Tiến sĩ để làm gì? Câu hỏi nghe chừng thừa thãi. Nhưng là câu hỏi thường gặp dành cho những ai đang dợm bước vào con đường “kiếm bằng Tiến sĩ”.

Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư thật, giả, rởm… lâu nay không biết đã làm truyền thông tốn bao giấy mực. Từ Đề án TS lộ trình đến 2020 để bổ sung số lượng hiện có trên 02 vạn của ngành GD&ĐT, đến dự án “TS hóa cán bộ quản lí cấp quận, cấp thành phố” của Hà Nội từng gây bão dư luận.

Tiến sĩ để làm gì?

Câu hỏi nghe chừng thừa thãi. Nhưng là câu hỏi thường gặp dành cho những ai đang dợm bước vào con đường “kiếm bằng TS”.

Ở những nơi đó người ta khó chấp nhận câu trả lời: Để có thêm trọng lượng vào vị trí Vụ trưởng/ Thứ trưởng/Bộ trưởng.

Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu rất ngạc nhiên khi liên tục được giới thiệu quan khách đứng cạnh mình kèm chức danh GS, TS.

Một lần, anh bạn đồng nghiệp ngoại quốc hỏi tôi về ông Bộ trưởng (nay đã hưu), khi anh đọc báo tiếng Việt: “Này vị Bộ trưởng X là GS về chuyên ngành gì mà tác giả bài viết không ghi rõ nhỉ?”.

Tôi trả lời người ta viết thế cho gọn. Thói quen mà. Anh bạn trố mắt. Bộ trưởng là chính khách, sao lại phải giới thiệu chức danh GS? GS phải công tác ở trường ĐH chứ. Không dạy nữa sao vẫn gọi GS?

Thông lệ ở các nước phát triển, học vị Tiến sĩ trước hết dành cho những người muốn làm giảng viên, nghiên cứu viên (điều kiện cần cho những nghề này). Rồi từ đó sẽ phấn đấu hàm Phó GS, GS theo năng lực và nhất là theo nhu cầu của bộ môn, của nhà trường.

Không ít người Việt chúng ta có cơ hội sang nước ngoài làm việc. Công việc thì vẫn trôi chảy. Nhưng do tư duy bằng cấp ám ảnh nên đã tạm nghỉ làm, đi học TS. Sau khi có bằng TS, trở lại cơ quan cũ, hí hửng sẽ có vị trí cao hơn, nhận lương cao hơn. Gặp lại sếp tay bắt mặt mừng. Sau một hồi trao đổi đã nhận được câu trả lời rất lịch sự: Rất tiếc ở đây chưa có nhu cầu tuyển… TS.

Mấy anh bạn tôi cứ ngẩn ngơ tiếc, biết vậy… Tự dưng để tuột mất một chỗ làm ngon lành.

Xin lỗi tôi chưa có/không có bằng tiến sĩ

Ông bạn thân, cùng dạy ĐH với tôi, khá nổi tiếng trong “làng tiếng Anh”. Hưu rồi nhưng thường xuyên được Bộ GD&ĐT mời tham gia làm chương trình này, dự án kia.

Tại một hội nghị của Bộ, anh được mời tham luận. Người phụ trách chương trình nghị sự giới thiệu anh là TS và một số chức danh khác. Lên bục, anh thưa toàn hội nghị rằng vừa nãy có sự nhầm lẫn. Tôi chưa có TS, và chắc không bao giờ có t-s-xờ. Hội trường vỗ tay.

Anh bạn tôi không có TS, nên không thể là Phó Giáo sư hay Giáo sư. Nhưng bằng năng lực thật và những đóng góp chuyên môn nên rất được quí mến, coi trọng. Trong khi nhiều TS, Phó GS, GS cùng ngành chẳng ai biết, vì hầu như không làm gì sau khi có bằng tiến sĩ ngoài vài bài gọi là báo viết cho một, hai tạp chí chuyên ngành mà hầu như rất ít người đọc. Không may có vài người đọc lại phát hiện quá nhiều lỗi, và không ít sự cắt dán từ bài viết/công trình của người khác mà thiên hạ gọi là đạo văn.

Nếu một ngày đẹp giời tất cả các luận văn tiến sĩ, các công trình nộp để xét phong Phó GS, GS công khai trên mạng thì chắc chắn không ít trong đó là copy và hầu hết… nằm ngủ tại các thư viện.

Hãy nghe chuyện thật như đùa về một Phó GS trẻ mới được phong năm ngoái. Khi làm danh sách giảng viên đã, đang làm sau đại học/TS ở nước ngoài (gửi sứ quán tại Hà Nội) tại cột Giới tính, vị Phó GS.TS này, thay vì chữ Femme/Homme (Nữ/Nam) lại viết Femelle/Mâle (Cái/Đực). Hy vọng lỗi này là do bàn phím máy tính trục trặc hoặc do cậu đánh máy lơ đễnh.

Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó GS, GS… lên tới cả nghìn người, học hành đàng hoàng, bằng thật, bằng đỏ mà còn không ít sạn. Huống chi…

Báo chí đã từng đưa nhiều phóng sự chuyện mua bán luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các quán nước quanh các trường ĐH… Ai là người mua và ai đi thuê viết? Có vẻ, hầu hết khách của những món hàng “đặc biệt” này là viên chức, công chức. Họ cần bằng cấp để được cất nhắc, đề bạt khi mà thời gian đi học thì không có.
Nhiều sinh viên đang học năm thứ 03, thứ 04 kiếm tiền bằng cách viết luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ thuê.

Từ coi trọng lí lịch đến coi trọng bằng cấp lệch lạc trong tuyển dụng, trong công tác cán bộ mà dẫn đến tình trạng trên trong lúc năng lực thật có vẻ vẫn bị coi là thứ yếu. Nên mới có chuyện tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, có vị đại biểu của dân đã thẳng thắn: Nếu cứ duy trì cách tuyển dụng như hiện nay thì ông Bill Gates sang Việt Nam thi tuyển viên chức, sẽ trượt ngay vòng đầu là… chuyện thường.

Giang Sơn

VNN