Tự bao giờ, trầu cau đã gắn liền với đời sống của người Việt. Trầu cau dùng để tiếp khách hàng ngày như bát nước chè xanh, như điếu thuốc lào, trầu có mặt trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê, trầu trong các buổi lễ tế thần, tế gia tiên, lễ thọ, lễ mừng…. Trầu cau còn là quà tặng, là sính lễ trong đám hỏi, trầu thay thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ. Miếng trầu tuy đơn giản nhưng mang bao ý nghĩa sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam…
Ăn trầu là phong tục cổ truyền và phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á. Đặc biệt Dân tộc nào ở Đông Nam Á cũng có những câu chuyện kể về cây cau, dây trầu. Vùng Nam Á là vùng trầu cau rộng lớn – người dân ăn trầu trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong cuốn “Trầu cau Việt điện thư” của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương trích lời Georges Lebrun viết về vùng trầu: “Vùng phát triển hiện nay có thể định rõ bằng một đường đi từ bờ biển phía Đông của đảo Madagascar và Zanzibar đến châu Á tới miền sông Indus, rồi đến bờ sông Dương Tử qua Đài Loan và Philippines, sẽ đến Indonexia vùng Moluques bao quanh các đảo Mariannes, Caroline, Salomon, Fidji, Bismarck, và Tân Guinée, để khép kín ở đảo Réunion, đi qua Eo Torrès, biển Arafoura, Timor về phía Nam những đảo Sonde. Có thể nói trầu cau ở những vùng đất… rộng 8 triệu cây số vuông có 200 triệu người ăn trầu kể cả đàn ông, đàn bà, già – trẻ, từ ông hoàng đến người dân, thuộc về tất cả các giống người, tất cả các tôn giáo”.
Với người Việt Nam, trầu cau là biểu hiện nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Miếng trầu chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó thân thiết trong tâm hồn mỗi người. Trong mấy ngàn năm lịch sử cho đến ngày nay và có lẽ là mãi mãi, trầu cau luôn hiện diện trong đời sống các dân tộc Việt Nam và các dân tộc châu Á. Dù giàu nghèo ai cũng có thể có, miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám, bổ tư quyện vào rễ vỏ chay đỏ luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm. Dân gian có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen
“Tiện đây ăn một miếng trầu
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”.
Đối với các nam nữ thanh niên nam nữ xưa kia thì miếng trầu là nguyên cớ để bắt đầu một tình yêu, một cuộc hôn nhân – “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Trong việc cưới, hỏi nhận lễ vật trầu cau là đồng nghĩa với việc nhận lời cầu hôn, là giao ước giữa hai họ. Đó là một nghi thức độc đáo của người Việt.
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ, quên cha
Làm cho quên cửa, quên nhà
Làm cho quên cả đường ra, lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
Trong hôn nhân, trầu cau có một vai trò quan trọng. Tuy chỉ “Ba đồng một mớ trầu cay” nhưng “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng – vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối.
Trầu têm cánh phượng cau vừa chạm xong
Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà.
Nào là chào mẹ chào cha
Cậu, cô, chú, bác mời ra xơi trầu.
Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng:
Trầu này trầu quế, trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta
Trầu này têm tối hôm qua
Trầu cha, trầu mẹ đem ra cho chàng
Trên khắp xứ sở Việt Nam thoảng đâu đó nơi thôn dã bóng hàng cau phía trước nhà bên bể nước mưa và giàn trầu vẫn đang thấp thoáng trong mỗi ngôi nhà luôn là hình ảnh của sự thái bình và một khát vọng lứa đôi:
Ước gì ta lấy được nàng
Hà Nội, Nam Ðịnh sửa đàng rước dâu
Thanh Hóa cũng đốn trầu cau
Nghệ An thì phải thui trâu mổ bò
Phú Thọ quạt nước hỏa lò
Hải Dương rọc lá giã giò gói nem
Tuyên Quang nấu bạc đúc tiền
Ninh Bình dao thớt Quảng Yên đúc nồi
An Giang gánh đá nung vôi
Thừa Thiên Đà Nẵng thổi xôi nấu chè
Quảng Bình Hà Tĩnh thuyền ghe
Đồng Nai Gia Định chẻ tre bắc cầu
Anh mời khắp nước chư hầu
Nước Tây nước Tàu anh gởi thư sang
Nam Tào Bắc đẩu dọn đàng
Thiên Lôi La Sát hai hàng hai bên
Vợ chồng ăn miếng trầu cay
Phải đâu khách lạ mà kiếm khay xà cừ.
Trầu cau còn đi vào giấc ngủ của con người từ ngày này qua năm khác và hiển nhiên đi vào cuộc sống sinh hoạt của người Việt bằng những câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian, những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu của trai gái. Bên cạnh những “vôi nồng”, “miếng trầu cánh phượng”, “cau bổ bốn bổ ba”, là những “trầu dải yếm dải khăn”, “trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình” là những “trầu tính trầu tình”, “trầu nhân, trầu ngãi”… để rồi thành “trầu mình lấy ta”, “trầu nên vợ nên chồng”…
– “Bồng em mà bỏ vô nôi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An.”
– “Ru con con ngủ cho rồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam phố, mua trầu chợ Dinh.”
Tục ăn trầu còn gắn với phong tục nhuộm răng đen để có những má hồng răng đen tiêu biểu của cái đẹp con gái thuở nào – người thôn nữ má hồng răng đen, một thời đã trở thành hình ảnh làm si mê biết bao chàng trai:
“Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.”
Trầu cau còn trở thành hình tượng của văn học dân gian qua sự tích Trầu Cau – một câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên: cây cau – người chồng, dây trầu – người vợ và hòn đá (vôi) – đứa em trai chồng… Sự tích ấy có tự khi nào không ai biết. Sau này, trong một lần Vua Hùng đi qua, được nghe câu chuyện cảm động đã sai người lấy quả bổ thành miếng nhỏ rồi nhai với lá cây dây leo thì thấy vị cay nồng, nhai thêm với chút bột lấy từ tảng đá thì thấy thơm và môi đỏ thắm. Người bèn đặt tên cho lá cây dây leo là lá Trầu, quả là quả Cau và bột từ phiến đá là Vôi rồi dạy cho dân Việt dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh – em, vợ – chồng. Tục ăn trầu có từ đó và được phổ biến trong dân gian.
Gặp đây ăn một miếng trầu
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
Trầu này em chỉ có công
Từ vua đến chúa còn dùng nữa ta
Ngoài xanh trong trắng như ngà
Vua quan cũng trọng Phật bà cũng yêu
Ăn trầu có ít có nhiều
Rồi ra ta sẽ có chiều thở than.
Bõ công vượt bể băng ngàn
Bõ công bõ sức tay mang khẩu trầu
Nét tài hoa của người Việt còn thể hiện trong việc têm miếng trầu. Nhìn miếng trầu được têm người thưởng thức không chỉ hiểu rõ tình cảm của người mời trầu mà còn đánh giá được sự khéo tay của người têm trầu. G.S Trần Quốc Vượng viết: “Ăn trầu, càng biết được “tính nết” người têm nó. Giản dị hay cầu kỳ. Đậm đà hay nhạt nhẽo, do chất lượng vôi bôi trên lá trầu, và khi có miếng trầu “ở giữa đậm quế hai đầu thơm cay””. Têm trầu là cả một nghệ thuật, nhất là trong lễ cưới có trầu têm cánh phượng có cau vỏ trổ hoa… Tế gia tiên thì trầu têm, còn tế lễ thiên thần thì phải có ba lá trầu phết một tí vôi trên ngọn lá và ba quả cau để nguyên. Khi mời trầu, miếng trầu không chỉ gói gọn trong nó tình cảm nồng thắm mà còn thể hiện cái nết khéo tay, hay mắt của người têm.
Miếng trầu têm để trên cươi
Nắp vàng đậy lại đợi người tri âm.
Miếng trầu kèm bức thư cầm
Chờ cho khách thấy, khách tri âm sẽ chào
Miếng trầu têm để trên cao
Chờ cho thấy khách má đào mới cam.
Miếng trầu têm ở bên Nam
Mang sang bên Bắc mời chàng hôm nay
Miếng trầu xanh rõ như mây
Hạt cau đỏ ối như rau tơ hồng.
Miếng trầu như trúc như thông
Như hoa mới nở như rồng mới thêu.
Trong dân gian, một cơi trầu têm khéo léo có thể nói lên tài hoa của người têm. Qua đó còn phần nào thấy được cả nền nếp giáo dục của gia đình. Chỉ là têm một miếng trầu mà dân gian đã tinh tế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau: trầu cánh phượng, trầu cánh kiếm, trầu mũi mác, trầu cánh quế… Tùy hoàn cảnh, tùy tình huống, miếng trầu được têm theo những cách khác nhau và ý nghĩa tượng trưng của từng kiểu dáng cũng thật rõ ràng.
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu,
Trầu này têm những vôi tàu,
Ở giữa đệm quế, dưới đầu thơm cay.
Chiềng anh xơi miếng trầu này
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng.
Dù chẳng nên vợ nên chồng,
Thì anh cũng biết tấm lòng cho em.
Ngày nay, tuy con người đã tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội – văn hóa, nhưng miếng trầu quả cau vẫn là một phong tục đẹp, thể hiện bản sắc riêng. Ngoài ra, ăn trầu còn cho người ta cảm giác hơi say say, từ đó câu chuyện tâm tình, cởi mở… Ngà ngà đúng lúc, đúng nơi, khi sống nhàn, khi cần thư giãn, khi cần vui chơi, giải trí “sống với” bạn bè. Đó cũng là phép biện chứng “say-tỉnh” của miếng trầu, của cái sự ăn trầu….
Theo tongphuochiep