Đối với dân Nam kỳ lục tỉnh thời Pháp thuộc, cứ hễ dân công chức, có ăn có học thời người ta gọi là thầy Hai, người Hoa buôn bán là chú Ba, đại ca giang hồ là anh Tư, lưu manh thời là anh Năm… người lao động nghèo xếp thứ Tám, chị em ta buôn bán “vốn tự có” thứ Chín…
Dân công chức tân thời tức các “Thầy” làm việc cho chánh quyền thời Pháp thuộc được cho là giới “cao cấp” nhứt trong xã hội, vì họ là dân có học, họ đại diện pháp luật tiếp xúc với người dân, họ là cầu nối giữa nhơn dân và chánh quyền sở tại, đó chánh là các vị được gọi là : Thầy Hai, Thầy Thông, Thầy Ký, Thầy Kiện trong đó có từ “Thầy Giáo” . Những ngôn từ này hay xuất hiện trong truyện Hồ biểu Chánh hay bất kỳ tác phẩm văn học miền Nam xưa.
Sau này đa số người dân không còn gọi theo cách đó nữa mà thay thế cách gọi đó bằng những cái tên mới theo từ điểnngày nay , thí dụ:
– Thầy Thông tức người Thông Ngôn, thời xưa người ta hay gọi là Thầy Thông Ngôn sau này gọi là Phiên Dịch Viên, hay Thông Dịch Viên
– Thầy Ký tức Thư Ký , nói chung những người làm việc trên bàn giấy ghi chép sổ sách, sau này tùy phận sự mà họ gọi bằng những tên gọi khác nhau
– Thầy Kiện, tức người lo chuyện cãi luật cho thân chủ trên pháp đình, sau này còn gọi là Trạng Sư, và bây giờ gọi là Luật Sư
– Thầy Giáo: tức người có ăn học và có trách nhiệm lo về giáo dục dạy dỗ con nít, truyền đạt kiến thức cho mọi người, chữ “Thầy” trong đó được xếp thứ bậc cao nhứt trong xã hội hiện đại.
Trước đó thì gọi là “Thầy Đồ” , tức Nho sanh ( đêu là nam nhơn vì nữ nhơn thời phong kiến ít ai được học hành tử tế trừ con nhà quan lại giàu có, mà mấy cô có học cũng không có nữ nhơn nào ra làm “thầy”), những Nho sanh này từng đỗ ba kỳ tú tài nhưng chưa đủ cao để được nhà nước quân chủ và phong kiến bổ làm quan, họ tạm kiếm sống bằng những nghề dạy học con nít, Trong thời chuyển đổi sang tân học, học chữ Quốc ngữ mà không còn học chữ Hán nữa, những người thay thế những ông thầy đồ nối tiếp ngành giáo dục được gọi là “Ông Giáo” hay “Thầy Giáo”.
Còn những ông đồ vào thời đó do không có việc làm đã sinh sống bằng nghề viết chữ thuê, như trong bài thơ “Ông đồ” của ông Vũ Đình Liên.
Ngày nay từ “Thầy Giáo” vẫn còn sử dụng nhưng chỉ dùng để gọi xưng hô, hễ Nam thời gọi là Thầy giáo, còn Nữ thời gọi là Cô giáo, đa số bây giờ họ gọi chung những người làm công tác giáo dục là Giáo Viên
Xã hội ngày nay còn rất nhiều người “Thầy” có tâm với nghiệp giáo dục nhưng đâu đó vẫn còn một số đông đội trên người lớp áo “Thầy đồ” nhưng lại chưa tỏ được ý nghĩa , giá trị của chữ ” Thầy ” không chỉ cao quý trong ngành giáo dục mà cả ngoài xã hội , một cấp bậc danh dự nhứt trong xã hội đã hình thành từ hơn 100 về trước.