Hương ước, lệ làng là những di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Các công trình nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ nhiều giá trị truyền thống không thể phủ nhận của hương ước, lệ làng. Nhiều truyền thống tốt đẹp thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc, giúp cho con người Việt Nam vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, của đấu tranh xã hội đều có cội nguồn từ những nếp sống, nếp tốt đẹp do hương ước, lệ làng góp phần tạo dựng nên. Mặt khác, việc đặt ra hương ước, lệ làng cũng góp phần đẩy lùi những hủ tục xuất phát trừ trong nếp sống, nếp nghĩ của con người trong xã hội, nhằm nuôi dưỡng và phát triển thuần phong, mỹ tục.
Người Việt Nam trong cộng đồng dân cư xưa ở nông thôn rất có ý thức trong việc sử dụng hương ước để bài trừ thói hư tật xấu của con người, để khuyến khích, cổ vũ mọi người trong việc điều chỉnh hành vi nhằm hoàn thiện nhân cách, nâng cao phẩm giá. Đây cũng là một đặc điểm hiếm thấy ở các dân tộc khác, các nước khác.Ý thức dùng hương ước để cải biến đồi phong bại tục và phát triển thuần phong mỹ tục thường được nêu rõ ràng ở phần đầu của hương ước. Nhà nghiên cứu Lê Đức Tiết đã tập hợp nhiều hương ước ở một số làng xưa ở miền Bắc để phổ biến trong sách “Về hương ước, lệ làng” (1998), xin được trích lược một vài nội dung.
Hương ước làng Hào Nam Hà Nội ghi: “Khoán ước của làng lưu truyền từ cổ hoặc chỉ truyền miệng mà không có minh văn, hoặc có minh văn mà không hợp thời thế, bởi vậy cần nên cải lương, suy xét hiện tình thời nay, so sánh khoán lệ thuở trước, điều nào hại thì đổi, điều nào lợi thì theo, mục đích là làm cho gia tộc được thịnh giàu mà dân làng có trật tự, sau sẽ theo trình độ tiến hóa mà cải bổ thêm”.
Lệ làng của làng Bát Tràng cũng có đoạn viết: “Lệ làng-lệ truyền khẩu hay lệ đã biên ra, xưa nay đã thi hành trong dân ta, nhất thiết không hợp thời cả cho nên chúng ta phải sửa đổi lại lệ ấy để hợp với những sự cần trong đời này hơn, chúng ta đổi những gì có hại mà giữ những điều có lợi, để cho trong họ được thịnh vượng, trong làng được ổn định, lệ làng sau còn có thể sửa lại nữa, tùy trình độ tiến hóa của dân và theo lệnh của quan trên.”
Lời tục lệ của làng Thiệu Kỳ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) được soạn năm 1844 ghi: “Từ trước thôn ta là đất văn hiến. Tương truyền rằng thời Trần có Thượng thư họ Đỗ; thời Lê có Tiến sĩ họ Lê . Tiếp nối khoa cử, đời nào cũng có.Tục lệ xưa nay vốn đã thành nếp. Nay bổ sung cho đầy đủ thêm, thiết tưởng cũng là điều có ích. Nay nhà nước có chủ trương chấn hưng tục lệ. Thôn ta vốn là nơi văn vật, gặp lúc vận may. Xây dựng một bản điều ước tốt đẹp cho dân làng há không phải là việc nên làm hay sao? Sưu tầm điều ước cũ, thể tất nhân tình, chọn lọc những gì còn thích hợp cho thời nay. Sau này sẽ có người góp thêm những gì thấy cần thiết. Dưới đây là những điều cụ thể …”
Có thể nói rằng thông qua các điều quy định của hương ước để cải hóa phong tục, tập quán trong nông thôn quả là một sáng tạo, một biện pháp rất hữu hiệu để hoàn thiện nhân cách. Đây là việc làm rất độc đáo của dân tộc Việt Nam. Các quy phạm của hương ước là những quy phạm của dân, do dân cùng quy ước với nhau mà làm. Nó mang đầy đủ tính tự giác, tự nguyện trong chấp hành. Nếu là pháp luật của nhà nước thì yếu tố “cưỡng chế” của điều luật nổi cộm hơn là sự tự nguyện. Quy phạm của hương ước phản ánh đầy đủ đặc tính của địa phương nên nó không quá xa lạ đối với người dân. Các quy phạm của hương ước tuy mang tính tự nguyện nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tính cưỡng chế nên nó mạnh hơn nhiều lần những quy tắc về đạo đức.
Quy phạm của hương ước Việt Nam về khuyến khích, nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục bao gồm nhiều nội dung về phong cách sống, lối sống của con người hình thành trong các chữ : hòa, hiếu, lễ, nghĩa, trung, tín, cần, kiệm, liêm, chính … được thể hiện qua một số phong tục như cưới hỏi, ma chay, giao lưu, ứng xử trong cộng đồng như con cái với cha mẹ, ông bà, vợ chồng, học trò với thầy, trẻ con với người lớn, người dân với quan chức, hàng xóm láng giềng với nhau…
Bên cạnh việc duy trì thuần phong mỹ tục, hương ước lệ làng cũng góp phần nâng cao dân trí, khuyến khích việc học. Điều này đã được thể hiện trong các hương ước ở một số làng ở miền Bắc. Hương ước làng Thọ Đa, tổng Hải Bối, (huyện Đông Anh Hà Nội ngày nay) quy định trích từ ruộng công của làng một mẫu, bảy sào mười thước làm học điền để cấp lương cho thầy giáo dạy học cho trẻ em trong làng.
Hương ước làng Nội Châu (Hà Nội) quy định lấy 4 mẫu ruộng công làm học điền. Hương ước làng Tây Mỗ, huyện Từ Liêm khẳng định: “Từ thượng cổ, làng có đặt Giải điền. Ai đỗ tiến sĩ thì làng biếu…Nay quy định để giữ lấy mỹ tục ấy”.
Theo các hương ước cổ , ruộng đất quân điền cấp cho mỗi dân đinh thường là không quá 3-5 sào. Nhưng làng đã dành ra hàng mẫu cho học điền quả là một cố gắng lớn. Chỉ với tinh thần quan điểm coi trọng việc mở mang dân trí, nên dân làng mới đồng lòng làm được như vậy.
Các hương ước không dừng lại ở việc dành ruộng làm học điền mà còn trích tiền công để giúp đỡ học sinh nghèo để làm phần thưởng cho những người đỗ đạt nữa. Điều 38 hương ước làng Nghi Tàm quy định: ”Đệ niên hương hội nên tùy theo tình hình tài chánh của làng mà dự định một số tiền để khuyến khích việc học, một phần để trợ cấp tiền giấy bút cho học sinh nghèo, một phần để mua sách vở phát phần thưởng cho những trò tấn tới, hương hội sẽ trích tiền công mua các sách cần dùng cho các học sinh nghèo mượn. Khi học xong thời trả lại làm của công. Người nào làm hư hỏng, đánh mất thời bố mẹ phải mua đền”.
Cùng với việc xác định trách nhiệm của cộng đồng, các hương ước đều quy định trách nhiệm của gia đình đối với việc học hành của con em. Các hương ước đều khẳng định: “Dạy trẻ con có học thức là nghĩa vụ của người làm phụ huynh, không ai được từ chối”. Hầu hết các hương ước đều quy định trẻ con từ 8 tuổi đều phải đi học. Có nơi quy định 7 tuổi (hương ước làng Nghi Tàm). Có nơi quy định 6 tuổi (hương ước xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thôn Yên Trai, xã Vân Canh, huyện Từ Liêm).
Kính trọng thầy giáo là một nghĩa vụ của học sinh, của cha mẹ học sinh rất được các gia đình người Việt chăm lo giữ gìn. Nhân dân thường truyền tụng câu nói mang tính phong tục, là một mỹ tục tốt đẹp rằng: “Mồng một cho cha, mồng hai cho mẹ, mồng ba cho thầy”. Mọi người Việt trong dịp Tết đến Xuân về thường dành thời giờ thăm viếng lẫn nhau.
Bên cạnh việc khuyến khích mở mang dân trí, các hương ước cổ còn có những quy định nhằm khuyến khích lòng hăng hái lập công, làm điều có ích cho xã hội. Hương ước làng Tây Mỗ có điều quy định sau:” Sẽ lập một cái bia bằng đá để ghi chép tên tuổi và công nghiệp của những hạng người này:
– Có công to với làng về đường tinh thần (như làm cho trí thức làng tăng lên), hoặc về đường vật chất (như là giúp tiền của cho dân làng làm những việc to tát).
– Sinh được kỹ nghệ mới, có ích cho sự sinh kế của dân làng.
– Giữ được sự ổn định cho dân làng trong trường hợp nghiêm trọng như xảy nhiều trộm cướp.
– Chu cấp cho dân vào những năm đói kém.
– Các quan tỉnh trở lên, các ông đỗ tiến sĩ trở lên…”
Có thể nói rằng những giá trị tích cực của hương ước, lệ làng xưa là không thể phủ nhận. Do đó, đã đến lúc cần phải khôi phục lại bài học của cha ông là huy động xã hội phải có trách nhiệm tích cực tham gia phòng chống các hiện tượng tiêu cực, những hành vi không chuẩn mực trong mỗi gia đình; đồng thời khuyến khích địa phương tăng cường xiển dương việc học, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lễ nghĩa và có biện pháp để chấn chỉnh về những sai phạm xảy ra trong làng, trong xã, có như vậy thì xã hội mới có thể hạn chế các hiện tượng tiêu cực một cách chủ động nhất, nếu không theo con đường này thì dù thêm biên chế của các cơ quan nhiều hơn bao nhiêu đi nữa cũng không thể làm được việc một cách hiệu quả.