Từ xưa đến nay,Việt Nam là một nước lấy nông nghiệp làm đầu, trong đó làng xã là những đơn vị cơ sở. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã là những sinh hoạt hội làng, cùng những hình thức diễn xướng dân gian xung quanh các ngày lễ hội ấy. Hàng năm vào mùa Xuân và mùa Thu (Xuân Thu nhị kỳ), các làng bản miền xuôi, miền ngược đều mở hội tổ chức vui chơi. Hình thức, nghi lễ ở từng nơi có thể khác nhau nhưng đây là dịp để dân chúng bản làng biểu lộ niềm tin hào hứng, phấn khởi, hy vọng vào sự yên lành, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, con cháu đông vui, khỏe mạnh. Đó cũng là những dịp để thanh niên trai gái và cả cụ già, em nhỏ được thỏa mãn nhu cầu vui chơi, thưởng thức cái đẹp, rèn luyện đua tài…

Đâu đâu khắp nước cũng có hội làng, hội bản, có nơi được chính thức ghi vào thúc ước, thường được gọi là “Sự lễ bản xã’’. Nhưng nếu không được ghi thì cũng vẫn là một yêu cầu tổ chức của quần chúng hàng năm, không thể nào thiếu được. Tác dụng của hội làng, các cuộc sinh hoạt diễn xướng dân gian này về phương diện giáo dục mục đích là để bồi dưỡng mỹ cảm cho các tầng lớp cư dân trong bản làng.

Theo giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết trong sách Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam (1999) thì tùy theo vùng miền, tại các bản làng hội làng tồn tại dưới nhiều hình thức, có thể chia thành 5 loại: Hội nông nghiệp, hội văn nghệ vui chơi, hội thi tài, hội giao duyên và hội lịch sử. Khi tiến hành lễ hội có những nghi thức tế tự cúng bái, và tiếp đó là các trò diễn, trò vui. Diễn xướng dân gian bao gồm tất cả các hình thức văn nghệ như hát, hò, trò, ca múa, lễ, nhạc…Có thể là những tiết mục gắn vào nội dung các hội làng kể trên, có thể là những sinh hoạt đơn lẻ khác, gắn vào các dịp sinh hoạt cộng đồng, hoặc sau một quá trình lao động có được thời gian để giải trí nghỉ ngơi.

Cũng có nhiều lễ hội nhằm vào việc cúng tế, xưng tụng công đức các vị Thành hoàng, các vị có công mộ dân lập ấp hoặc khai sáng nghề nghiệp, các anh hùng chiến đấu chống ngoại xâm. Lễ nghi trong các ngày hội thường để tôn vinh vĩ nhân bằng các hình thức như sân khấu hóa lịch sử theo lối dân gian. Qua đó, những người tham gia ngày hội được bồi dưỡng thêm tình cảm thiêng liêng đối với dân tộc, với quê hương. Hội Gióng, hội Đền Hùng, hội Phết…là những hội làng mang ý nghĩa đó.

Một số ngày hội hoặc sinh hoạt tế tự ma chay của đồng bào dân tộc còn có giá trị cung cấp những tri thức về lịch sử tiến hóa của nhân loại. Chẳng hạn như nghi lễ mo Đẻ đất đẻ nước của đồng bào Mường, các thầy mo đã đọc cho dân bản nghe bản trường ca kể tỉ mỉ câu chuyện con người do cái trứng chim ấp nở ra, cây si ngã xuống thành mường này, mường nọ…

Người dân tham gia lễ hội cũng được sống lại và nâng cao thêm lòng tự hào đối với nghề nghiệp nông tang, cùng với niềm ước mong về sự hòa cốc phong đăng, an cư lạc nghiệp. Đó là trong những dịp lễ nông nghiệp, hội lễ phồn thực giao duyên. Có rất nhiều danh xưng cho các ngày hội này : Trò tứ dân, trò bách nghệ khôi hài, trò cướp kén, trò ông Đùng bà Đoàng…Đây là những hình thức sinh hoạt dân gian của người Việt, hình tượng hóa lại cuộc sống của cư dân trồng lúa nước. Các nghề nghiệp, các dụng cụ lao động được trình bày với lối cách điệu hóa ngộ nghĩnh thô sơ mà đầy hấp dẫn. Có chỗ diễn xướng những hình ảnh nhằm phản ánh sự cầu mong sinh sôi nẩy nở để bảo tồn, phát triển nòi giống, có nguồn gốc từ quan niệm cổ sơ của người nguyên thủy còn tồn tại đến ngày nay, thể hiện qua những hình nộm, hình cây hoa, và những động tác chất phác cảm động.

Hội làng là dịp để cho những nam thanh nữ tú đua tài, đấu trí, biểu dương sức khỏe và những năng khiếu nghệ thuật. Có thể kể đến các hình thức như Hội bơi trải, hội vật, hội võ; các tục và trò chơi như ném pháo, bơi lặn bắt vịt, kéo co, đu tiên, vật cù…Rõ ràng trong các dịp diễn xướng, hội làng đó, cư dân làng xã đã dược bồi dưỡng một cách toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mỹ, do tác dụng đặc sắc của hội vốn mang bản chất là tổng hợp. Và cũng không chỉ ở các mặt văn hóa, những quy tắc lề thói sinh hoạt xã hội cũng qua đó được đề ra, từ đó hình thành những nề nếp đạo đức, quy phạm. Sự tôn trọng các lễ nghi, sự phân công tổ chúc trong ngày hội đều có phép tắc nghiêm minh, giáo dục tinh thần kỷ luật nghiêm túc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc đã hình thành nên những lễ hội có những đặc điểm riêng, mang sắc thái khác so với các nước chung khu vực. Sự sùng bái anh hùng thì ở đâu cũng có, những hình thức tưởng niệm các nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa là chung cho cả thế giới, nhưng do đất nước trải qua những thời kỳ phải phấn đấu nhiều mặt để sinh tồn, nên xã hội người Việt đã dành cho những anh hùng chống ngoại xâm, những người có công khai dân lập ấp, khai sáng các dòng họ, những vị tổ sư các ngành nghề …một sự trân trọng và những danh xưng cao quý.

Có thể nói rằng hội làng hay các hình thức diễn xướng trong hội làng của người xưa là môi trường để mọi người được mở rộng tâm hồn, giải tỏa tình cảm, tuy nhiên điều đó không cho phép cá nhân được hoàn toàn tự do. Dân cư trong làng xã phải luôn ý thức được tư cách thành viên của mình đối với cộng đồng nơi mình đang cư ngụ, đó là tính nhân văn thể hiện bằng sự hình thành những bản hương ước, đó là những pháp quy do dân làng lập ra kể từ khi khai hoang lập ấp.
Hiện nay, hàng năm nhiều nơi cũng có các hình thức lễ hội mang màu sắc dân gian truyền thống ở địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây phần hội làng đã bị một số “con sâu” biến tướng, những trò vui chơi có thưởng thành cờ bạc, sát phạt lẫn nhau, thậm chí còn có những nơi đánh bạc công khai, điều đó làm mất đi rất nhiều ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực là khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức hướng về cội nguồn, hội làng hiện nay vẫn còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, những biểu hiện mê tín, những tệ nạn xã hội. Cũng có nơi, hội làng được tổ chức không phải để tôn vinh các giá trị truyền thống mà để kinh doanh kiếm lời. Họ rào làng, bịt lối, bán vé vào cửa, bán vé vào lễ, gây phiền hà cho người đến lễ hội, trái ngược hẳn với tục mở rộng vòng tay đón bạn mười phương về chung vui hội làng thời trước. Các tệ nạn như: lên đồng, bói toán, đội bát nhang, uống nước thánh, đốt vàng mã, rước xách linh đình kéo dài ngày càng có chiều hướng gia tǎng.

Trước thực trạng đã diễn ra nhiều năm như thế, thiển nghĩ ngành văn hóa và lãnh đạo các địa phương cần có biện pháp hướng dẫn cụ thể hơn nhằm chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội, đồng thời hướng dẫn người dân tham gia hiểu rõ hơn về ý nghĩa ngày hội; về lịch sử các di tích như đình, đền, chùa, miếu… hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp những người đã có công với dân, với nước được người xưa thờ phụng… Từ đó, khơi dậy được niềm tự hào của người dân đối với quê hương mình, tăng thêm sự uy nghiêm trang trọng của ngày hội, đồng thời cũng tạo cho con cháu có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn xưa để lại.

Có thể nói rằng cho đến bây giờ, hội làng vẫn thực sự là nhu cầu của đời sống tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng phục vụ người dân địa phương; là một hình thức sinh hoạt quan trọng của đời sống văn hóa cơ sở. Hội làng là tài sản tinh thần quý giá cần gìn giữ và phát huy. Sinh hoạt văn hóa làng xã này sẽ luôn có sức cuốn hút, hấp dẫn và có ý nghĩa nếu chúng ta loại bỏ được các hủ tục, tệ nạn xã hội, nếu không, những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của người Việt sẽ ngày càng mai một…