đoạn này có thời gian ngắn sống ở trại tỵ nạn Galang, Indonesia và thời gian định cư tại Hoa Kỳ từ cuối năm 85 đến nay.

Mỗi giai đoạn trong tác phẩm của tôi đều có sự hiện hiện của Tình Yêu, hoặc Thân Phận của con người qua mọi biến chuyển của cuộc sống. Dĩ nhiên nó xen lẫn nỗi đau thương và niềm hạnh phúc.

Công trình sáng tác, có thể kể như sau:

Những nhạc phẩm đầu tay của tôi, rất tiếc đã bị tuyệt bản vì lý do này hay lý do nọ, nhất là vì biến cố tháng 4/75.

Những nhạc phẩm được trình làng đầu tiên là: Rồi 20 năm Sau. ‘Rồi 20 Năm Sau’ gồm hai phần riêng biệt: phần 1: ‘Lời Của Mẹ’và phần 2: ’Lời Của Con’ (đã bị tuyệt bản). Trong khi ‘Lời Của Mẹ’ đến nay vẫn được phổ biến, đôi khi dưới tựa đề chung là ‘Rồi 20 Năm Sau’. Cũng trong thời gian 1966, tôi đã viết một loạt tình khúc và in thành tập gồm 14 bài mang tên ‘Trên Đỉnh Yêu đương’, trong đó có 4 bài được phổ từ thơ Hoàng Trúc Ly, xuất bản năm 1969. Hối Tiếc, Mây Hạ, Yêu Dấu Chưa Nguôi… Cõi Nghìn Trùng (thơ Hoàng Trúc Ly) cũng như Trên Đỉnh Yêu Đương đều nằm trong tuyển tập này. Từ đó đến những năm sau tôi đã viết ‘Bài Hương Ca Vô Tận’, ‘Bảy Ngàn đêm Góp Lại’, ‘Đưa Em Vào Hạ’, ‘Mùa Xuân Trên Cao’, ‘Trộm Nhìn Nhau’… Rồi biến cố Mậu Thân 1968 tôi viết ‘Chuyện Một Chiếc Cầu đã Gãy’ cho Huế và cả nước đau thương, rồi ‘Kinh Khổ’, ‘Khúc Sinh Ca’, ‘Đêm Trên Quê Hương’… Không nhớ hết… song song là những bài tình ca như ‘Mộng Sầu’, ‘Tưởng Niệm’, ‘Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau’, ‘Em Có Còn Trở Lại’, ‘Nghìn đêm Như Một’… Rồi loạt bài về hòa bình cho thời Hiệp định Paris như ‘Vĩnh Biệt Chiến Trường’, ’Hòa Bình Ơi, Việt Nam Ơi’, ’Hình Ảnh Của Một Ngày Hòa Bình’, ‘Nếu Xuân Này Hòa Bình’…

Sáng tác trên đất Mỹ, khởi đầu là ‘Mười Năm Yêu Em’, rồi ‘Bản Tình Ca Mùa Đông’, ‘Thư Xuân Hải Ngoại’, ‘Đêm Nhớ Về Sàigòn’, ‘Hãy Hát Lên Tin Yêu’… Những nhạc phẩm đó có thể đi vào cá biệt hoặc đi vào đại thể, như có những bài về tình yêu nhưng vẫn có những vướng mắc của con người đang sống lưu vong. Đó là quan niệm của tôi, một người viết nhạc, một người lưu vong sáng tác. Đề tài sáng tác của tôi thay đổi theo nhịp sống, hơi thở chung quanh của người Việt hải ngoại…

Mỗi một thời nó đều có những sáng tác đi theo tôi chứ tôi không có thay đổi cách sáng tác gì cả. Hoàn cảnh cho tôi những biến đổi trong sáng tác. Tôi nghĩ đó là điều cần cho tôi và đó là cách để cho mình có những sáng tác dồi dào. Nó ghi nhận được từng thời một của cuộc sống, ít nhất cho bản thân của mình. Bên cạnh đó là những người cùng sống với mình, cùng chia sẻ đời sống, chia sẻ những cái vui cái buồn với mình. Vậy thì chủ đề tôi vẫn viết về Tình Yêu, Quê Hương, Thân Phận Con Người và Giữa Con Người Với Con Người cũng như Giữa Mình với chính bản thân mình… Trong đời sống có những cái tiêm nghiệm, cách sống, thái độ sống với mình, với người khác…tất cả những cái đó đều ghi nhận trong cuộc đời sáng tác của tôi.

Nhạc Sĩ Văn Phụng (1931-1999)

trả lời nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 5 xuấn bản năm 2001)

Tôi được Linh mục Mai Xuân Đỉnh chỉ dẫn thêm về nhạc, và sau đó tự học hỏi qua sách vở. Cái gì không hiểu tôi cũng tò mò lấy tự vị, dictionnary ra học. Chỉ tự học lấy vì ông cụ đâu có cho học, ông cụ thời ấy khó lắm, chỉ có muốn tôi làm bác sĩ thôi, đâu có muốn tôi làm nhạc sĩ, ông cụ bực lắm. Nhưng mà nhân thể tôi viện cớ là phải vào lính. Một là mình đi lính chiến, hai là mình đi lính nhạc. Mà lính nhạc thì nghe có vẽ dễ chịu hơn… cầm súng, cầm siếc chán lắm!

Khởi đầu với ‘Ô Mê Ly’ vào năm 1948 và kết thúc với ‘Chán Nản’ năm 1972. Sáng tác lai rai… chẳng có lúc nào mạnh, lúc nào yếu cả… cứ làm đại thôi! Có hứng là làm, gặp cái gì làm cái đó… Nói đúng thì đối với tôi, bài nào tôi cũng hài lòng. Không có bài gì đặc biệt lắm. Nhưng cũng có một vài bài hơn hơn một chút, thí dụ như bài ‘Suối Tóc’ chẳng hạn, tôi thích lắm. Hay như bài ‘Tôi đi Giữa Hoàng Hôn’. Mọi người đều thích bài đó. Gần nhất là bài ‘Chán Nản’, vào độ 1972, 1973 gì đó, thiên hạ thích lắm.

Những ca khúc khác, được biết đến nhiều: Các Anh đi (phổ thơ), Tình, Suối Tóc, Mưa, Tiếng Hát Với Cung Đàn, Tiếng Dương Cầm, Trở Về Huế, Ghé Bến Sài Gòn…

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929-2001)

tài liệu của nhà báo Trường Kỳ
(tuyển tập Nghệ sĩ 4 – xuất bản năm 2000)

Khi nhỏ, tôi làm nhạc trong lúc ở trung học. Mình cứ đi theo lý tưởng của mình và tôi có một niềm đam mê dễ sợ lắm, do đó mình cứ làm hết việc này qua việc khác. Khi mình làm những cái việc đó mình có nghĩ rằng một ngày nào những việc gì mình làm sẽ tích lũy để mang đến cái danh cho mình không? Tuyệt đối không! Bởi tôi nghĩ rằng, nếu mình làm được gì thì mình làm lấy thôi. Nhưng mà qua trên 50 năm, thì tôi thấy, đến phút này, nghiệm lại, và thấy được mình đã làm nhiều quá.

Không những tôi làm về nhạc mà còn đi vào những lĩnh vực khác. Tôi tạo ra show, làm đạo diễn để tập cho các ca sĩ biểu diễn. Tôi còn làm về vũ, sáng tạo với những vũ sư mà tôi thấy có khả năng để xây dựng cho nền vũ của mình. Làm về điện ảnh, viết nhạc kịch, làm đủ thứ. Không phải mình tham lam, nhưng nghĩ rằng là mình làm được cái gì thì làm. Sau năm mươi mấy năm trời, bây giờ mình ngồi lại, thấy mình làm quá nhiều! Cho nên về cái bệnh của tôi, tôi ít khi than phiền lắm. Một người như vậy thì phải như vậy thôi! đã quá nhiều ‘stress’ trong đời văn nghệ rồi!

Lúc sau này khi về hưu rồi, tôi chỉ sống với âm nhạc thôi…

Một hôm ngồi ăn với một cô ca sĩ có chiếc răng khểnh đẹp, nhìn thấy cái miệng đẹp quá, tôi tưởng tượng như một đoá hoa. Tôi đã bị ảnh hưởng bởi những chuyện hoa rồi… bây giờ hoa ở nhà mình cũng có, hoa ở ngoài vườn cũng có, hoa ở ngoài đời cũng có. Nếu bây giờ mỗi người con gái đều mang cái hoa nở ra miệng thì quá đẹp vì vậy, tôi làm bài ‘Nụ Cười Hoa Nở’ (khoảng tháng 2 năm 98)… Những cái đó tôi không dám nói là độc đáo, nhưng tôi dám thành thực để nói ra. Nếu sau này tôi chết rồi, nếu ai nghe những điều đó họ có thể hơi cười, mà điều đó họ không thể hiểu được. Tôi có những phút sống với âm nhạc, với nghệ thuật như vậy thôi !

Trong cái giai đoạn cuối cuộc đời tôi, tôi sống như một ông tiên. Tôi không có lo nghĩ cái gì nữa hết…

Buổi sáng dậy, tôi uống nước, tôi nhìn ra dàn hoa, tôi nhìn những con chim. Tôi nghe vang vọng lại những cái bài của tôi đã làm hay những cái bài người khác. Rồi tôi lại thích viết nhạc, tôi đọc sách, tôi lại tiếp tục đọc sách. Tôi thấy như vậy là cuộc đời đẹp đẽ quá, và tôi sáng tác được. Nhưng tôi khác ông tiên cái chỗ này: ông tiên không còn vướng bụi trần, còn tôi thì khổ quá, đến phút này mà trái tim vẫn rung động! Như vậy vẫn còn vướng bụi trần, bắt tôi phải sáng tác hoài. Nó chỉ khác chỗ đó thôi.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

trả lời nhà báo Nguyễn Phúc
biên tập viên đài BBC Luân đôn
(tạp chí Văn Học)

Cái buồn cười là khi bắt đầu viết nhạc, ưng viết cho khúc mắc, cho khó khăn, sau này đọc thêm, học thêm, nghe nhiều mới thấy được cái simpicité (giản dị) mà đạt được mới là khó.

Ðúng vậy, mãi về sau này, khi vào thành rồi, tôi mới học composition. Nhưng có cái buồn cười là lúc đó, mình chưa học composition mà lại viết nhạc, viết được có lẽ nhờ mình nghe nhiều, sống nhiều với âm nhạc. Cũng như có nhiều người có học luật lệ gì về thi ca đâu nhưng mà vẫn làm thơ, vẫn làm được thơ. Riêng trong âm nhạc, tôi nghĩ muốn viết cho vững, tối thiểu phải học harmonie, nó giúp cho mình chấm câu dứt đoạn. Người sáng tác nhạc ít nhất cũng phải biết hòa âm. Thiếu kỹ thuật đó, nhạc phẩm không có được mạch lạc chặt chẽ.

Các nhạc sư Pháp cho rằng âm nhạc là sự vận chuyển của tâm trạng và tư tưởng. Sự vận chuyển này được tạo ra bởi hai trạng thái động và tĩnh. Có nghĩa là căng thẳng (tension) và buông dãn (détente). Ðể dễ hiểu, khi nghe một bài vọng cổ, đến đoạn nói lối (có khi kéo dài đến hàng trăm chữ), có lúc tiết điệu và âm điệu đang tạo sự căng thẳng, người nghe nín thở chờ đợi, chờ đợi gì, chờ đợi sự buông dãn của âm Hò chấm câu, là lúc cả rạp vỗ taỵ Lúc này là lúc âm nhạc chủ động, lời văn của bài ca là thứ yếu, chỉ có âm Hò họa điệu (chute) để cho người nghe thở phào. Có tiết điệu trống (rythme masculin), tiết điệu chiều ý người nghe theo nét nhấn (accent) của nhịp ấn định. Và tiết điệu mái (rythme féminin) là tiết điệu đưa lệch nét nhấn mà người nghe chờ đợị. Ðấy là một vài chi tiết của composition.

Sau khi vào thành rồi, tôi bắt đầu học thêm khóa hàm thụ với Ecole Universelle ở bên Pháp. Tháng tháng gửi mandat-poste cho họ, theo học cours de composition. Sau khi học xong tôi được chấp nhận là hội viên của SACEM Hội Nhạc sĩ Pháp. Lúc bấy giờ tôi quyết tâm đeo đuổi ngành nhạc….

Nhạc sĩ Phạm Duy

trả lời nhà báo Trường Kỳ
Về Sự Nghiệp Và Những Bài Nhạc Tình Ca
(Tuyển Tập Nghệ Sĩ 4 xuất bản năm 2000)

Nếu cần phải tóm tắt cái gọi là sự nghiệp của Phạm Duy, thì đây là một dịp để tôi báo cáo với những người yêu nhạc :

Có 3 con người ở trong tôi, cũng như mọi nghệ sĩ khác. Ba con người rõ rệt

Thứ nhất, là con người tình cảm: là soạn những bản nhạc tình yêu cho cá nhân, không cứ ở trong một thời đại nào, ví dụ những bài nhạc như ‘Ngày đó Chúng Mình’, là những bài tình ca.

Con người thứ hai: con người xã hội: là con người khóc cười theo mệnh nước, thì khởi sự bằng những bài ca yêu nước, yêu lịch sử với những ‘Gươm Tráng Sĩ’, ‘Chiến Sĩ Vô Danh’; qua những ‘Bà Mẹ Gio Linh’, qua cả những bài như ‘Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc’… Cái xã hội tốt hay xấu, vẻ vang hay nhục nhằn thì nó đều hiện qua âm nhạc của tôi.

Con người thứ ba: là con người tâm linh, con người lúc đó không còn là con người xác thịt nữa và cũng không phải là con người xã hội, mà phải vui phải buồn với cái xã hội của mình, mà phải hoà mình vào với thiên nhiên… Và tôi nghĩ rằng âm nhạc bao giờ nó cũng khởi sự bằng nhạc tâm linh cả…

Cũng như tất cả những nhạc sĩ khác, tôi cũng có những bản nhạc cho tình yêu. Về tình yêu thì nó hơi khác với những người khác ở chỗ tính chất nhạc tình của tôi khác nhạc của ông Dương Thiệu Tước, hay là của ông Đặng Thế Phong, hay là của ông Trịnh Công Sơn… Nếu chúng ta nghe những loại nhạc tình của ông đặng Thế Phong, hay của ông Lê Thương, hay của ông Văn Cao thì đó là những tổ sư lãng mạn ở trong thời kỳ rất đẹp của tân nhạc lúc đó… Bên người tình nhân yêu nhau thì phải có mùa thu mới yêu nhau được. Thế cho nên hồi mới, ra toàn là những bài ca mùa thu: ‘Giọt Mưa Thu’, rồi thì ‘Con Thuyền Không Bến’, rồi thì ‘Thu Trên đảo Kinh Châu’, còn ông Văn Cao thì ‘Thu Cô Liêu’, rồi ‘Buồn Tàn Thu’…

Thời kỳ đó là thời kỳ lãng mạn. Thật ra tôi cũng có những bài lãng mạn chứ không phải là không…

Lúc bấy giờ tôi tách được ra, là tôi làm loại nhạc không còn lãng mạn nữa mà nó là tình cảm. Tôi khởi sự với những bài: ‘Tìm Nhau’, ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’, rồi ‘Cho Nhau’ rồi thì ‘đừng Xa Nhau’… đôi tình nhân yêu nhau không cần phải mùa thu, không cần phải con đò, ao lạnh hay trên cái hồ xưa gì cả! Mà hai người yêu nhau thì chỉ có người nam với người nữ yêu thôi. ‘…ngày đó em đi nhẹ vào đời…’, anh ra sao, em ra sao, chỉ có hai người ấy thôi thì tôi gọi đó là nhạc tình cảm.

Về sau này cũng có một số những anh em khác cũng đi vào cái con đường đó, có thể còn hay hơn nhạc của tôi cơ, nhưng mà dù sao tôi là người đi đầu.

Những người đi sau, ví dụ như Ngô Thụy Miên chẳng hạn, với loại nhạc mà theo tôi, gần với Phạm Duy nhất, chứ không có tính chất lãng mạn nữa, ví dụ như bài mà tôi rất thích có lời như “dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời…” gì đó, phải không? Nó gần gũi với nhạc tôi lắm.

Hơn nữa, có thể thấy rõ rằng là về sau, nhạc tình của ông Trịnh Công Sơn thì nó không có tình cảm, mà nó cũng không có lãng mạn… Tôi gọi đó là nhạc ‘não tình’. Nó cũng không vào tim mà cũng không vào đầu; nó đánh vào cái não của mình. Vì cái đời sống lúc đó nó não nề quá. Hay nhạc của ông Lê Uyên Phương chẳng hạn thì nó cũng không giống những người khác, tức là nó ‘dục tính’, nó xưng tụng cái tình dục như ‘Vũng Lầy Của Chúng Ta’, đại khái như vậy! Nghe nhạc Lê Uyên Phương thấy nó khác nhạc Phạm Duy, nó lại càng khác nhạc của Đặng Thế Phong, là ở chỗ nó xưng tụng cái dục tình.

Còn cái đời sống của ông Văn Cao trong nhạc tình thì còn tuyệt vời hơn. Nếu cần phải biết là nhạc của tôi khác với nhạc của những người khác về phương diện nhạc tình ra sao, thì hôm nay tôi mạo muội đưa ra vài ba nhận xét nhỏ như vậy…

Ngoài những cái khía cạnh nội dung như vậy, xét đến cái phương diện hình thức, phải công nhận rằng lúc đó nhạc tình của những người như ông Văn Cao, ông Đặng Thế Phong hay như của Lê Yên, của ông Dương Thiệu Tước hay là ông Thẩm Oánh chẳng hạn, không phát triển mạnh mẽ về phương diện nhạc tính, phương diện nhạc điệu. Gần như ở trường hợp là hãy còn bình dị quá. Thí dụ như nhạc tình của ông Văn Cao thì đại đa số chỉ nằm trong cái âm giai ‘Ré mineur’ (Cn) chẳng hạn, hay trong một cái khuôn khổ 32 ‘mesures’.

Nhưng dù sao ông ấy cũng có hai tác phẩm tuyệt vời là ‘Trương Chi’, với ‘Thiên Thai’, hai tác phẩm lớn. Nhưng dù sao đi chăng nữa, nhạc ngữ của ông ấy cũng không được phong phú như chúng ta mong muốn.

Riêng tôi, thì tôi cũng mừng về cái loại nhạc tình cảm đó, nó cũng đi từ những chỗ hết sức giản dị cho đến những chỗ hơi cầu kỳ một chút xíu. đó là lẽ tất nhiên vì nghệ sĩ mà không sáng tạo thì đứng một chỗ, tức là lùi.

Từ cái bài nhạc tình nhỏ nhen của tôi là ‘Đừng Xa Nhau’ khi chuyển sang bài ‘Đường Chiều Lá Rụng’, thì về nhạc ngữ có thể có một cái sự khác nhau, chứ không nằm trong nhạc ngữ bình dị nữa.

Trích từ vidéo 40 Năm âm Nhạc Lam Phương Thúy Nga Paris thực hiện