Theo sách Khảo công đồ ký một nhạc khí bằng đồng phải đảm bảo 17% thiếc trong hợp kim đồng, nhưng đằng này trống đồng Đông Sơn loại I Heger tỷ lệ thiếc chỉ có 0,5%, còn tỷ lệ chì thì cao đến 25% mà chì thì làm câm tiếng lại. Do đó trống đồng không chỉ của Đông Sơn ở Việt Nam mà của cả vùng Đông Nam Á là vật “thiêng”. Còn ai nói trống đồng là một nhạc khí là nguỵ biện, nhai lại lời của Mã Viện, kẻ rắp tâm phá nát nền văn hoá tâm linh vật “hèm” (trống đồng) của người Lạc Việt1.

Lạc Việt là một khái niệm rất rộng, bởi đó là tổ tiên chung của cư dân nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày – Thái, Môn – Khơ me. Người Lạc Việt từ thiên kỷ thứ IV đến thứ I trước công nguyên có địa bàn cư trú từ bờ nam sông Trường Giang (nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc) đến phía Nam, tận các Hải đảo của nhóm cư dân nói tiếng Môn – Khơ me, trong đó trung tâm là người Lạc Việt. Từ trên quê hương rộng lớn ấy, đã sản sinh ra nền văn minh trống đồng, cho nên hiện thời giới khảo cổ học đã khai quật loại cổ vật ấy ở các di chỉ, đến nay số lượng phát hiện được, đã lên đến gần 3000 chiếc, được trưng bày ở các bảo tàng trong khu vực.

Mỗi dân tộc trong cộng đồng người Lạc Việt (Bách Việt) đều đã đóng góp trí tuệ, công sức của họ trong việc tạo dựng nên nền văn minh Đông Sơn, trong đó đặc biệt là biểu trưng vật linh trống đồng.

Trong thời tiền sử, mỗi dân tộc đều có một vật “thiêng”, tượng trưng cho văn hoá tâm linh của dân tộc mình và quyền uy của tù trưởng. Có tộc vật “thiêng” là chiếc gậy, có tộc vật “thiêng” là cái mũ (ví dụ chiếc “gậy” và “nón” của Chử Đồng Tử – Giao Chỉ), hoặc với người Thiên chúa giáo vật “thiêng” cao nhất là Kinh thánh, vật “thiêng” thứ đến là Thánh giá. Còn vật “thiêng” cao nhất của người Lạc Việt là “hèm” trống đồng.

Ở người Lạc Việt, Giao Chỉ là vật “hèm” Ngọc Lũ (hình 1), vật “thiêng” thứ đến là “ấn” đồng có viền dây Tơ hồng xung quanh (hình 2), vật “thiêng” của nhóm ngôn ngữ Tày – Thái là trống đồng loại II chăng, trong phân loại trống đồng của Heger.

Fr.Heger tác giả người Áo (1902) đã phân trống đồng làm bốn loại, ký hiệu: I-II-III-IV La Mã. Việc phân loại đó của ông, cho đến nay vẫn còn giá trị, vì thế khi nói về các loại trống này, thì tên ông được ghi kèm theo từng loại trống.

Để tiến hành phân loại, Heger đã khảo tả chi tiết về các yếu tố: kết cấu hình dáng và hình ảnh các motif hoa văn trang trí trên từng trống đồng (144 chiếc ở các Bảo tàng của các nước châu Á và châu Âu đương thời) theo đó ông coi trống đồng loại I xuất hiện đầu tiên, ở miền Bắc Việt Nam2.

Việc Fr.Heger coi trống đồng loại I xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam từ thời cổ đại, sau này (1983) tương đồng với ý kiến đó và còn nâng lên thành vật “thiêng” biểu trưng quyền uy của một tôn giáo, đó là nhà học giả người Australia H.Loofs-Wwiosowa với thuyết “Biểu chương vương quyền”, coi trống đồng là vật tượng trưng cho quyền lực hợp pháp. Ông cho rằng, có một quyền uy tôn giáo tồn tại ở Bắc Việt Nam thời cổ, tương tự với quyền uy của giáo hoàng ở phương Tây. Theo ông các tù trưởng bộ lạc ở nhiều vùng Đông Nam Á cổ đã cử sứ bộ đến Bắc Việt Nam để xin ban các trống đồng mà với chúng, họ có thể làm vua hợp pháp3.

Vào thời đó trong 15 bộ của nước văn Lang – Giao Chỉ đã có bộ lạc của nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Tuy nhiên nếu bộ lạc của nhóm ngôn ngữ Tày – Thái nào đó mà ở xa, không nằm trong nước Văn Lang của Vua Hùng thì các tộc trưởng cử sứ bộ đến nước Văn Lang để xin trống đồng, hoặc vua Hùng cho đưa mẫu về đúc tại quê hương của bộ tộc nhóm Tày – Thái đó. Điều này giải thích tại sao có sự thống nhất về nhiều yếu tố của mẫu hình trống đồng, còn tính dị biệt thì không đáng kể, ngoài ra còn hàm nghĩa sâu kín ẩn tàng trong hoa văn trống đồng Ngọc Lũ. Đó là điểm khởi nguyên của văn minh trống đồng.

Vật “thiêng” (Tabu) tiếng Thái gọi là “căm dăm” là vật linh thiêng huyền bí, bí hiểm, điều không được nói ra, động đến thánh thần. Không phải dễ để ai cũng biết được nội dung. Muốn biết (nội dung) phải thông qua thần chú của thày mo.

Tâm thức về vật “thiêng” trống đồng của nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, thì trống đồng là vật linh biểu trưng quyền uy của tộc trưởng, hồn thiêng của dân tộc. Người Thái ở Việt Nam nhiều vùng như Sơn La, Điện Biên vẫn chôn giấu trống đồng của dòng tộc, sau ngày hoà bình thống nhất đất nước, họ mới đào trống đồng lên, đưa vào Bảo tàng…

Tất nhiên ngày nay đi tìm lịch sử chế tác trống đồng ở từng tộc người, có tổ tiên chung là người Lạc Việt, thì hẳn không có tư liệu thành văn nữa. Bởi trải một ngàn năm Bắc thuộc, bản sắc văn hoá của người Lạc Việt đã bị nền văn minh phương Bắc đồng hoá, còn những cứ liệu số thì bị tịch thu, số thì bị tiêu huỷ… Vì thế ngày nay chúng ta chỉ căn cứ vào những hiện vật trống đồng, do giới khảo cổ phát hiện được qua khai quật ở từng tộc người, cộng thêm một số ít ỏi cứ liệu trong thư tịch cổ Trung Quốc… Để từ đó, người viết phỏng đoán chắp nối, rồi đưa một số phác đồ về việc chế tác trống đồng của từng cư dân trong cộng đồng di duệ xưa kia có chung tổ tiên với người Lạc Việt.

Tư liệu ở đây, trích trong công trình Giải mã hoa văn trống đồng là kết quả của nhiều năm nghiên cứu văn hoá Đông Sơn của chúng tôi. Tư liệu này nói việc chế tác trống đồng ở người Lí, người Lão trong nhóm cộng đồng ngôn ngữ Tày – Thái, đựơc ghi trong sách Quảng Châu ký của Bùi Thị (Trung Quốc) – người Lý tức là người Lự ngày nay là người Lão nay là người Lào (Cầm Trọng)

Sách Quảng Châu ký của Bùi Thị xuất hiện vào khỏang 420-487 sau công nguyên nói việc người Lý người Lão ở thế kỷ III công nguyên đúc đồng làm trống. Sách hiện nay đã thất truyền, chỉ còn lại những đoạn dẫn, để chú giải cho Hậu Hán thư và được bảo quản trong văn bản Hậu Hán thư. Đoạn văn trong sách Quảng Châu ký được dịch như sau:

Người Lý người Lão đúc đồng làm trống. Trống lấy cao lớn làm quý, mặt trống hơn một trượng (khoảng 0,90m). Lúc mới đúc xong, treo trống ở sân, buổi sáng bày rượu mời đồng loại đến. Người đến đầy cửa, con trai con gái nhà hào phú lấy vàng bạc làm thoa lớn, cầm thoa gõ trống, gõ xong để lại cho chủ nhân4 – nguyên bản Hán văn như sau:

Lý Lão trù đồng, vi cổduy cao đại vi quý, diện khoát trượng dư sơ thành huyền ư dình khắc thần trí tửu chiếu chỉ đồng loại lai giả doanh môn hào phú, tử nữ dĩ kim ngân vĩ đại thoa chấp dĩ khấu cổ khấu cánh lưu dĩ chủ nhân dã”.

Tư liệu này chỉ rõ người Lý – Lão đúc trống đồng là hoàn toàn phù hợp với bốn chữ “trống đồng Lạc Việt” trong sách Hậu Hán thư, nói việc Mã Viện lấy trống đồng Lạc Việt ở Giao Chỉ đưa về nước đúc ngựa đặt trước cửa điện Tuyên Đức.

Sách Quảng Châu ký cung cấp thêm cho chúng ta hai cứ liệu quan trọng. Thứ nhất, trống đồng càng lớn càng quý, mặt rộng tới một trượng, đó là loại trống đồng lớn. Thứ hai ghi lại lễ khánh thành trống đồng, đó là việc treo trống trước sân, mở tiệc rượu, mời dân chúng đến rất đông, con nhà hào phú dùng thoa bằng vàng, hoặc bằng bạc ấy cho nhà chủ. Ở đây chủ nhân và khách đều là bậc hào phú, quan lại, tầng lớp trên của người Lý người Lão5.

Có thể, chỉ cần dẫn việc chế tác trống đồng của người Lý người Lão, chúng ta liên hệ đến việc chế tác trống đồng của các dân tộc khác trong đại cộng đồng Lạc Việt, cư trú trên một vùng đất rộng lớn xưa kia, từ bờ sông Dương Tử (nay ở Trung Quốc) – đến các quần đảo phía Nam – cư dân ngôn ngữ Môn Khme.

Theo nhà học giả Phạm Huy Thông: văn hoá khảo cổ Đông Sơn đã được chứng minh là thuộc thời đại đồng và thời đại sắt sớm – trải dài 2500 đến 2000 năm từ khoảng thiên kỷ III trước công nguyên, cùng với trung du sông Hồng là “trục trung tâm: cương vực trải phía Nam xa đến đèo Hải Vân tận xứ Quảng không xa hồ Động Đình, gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng ngày nay của Trung Hoa… Văn hoá Đông Sơn phát triển một thời với sức sống mãnh liệt ở hai bên “trục” sông Hồng ấy6.

Điều đặc biệt của người vùng này là tâm thức về “đôi rắn quấn nhau nuốt voi” (hình 3)7 tức là hình ảnh về dây “Tơ hồng” của người Kinh (hình 4) và dây “Xai Peng” của người Thái (hình 5). Họ lấy đó làm hình ảnh biểu trưng sức mạnh của dân tộc: ở chỗ đoàn kết, gắn bó chung lưng đấu cật thì sẽ làm nên tất cả và lấy đôi vợ chồng làm tiêu chí – với câu ca:

Thuận vợ thuận chồng
Tát bể đông cũng cạn

Thuận bè thuận bạn
Tát cạn bể đông

Khi vợ chồng đã “thuận” thì bể Đông còn tát cạn, huống hồ nuốt một con voi thì chẳng thấm vào đâu, hoặc thuận bè thuận bạn thì cũng tát cạn bể Đông… Đó là tâm thức của người phương Nam – Bách Việt, trong đó người Việt Giao Chỉ là Trung tâm8.

Trống đồng xuất hiện trong vành đai văn hoá của “Trục” Sông Hồng ấy. Có điều loại trống địa phương nào có trước, loại trống địa phương nào có sau (xem sách “Giải mã văn hoá trống đồng” của chúng tôi sắp công bố).

“Trống đồng” là dịch từ chữ “đồng cổ” của Trung Quốc, do tướng Mã Viện nguỵ tạo ra, khi y đưa quân sang Giao Chỉ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40-43 sau Công nguyên9. Trong cuộc đàn áp đẫm máu đó, Mã viện đã bắt trên 300 Cừ soái, Lạc tướng của cuộc khởi nghĩa đày sang Ling Lăng và tịch thu hết vật “thiêng” (trống đồng) là tỏ lòng thuần phục (quan niệm xưa). Điều đó chứng tỏ “vật thiêng” (trống đồng) gắn liền với Cừ soái, Lạc tướng là lực lượng lãnh đạo Việt tộc hoá Hán: Trống đồng biểu tượng cho linh hồn và quyền uy của nước Văn Lang – Giao Chỉ, là vật linh hiệu triệu dân tộc đứng lên chống ngoại xâm.

Mã Viện nhận thấy giá trị tâm linh của loại cổ vật này, cho nên y thực hiện một loạt các biện pháp nhằm làm mất tính tâm linh của loại cổ vật ấy. Trước hết là cấm người Lạc Việt – Giao Chỉ sản xuất, tàng chữ vật “thiêng” (trống đồng). Thứ đến y gọi loại vật linh ấy là “đồng cổ” – một nhạc khí, ngoài ra còn cổ vũ cho việc đúc và đánh trống đồng trong những quan lại của các quận ở vùng Lưỡng Quảng (nay bên Trung Quốc) cho nên ngày nay ở bên đó người ta mới có tiết mục biểu diễn trống đồng: hai người khiêng, một người đánh, như kiểu một tiết mục đánh trống da của người Việt. Thứ ba, khi về nước Mã Viện dùng số trống đồng cướp được ở Giao Chỉ đúc ngựa, đặt trước cửa điện Tuyên Đức với thâm ý: Loại linh vật của Lạc Việt chỉ như con ngựa cho Hán Đế cưỡi (D.Đ.MS).

Việc một ngàn năm Bắc thuộc nền văn minh Đông Sơn, tiêu biểu là trống đồng của người Lạc Việt – Giao Chỉ nói riêng và nền văn minh của cộng đồng Lạc Việt nói chung, trong đó ngôn ngữ Tày – Thái còn phải li hương, cho nền văn hoá của họ cũng chịu chung số phận bị đồng hoá theo nền văn minh phương Bắc. Ngày nay, chúng ta tìm lại dấu tích cái “thần” của nền văn hoá cội nguồn, của anh linh Tiên tổ ngàn xưa, trong đó trống đồng Đông Sơn là báu vật, mà tiêu biểu là trống Ngọc Lũ.

Trống Ngọc Lũ – kiệt tác có một không hai của nhân loại – kết tinh nên văn minh Đông Sơn – Lạc Việt – hun đúc hào khí anh linh sông núi – quốc huy nước Văn Lang – biểu chương vương quyền của Vua Hùng – bức thông điệp bằng ký hiệu mật mã ghi trên lớp đồng thau không han rỉ – gửi các dân tộc anh em gần xa đương thời và truyền lại cho muôn đời hậu thế.

Nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn viết: Tổ tiên ngàn xưa muốn nói gì khi khi chạm khắc những hình người và động vật, những hoa văn trang trí trên trống đồng? Đó là những bức tranh hiện thực, những đường nét mang tính chất thẩm mỹ đơn thuần hay những hình tượng đã được mật mã hoá chứa đựng những ý nghĩa sâu kín, có thể liên quan đến tôn giáo hay lịch pháp? Công việc giải mã thứ ngôn ngữ đó tất nhiên không phải dễ dàng10.

Ông viết tiếp: Đi tìm cội nguồn của kỹ thuật và nghệ thuật của trống đồng, không phải chỉ là bảo vệ niềm tự hào của quê hương trống đồng, mà còn để bác bỏ những luận thuyết muốn tìm nguồn gốc trống đồng cũng như nền văn minh Đông Sơn ngoài biên giới Việt Nam.

Một báu vật (Ngọc Lũ), hàm ẩn tâm linh do Tổ Tiên của người Lạc Việt Giao Chỉ tạo ra từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên, nhưng đã hai ngàn năm nhận thức sai về bản chất của “Vật linh” này. Nay khoa học vật lý và khoa học nhân văn đã tìm ra bản chất của nó. Lẽ nào chúng ta lại cứ theo vết sai cũ cứ gọi “trống đồng” và sử dụng nó như một nhạc khí mãi. Vậy giải pháp đưa ra vật “hèm” “Hùng Linh” vào đúng vị trí tâm linh mà Tiên Tổ từng tôn thờ như sau:

– Nay gọi trống đồng là “Hùng Linh” – Hùng Linh ở đây có hai nghĩa. Thứ nhất: “Hùng Linh” là Vật linh do Vua Hùng tạo ra, thứ hai, “Hùng Linh” – thì “Hùng” là hùng khí, còn “Linh” là anh linh sông núi, hồn thiêng dân tộc tụ hội lại. 2) Trong lễ hội đền Hùng và ở các nơi khác không dùng chày “giã” vào “Hùng Linh” (trống đồng) như lâu nay đã làm nữa. 3) “Hùng Linh” (trống đồng) là vật biểu tượng quyền uy của Vua Hùng và các Lạc Hầu, Lạc Tướng đứng đầu trong 15 bộ nước Văn Lang. Do đó “Hùng Linh” (Ngọc Lũ) phiên bản sẽ đặt sau lư hương thờ Vua Hùng ở trên đền Hùng và thờ ở các đình, đền, lớn của cả nước. Hoặc các bộ phim có nhân vật là Vua, chúa và các quan nghè thì sau chỗ ngồi của họ đều có “Hùng Linh” (các loại) phiên bản. 4) Ngày nay ở các dinh thự – vị trí tiếp khách quốc tế của Nhà nước ta đều có biểu tượng “Hùng Linh” (Ngọc Lũ) đặt sau bàn giữa: một bên chủ, một bên khách.

Nếu thực hiện được bốn điều trên thì dần dần, độ 20 năm sẽ đưa vật “Hùng Linh” trở lại vị trí tâm linh của nó, mà Tổ Tiên người Lạc Việt đã tạo ra.

Tóm lại, ngày nay chúng ta, con cháu làm công tác văn hoá văn nghệ, tỏ lòng biết ơn Tiên Tổ, không gì bằng gìn giữ nền văn hoá của Tổ Tiên để lại, và làm cho nó sáng ra, đẹp thêm như lời Bác Hồ dạy trong Đại hội văn công tại Hà Nội năm 1957.


  1. Dương Đình Minh Sơn: Trống đồng vật linh hay nhạc cụ. Thông báo khoa học Viện âm nhạc số tháng 8 năm 2004 tr 48-59.
  2. Heger: Những chiếc trống kim khí ở Đông Nam Á (chữ Đức), Lai xích, Bản photo gốc do Tiến sĩ Ngô Thế Phong, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cung cấp.
  3. H E Loofs Wwiosowa: The distribution of Dong Son drums: somes thoughts in Peter Snoy (cd) Ethnologie und Geshicte (Sự phân bố của trống Đông Sơ n: vài suy nghĩ ) trong Perter Snoy (chủ biên) “Dân tộc học và lịch sử” Wiessbaden 1983 tr410-417, dẫn theo Lịch sử tưởng Việt Nam, Sđ d, tr.61
  4. Dẫn theo Nguyễn Duy Hinh: Trống đồng trong sử sách, Tạp chí Khảo cổ học, số 13/1974, tr.18-
  5. Phạ m Huy Thông: Lời giới thiệu trong sách Dong Son Drumss in Viet Nam, Trung tâm xã hội quốc gia, Nxb Khoa học xã hội, H.1999, tr.272
  6. Dương Đình Minh Sơn: Dây tình người Thái (Dây tơ hồ ng), Tạp chí Dân tộc học và thời đại, số 30/1996, tr.2-3
  7. Dương Đình Minh Sơn: Đôi rắn quấn nhau nuốt voi là hình nh của dây Tơ hồng, Thông báo khoa học Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam số 1 năm 2002, tr.115-119
  8. Lê Chí Thiệp, Kinh Dị ch nguyên thuỷ , Nxb Vă n họ c, 1994.
  9. Dương Đình Minh Sơn, Hình nh “giã“ trố ng đồng không có trong sử sách, Tuần báo Người Hà Nội, Số 32/6/2004, tr.2.
  10. Hà Văn Tấn: Theo dấu các v n hoá cổ , Trung tâm Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học, Nxb Khoa họ c Xã hội, Hà Nội, 1998, tr 638.

Dương Đình Minh Sơn