Từ lâu nay đa số thiên hạ đều nghĩ rằng danh từ “tài tử” là của chiếu bóng, là người đóng phim của nghệ thuật điện ảnh, chứ ít ai nghĩ rằng chữ tài tử là của cổ nhạc, của người đờn ca tài tử đã có từ thời thập niên 1920-1930. Rồi không hiểu sao đến khoảng 1956, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân xuất hiện đóng phim thì báo chí lại gọi những người đóng phim là “tài tử điện ảnh”, rồi xài luôn danh từ ấy cho đến bây giờ.
Khoảng 1958-1959 có một lần có dịp tiếp xúc với nhà báo Trần Tấn Quốc, tôi có hỏi ông tại sao người đóng phim cũng gọi là “tài tử” thì ông trả lời rằng, đó là do ông Năm Châu cộng tác với hãng phim Mỹ Vân viết kịch bản “Người Ðẹp Bình Dương” để quay phim, ông muốn lấy danh từ hoa mỹ để lăng xê Thẩm Thúy Hằng, nên thay vì dùng từ ngữ “đào chiếu bóng” để phân biệt với “đào cải lương” thì Năm Châu lại dùng từ ngữ “tài tử chiếu bóng” nghe hay hơn, sang cả hơn. Rồi dần dần giới này lại bỏ hẳn chữ “chiếu bóng” chỉ dùng chữ “tài tử” mà thôi!
Sau khi danh từ tài tử xuất hiện trên tờ program của phim “Người Ðẹp Bình Dương”, thì vài tháng sau đó ông Tống Ngọc Hạp cho quay cuốn phim màu “Lục Vân Tiên” để ông và Thu Trang (hoa hậu Thị Nghè) đóng vai chánh. Dĩ nhiên là dựa theo danh phẩm Lục Vân Tiên của thi hào Nguyễn Ðình Chiểu.
Tống Ngọc Hạp đã mượn đà sẵn có của phim “Người Ðẹp Bình Dương” để gọi Thu Trang là tài tử đóng vai Kiều Nguyệt Nga. Kể từ đó báo chí cứ gọi người đóng phim là tài tử rồi dần dà quen luôn.
Lịch sử “tài tử” là như vậy, nên ngày nay với nhiệm vụ gây lại phong trào đờn ca tài tử ở hải ngoại, đồng thời cũng là người phụ trách mục cổ nhạc của nhật báo Người Việt, nên tôi quyết định dùng từ ngữ “tài tử” mỗi khi đề cập đến người tham gia đờn ca tài tử hiện nay. Vả lại trước đây UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì mình phải dùng từ ngữ cho đúng.
Nhớ lại hồi năm 2002 lúc tôi cộng tác với đài truyền hình SBTN trụ sở ở Garden Grove, khi tôi giới thiệu ca sĩ lên ca thì thi sĩ Trúc Giang (thân phụ của nhạc sĩ Trúc Hồ) có đề nghị với tôi là nên giới thiệu các người lên ca là tài tử thì đúng hơn. Tôi trả lời rằng, tôi biết vấn đề đó từ lâu, nhưng giới thiệu như thế khán giả, thiên hạ hiểu lầm là “tài tử điện ảnh”, bây giờ chưa đúng lúc phải nêu lên vấn đề đó. Thế mà đến nay đã hơn 15 năm, tôi mới có dịp đưa “vấn đề tài tử” ra cho mọi người cùng biết để không còn thắc mắc. Coi như đã đúng lúc rồi vậy!
Với chức năng của một nhà báo phụ trách kịch trường, tôi xin xác nhận với độc giả, với bà con xa gần rằng: Từ ngữ “tài tử” là của cổ nhạc đã có từ lâu đời, người xưa dùng chữ tài tử để chỉ các người ca hát cổ nhạc ở các đám cưới. Thiên hạ từng nói: Tối nay ở đám cưới có tài tử, mình lo công chuyện cho xong để còn đi coi, đi nghe tài tử ca. Những danh ca như: Tài tử Tám Thưa, tài tử Thành Công, tài tử Hồng Châu, tài tử Năm Nghĩa; các nữ tài tử cô Năm Cần Thơ, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre, và rất nhiều tài tử ca ở đài Pháp Á đã được công chúng nhìn nhận từ xưa.
Thế Chiến Thứ 2 chấm dứt, năm 1946 Pháp trở lại Ðông Dương thành lập đài phát thanh Pháp Á ở đường Boulevard de La Somme, Sài Gòn (đường Hàm Nghi sau này). Tiết mục nhiều thính giả của đài Pháp Á là ca cổ nhạc do các tài tử cộng tác như: Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Bạch Huệ, cô Năm Cần Thơ,Văn Chung, Thanh Hương… Nam tài tử Văn Chung gặp nữ tài tử Thanh Hương tại đài này, sau đó thành vợ chồng.
Ðó là những tài tử mà người lớn tuổi ai ai cũng biết, sách vở cũng có ghi và tôi cũng có một số tài liệu này