Đối với nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam cũng như các gia đình theo Phật giáo, rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là ngày lễ đặc biệt quan trọng, được chú tâm nhiều nhất so với các ngày rằm khác trong năm. Dân gian có câu “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Bảy, lễ cả thảy không bằng rằm tháng Giêng” chính là để thể hiện điều đó. Rằm tháng Bảy bao hàm hai lễ lớn: lễ Vu Lan và Lễ Xá tội vong nhân. Cùng xuất phát từ những điển tích Phật giáo từ ngàn xưa, hai điển lễ này dần dần đi vào đời sống, trở thành phổ biến, thường niên đối với mỗi gia đình người Việt.

1, Ngày lễ “hai trong một”

Trước tiên, cần khẳng định lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân là lễ hoàn toàn khác nhau, có điều được làm chung trong một ngày mà thôi. Nhiều người hiểu hai lễ này là một, chỉ có cách gọi tên khác nhau, quan niệm này là sai lầm. Bởi thế, cổ nhân mới diễn nghĩa tên hai buổi lễ: lễ Vu Lan còn gọi là Lễ báo hiếu; lễ Xá tội vong nhân là Lễ cúng cô hồn chúng sinh.

a, Lễ Vu Lan: Tìm hiểu sâu hơn, qua nhiều kinh sách nhà Phật, có thể thấy lễ Vu Lan xuất phát từ một điển tích Phật giáo với nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Sơ lược như sau: Ngày xưa có ông Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông, sau này quy y đức Phật, chứng quả A La Hán. Từ miền cực lạc, sử dụng “huệ nhãn” nhìn xuống, ông đau xót thấy mẹ mình đã mất, đang bị đày xuống kiếp Ngạ quỷ ở cõi âm bởi đã gây nhiều nghiệp chướng từ tiền kiếp. Không đành lòng chứng kiến mẹ bị đói khát hành hạ khổ sở, ông liền sử dụng phép thuật, tìm xuống âm giới. Tại đây, dù ông dâng cơm phục dịch, mẹ vẫn không thể ăn uống được vì các thức ăn khi đưa lên miệng đều hóa thành lửa đỏ. Mang sự việc trình với đức Phật, ông được Phật dạy rằng phải tập hợp sự trì tụng, cầu nguyện của chư tăng khắp mười phương thì mới mong giải cứu được mẹ và ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp. Thương mẹ, Mục Kiền Liên đã cất công đi khắp mười phương mời chư tăng trì tụng, kết quả mẹ của ông đã được giải thoát. Phật dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu đều có thể làm theo cách này. Từ đó, ngày rằm tháng Bảy trở thành lễ Vu lan, mùa báo hiếu.

Lễ Cúng Rằm Tháng 7 Gồm Những Gì?

Tìm hiểu sâu điển tích, có thể thấy nhiều tầng ý nghĩa của đạo Phật. Đầu tiên, Mục Kiền Liên đã chứng quả A La Hán, là đệ tử xuất chúng của đức Phật, nhưng vẫn không cứu được mẹ. Là bởi người mẹ đã gây nhiều nghiệp chướng. Điều này thể hiện, mỗi con người đều chịu luật nhân quả, kiếp sau kết quả thế nào, sướng hay khổ, đều bắt nguồn từ tiền duyên kiếp trước. Dù là ai cũng không tránh khỏi quy luật đó. Mẹ Mục Kiền Liên, đại đồ đệ của đức Phật, cũng không thoát được nghiệp chướng mình gây ra, bị sa vào Ngạ quỷ đói khát.

Tiếp đó, ở chiều ngược lại, dù là La Hán, là Phật, cũng không thể dùng thần thông quảng đại để cứu những người đã trót mắc nghiệp chướng. Chỉ có một cách, đó là tự tu thân mới mong cứu độ người khác. Trong điển tích không chỉ rõ Mục Kiền Liên đã phải trải qua bao nhiêu khổ cực, nhưng để đi khắp mười phương, mời chư tăng về đọc kinh sám hối, hẳn cũng có thể hình dung được hành trình gian khó của ông. Chính nhờ sự khổ cực tu tập này, chư tăng cảm động trước lòng hiếu thảo của người con, chấp nhận đồng lòng trì tụng chú, nên người mẹ mới được giải thoát.

Như thế, lễ Vu Lan bắt nguồn từ điển tích về lòng hiếu thảo của một đệ tử nhà Phật. Nhưng vượt lên trên ý nghĩa ban đầu, lễ này dần được đẩy lên thành lễ báo hiếu của con cháu đến toàn bộ anh linh gia tiên tiền tổ. Thông qua lễ Vu Lan, con cháu thánh kính sám hối lỗi lầm, trì tụng kinh chú để gia tiên tiền tổ có cơ hội thoát được kiếp Ngạ quỷ, siêu thoát miền Cực lạc.

b, Lễ Xá tội vong nhân: Cùng với lễ Vu Lan, vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, kinh sách nhà Phật cũng nhắc tới lễ Xá tội vong nhân. Xét về mặt ngữ nghĩa, “vong nhân” hiểu là các vong hồn cô độc, “xá tội” là tha thứ tội lỗi. Sau nay, dân gian gọi là lễ cúng chúng sinh.

Theo quan điểm Phật giáo, nhà Phật coi vũ trụ tồn tại 3 cõi chính, cõi cực lạc, cõi người và cõi âm. Theo đó, miền âm giới là nơi “người chết” tồn tại. Những vong hồn vì những nghiệp chướng tiền kiếp mà không được về miền cực lạc hoặc đi đầu thai thì phải xuống cõi âm, bị Ngạ quỷ đày đọa. Cũng theo quan điểm Phật giáo, cõi âm có Thập điện Diêm Vương cai trị, tượng trưng cho 10 tầng địa ngục với những hình phạt vô cùng thảm khốc dành cho những vong hồn bị nghiệp chướng. Tuy nhiên, với lòng vị tha của mình, nhà Phật cho rằng dù là những vong hồn tội lỗi, vẫn cần được xá tội, thông qua sự cầu nguyện, trì tụng của chúng sinh. Vì thế, mỗi một năm, các quan cai trị cõi âm lại “mở cửa” một lần, để các vong hồn lên dương gian, được nhận sự cúng bái trọng vọng của cõi người.

Ở phía ngược lại, thông qua cúng lễ các vong hồn lang thang, vất vưởng, con người cũng mong Ngạ quỷ không gây chuyện thị phi: để một mặt, làm ăn, sinh sống được thuận lợi, an lành; mặt khác, anh linh gia tiên cũng không bị quấy nhiễu. Điều này giải thích tại sao lễ cúng chúng sinh lại được thực hiện ở ngoài trời chứ không phải ở trong nhà. Tuy nhiên, ở đây có một điều cần lưu ý. Theo cổ nhân, “cửa cõi âm” được mở từ trước đó vài ngày, đến đúng nửa đêm về sáng rằm tháng Bảy thì đóng lại. Như thế, nếu đúng cách, cần phải thực hiện lễ cúng chúng sinh từ khoảng 11/7 âm lịch, muộn lắm cũng nên trước ngày rằm. Cổ nhân cho rằng nếu cúng lễ quá muộn, vong hồn sẽ không kịp về cõi âm, nên ở lại quấy nhiễu dương gian.

Tìm hiểu hai quan niệm trên, để thấy rằng, hai lễ trọng trong ngày rằm tháng Bảy là hoàn toàn khác nhau. Lễ Vu Lan là để con cháu cầu nguyện cho gia tiên được siêu thoát, tịnh độ. Lễ Xá tội vong nhân là nơi các vong hồn mang nghiệp chướng được tha thứ tội lỗi, được thụ lộc và nhận kinh trì tụng để sớm thoát khỏi u mê. Thế nhưng, một số quan điểm cho rằng rằm tháng Bảy là ngày cũng cô hồn, suy ra cả tháng Bảy âm lịch là tháng “Cô hồn”, từ đó, làm việc gì lớn cũng kiêng kỵ, tránh thực hiện trong tháng. Qua những tìm hiểu trên, có thể thấy đó là quan niệm sai lầm, không nhất thiết phải tuân theo.

2, Lễ Vu Lan thế nào là đúng ?

Có thể thấy, lúc ban đầu, lễ Vu Lan là lễ báo hiếu cha mẹ và chỉ dành cho những người theo đạo Phật. Sau này, với ý nghĩa cao đẹp của tinh thần hiếu nghĩa, lễ đã dần được đời sống thường nhật chấp nhận, noi theo. Vì thế, ngày Vu Lan không chỉ dành riêng cho Phật tử, mà trở thành lễ hội của tình người, nơi con người mở rộng tâm hồn để chuyển những lời cầu nguyện tốt lành đến mọi chúng sinh. Tinh thần của ngày lễ mang tính nhân văn cao cả, khuyến khích mọi người sống có đạo lý.

Hiếu thuận với cha mẹ không phải là việc ngày một, ngày hai; nhưng lễ Vu Lan vẫn luôn là dịp để bao nỗi niềm bộc bạch, sẻ chia. Tấm lòng của bao người con, dù đang được ở bên cha mẹ hay không, đều tri ân đấng sinh thành dưỡng dục của mình một cách thành kính nhất. Bởi công ơn cha mẹ là vô bờ bến nên bổn phận mỗi người con phải tự mình khắc ghi trong tim.

Đạo Phật là đạo hiếu, lấy tình thương yêu con người và chúng sinh muôn loài làm cội rễ. Tình thương này bắt nguồn từ tình thương cha mẹ, sau đó mới mở rộng ra thành tình người, tình nhân loại. Do đó, muốn tu theo Phật giáo phải lấy chữ hiếu làm đầu bởi vì kinh Phật đã dạy: “Phụng thờ cha mẹ là phụng thờ đức Phật”. Đức Phật đã nâng địa vị của cha mẹ lên ngang tầm với ngài, con cái phải xem cha mẹ như Phật tại thế mà hết lòng phụng thờ, nuôi dưỡng cho trọn đạo.

Chính vì thế, để phần nào đền đáp ơn nghĩa sinh thành, chúng ta “Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Sự hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ không chỉ thể hiện ở sự cung phụng về vật chất mà còn trong cả tinh thần. Cha mẹ cần tình cảm và sự chăm sóc của con cái bởi “trẻ cậy cha, già cậy con”; cho nên bên cạnh việc lo chu đáo “miếng cơm, tấm áo” thì còn cần phải “sớm thăm, tối viếng”, trò chuyện, vấn an để cha mẹ thật sự vui vẻ an hưởng tuổi già.

Trong xã hội hiện nay, lễ Vu Lan có một nghi thức rất đặc biệt, mới xuất hiện chưa lâu và hầu như chỉ có ở Việt Nam; đó là nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo. Nghi thức này đã tạo ấn tượng sâu sắc và cảm động trong lòng người tham gia. Theo đó, đóa hoa hồng trên ngực áo màu đỏ tượng trưng cho người vẫn còn cha mẹ. Ngược lại, ai cài lên ngực hoa hồng màu trắng có nghĩa cha mẹ đã không còn. Chính quy ước này đã khiến cho nhiều người phải thổn thức khi trân trọng cài hoa lên ngực áo, và có không ít người đã hồi tâm, trở nên hiếu thảo với cha mẹ, sống tốt hơn.

Có thể thấy, lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng Bảy là ngày để mỗi người thể hiện lòng hiếu kính đến các bậc tiền nhân. Tuy nhiên để luôn duy trì ý nghĩa của lễ Vu Lan, mỗi người cần luôn tu thân, chăm chỉ cúng dường, làm việc thiện mới mong gia tiên tiền tổ được siêu thoát. Cổ nhân cho rằng, người nào đó ngày thường không chịu dưỡng tâm tích đức thì vào ngày lễ Vu Lan dù có làm lễ trọng vọng đến đâu cũng không thể nhận được sự độ chứng của đức Phật, thần linh và gia tiên.
3, Một số lưu ý trong lễ Xá tội vong nhân

Như đã nói, trong lễ Xá tội vong nhân, con người dương thế vừa bố thí cho các vong hồn đói khát, vừa trì tụng các kinh chú để chúng sinh sớm giác ngộ, rời bỏ u mê. Dân gian có nhiều cách gọi lễ này: Cúng chúng sanh, cúng thí thực hoặc cúng cô hồn nhưng đều chung một ý nghĩa. Buổi lễ là nơi mỗi người bố thí thể hiện lòng từ bi bác ái, muốn chia sẻ sự đau khổ với chúng sinh thiếu phúc, thường bị đói khát triền miên, sống bơ vơ vất vưởng, không siêu thoát và đặc biệt, không có người thân quyến cúng bái.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn chiêu hồn) nổi tiếng chính là để dùng trong đại lễ này. Ngày nay, nhiều nghi thức đã được giản tiện, miễn là gia chủ có thành ý, gửi sự cảm thông, thương xót đến các vong hồn không nơi nương tựa là được. Tuy nhiên vẫn còn một số lưu ý của cổ nhân tồn tại đến ngày nay.

Theo đó, trước khi làm lễ cúng chúng sinh, cần biện lễ thắp hương lên bàn thờ Phật, thần linh và gia tiên trong nhà. Sau khi lễ trong nhà tàn, mới bắt đầu làm lễ Xá tội vong nhân. Lưy ý, lễ cúng phải đặt ngoài trời, nếu không có điều kiện thì cũng đặt ở hành lang, chứ không làm lễ trong nhà. Bởi theo quan điểm người xưa, gia chủ nào có thần linh và gia tiên đó. Nếu làm lễ cúng chúng sinh trong nhà, các vong hồn lang thang sẽ không thể vào thụ lộc được.

Thêm nữa, cúng chúng sinh cần được thực hiện sau 12h. Việc này xuất phát từ quan niệm, từ khi mặt trời mọc đến chính Ngọ (12h trưa) là giờ dương khí, có các quan cõi âm đi tuần, vong hồn sẽ không dám xuất hiện. từ sau 12h là giờ âm khí, các vong hồn mới có thể dám đến thụ lộc, nghe kinh chú.

Cổ nhân khuyên lễ cúng chúng sinh nên làm lễ chay, tuyệt đối không cúng xôi gà là các thức chỉ dành cho cúng gia tiên. Có thể tham khảo một lễ chay với các đồ lễ như sau: Vàng mã (không cần nhiều, đủ trải trên mâm lễ là được), quần áo chúng sinh (mua về, tháo ra thành các lớp rồi trải trên mâm lễ), bỏng ngô, khoai lang hoặc sắn luộc. Một số thứ kẹo bánh cũng cần bóc khỏi vỏ, rải đều xung quanh. Đặc biệt không thể thiếu cháo trắng cùng gạo, muối. Cháo được múc ra ít nhất 5 bát để ở bốn hướng và chính giữa, có đũa thìa kèm theo. Gạo, muối cũng cho vào bát nhưng mỗi thứ một bát là đủ.

Khi làm lễ cần cắm hương ở cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; mỗi hướng ít nhất 3 que hương, có thể cắm trực tiếp lên khoai sắn trên mâm lễ. Ngày nay, với ý nghĩa là bố thí, cúng dường; nhiều gia chủ còn có thêm mâm lễ để phóng sinh như chim, cá, cua, ốc… Xét về mặt ý nghĩa, việc này không có gì sai với lễ cúng chúng sinh nên có thể chấp nhận được.

Khi làm lễ, gia chủ không cần cầu kỳ quá. Nhiều quan niệm cho rằng cần phải đọc bài văn khấn dài cả vài trang giấy, rất rườm rà. Thực chất, cốt yếu nhất vẫn là ở tâm thành của gia chủ, thực sự muốn đem của bố thí cho các vong hồn lang thang. Gia chủ có thể đơn giản khấn ngày tháng, mục đích kèm theo tên tuổi, địa chỉ là được. Ngoài ra có thể đọc kinh Phật, trì tụng cho buổi lễ để qua đó, chúng sinh có thể cảm nhận được Phật pháp.

Sau buổi lễ khi hương sắp tàn, gia chủ cần đem gạo, muối rải ra bốn phương tám hướng xung quanh nhà. Theo quan niệm cổ nhân, việc này để chúng sinh khắp nơi đều được thụ lộc, đồng thời cũng giới hạn nơi các vong hồn có thể đến, không vào sâu trong nhà quấy nhiễu. Nếu buổi lễ có các đồ phóng sinh, gia chủ cần đưa ra sông hồ để thả.

Ngày nay, lễ Vu Lan cũng như lễ Xá tội vong nhân càng phổ biến, thu hút nhiều người tham dự. Trang trọng nhất vẫn là buổi lễ được thực hiện ở chùa với sự tham gia của các vị sư đức cao vọng trọng. Bên cạnh các lời dạy minh triết của đức Phật nhằm hướng con người đến sự giác ngộ, giải thoát; tinh thần của ngày lễ rằm tháng Bảy cũng dần trở thành lễ hội truyền thống…