Có lẽ trong nhiều năm tới, câu hỏi này sẽ còn là đề tài nóng mỗi dịp Tết của người Việt Nam.
Mỗi người đều biết là khi tham gia vào cuộc tranh luận này, dù là đứng về phía nào, họ có thể bị nghĩ là mất gốc, là chưa trọn hiếu với tổ tiên, hoặc ngược lại là thủ cựu, u mê v.v. và v.v…
Cũng như trong rất nhiều vấn đề khác, như không ít người nhận xét, một bộ phận người Việt có lẽ hơi quá dễ dãi trong việc chấp nhận ngay một thái độ cực đoan và thường gặp khó khăn để lắng nghe những ý kiến khác biệt.
Ý kiến của tôi có thể còn những điều chưa chính xác, nhưng chỉ cần bạn kiên nhẫn đọc đến hết là tôi đã rất biết ơn.
Nguồn gốc ba chữ “Tết Nguyên Đán”
Đa số người Việt hiện nay, kể cả trên báo chí chính thống, đều nói và viết “Tết Nguyên Đán” mà có thể chưa hiểu nguồn gốc của mấy chữ này.
Nhiều người giải thích chữ Tết trong tiếng Việt bắt nguồn từ chữ Tiết trong âm lịch; Tiết 節 trong tiếng Hán trung cổ phát âm là “Tset”. Nguyên Đán cũng là từ gốc Hán: “nguyên” 元= sơ khai, “đán” 旦= ngày.
Nói như vậy, cụm từ “Tết Nguyên Đán” đang củng cố sự hiểu lầm rằng người Việt đang sao chép một nét của văn minh phương Bắc.
Tại sao lại là hiểu lầm thì tôi sẽ phân tích trong phần kế tiếp. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu bằng lời đề nghị rằng người Việt muốn tìm về nguồn cội của mình thì không thể không tìm hiểu lịch sử Trung Quốc (China).
Điều thú vị là trong khi người Trung Quốc gọi đất nước của họ là “Zhong Guo” (中国, Trung Quốc) thì hầu hết thế giới không chấp nhận phiên âm từ tiếng Hoa, mà gọi nước này là “China” (Anh, Đức, Mỹ, Australia…), “la Chine” (Pháp) , “Kitai” (Nga) v.v… China/Chine/Sino có gốc từ Qin (đọc là Chin, dịch sang Hán-Việt là Tần): Vương triều nhà Tần khét tiếng với Tần Thủy Hoàng.
Người China từ cổ tự gọi mình là quốc gia ở giữa, xung quanh là người Man, Di, Rợ, Khương…
Thời cổ đại trên vùng đất bây giờ là China có nhiều quốc gia nhỏ, có thể gồm hai chủng tộc chủ yếu, là người Hán, và các tộc Bách Việt. Người Hán ở phía Bắc, Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang).
Hán Khẩu là một địa danh cổ bây giờ đã nhập vào thành phố Vũ Hán, vốn ở nơi sông Hán Giang nhập vào sông Dương Tử.
Cư dân Bách Việt vốn gốc trồng lúa, không giỏi kiếm cung cưỡi ngựa như người Hán gốc du mục/săn bắn, nên dần dần đã bị người Hán chinh phục gần hết và đồng hóa thành ra người China bây giờ.
Trong sự đồng hóa ấy thì rất nhiều nét văn hóa của Bách Việt, kể cả Việt Nam, đã hòa lẫn vào văn hóa China, kể cả âm lịch và Tết cổ truyền nguồn gốc văn minh lúa nước.
Năm Âm lịch gồm các tháng Dần (Giêng), Mão (Hai), Thìn (Ba), Tỵ (Tư), Ngọ (Năm), Mùi (Sáu), Thân (Bảy), Dậu (Tám), Tuất (Chín), Hợi (Mười), Tý (Một), Sửu (Chạp). Một ngày cũng được chia thành 12 giờ theo tên gọi các con giáp như vậy.
Sử China chép rằng việc chọn ngày bắt đầu của một năm đã từng thay đổi nhiều lần qua các triều đại: Triều Hạ thì chọn vào tháng Dần, triều Thương thì chọn tháng Sửu, triều Chu thì chọn tháng Tý, triều Tần thì chọn tháng Thìn, triều Hán đổi lại về tháng Dần [Wiki tiếng Việt, mục từ “Tết Nguyên Đán”].
Kể từ triều Hán, Tết Nguyên Đán, nghĩa là tiết đầu năm mới âm lịch, trở nên cố định vào ngày đầu tiên của tháng Dần (tháng Giêng).
Nước Việt bắt đầu bị China đô hộ từ đời nhà Hán. Có thể là trước đó tổ tiên chúng ta ăn Tết vào đầu tháng Tý chứ không phải tháng Dần, nhưng rồi trải qua suốt một nghìn năm bị cưỡng bức đồng hóa, ký ức về Tết nguồn cội cũng như nhiều nét văn hóa khác đã bị kẻ đô hộ tìm cách gột bỏ.
Tết âm lịch Việt Nam trong sử sách China
Sách Kinh Lễ (禮記) trong bộ Ngũ Kinh chép rằng lời Khổng Tử rằng: “Ta không biết Tết là gì. Nghe đâu đó là tên của một lễ hội lớn của người Man (cách người Hán gọi người Bách Việt, TBH).
Họ nhảy múa như điên uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Họ gọi ngày đó là: Tế Sạ. Tế Sạ rất có thể là phát âm Hán Việt từ chữ “Thêts”, tên lễ hội năm mới của người Thái đất Phong Châu.
Sách “Giao Chỉ Chí” (发布分配) thì chép rằng: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới.
Họ gọi ngày đó là Nèn- Thêts, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này. Chỉ có bọn man di mới có ngày hội mà người trên kẻ dưới cùng nhau nhảy múa như cuồng vậy. Bên ta không có sự quân thần điên đảo như thế”.
Ngay cả lịch sử China còn chép như vậy về Tết của người Việt cổ. Vậy đến lượt mình, phải chăng các nhà sử học Việt Nam còn nợ đất nước một câu hỏi lớn về cội nguồn Tết?
Tết Bách Việt cổ đại là vào lúc nào, và tại sao?
Theo một số nguồn nghiên cứu gần đây, người Bách Việt cổ đã từng ăn Tết (Thêts) vào khoảng thời gian tương đương với đầu năm mới dương lịch bây giờ. [Nguyễn Ngọc Thơ: “Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa truyền thống Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, 2011].
Ngày tôi còn nhỏ, ông nội tôi là thầy lang biết chữ nho, dậy tôi học tên các con giáp là Tý-Sửu-Dần-Mão-Thìn-Tỵ-Ngọ-Mùi-Thân-Dậu-Tuất-Hợi. Tôi chỉ biết thuộc lòng thứ tự 12 con giáp, nhưng chưa bao giờ tự đặt câu hỏi tại sao chúng lại bắt đầu từ con chuột (Tý).
Giờ Tý, tức là nửa đêm, là bắt đầu của ngày mới, đó là khi âm khí đạt tới cực tận và dương khí thì đến lúc sinh ra. Tháng Tý là tháng có ngày Đông Chí (giữa Đông), sau khi trời đạt đến lạnh nhất thì trời hẳn sẽ phải ấm lên. Cái cũ đã đến tận cùng thì hẳn phải là bắt đầu của cái mới.
Có lẽ do vậy mà người Bách Việt cổ đã chọn tháng Tý là tháng đầu năm. Và có lẽ cũng không phải là ngẫu nhiên mà tháng Tý lại có tên gọi là tháng Một, nhưng tiếc thay bây giờ nhiều người Việt vẫn vô tư gọi tháng Tý là tháng Mười Một!
Như vậy, có thể Tết Âm lịch ở Bách Việt cổ cũng gần trùng với Tết Dương lịch bây giờ, sang đến đời Hán bị đô hộ, Tết của người Bách Việt mới bị chuyển sang tháng Dần?
Tết âm lịch ở Australia
Tết của người Hoa là Tết âm lịch, nhưng ở Australia mà nói ngược lại rằng Tết âm lịch là Tết Trung Quốc thì rất sai.
Trong một đất nước dân chủ và đa sắc tộc như Australia, các chính khách muốn giành được phiếu của các cử tri và các nhà kinh doanh không muốn mất khách hàng thì sẽ không được lầm lẫn và phải biết phân biệt rằng “Lunar New Year” thì bao gồm Chinese New Year của người Hoa, Tết của người Việt, Losar của người Tây Tạng, Bhutan, Nepal…, Chaul Chnam Thmey của người Campuchia…
Cho dù “Chinese New Year” bao giờ cũng là quan trọng nhất!
Người Việt sống ở Australia hay các nước ngoài khác chắc đều thấm thía cái sự vắng Tết. Mặc dù bạn hoàn toàn vẫn có thể “ăn Tết” tại nhà mình, hoặc ra chợ Tết ở khu phố Tàu hay khu phố Việt.
Năm ngoái vào dịp nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch chúng tôi lên Melbourne thăm con trai và cũng đi chợ Tết Việt ở khu Richmond gần nơi con ở.
Khu Richmond có một cái cổng chào mang hình cách điệu chim Lạc và nón Việt, như lời giới thiệu về mình một cách tự hào của cộng đồng người Việt ở đây. Nhưng chẳng ở đâu có Tết thực sự như là Tết ở Việt Nam!
Chúng tôi cũng muốn ăn Tết lắm chứ, về quê ăn Tết thì khỏi nói. Nhưng mà phần lớn các ngày Mùng Một Tết Việt đều rơi vào ngày còn phải đi làm bên này, không thể vô duyên xin nghỉ việc giữa chừng.
Tết con Gà năm nay còn khá, rơi vào 28/1 dương lịch, là Thứ Bảy, lại có thêm 26/1 là Quốc khánh Australia cũng là ngày nghỉ. Nhờ vậy mà con trai mới thu xếp được về ăn Tết với gia đình, để rồi sáng Mồng Hai lại tất tả ra đi.
Giả sử, vâng, chỉ là giả sử thôi, nước mình không bị một nghìn năm Bắc thuộc, thì Tết Việt vẫn như thời tổ tiên Bách Việt là vào tháng Tý. Nếu vậy thì hàng triệu người Việt đang là công dân toàn cầu có thể dùng kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm Mới dương lịch mà về quê ăn Tết Việt.
Liệu mơ ước ấy có thể trở thành hiện thực theo một cách khác, khi người Việt được chủ động trở lại với Tết Bách Việt cội nguồn của mình?
Adelaide