Có hai nhạc phẩm quen thuộc cho mùa Trung thu cùng viết về “Cuội”, của 2 nhạc sĩ thế hệ thế hệ đầu của tân nhạc, đó là ‘Thằng Cuội’ của nhạc sĩ Lê Thương và ‘Chú Cuội’ của nhạc sĩ Phạm Duy.

Mỗi mùa trăng trung thu đi qua, lòng cứ bồi hồi hát mãi những bài ca của tháng năm cũ. Có lẽ chúng in đậm trong ký ức khó mà nhạt nhòa. Hay do lòng người hẹp hòi, quá hoài niệm mà không tìm thấy bài ca mới đủ hay thay cho những mùa trăng cũ?

Cuộc đua song mã đêm Trung thu

So với nhiều tác phẩm về Trung thu thì hai bài hát về Cuội này của nhạc sĩ Lê Thương và Phạm Duy được đánh giá cao về chất nhạc lẫn ca từ. Trong mỗi bài hát như có nhiều tầng nhiều nghĩa mà với mỗi người, mỗi độ tuổi lại có một cảm nhận khác nhau.

Xuất thân từ lớp nhạc sĩ tiền chiến, Lê Thương nổi tiếng với mảng truyện ca, tức chuyển thể những chuyện xưa tích cũ thành bài hát, trường ca mà đỉnh cao là Hòn Vọng Phu. Và tích chú Cuội lên cung trăng cũng nhanh chóng trở thành chất liệu để ông sáng tác. Theo nhiều tài liệu, Thằng Cuội được viết từ trước năm 1954. Từ Thằng Cuội, ông dần phát triển một mảng sáng tác ca khúc dành cho bé thơ như Con Mèo Mà Trèo Cây Cau, Học Sinh Hành Khúc, Ông Ninh Ông Nang…

Ngược lại, Phạm Duy cũng dựa tích chú Cuội – Hằng Nga lại viết thành bài ca tặng vợ trong tuần lễ trăng mật năm 1948 tại chợ Neo – Thanh Hóa. Vợ ông chính là ca sĩ Thái Hằng nổi tiếng trong ban hợp ca Thăng Long thời xưa nên Phạm Duy đã nhanh ý mượn hình ảnh chị Hằng cung Quảng Hàn cùng tên để ca tụng mối lương duyên của mình: “… Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần… Ngồi trên lưng gió tình yêu mặn mà”.

Tuy là một ca khúc “nịnh vợ” nhưng mỗi dịp trung thu Chú Cuội vẫn được đem ra hát tình tang, nhất là dành cho những người đang yêu. Về sau, Phạm Duy cũng có một mảng nhạc riêng dành cho thiếu nhi gọi là Bé Ca. Trong đó, trăng Trung thu lại tiếp tục xuất hiện Em Bé Quê, Ông Trăng Xuống Chơi Cây Cau…


Nghe bài Thằng Cuội – Lê Thương, thu âm trước 75

Khi Thằng Cuội vượt thoát ý niệm tuổi thơ

Thằng Cuội của Lê Thương được viết theo thể thức tựa một bài đồng dao từ giai điệu đến ca từ. Khi hát các em thiếu nhi sẽ gặp nhiều người bạn tuổi thơ của mình như chú Cuội, dế mèn, ông trời, ông trăng… Nhưng lạ thay, trong ca khúc lại không nhắc đến chị Hằng dù viết về “Mười lăm tháng Tám trời cho một ông trăng sáng thật to”.

Nhiều ý kiến cho rằng “sáng” chính là Hằng Nga rong chơi khắp đêm rằm: “Sáng rơi xuống đời, sáng leo lên cây. Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây. Cùng trông ánh sáng cười vui, chị em ta hãy đùa chơi”. Đây là một hình ảnh nhân hóa đỉnh cao vừa lạ lẫm, lại đậm chất thơ, gieo vần tuyệt đẹp. Mặc cho sự thiếu sót hay ẩn dụ cao siêu này, Thằng Cuội vẫn được biết bao lớp thiếu nhi hồn nhiên ca vang rộn rã trong mùa trung thu. Những người lớn lên trước năm 1975, chắc hẳn càng in sâu ca khúc này với sự trình bày của ban Tuổi xanh – một chương trình thiếu nhi nổi tiếng lúc bấy giờ.

Không đơn giản chỉ thuần như thế, chỉ cần nhìn góc độ khác một chút thôi, lại thấy Thằng Cuội của Lê Thương thấm đẫm chất tình, chất suy nghiệm vượt thoát khỏi không gian tuổi thơ. Tích truyện xưa xuất hiện mông lung, mờ nhạt chỉ qua vài câu phác thảo đòi hỏi trẻ thơ phải hiểu chuyện từ trước nhiều hơn, chứ không thể học truyện ngược lại từ bài hát. Xem xét kỹ, ta bắt gặp Cuội của Lê Thương lại là kẻ khù khờ, thậm chí hơi chán đời. Ngay từ câu mở bài, ông khẳng định Cuội của mình non dại, chỉ là kẻ lớn xác, chỉ là “thằng” chứ không phải là “chú” như nhiều người gọi khác, chỉ biết “ngồi ôm một mối mơ” với chị Hằng.

Phải chăng đây cũng là dụng ý lớn nhất của Lê Thương khi dùng chữ “thằng” – vốn dĩ được xem là không tôn trọng đối phương, mang chất văn nói bình dân đi ngược với sự trang nhã của thời nhạc tiền chiến. Khi xét kỹ thì mới hiểu, ông vừa có ý cho gần gũi kiểu trẻ thơ dân gian như cách gọi thằng Bờm, thằng Mõ, mụ Đốp… vừa muốn cho Cuội của mình mãi ngây ngô, mơ mộng. Như gã nghệ sĩ dế mèn hát nỉ non chứ gì nữa!

Không phải ngẫu nhiên mà chú dế mèn lại xuất hiện trong một hoàn cảnh rất trái mùa như thế này. Dụng ý của tác giả là mượn hình ảnh chú dế vui đời ca hát nghèo xác xơ để lý giải cho sự tủi thân của Cuội khi chạy theo những mộng ảo. Một cách lý giải hợp lý, hợp thời điểm bấy giờ, kiểu như Cuội nghèo chỉ còn biết “Đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường”*.

Chính vì thế, khi trút bỏ lớp áo thiếu nhi, Thằng Cuội của Lê Thương vẫn dư sức là một bài tình ca ấp úng, một mảnh tình non dại thuở mới lớn. Ca khúc mang một lối hát mới, chậm rãi, mộc mạc, tự tình hơn lập tức gây nên một hiện tượng trong giới trẻ, người yêu nhạc. Nhiều người coi đó là bằng chứng cho một sức sống vượt thời gian của ca khúc có 70 tuổi đời.

Trong tình riêng có tình quê

Ngược với Lê Thương, Phạm Duy lại viết một bài tình ca bám khá sát theo tích cũ. Có chăng chút đổi khác là mang cho Cuội cái kết thật có hậu khi kết bài: “Câu thơ chú cuội mà lấy tiên nga. Cuội ơi để trâu ăn lúa, ngồi trên lưng gió tình yêu mặn mà”. Trong toàn ca khúc Chú Cuội, người nghe bắt gặp nhiều chi tiết sát với truyện cổ tích hơn Thằng Cuội của Lê Thương, nào là “Ra nghe chú Cuội ngồi gốc cây đa… để trâu ăn lúa… Cuội lên cung vắng, Cuội không về làng…”.

Đây cũng là một ca khúc đậm chất đồng quê của Phạm Duy. Nghe ca khúc, nhắm mắt, chúng ta cũng dễ dàng tưởng tượng ra một miền quê thanh bình trong đêm rằm tháng Tám.

Một không gian miền quê bao la “trăng soi sáng ngời, treo trên biển trời, tình ơi”. Còn gì yên bình, đẹp đẽ hơn giữa mùa trăng ấy: “Một đàn con trai rủ đàn con gái, ra ngồi nhìn trăng”. Thật hợp tình hợp lý khi Phạm Duy cho vào đêm trăng sáng Trung thu ấy, bầy trẻ quê hò vè một câu tình tự kết bài. Có thể nói, tính tình tự dân tộc của Phạm Duy là thế, trong một bài tình ca cho đôi lứa vẫn bàng bạc chất quê hương.

Phạm Duy đã ghi lại trong hồi ký: “Ngoài bài Ðêm xuân mặn nồng đó, tôi còn soạn cho Thái Hằng một bài có tính chất dân ca hay bé ca là bài Chú Cuội, trong đó tôi nói dối lũ trẻ con là: … Ngày xửa ngày xưa, có chú chăn trâu tên là Cuội, ngồi ở dưới gốc đa, mặc kệ cho trâu ăn lúa, chú nhìn mây bay theo gió và xin ai cho mình một đôi cánh vàng, hoặc cho mượn một cái chiếu mây non để chú theo ánh sáng lên cung trăng và không trở về làng nữa. Lý do là vì: chị Hằng xuống trần để tìm người nuôi nấng cung đàn Hằng Nga (lại nói tới đàn!) chú Cuội bị Hằng Nga quyến rũ nên bay lên trời, chứ không phải vì nó mắc tội nói dối rồi bị đày lên cung trăng”.

“Chú Cuội” Phạm Duy và Hằng Nga – Thái Hằng

Đầy chất truyền thống nhưng cũng không thiếu sự táo bạo của Phạm Duy. Trong hoàn cảnh ca khúc này, ông còn ví mình chính là chú Cuội được theo Hằng Nga là ca sĩ Thái Hằng sống đời viên mãn “Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần”. Và người trình bày thành công khúc này chính là danh ca Thái Thanh – em vợ của ông. Giai điệu mượt mà của điệu valse, uốn lượn như một tiếng sáo được Thái Thanh chuyên chở từng chữ với tài luyến láy đặc trưng. Khi vào điệp khúc, giọng Thái Thanh đang vút bay rồi bỗng bỏ nhỏ, êm run khiến ta tưởng tượng ra bóng trăng gợn theo gió trên mặt hồ sáng loáng.


Nghe bài Chú Cuội – Phạm Duy, được Thái Thanh thu âm trước 75

Một ca khúc hoàn toàn thiếu nhi mà mỗi đêm Trung thu đều được sống lại chính là Rước Đèn Tháng Tám của Đức Quỳnh. Ông vốn là một nhạc sĩ, chủ phòng trà nổi tiếng trước năm 1975. Đức Quỳnh cũng là tác giả ca khúc Thoi Tơ phổ nhạc bài thơ cùng tên của Nguyễn Bính với điệu valse nổi tiếng.

Bài Rước Đèn Tháng Tám của ông luôn được nhớ đến với điệp khúc quen thuộc “Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh” như một tiếng trống hội thúc giục lòng người vui tết thiếu nhi. Đây là ca khúc tả thực nhất, dễ đi vào lòng thiếu nhi nhất với hàng loạt chi tiết: rước đèn đến cung trăng; đủ muôn loại đèn như cá chép, ông sao, bươm bướm; bánh dẻo, bánh nướng; cả nhà quây quần. Giờ nghe lại ca khúc này chúng ta sẽ thấy chỉ hơn 40 năm sau mà nhiều nét hay đêm rằm đang dần biến mất…

Phạm Ngọ

PNO