Nhạc sĩ Văn Giảng (tức Thông Đạt, Nguyên Thông, Nguyên Đàm & Tiến Tài, Anh Phương & Nguyên Diệu) của “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”, “Lục quân Việt Nam”, “Mừng ngày Đản sanh”… tên là Ngô Văn Giảng, sinh năm 1924, kém ba tôi bốn tuổi. Nhưng không chỉ nhà tôi, cả xóm đều kính trọng gọi là “bác Giảng” dù khi cả nhà dọn về ở cạnh nhà tôi từ năm 1969, bác mới 45 tuổi. Ba tôi quý mến, thỉnh thoảng nói mẹ tôi sang mời bác dùng cơm trưa. Bác cười nhẹ nhàng nhận lời và ăn uống chừng mực, rất thanh nhã, điềm đạm.
Chưa tới 50, tóc bác đã khá lơ thơ, nhưng da dẻ, khuôn mặt bác hồng hào đẹp lắm; cười và ăn nói luôn nhỏ nhẹ và chậm rãi, đúng một vị giáo sư khuôn mẫu. Khi ở cạnh nhà tôi, bác là giáo sư dạy nhạc ở trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM), hoạt động ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình Sài Gòn và soạn hòa âm cho hai hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc.
Bộ Văn hóa – Giáo dục và Thanh niên Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm nhạc sĩ Văn Giảng làm trưởng Phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, phụ trách học vấn các trường âm nhạc ở Sài Gòn, Huế và Cao đẳng Mỹ thuật. Trước đó, ông là giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Mậu Thân 1968 nổ ra, nhiều người Huế thiệt mạng, trong đó có bạn thân của ông là Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa. Dù yêu Huế đến thắt ruột thắt gan, ông và gia đình như một số gia đình Huế khác vẫn đành phải cắn răng chia tay Huế, chia tay “Từ Đàm quê hương tôi” vô Sài Gòn.
Nói cắn răng là thật, vì trước đó, Sài Gòn từng là nơi ông tìm đến thi tú tài và tốt nghiệp cử nhân. Sau khi thi đậu Anh văn ở Hội Việt Mỹ, ông tu nghiệp âm nhạc ở Hawaii và Bloomington (Mỹ). Tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó, về Việt Nam, ông vẫn quay trở về với Huế của mình chứ không ở Sài Gòn. Huế vốn là nơi ông từng là giáo sư âm nhạc ở trường Hàm Nghi, Quốc học và trường sư phạm tiểu học. Khi ấy, ông mới ngoài 30 tuổi; chạy xe máy Zunndapp của Đức nổ bịch bịch, vang cả sân trường vốn yên tĩnh. Tu nghiệp về, ông được bổ nhiệm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Ở Huế, ông có núi Ngự, có sông Hương, con sông mà có lần ông chia sẻ với một học trò khi nghe hỏi nghịch ngợm trên con đò Thừa Phủ: “Thưa thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?”. “Đối với tôi, sông Tương là sông Hương”.
“Ai về sông Tương” của ông làm năm 1949 với cung La trưởng, uyển chuyển tha thướt như tà áo dài tím Huế mà có lẽ thanh niên nam nữ Việt cả nước thập niên 1950-1960 không ai không biết với lời nhạc ngay từ đầu đã vang lên mượt mà:
“Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương…”.
Sáng tác xong, nhạc sĩ chép một bản gởi ra đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á ở Hà Nội. Chỉ vài hôm sau, nhạc phẩm này vang lên tha thiết trên đài Pháp Á Hà Nội qua giọng ca của nhạc sĩ-ca sĩ Mạnh Phát. Ngay lập tức, rúng động tơ lòng cả nước. “Ai về sông Tương” lập kỷ lục tái bản thời đó với sáu lần in thêm chỉ trong tháng đầu tiên; được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc Việt hay nhất năm 1949.
Nhạc sĩ Lê Dinh kể:
“Trong những thập niên 1940, 1950, ở Huế ai ai cũng biết ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế (xin đừng lẫn lộn với nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ở Sài Gòn do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít oi của thời đó. Là nhạc sĩ, đương nhiên Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.
Nghe vậy hay vậy, không cần phải trả lời. Nhạc sĩ Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài “Ai Về sông Tương”, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó.
(…) Sau nhiều lần được nghe bài “Ai Về Sông Tương” quá hay trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài “Ai về sông Tương” là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai.
Rồi một hôm có hai người bạn trẻ của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà Văn Giảng chơi và thấy bản thảo bài “Ai Về Sông Tương” với tuồng chữ và lối chép nhạc của nhạc sĩ Văn Giảng trong xấp nhạc trên bàn viết nên nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một ca khúc với thể điệu Blues tha thướt trong tay để mà ngân nga cho đỡ thương đỡ nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó”.
Nói cho ngay, tình khúc để đời này không vô tình xuất hiện đâu. Mười năm sau, 1959, ông kể với học trò Hàm Nghi của mình:
Thời trai trẻ, ông ở Thành nội và yêu một cô gái ở Kim Long, vùng đất “có gái mỹ miều – Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”. Duyên không thành vì gia đình nho phong của nàng không thiện cảm với nghệ sĩ âm nhạc, xướng ca… Một hôm, chàng đi xem xinê ở rạp Tân Tân, gần cầu Trường Tiền, bất ngờ hàng ghế trước có một cô bé tóc dài vóc dáng, mùi hương tóc thoang thoảng mùi hoa ngâu, gợi nhớ cô bạn Kim Long xưa. Chàng bỏ suất chiếu, đạp chiếc xe đạp Dura Mercier dọc bờ sông Hương về nhà ở Thành Nội. Dòng sông Hương như dòng sông Tương trong bài thơ “Trường tương tư” chàng vốn thuộc lòng: “Quân tại Tương giang đầu – Thiếp tại Tương giang vĩ…” (Anh ở đầu sông Tương – Em ở cuối sông Tương…). Về tới nhà, nhạc phẩm “Ai về sông Tương’ được chàng viết xong chỉ trong mười lăm phút.
Chàng nhạc sĩ Huế ấy lãng mạn đến như vậy đó.
Trước khi quyết định mua nhà khu trung tâm Ông Tạ cạnh nhà tôi, gia đình bác Giảng mướn nhà trong một con hẻm ở đường Trương Minh Ký gần đó, vùng ven Ông Tạ, vừa ở vừa dạy nhạc. Về nhà mới, bác cũng mở lớp dạy nhiều loại đàn, luyện ca và sáng tác.
Gia đình bác Giảng có ba con trai tên (gọi ở nhà) là anh Thức (tên thật là Ngô Văn Cảnh), Hùng (bằng tuổi tôi – Ngô Văn Thành), Lộc (sau tôi hai, ba tuổi – tên thật là Ngô Văn Tài); và bốn gái: chị Oanh, chị Hoa, chị Thư, chị Trang.
Cả nhà đều mộ đạo, Phật tử rất thuần thành. Tối tối, nhà bác khép cửa. Vang nhẹ ra ngoài tiếng gõ mõ tụng kinh của hai bác ở gian phòng trong, cách gian ngoài một tấm màn. Có lần, tôi lén nhìn qua cửa sắt để tìm thằng Hùng, con bác, cùng lứa chơi đùa với tôi, thấy cả nhà bác mặc áo lam Phật tử, nghiêm cẩn tụng kinh gõ mõ thỉnh chuông, nghe như hát, hay và bình yên lắm.
Nhà bác Giảng có thể nói là nề nếp, gia phong nhất xóm Đại Lợi của tôi. Hàng xóm hiếm khi nghe ai trong nhà lớn giọng. Ai cũng ăn nói nhỏ nhẻ, chậm rãi, đi lại nhẹ nhàng. Các anh chị đều chí thú học hành. Chỉ hai thằng con trai của bác cùng lứa với trẻ con trong xóm là Hùng và Lộc hay mò ra ngoài chơi đủ trò với đám trẻ con Ông Tạ xóm tôi: đánh cù, “dích” (vít) hình, tạt lon, đá dế… Đi chơi quá giờ, bác Giảng trai vốn gương mặt hồng hào, khi giận càng hồng hơn. Nhưng cũng chỉ nghiêm mặt, nghiêm giọng gọi về. Chị Thư học Y, sắp ra trường và lấy chồng mà có lỗi vẫn bị bác Giảng trai bắt quỳ trước cửa. Tôi he hé nhìn sang thấy chị răm rắp tuân theo, đầu cúi, mắt rân rấn nước. Sau 1975, chị Thư ra trường, là bác sĩ, mở phòng mạch ở nhà. Chị Oanh xuất gia đầu Phật, làm ni. Anh Thức chả hề bi da, cà phê cà pháo, tán láo như nhiều đám trai trong xóm…
Bác Giảng gái nhỏ thó, gương mặt hiền ơi là hiền, hay cười và cười rất lành, trang nhã. Khi nào bác trai nghiêm mặt, lớn giọng xíu là lo lo cho con, nói khe khẽ với hai con trai: “Về nhanh, ba giận”. Vậy thôi. Có lần nghe bác Giảng hơi lớn tiếng một chút, mẹ tôi bảo chúng tôi nho nhỏ: “Chúng mày chơi vừa thôi. Đừng có mà rủ rê thằng Hùng, thằng Lộc hư hỏng đầu đường xó chợ như chúng mày”.
Khi ở đây, tôi thấy bác đi làm, về nhà rất đúng giờ. Về hơn một năm, một lần, thấy bác vắng nhà khá lâu, hàng xóm hơi lạ. Mãi về sau mới biết bác là chỉ huy Đoàn Văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa với cả trăm nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ (ban Vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban Vũ cổ truyền Đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế EXPO 70 tại Osaka, Nhật).
Tôi chơi thân với Hùng do bằng tuổi tôi, chân chất, cũng suyễn như tôi mà nặng hơn. Có lúc uống thuốc gì đó, cả người nó phù lên; bấm vô tay chân, da thịt nó lõm vô một hồi mới trồi ra lại. Lộc kém tuổi tôi, hơi láu cá, chơi bắn bi, đánh cù… mà không cảnh giác là nó… qua mắt. Chơi với nó, đố đứa nào ăn gian được.
Bà con trong xóm ai cũng biết bác là tác giả bài “Hoa cài mái tóc” rôm rả cả miền Nam lúc ấy: “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc – Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình…”. Và chỉ biết vậy chứ nhà bác chẳng bao giờ nói đến. Ai khen, hai bác chỉ cười nhẹ, mắt nheo nheo gật đầu cảm ơn.
Khi bác đã về ở Ông Tạ và tuy có chức có danh nhưng kinh tế gia đình có vẻ eo hẹp. Mua nhà xong, cơ bản căn nhà một trệt một gác gỗ cũ cũng không sửa sang gì mấy, nhỏ bé và lọt thỏm trong xóm. Vô nhà bác chơi, tôi thấy đồ đạc không có gì nhiều, quý giá nhất có lẽ là chiếc tủ gỗ đặt bên một cạnh tường nhà, trên là bàn thờ Phật.
Ngôi nhà hơi hẹp, chủ cũ xây chung tường với nhà tôi. Bác về đây vài tháng, năm 1969 đúng lúc nhà tôi đập bỏ ngôi nhà ngói Tây, một trệt một gác gỗ cũ để xây nhà bê tông; bỏ tường chung, xây một tường riêng mới. Nhà tôi xây xong, bác sang bảo với ba tôi, rụt rè xin đập tường chung, nhờ tường mới của nhà tôi. Nhà tôi vốn chiều ngang ban đầu gần năm mét, hai nhà hai bên, trong đó có nhà bác chỉ chừng hơn hai mét rưỡi. Ba tôi vốn quý bác, gật đầu liền. Thế là nhà bác rộng thêm hai tấc (20 cm). Tờ giấy cam đoan viết tay xin nhờ tường này của bác hiện tôi vẫn còn giữ.
Cảnh nhà bác thanh bạch. Khu Ông Tạ vốn buôn bán sầm uất, nhà ai cũng mở cửa tiệm buôn bán nhưng bác chỉ chuyên tâm dạy nhạc cho nhà nước, lương ba cọc ba đồng. Sau giờ làm nhà việc, về nhà, tối bác dạy nhạc, treo tấm bảng nhỏ xíu, vài học trò, thu nhập thêm chắc cũng chẳng bao nhiêu. Cũng có người tiếc nhà bác mặt tiền, không buôn bán uổng. Bác chỉ gật gật đầu, nheo nheo mắt cười vui.
Vậy nên khi bác viết trong “Hoa cài mái tóc”, với câu “Tình mình nghèo người đời khen chê – Ta thương nhau giữ trọn tình quê”, là viết thật đó, dù trước đó, khi rời Huế vô Đô thành Sài Gòn, hẳn gia đình cũng ít nhiều hy vọng: “Về Thành đô anh mua áo cưới – Ta thương nhau xây dựng ngày mai”.
Nhưng cả nhà không bao giờ than thở, cứ thanh bần vậy mà sạch. Một hôm, nhạc sĩ nổi tiếng Châu Kỳ, cũng người Huế, hơn bác một tuổi ghé chơi, cám cảnh, bày cho bác cách… kiếm tiền ở Sài Gòn: sáng tác những ca khúc đáp ứng thị hiếu đa số khán giả bình thường. Gu dân Sài Gòn vốn không phức tạp. Thế là “Hoa cài mái tóc”, “Tình em biển rộng sông dài”, “Thư người chiến binh”, “Có thế thôi”… ra mắt. Nhạc của một nhạc sĩ Huế vang khắp hang cùng ngõ hẻm, ấn hành hàng vạn bản. Tên tuổi Thông Đạt ai ai cũng biết. Hai ca sĩ Ông Tạ là Giang Tử, Duy Khánh lúc ấy cũng hát vang trên đài, trên sân khấu. Sau này, một ca sĩ Ông Tạ khác là Đàm Vĩnh Hưng cũng thể hiện nhạc phẩm này khá sôi động.
Riêng đám trẻ con trong xóm thì lén gào lên: “Mẹ Việt Nam mắt lồi mắt toét…”. Có lần nghe tôi gào lên như vậy, ba tôi trừng mắt, giơ roi. Bác nghe, chỉ cười đôn hậu, có vẻ… vui vui. Hẳn bác biết trẻ con là vậy. Chả là hồi làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường sư phạm tiểu học, bác từng sáng tác, in cả một tập nhạc thiếu nhi tên “Hát mà học” với mười ca khúc: “Đến trường”, “Chơi ná”, “Chê trò xấu nết”, “Mèo chuột”, “Tham mồi”, “Gương sáng Lê Lai”, “Quang Trung hùng ca”, “Trăng Trung thu”, “Chúc xuân” và “Tạm biệt” .
Hai bác vốn yêu trẻ con, không bao giờ gọi trẻ con là thằng này đứa nọ. Có lần cúng xong, bác đứng ở cửa nhà mình, vẫy tay gọi tôi: “Công ơi, lại đây…” và cho tôi mấy trái chuối ngự cau Huế, trái nhỏ đều, ngọt và rất thơm, vỏ vàng xanh rất đẹp. Chắc ai đó từ Huế gởi vô biếu bác.
Cả nhà bác Huế lắm và chắc chắn yêu Huế vô cùng, tận cùng thuần thành với Phật và vô cùng lãng mạn với nhạc. Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Văn Giảng đã tập hòa nhạc với các bạn Huế của mình, sau này đều là các nhạc sĩ nổi tiếng: Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc. 20 tuổi, chàng trai ấy cùng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng và phát triển nền Phật nhạc tại Huế. Lớn lao như vậy mà sau 1975, khi biết tôi có vài bài thơ thiếu nhi đăng báo, bác khuyến khích: “Công giỏi quá. Hồi bằng tuổi Công, bác không được như vậy đâu”. Bác Giảng của xóm tôi như vậy đó, nghệ sĩ lớn một cách sang trọng, rất Huế.
Bác sang trọng, nghệ sĩ từ máu thịt khi nhà bác vốn dòng dõi trung lưu, có truyền thống về âm nhạc tại Huế. Ông nội của bác là một nhạc sĩ cổ nhạc. Từ nhỏ, cậu bé Văn Giảng đã mê nhạc, tập chơi mandolin, guitar… Có lần, vô nhà bác, tôi thấy có cả khung đàn tranh của các chị…
Tuy nhiên, nhận xét của ông Tăng Duyệt: “Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi” không phải không có sự thực khi phần lớn những nhạc phẩm ban đầu của ông thuộc thể loại hùng ca như “Thúc quân” (1949), “Đêm Mê Linh” (1951), “Quân hành ca” (1951)… Riêng bài “Lục quân Việt Nam” (1950) thì lính tráng thời Quốc gia Việt Nam lẫn Việt Nam Cộng Hòa không ai không thuộc nhạc phẩm rộn rã này, ít nhất là lời mở đầu:
“Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang,
Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan tài.
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…”.
Thời thanh niên ai chẳng sôi nổi nên cũng không lạ, dù tâm tính, cõi lòng của vị nhạc sĩ uyên thâm Phật học này thật sự thuộc về nhà Phật. Biệt danh của ông cũng thể hiện điều này, như Thông Đạt từ việc ghép pháp danh Nguyên Thông của bác và Tâm Đạt của bác gái. Nhạc phẩm “Mừng ngày Đản Sanh” của bác đến giờ vẫn là ca khúc chính thức cho lễ Phật đản Việt Nam.
Lãng mạn, tình cảm, đạo pháp nên gia đình bác sống hiền hòa, nhẫn nhịn. Sau 1975, bác mang bỏ trước cửa hàng chục khuôn in nhạc của bác, đúc chì gắn trên đế gỗ dày gần chục phân (cm). Có cả bản in “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”… Tôi tiếc, lén ra ôm về nhà giấu trong gầm cầu thang. Sau phường soát văn hóa phẩm đồi trụy, tàn dư chế độ cũ dữ quá, ba tôi sợ, mang ra chẻ củi (giờ mà còn, hẳn nhiều người chèo kéo mua lại chứ chẳng chơi).
Sau 1975, gia đình bác càng im lặng. Giữa những tiếng đọc kinh tối của xóm đạo Ông Tạ, tiếng tụng kinh gõ mõ nhẹ như ru của gia đình bác vẫn thoảng nhẹ, êm ả hàng đêm. Chỉ hai thằng con trai cuối của bác là Hùng với Lộc là đi sinh hoạt thiếu nhi với tôi. Bốn, năm giờ sáng, đám trẻ con khu tôi réo từng nhà “Hùng ơi, Lộc ơi, tập thể dục…”. Bác gái xịch cửa sắt cho con ra, cười vui với đám trẻ.
Các anh chị vẫn học hành bình thường, có chị học Y, quen một anh cùng trường. Thỉnh thoảng anh ấy ghé nhà, xem ra cũng hiền lành, chơn chất.
Năm 1980, Hùng vào một trường cao đẳng. Học đâu chưa xong năm nhất, bỗng một hôm, cả xóm không thấy bác trai và Hùng đâu. Mẹ tôi bảo: “Khéo bác ấy đi vượt biên”. Thời buổi ấy, vượt biên không phải là chuyện lạ và từ kính trọng của hàng xóm với gia đình bác, không ai nói gì.
Vài năm sau, bác bảo lãnh bác gái và các anh chị đi Úc. Riêng cô chị là ni sư một chùa nào đó ở Sài Gòn mà tôi không rõ ở lại thì được nhà nước giải quyết cho ở ngôi nhà ấy với tư cách thuê của nhà nước. Thỉnh thoảng gia đình bên Úc gởi quà về cho cô con gái là ni sư này. Trong đó, bác nói con gái mang sang biếu mẹ tôi vài chai dầu xanh Con Ó.
Có một chị họ hàng với một quan chức trong thành phố biết chuyện, hồi năm 2000, 2001 gì đó tôi không nhớ, bảo tôi: “Anh Công xin sang lại hợp đồng thuê nhà ấy đi, rồi từ từ, tụi em sẽ đề nghị hóa giá nhà cho anh”. Mẹ tôi bảo: “Nhà bác Giảng, ai muốn sang thì sang; nhà mình với nhà bác xóm giềng với nhau, không được làm vậy”.
Khi định cư ở Úc, bác vẫn dạy nhạc và sáng tác như hồi ở cạnh nhà tôi, chủ yếu Phật nhạc. Hai vợ chồng yêu thương nhau cả đời. Bác Giảng mất ngày 9 Tháng Năm 2013 ở thành phố Footscray, bang Victoria, Úc. Tám ngày sau, 17 Tháng Năm 2013, bác Giảng gái đau tim sau khi rải cốt tro bác trai trên biển, đưa vào bệnh viện thì mất. Tro cốt bác gái cũng được rải xuống biển. Tình của hai bác hệt như lời nhạc bác viết: “Tình em biển rộng sông dài”.
Chỉ buồn một điều, có lẽ cũng là tâm nguyện của hai bác: giá mà tro cốt hai bác được hòa vô dòng sông Hương quê nhà, lững lờ chảy êm đềm bên chùa Từ Đàm quê xưa của bác…
“Ai có về bên bến sông Tương – Nhắn người duyên dáng tôi thương – Bao ngày ôm mối tơ vương…”.