Khu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thưa vắng, hồ Con Rùa bị chăng dây… được phác họa qua các tác phẩm của Lê Sa Long.
Họa sĩ giới thiệu phần hai bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách”. Anh vẽ con đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, trong chiều tan tầm, trời mưa như trút nước đầu tháng 7, xa xa là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đang được trùng tu. Khung cảnh buồn vắng khiến họa sĩ nhớ những ngày phố thị đông đúc. Các tranh của anh được vẽ bằng phấn tiên và bột than trên nền giấy Canson.
Ngã tư Đồng Khởi – Lý Tự Trọng lác đác bóng người. Khi vẽ, họa sĩ nhớ đến những câu hát trong bài “Biết bao giờ trở lại” của Ngô Thụy Miên: “Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại/ Để cùng em rong chơi, tìm những cánh sao rơi/ Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui/ Nụ cười về trên nét môi hạnh phúc tôi, một góc trời”.
Khu cầu vượt Quang Trung, quận 12, hôm 9/7 – ngày đầu TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16.
Hoàng hôn trên cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh, vào những ngày cuối tháng 6. Họa sĩ cho biết khi xem bức này, một người bạn nói với anh: “Sài Gòn trước kia luôn ồn ào náo nhiệt, thấy xô bồ, nhưng khi giãn cách lại nhớ da diết. Có lẽ, mình đã quen với nhịp điệu Sài Gòn rồi chăng”.
Họa sĩ đặt tên bức hồ Con Rùa bị chăng dây là “Đường xưa lối cũ” bởi nơi đây từng in dấu kỷ niệm của anh thời học đại học gần 30 năm trước.
Họa sĩ vẽ một phụ nữ nhặt ve chai ở gần nhà anh lúc kỳ thi THPT diễn ra. Chị cho biết vì bận mưu sinh, không thể đưa con đi thi, đành ngồi một góc cập nhật thông tin từ xa, bên cạnh là hộp cơm từ thiện ăn dở.
Họa sĩ tiếp tục vẽ về những tấm lòng vàng mùa dịch. Câu chuyện anh Minh “Râu” – người đàn ông xăm trổ với quầy rau thiện nguyện ở Biên Hòa, Đồng Nai – trở thành nguồn cảm hứng sáng tác mới của anh. Anh Minh dựng quầy rau củ trên đường phố, kinh doanh theo kiểu “vừa bán vừa cho”, hướng đến người có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của anh càng được hưởng ứng những ngày rau củ quả tại một số nơi tăng giá. Khi bị một số người bạn chê dại vì không tranh thủ “hốt bạc mùa dịch”, anh đáp: “Buôn bán là chuyện cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm tiền lúc này”.
Percy Smith – thầy giáo người Anh, sống ở Việt Nam ba năm qua – tham gia nhóm thiện nguyện phát cơm cho người lao động nghèo ở TP HCM hồi đầu tháng 7. Hàng ngày, anh cùng nhóm bạn giao hàng trăm suất cơm miễn phí cho người vô gia cư, bán vé số, xe ôm… ở các ngã tư trung tâm thành phố.
Họa sĩ xúc động khi đọc câu chuyện bà con miền Trung đóng gói rau củ gửi tặng người Sài Gòn. Khi nghe thông tin TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, người nơi rốn lũ Hải Lăng, Quảng Trị, bàn nhau nhà ai có gì góp nấy, từ rau củ, muối mắm đến tôm cá đánh bắt được, tìm cách chế biến để bảo quản được lâu dài rồi gửi vào theo các chuyến xe thiện nguyện.
Anh vẽ cảnh người miền Trung đong gạo gửi về Sài Gòn. Cô bé trong tranh cười rạng rỡ, nói: “Các má, các ngoại ơi, cho con góp gạo tặng các bạn với”.
Trong đêm, những tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ gửi tặng lương thực trên những chiếc rổ, nón đặt sẵn trước nhà ở những con hẻm bị phong tỏa của quận 4.
Họa sĩ Lê Sa Long sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, từng đoạt giải nhất “Chân dung ký họa màu nước” năm 1999 do Hội Mỹ thuật TP HCM đồng tổ chức. Năm 2018, anh đoạt giải nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TP HCM tổ chức. Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những “người tình âm nhạc”. Hiện anh là giảng viên khoa Đồ họa, Đại học Mở TP HCM.
VNE