Dưới đây là một phần của một bài viết có tựa đề “Đời đá vàng – và bước chân người tu sĩ” của tác giả Hoàng Phương Anh, để phù hợp nội dung âm nhạc Vườn chọn đăng phần viết về Vũ thành An và tác phẩn “Đời đá vàng” và dùng đề mục “Đời đá vàng – bản nhạc đời người” trong bài viết để làm tiêu đề cho “Câu chuyện Âm nhạc” trong Vườn . Xin gác lại phần “Bước chân người tu sĩ”, xin cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc.

Thông điệp Vũ Thành An gửi đến mọi người: “Khi gặp nguy nan bạn đừng vội nản chí, bạn cố gắng sẽ vượt qua được. Và khi phải gánh chịu những đau đớn đến tột cùng mà bạn đứng lên được, lúc đó bạn sẽ hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, biết yêu quý cuộc sống

Một sáng tháng 10.1991, nhạc sĩ Vũ Thành An đặt chân xuống phi trường Los Angeles. Đây là lần thứ hai ông xuất ngoại. Lần đầu cách đó gần hai mươi năm khi ông sang Hà Lan tham gia khóa tu nghiệp 6 tháng về sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình để về nhận nhiệm sở mới tại Đài phát thanh Sài Gòn. Còn lần này, ông sang định cư tại Hoa Kỳ.

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc Đời Đá Vàng (Vũ Thành An) - "Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu..."

Đầu tiên, ông chọn sống ở Orange County, California, nơi ông có nhiều người thân và bạn bè. Nhiều Đêm nhạc tình Vũ Thành An nhanh chóng được tổ chức và luôn hết vé. Khán giả nồng nhiệt chào đón tác giả của Những bài không tên sau hơn 16 năm bặt tin. Ông đã gặp lại các nhạc sĩ thế hệ đàn anh như Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng…, những nhạc sĩ cùng thế hệ như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Nam Lộc…

Buổi hội ngộ của nhạc sĩ Vũ Thành An với những người bạn hồi trung học giữa thập niên 1950, được thi sĩ Du Tử Lê, người bạn thân của ông ghi lại: “Tiếng hát trượt trên vầng trán khắc khoải nếp nhăn. Tiếng hát mang theo định mệnh riêng nó, và, định mệnh một thời. Tiếng hát, không còn cạnh sắc lóng lánh của những miểng thủy tinh cứa trên từng tấc thịt da nhuận tươi rung động tuổi trẻ. Nhưng tiếng hát cho lại quá khứ. Tiếng hát mang lại núi cao và sông rộng. Tiếng hát mang lại quê hương. Mang lại tổ quốc nghìn trùng. Cho lại những mái nhà đã bỏ. Những con đường đã tối. Những ước mơ đã lòa”.

Vài tháng sau, ông nối lại hoạt động nghệ thuật sau gần hai mươi năm đứt quãng. Những bài không tên tiếp nối của Vũ Thành An trở lại với người yêu nhạc qua giọng hát Khánh Hà, Tuấn Ngọc. Một thời gian sau, cần không gian tĩnh lặng để lắng nghe trái tim mình, theo sự giới thiệu của bạn bè, ông đã chọn đến sống tại Portland, thành phố hoa hồng, bang Oregon, giữa năm 1992. Nơi đây ông có những người hàng xóm tốt bụng và làm bạn láng giềng với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ông được vào làm trong văn phòng luật sư người Việt nhờ tấm bằng cử nhân luật khoa Sài Gòn năm 1972. Công việc ổn định, ông có thời gian trầm lặng để suy tưởng về bản nhạc đời người.

Đời đá vàng – bản nhạc đời người

Nhớ lại một sáng Chủ nhật, hè 1996, tôi đến chơi nhà bạn. Bạn tôi lúc đó là cây bút chuyên viết văn nghệ cho vài tờ báo trong thành phố, bạn mời tôi đến chơi để cùng nghe CD nhạc mới. Chúng tôi đã nghe Một mình của Lam Phương. Nghe thêm vài bài nữa thì bạn nói: “Anh nghe kỹ bài này, lạ lắm”. Đoạn nhạc dạo đầu với tiếng trống định âm (timpani) rộn ràng như mở toang cánh cửa nhìn ra khoảng trời cao rộng, giai điệu viết quãng rộng, từ âm thấp chợt vút lên cao, dứt khoát nghe như khúc ouverture – khúc nhạc mở đầu của vở nhạc kịch.

Khi tiếng nhạc lắng lại giọng ca sĩ Khánh Hà cất lên: Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu… Giai điệu u uẩn quá, tôi chợt lặng người.

Nghe hết bản nhạc, bạn mới cho tôi xem bìa album Đời đá vàng do Khanh Ha Production cho ra mắt đầu năm 1996. Thật bất ngờ tác giả là Vũ Thành An, tôi nói bạn mở lại cho tôi nghe lần nữa. Vẫn tiết điệu boston nhưng lần này khác hẳn những bài không tên boston mà tác giả đã viết trước đó. Đời đá vàng viết ở nhịp 3/4 với âm ở phách thứ hai ngân dài, tạo nét đong đưa. Ở đoạn đầu, ta nghe như tiếng bước chân đơn độc của người lữ khách đôi lúc chợt dừng lại, nhìn quanh, tìm lối, rồi tiếp bước. Sang đoạn nhạc phát triển, giai điệu chợt vút cao, chao đảo, thảng thốt với những câu tự hỏi của tác giả.

Lời bài hát Đời Đá Vàng - Khánh Hà

Ở đoạn cuối, chủ đề chính tái hiện với niềm thương cảm, các câu hỏi như có lời giải đáp, giai điệu về kết trong sự bình yên. Đời đá vàng qua giọng hát thổn thức của Khánh Hà nhanh chóng được yêu thích. Tiếp theo sau, nhiều danh ca đã chọn Đời đá vàng để biểu diễn, thu âm và xem đây là thử thách.

Lần về Việt Nam ra mắt bút ký Chuyện tình không tên tại đường sách Nguyễn Văn Bình Sài Gòn vào tháng 8.2017, tác giả, nhạc sĩ Vũ Thành An đã chia sẻ: “Vào một sáng cuối tháng 12.1974, An đến Văn phòng Bộ Thông tin (Việt Nam Cộng hòa) trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Hôm đó, An thấy mấy vị cấp trên nói chuyện nhỏ giọng với vài người khách lạ, nét mặt rất khẩn thiết. An nghĩ: chắc tình hình chiến sự căng thẳng, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy đến. Khi đó, An đứng ngoài hành lang nhìn thấy hình ảnh con thạch sùng dừng trên vách tường đang cố bò thẳng đứng lên trần nhà cao vợi. An chợt nghĩ về thân phận mình, mai sau rồi sẽ về đâu? Và một câu hát chợt vang lên: Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu. Đó là ý nhạc đầu tiên để từ đó An viết bài Đời đá vàng”.

Trong một chuyến đi dài, tôi được nghe tác giả Đời đá vàng bộc bạch. Sau sự việc sáng hôm đó, ông suy nghĩ nhiều về phận người và ý nhạc Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu cứ quay cuồng trong tâm trí, đã thôi thúc ông viết tiếp đoạn đầu: Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau. Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào. Suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào.

Khi tình hình chiến sự ngày càng dồn dập, căng thẳng, trong tâm trạng bất an, ông đã viết đoạn hai: Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền. Ta xin tháng ngày rồi bình yên. Ô hay tại sao ta sống chốn này. Quay cuồng mãi hoài có gì vui? Bài hát đã dừng lại ở đấy, ông không viết thêm được nữa.

Đời đá vàng được viết ra bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời tác giả. Ông đã suy niệm về phận người trong suốt 21 năm để viết nên tác phẩm. Đời đá vàng là bản nhạc đời người của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Rồi biến cố tháng 4.1975 xảy đến, cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Ông đã trải qua 10 năm luân lạc, chịu bao mất mát. Ông luôn tự hỏi những câu hỏi triết học: Ta là ai? Tại sao đến nơi này? Ta phải làm gì? Rồi thời gian trôi đi, trôi mãi cho đến khi ông sống ở thành phố Portland. Những ngày ông được cùng người vợ thứ hai ngắm những tia nắng sớm trong bình minh, tay trong tay những đêm lạnh nhìn tuyết rơi trắng xóa hiên nhà, ông đã giải đáp được câu tự hỏi của ông bấy lâu nay. Ông cảm thương người vợ thứ hai, một góa phụ khi tuổi còn đương xuân, đơn độc, xuôi ngược giữa dòng đời cố nuôi dạy hai con suốt hơn 15 năm cho đến ngày gặp ông.

Hai mảnh đời gãy đổ nương tựa nhau chung sống, có được những ngày yên vui cùng người vợ đảm đang, ông đã viết tiếp đoạn cuối, hoàn thành bài hát năm 1995: Có một lần mất mát mới thương người đơn độc. Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu. Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về. Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng.

Ông giải thích thêm: “Đời đá vàng nguyên là Bài không tên số 40. Câu kết, Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng chính là thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người. Khi gặp nguy nan bạn đừng vội nản chí, bạn cố gắng sẽ vượt qua được. Và khi phải gánh chịu những đau đớn đến tột cùng mà bạn đứng lên được, lúc đó bạn sẽ hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống, biết yêu quý cuộc sống”.

Đời đá vàng được viết ra bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời tác giả. Ông đã suy niệm về phận người trong suốt 21 năm để viết nên tác phẩm. Đời đá vàng là bản nhạc đời người của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Sau Đời đá vàng, nhạc sĩ Vũ Thành An tiếp tục thực hiện album “Tình ơi giã biệt” với lời tâm tình tác giả do chính ông đọc: “Và cho đến bây giờ, ở phía cuối đoạn đường của cuộc đời, anh muốn mời em nghe lại dòng nhạc trong chuỗi dài âm thanh anh đã viết cho em, dòng âm thanh yêu dấu của chúng ta. Những bài hát này như thay lời cảm ơn chân thành gửi đến em, người con gái mà anh yêu quý”.

Đại từ Em tác giả dùng ở đây muốn nói đến những người bạn gái đã mang lại nguồn cảm hứng để ông viết nhạc, những khán thính giả yêu thích những bản tình ca của ông. Và giờ đây, tác giả xin giã biệt.

Nhạc sĩ Vũ Thành An hoàn thành Đời đá vàng và thực hiện album “Tình ơi giã biệt” như để chia tay với quãng đời thế tục, dọn mình để chuẩn bị bước vào quãng đời mới – quãng đời tu đạo. Cuối năm 1996, ông tuyên bố sẽ không sáng tác và hát những bài tình ca đôi lứa nữa. Tuyên bố đã làm những người yêu nhạc bất ngờ và tiếc nuối.

Đời Đá Vàng (Bài Không Tên Số 40)
Tác giả: Vũ Thành An

Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu
Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau
Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào
Suốt đời còn ước ao khát vọng còn cấu cào
Ôi thôi đời ta phung phí trong cơn buồn phiền

Ta xin tháng ngày rồi bình yên
Ô hay tại sao ta sống chốn này
Quay cuồng mãi hoài có gì vui

Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng

Hoàng Phương Anh