Mấy ngày qua trong một quán ăn ở Little Saigon tôi có dịp gặp vài người bạn từ Việt Nam qua, trong khi trò chuyện, một câu hỏi được nêu lên: Tại Sài Gòn hiện nay có bao nhiêu tờ tạp chí văn chương?
Bàn ăn có đâu năm sáu người, hầu như tất cả đều lắc đầu, và nhìn nhau lắc đầu. Những người có mặt không ai dưới 50 tuổi, nghĩa là khi biến cố Tháng Tư, 1975, xảy ra, họ đều đã biết đọc, biết viết, sách hay báo.
Một sạp báo trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Trong số này có người hỏi lại tôi lần gần nhất về thăm Việt Nam là lúc nào. Câu trả lời là tôi chưa từng có dịp về thăm đất nước từ khi ra đi, nghĩa là tôi không từng thấy một nhà sách một sạp báo nào ở Việt Nam sau 1975.
Báo Sài Gòn Mới có số lượng phát hành lớn trước năm 1975 |
Nhiều người cười. Anh có về cũng không thể nhìn thấy. Làm gì có nhà sách sạp báo nào sau 1975 tương tự như xưa để mà nhìn thấy. Nhất là Sài Gòn từng có những tòa cao ốc ba bốn tầng ở trung tâm thành phố là một nhà sách; như nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, nhà sách to lớn và nhiều sách báo ngoại ngữ như nhà Xuân Thu trên đường Catinat.
Không hề có cái cảnh người ta quây quần quanh một sạp báo còn nóng hổi báo chí trong ngày như xưa. Những tờ báo treo xung quanh ngay trang bìa hay trang nhất, không tin nào giống tin nào, không hình nào giống hình nào.
Người viết bài này từng biết sau khi một tờ báo trong ngày vừa phát hành, những áng văn hay những bài thơ tân kỳ được các độc giả kể cho nhau là vừa đọc thấy trên Mùa Lúa Mới, vừa đọc thấy trên Chỉ Đạo, vừa đọc thấy trên Tự Do, Ngôn Luận, Tiếng Chuông hay Nhân Loại.
Viết tới đây, chính người viết bài này thấy mình đang trở về cảnh cũ.
Năm 1957 theo tài liệu của tờ Chỉ Đạo (báo quân đội) số Xuân Đinh Dậu, giới công quyền đã có khoảng 200 loại tập san báo chí thông tin khác nhau. Dân sự thì tới con số không kiểm soát nổi.
Hình ảnh nhiều người đã thấy là thường vào buổi trưa, trong vùng chợ Bến Thành, nhà ga cũ xe lửa Sài Gòn, bên kia bùng binh là hai con phố lớn, một dẫn ra bờ sông, một dẫn lên thẳng Nhà Hát Lớn, nhiều xe xích lô đậu quanh chờ khách, nhiều ông già hay mấy người đứng tuổi, ngồi nằm hay nửa ngồi nửa nằm trên nệm chiếc xích lô bọc vải trắng toát, hoặc đang đọc nhật trình, hoặc dùng tờ báo mở rộng cả hai trang đắp tạm lên mình như một chiếc mền, ngủ trưa.
Báo Trắng Đen từng nổi đình đám với loạt bài Công chúa Bocasa nước Trung Phi |
Dân lao động miền Nam Việt Nam đọc báo mỗi ngày là sự việc đã được ghi chép, nói đến từ gần một thế kỷ qua. Người ta đọc báo giữa ngày giữa trưa ngoài phố, trong khoảng thời gian tạm nghỉ.
Báo chí miền Nam trên đường phố như thế có thể hiểu là vừa đúng trên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở một khía cạnh khác, báo chí xuống đường rêu rao là ngày ký giả đi ăn mày như đã xảy ra một thuở là một chuyện cũng nên nhắc lại.
Từ tranh đấu bằng ngòi bút lại bỏ bút đi cầm gậy trên đường phố, một vài cá nhân đã làm như thế (đã nói đến báo chí trên đường phố thì nhân đây nhắc lại mà thôi), đúng ra là người làm báo vô tư không đảng phái chính trị không nên gia nhập cuộc biểu tình nào dù nó bất ngờ xảy ra trước mắt.
Báo dành cho thiếu nhi trước năm 1975 |
Trong tổ chức tòa soạn của một tờ báo, nhất là báo hằng ngày rồi đến báo tuần, có những phần vụ nổi bật, một là chủ bút và biên tập viên, hai là thư ký tòa soạn và phóng viên. Bốn phần vụ này tùy theo từng tờ báo và từng loại báo mà thành hình.
Nếu là báo lớn ra nhiều trang, tờ báo có nhiều biên tập viên và nhiều phóng viên, người ta có thể có tổng thư ký tòa soạn và vài thư ký tòa soạn (mỗi thư ký tòa soạn phụ trách bốn trang chẳng hạn). Một thời nhật báo Sài Gòn có ít nhất tám trang, ngoài một vị chủ bút, tờ báo có thư ký tòa soạn coi bốn trang ngoài và thư ký tòa soạn coi bốn trang trong.
Bốn trang ngoài nghiêng về thời sự, các trang trong nhằm vào việc giải trí, trang ngoài tin tức phải nhanh và chính xác, càng khác các đồng nghiệp càng tốt, trang trong phải hấp dẫn để giữ độc giả nhưng không có công thức chung nào để một tờ báo đạt được điều ấy: Những tờ báo bán chạy, thành công đều có những đặc điểm riêng và bí quyết của riêng họ. Đó lại là chuyện khác của báo chí Sài Gòn trước 1975.
Một vài tên tuổi quen thuộc trong làng báo Sài Gòn cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970:
– Báo Nam: Tiếng Chuông, Tia Sáng, Lê Xuyên, Ngô Tỵ, Quốc Phượng, Hồ Văn Đồng…
– Báo Bắc: Dân Chủ, Tiếng Vang, Tiền Tuyến, Vũ Ngọc Các, Quốc Phong, Từ Chung, Thái Lân, Hà Thượng Nhân, Ký giả Lô Răng…
– Báo tuần: Phụ Nữ Diễn Đàn, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Thẩm Mỹ, Phụ Nữ Mới…
– Báo ngày: Đuốc Nhà Nam, Ngôn Luận, Chính Luận…
Báo chí nhiều và đa dạng, có đến ít ra là hai tổ chức quy tụ đông đảo các ký giả: Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam và Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt.
Theo tongphuochiep