Hồi nhỏ, cứ vào ngày Lễ Thất tịch thì ai cũng có dịp được nghe mẹ và bà kể câu chuyện thần thoại về Ngưu Lang và Chức Nữ. Tuy nhiên ngày nay, Lễ Thất tịch đã trở thành ngày lễ của những cặp tình nhân, trong khi ngày “lễ tình nhân” thực sự lại là một ngày khác. Vậy tại sao lại có sự thay đổi này?

Ngưu Lang – Chức Nữ: Câu chuyện ai cũng được nghe mẹ và bà kể vào ngày Lễ Thất tịch. (Ảnh: Pinterest)

Lễ Thất tịch không phải là ngày “lễ tình nhân” thực sự

Theo truyền thuyết dân gian, tiết Thất tịch là ngày lễ dùng để thể hiện tình cảm “không bao giờ chia cắt, bên nhau đến bạc đầu” giữa người nam và người nữ đã kết hôn, tuân theo lời hứa giao duyên giữa hai bên, chứ nó không phải dùng để thể hiện cảm xúc của những người đang yêu nhau hoặc những người sắp kết hôn, vì vậy nói “Thất tịch” là “Ngày lễ tình nhân” cũng không thích hợp.

Nếu như phải đề cập đến một lễ hội gần giống với ngày lễ tình nhân của phương Tây, thì Tết Nguyên tiêu có khi lại giống hơn.

Thiếu nữ thời xưa không được tùy ý đi chơi, nhưng vào ngày Tết Nguyên tiêu thì có thể kết bạn giao du, các đôi nam nữ chưa chồng có thể mượn cảnh ngắm đèn lồng để tìm cho mình ý trung nhân.

Trong số những bài thơ lưu truyền qua các thế hệ, có nhiều bài thơ đã mượn Tết Nguyên tiêu để bày tỏ tình yêu, như Âu Dương Tu thời Bắc Tống đã từng viết: “Tết Nguyên tiêu năm nay, vẫn trăng sáng và đèn, chẳng thấy người năm ngoái, lệ rơi đầy áo xuân”.

Trong “Sinh Tra Tử” của Âu Dương Tu viết: “Đêm Nguyên tiêu năm ngoái, chợ hoa sáng như ban ngày; liễu rủ che mặt trăng, người hẹn hoàng hôn sau”. Phần sau của “Thanh Ngọc án” của Tân Khí Tật cũng viết: “Tìm kiếm trong đám đông. Chợt ngoảnh đầu lại, người khuất trong bóng mờ mờ.. ”. Câu nói đó chính là để miêu tả tình huống gặp gỡ của đôi tình nhân trong đêm Nguyên tiêu.

Mà trong vở hí khúc truyền thống cũng kể về Trần Tam và Ngũ Nương đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên khi ngắm nhìn những chiếc đèn lồng trong ngày Tết Nguyên tiêu. Nhạc Xương Công chúa và Từ Đức Ngôn cũng chính là trong đêm Nguyên tiêu mà được đoàn tụ. Trong “Nguyên tiêu mê”, Vũ Văn Ngạn và Ảnh Nương cùng đính ước trong đêm Nguyên tiêu, và bậc thầy của Kinh kịch Tuân Tuệ Sinh trong “Nguyên tiêu mê” cũng bàn luận về tình yêu giữa nam và nữ.

Vào Tết Nguyên tiêu thời xưa các đôi nam nữ chưa chồng có thể mượn cảnh ngắm đèn lồng để tìm cho mình ý trung nhân. (Ảnh: Pinterest)

Như vậy, có thể suy ra rằng Tết Nguyên tiêu mới chính là “Ngày lễ tình nhân” thực sự của phương Đông, chứ không phải là tiết Thất tịch như mọi người thường nghĩ.

Tiết Thất tịch trong tiến trình lịch sử chuyển dần thành tình yêu nam nữ

Trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, “Trọng Nhật” được coi là ngày “thiên địa giao cảm”, “thiên nhân tương thông”. Người cổ đại xem những ngày 1 tháng Giêng, 2 tháng 2, 3 tháng 3, 5 tháng 5, 6 tháng 6, 7 tháng 7, 9 tháng 9 liệt vào “thất trọng”, được coi là những ngày tốt lành.

Tiết Thất tịch cũng bắt nguồn từ tục thờ sao, theo nghĩa truyền thống là ngày sinh của 7 nàng tiên. Lễ thờ “Thất tỷ” được tổ chức vào tối ngày 7/7, do đó có tên là “Thất tịch”.

Tiết Thất tịch còn được gọi là Thất Xảo tiết, Thất Tỷ tiết, Nữ nhi tiết, Khất xảo tiết, Thất nương hội, thất tịch tế, Xảo tịch…. Đây là lễ hội truyền thống có nhiều biệt danh nhất ở Trung Quốc. Hai chòm sao Ngưu Lang, Chức Nữ là tượng trưng cho nghề nông và dệt vải, sau đó lại được chuyển thành câu chuyện thần thoại vào thời nhà Hán. Hán Vũ Đế ở Trường An từng chế tạo một cặp tượng Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn còn đó cho đến ngày nay.

Thất tịch đã dần trở thành lễ Khất Xảo Tiết lấy Ngưu Lang và Chức Nữ làm bối cảnh, bắt đầu từ thời Đông Tấn, hưng thịnh vào thời nhà Đường, cường thịnh vào thời Tống Nguyên, phong phú vào các triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Ngay từ thời đầu Nam Bắc triều, phong tục của “tiết Thất tịch” đã được hình thành: tạo dựng các tòa nhà kết bằng lụa, các cô gái bày biện hoa quả trong các tòa nhà đó, thắp hương cúng tế 2 sao Chức Nữ và Ngưu Lang, xin Chức Nữ ban cho mình “sự khéo léo”; và tổ chức cuộc thi xỏ kim bảy lỗ dưới ánh trăng; Nếu như có con nhện đan lưới trên trái cây được sử dụng để thờ cúng, thì điều đó cũng đồng nghĩa với sự tốt lành sẽ kéo dài mãi mãi.

Vào ngày Thất tịch, bất kể là phi tần hay nữ nhân thường dân, đều thực hiện nghi lễ xâu kim để “cầu xin sự khéo léo”. (Ảnh qua Weibo)

Khất xảo: Ghi chép sớm nhất về phong tục “Khất xảo” trong tiết Thất tịch là trong “Tây Kinh Tạp Ký” của Cát Hồng thời Đông Tấn: “Phụ nữ Hán thường xỏ kim bảy lỗ ở Khai Khâm lầu vào ngày 7/7, điều này ai cũng biết”. 

Thôi Hạo, một thi nhân triều Đường cũng có câu “Thành Trường An trong đêm trăng tập luyện, đêm nay mỗi nhà đều cầm kim khâu”, chính là để miêu tả về ngày Thất tịch, bất kể là phi tần hay nữ nhân thường dân, đều thực hiện nghi lễ xâu kim để “cầu xin sự khéo léo”.

“Khất xảo” thực ra là một cuộc thi tranh tài khéo léo. Đó là cuộc thi dưới ánh trăng dành cho những cô gái chưa chồng. Ai xỏ được bảy lỗ kim trong một lần thì được gọi là người khéo, cô gái thua cuộc phải tặng quà cho cô gái thắng cuộc.

Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh, còn có hoạt động ném kim trong ngày Lễ Thất tịch, kim thêu được ném vào trong bát nước, nếu nó nổi trên mặt nước, và có bóng kim dưới đáy nước thì được xem là một cô gái giỏi thêu thùa.

Hỉ Chu: Con nhện cũng được ví như Chức Nữ, vào thời Nam Bắc triều đã khởi phát một phong tục, đó là bỏ nhện vào trong hộp, cứ 2 ngày xem mạng nhện, nếu con nhện giăng mạng dày đặc thì người đó được xem là rất “khéo”.

Sinh Xảo Nha: Chính là 7 ngày trước khi diễn ra lễ Thất tịch, thì các cô gái sẽ dùng đậu xanh, đậu nành hoặc đậu Hà Lan để trồng giá đỗ. Đến ngày Thất tịch, nếu giá đỗ của ai được cao và đẹp mắt hơn thì đó là một cô gái khéo.

Do Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn nên phong tục trong lễ Thất Tịch ở nhiều vùng cũng khác nhau, ví dụ như Quảng Đông gọi lễ Thất tịch là Thất tỷ đản. Tương truyền rằng, có 7 nàng tiên từng nấp trong quả nhãn phượng để tránh hổ, cho nên dân chúng đã lấy quả này làm đồ cúng trong tiết Thất tịch.

Ở Quảng Tây, lễ Thất tịch phải xuống sông ngâm mình, bởi vì truyền thuyết kể rằng 7 nàng tiên đã tắm trong hồ nước khi họ xuống trần gian; Vào lễ Thất Tịch ở miền nam Phúc Kiến và Đài Loan, những đứa trẻ 15,16 tuổi được làm lễ trưởng thành, và phải bái lạy phụ mẫu đang ngồi trên giường.

Thất tịch cũng có ảnh hưởng đến các nước châu Á lân cận, như Nhật Bản, Việt Nam và Bán đảo Triều Tiên… đều có Lễ Thất tịch.

Vì truyền thuyết tình yêu “Ngưu Lang và Chức Nữ”, Lễ Thất tịch đã dần thay đổi từ “Ngày lễ của các cô gái” thành lễ hội tượng trưng cho tình yêu. (Ảnh qua Pinterest)

“Lễ Thất tịch” vốn là lễ hội dành cho phụ nữ vào thời cổ đại, trong quá trình phát triển và thay đổi của lịch sử, tình yêu nam nữ cũng được lồng ghép vào trong đó, đó cũng là phản ánh cho sự khao khát và mong muốn theo đuổi những cảm xúc đẹp đẽ và chân thành của con người.

Vì truyền thuyết tình yêu “Ngưu Lang và Chức Nữ”, Lễ Thất tịch đã dần thay đổi từ “Ngày lễ của các cô gái” thành lễ hội tượng trưng cho tình yêu. Đây được coi là lễ hội truyền thống lãng mạn lớn nhất ở phương Đông và đến đương đại nó mới đần mang hàm nghĩa văn hóa là “Ngày lễ tình nhân”.

Tuệ Tâm (Theo Secretchina)

tinhhoa