Dân Việt Nam là dân hữu thần, sống rất gần gũi với Trời. Từ khi chào đời tới khi qua đời, người ta nói rất nhiều tới Trời xanh cao cả trên đầu, qua trời xanh đó, người ta nhận rằng có Đấng tối cao dựng nên trời đất, cai quản vũ trụ, nhất là loài người.

Người ta tin rằng, từng hành động của con người đều có Trời chứng giám, can thiệp. Tiếng ‘Trời’ được phát xuất từ cửa miệng dân chúng hằng ngày qua đời sống cách dễ dàng, lại còn sàng lọc, kết tinh, lưu trữ trong tâm trí con người, trong ca dao tục ngữ như những nguyên tắc đạo hạnh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ nơi người bình dân để rồi âm thầm điều khiển tư tưởng, ngôn ngữ, lối sống của người Việt. Ta có thể tìm thấy những tư tưởng về Ông Trời như sau:

* Trời tạo dựng muôn vật:

Khi nghe chim hót, khi nhìn núi cao, khi thấy sông sâu, khi nhìn cái gai nhọn trên rừng, nhìn trái tròn trên cây, người ta nhận ra Đấng làm ra chúng.

Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
Núi kia ai đắp nên cao, sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Gai trên rừng ai bứt mà nhọn, trái trên cây ai vo mà tròn?

* Trời trông coi, gìn giữ:

– Tin rằng Trời sinh ra con người, sinh ra rồi, Trời không bỏ mặc, nhưng Trời nuôi sống:

‘Trời sinh Trời dưỡng” ‘Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”

Ngày nay, tình trạng sinh sống nhân loại khác ngày xưa, không còn nhiều người quan niệm như câu tục ngữ trên, vì người ta đã không còn tin tưởng mạnh mẽ ở Trời cao như cha ông họ.- Không những Trời sinh ra thân xác con người, qua cha mẹ, mà còn sinh cả tính tình nữa:

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”

– Trong nếp sống gia đình, vợ chồng khuyến khích nhau:

Xin chàng kinh sử học hành,
để em cầy cấy cửi canh kịp người,
mai sau xiêm áo thảnh thơi,
ơn Trời lộc nước đời đời hiển vinh

– Đôi hôn nhân nguyện Trời chứng giám cho mối tình chung thủy:

Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ,
trên bầu trời rộng có mây xanh,
từ ngày chia rẽ em anh,
nước trời còn đó ai đành phụ nhau.

Họ thề thốt trước mặt Trời:

‘Trời cao đất rộng,em vọng lời nguyền,đất trời còn đó,em giữ tuyền thủy chung”

– Khi con người phụ tình, người ta than thở:

Trời ơi có thấu tình chăng, con người nhân nghĩa lai căng mất rồi.

– Gắng tập đức:

Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức trời dành phước cho.

*Ở xởi lởi Trời cởi ra cho, Ở so đo Trời co ro lại.

– Những biến cố của quốc gia, người ta cũng nói đến Trời xui khiến:

Trời ơi sinh giặc làm chi,
cho chồng tôi phải ra đi chiến trường!

Người ta cầu xin cho cuộc chinh chiến thành công:

Lạy Trời cho cả gió nồm,
cho thuyền chúa Nguyễn căng buồm tiến ra (phương Bắc đánh chúa Trịnh?)

– Sự giầu nghèo, bất công, chênh lệch trên đời cũng do tại Trời:

Trời sao trời ở chẳng cân, người ăn không hết, kẻ lần không ra!

*Trời sao trời ở chẳng công,
người ba bốn vợ, người không vợ nào!

– Ngay cả việc cờ bạc họ cũng dám đùa bỡn đổ lỗi cho Trời:

Trời sinh ra kiếp ăn chơi,
sao trời lại ghép vào nơi không tiền?

– Còn muốn hỏi Trời về những xui xẻo do đam mê ngu dại mình:

Bắc thang lên hỏi ông Trời, những tiền cho gái có đòi được chăng?

– Nước Việt thuộc miền nhiệt đới, mưa nhiều, nắng nhiều. Dân Việt hầu hết làm nghề nông, trồng lúa, trồng hoa mầu, nên khi đồng khô cỏ cháy, người ta ngày đêm kêu cầu Trời cho mưa nắng phải thì, mùa màng tốt tươi:

Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,
lấy đầy bát cơm,
lấy rơm tôi thổi,
lấy chổi quét nhà,
con gà nhặt thóc…

Và khi đã có mưa, người ta hân hoan biết ơn, cần cù làm việc:

Ơn Trời mưa nắng phải thì, nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu.

Nhờ trời mưa gió thuận hòa, nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.

– Nhờ ơn Trời mà có cảnh sung túc ấm no:

Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long,
nhờ Trời Hạ kế sang Đông,
làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi,
vụ năm cho đến vụ mười,
trong làng kẻ gái người trai đua nghề,
trời ra: gắng, trời lặn: về,
ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chuyên
Dưới dân họ trên quan viên,
công bình giữ mực cầm quyền cho hay.

Họ biết lợi dụng cả trời nắng cũng như trời mưa:

Trời nắng tốt dưa, Trời mưa tốt lúa

Khi thời tiết thuận hòa cũng như khi gặp cảnh bão lụt mất mùa thường xảy ra trên quê hương:

Bây giờ gặp phải hội này,
khi trời hạn hán khi hay mưa dầm,
khi trời gió bão ầm ầm

– Người ta khiêm tốn ngửa mặt cầu xin:

Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời, đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian

* Người ta quan niệm rằng: Trời là Đấng Tối cao sinh ra con người, hằng quan phòng và nắm quyền thưởng phạt, điều hành vũ trụ cách công minh uy quyền. Trời quyền phép, công bằng, nhưng rất nhân từ: Trời là nguồn ơn và cũng là nguồn khổ. Khi được may lành người ta nói: ‘Nhờ Trời ban’. Khi gặp đau khổ, người ta kêu: ‘Trời ơi!’. Trời sinh ra khác biệt, giầu nghèo…

Trời làm một trận nắng chang, ông hóa ra thằng thằng hóa ra ông.

– Tin rằng Trời luôn nâng đỡ kẻ thiện chí, thành tâm:

Trời nào phụ kẻ có nhân

Nên nhiều khi người ta phó thác cho Trời:

Trời cho, hơn lo làm’.

*Làm trai quyết chí tu thân,
công danh chớ vội nợ nần chớ lo,
khi nên Trời giúp công cho,
làm trai năm liệu bảy lo mới hào,

Trời sinh Trời chẳng phụ nào,
công danh gặp hội anh hào ra tay.

Trời công bằng, nhưng có quan niệm lẫn lộn với niềm tin bên Phật: có quả báo:

Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng, ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy chày

*’Trời đánh thánh vật”

*Đời ông cho tới đời cha,
đời nào khổ cực như ta đời này,
ngoài đồng cắm cọc giăng giây,
vườn nhà đóng thuế vợ gầy con khô,
xâu cao thuế nặng biết chừng mô hỡi Trời

– Con người không thể hiểu số phận bi đát của mình trước cái chết, có khi chưa đáng chết:

Lá vàng đeo đẳng trên cây,
Lá xanh rụng xuống Trời hay chăng Trời.

– Đừng kiêu ngạo:

‘Ếch ngồi đáy giếng coi Trời bằng vung
Cứ trong nghĩa lý luân thường,

Nhưng Trời rất nhân từ:

‘Trời đánh còn tránh miếng ăn”

* Trời nào phụ kẻ có nhân
làm người phải giữ kỉ cương mới màu,

đừng cậy khỏe, chớ cậy giầu,
Trời kia còn ở trên đầu còn kinh

*Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thì giầu, có chí thì nên.

– Đừng xảo trá:

Tin nhau buôn bán cùng nhau,

– Người ta tin ở Trời quan phòng sáng suốt:

Thiệt hơn hơn thiệt, trước sau như lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,

Một nhà ăn uống, tội Trời riêng mang.

– Đừng hoang phí:

‘Phí của Trời, mười đời chẳng có”

*Làm người nên biết tiện tằn,
đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi,
những người đói rách rạc rời,
bởi phụ của Trời làm chẳng có ăn.

Trời xanh có mắt’

Vì thế, người ta quả quyết:

Gẫm hay muôn sự tại Trời’
Coi chừng:
Của trời trời lại lấy đi,
giương hai mắt ếch làm chi được Trời.

– Người ta thường nói:

‘Chê của nào, Trời trao của ấy”

– Nhìn nhận Trời cao cả:

Đèn trời trời sáng 4 phương, đèn tôi tôi sáng đầu giường nhà tôi.

Người ta xin:

Đêm đêm ra thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Thái độ phó mặc:

Trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có nón trời chừa tôi ra

Tiến đến nhận biết chính xác hơn:

Xưa kia chỉ biết kêu trời,
mà nay đã biết gọi Trời là Cha,
trần gian chẳng phải là nhà,

đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

Và người ta thờ Trời. Trời đây có người nghĩ là trời xanh, nhưng cũng có nghĩa là Đấng linh thiêng, Đấng tối cao:

Dù ai nói ngược nói xuôi,
ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng

*’Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”

* Cũng nên biết thêm về quan niệm Ông Trời của người Việt thời xưa:

‘Ngày xưa, trước tất cả mọi sự đã có ông Trời, Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả: Loài người, muôn vật, cỏ cây… Từ mặt trời mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên’

‘Trời có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời’

‘Trời cũng có vợ gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà cãi mắng nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Mỗi lúc Trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian thì giáng xuống thiên tai, bão táp, lụt lội, hạn hán…’

‘Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời, và chỗ giáp với đất ấy là chân trời. Trời vô hình không nói, nhưng người ta tin là ở đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định’

‘Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng gọi là Ngọc Hoàng’

Tranh minh họa: Tôn Bùi.

Hoàng Trọng Miên

Trích:Việt Nam Văn Học Toàn Thư I